Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể về cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho người dân nhưng vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức như tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi, tình trạng người dân thiếu I-ốt, sắt, kẽm, vitamin A… Sức khỏe và sự phát triển toàn diện của người dân sẽ khó có thể đạt được như mong muốn nếu vi chất dinh dưỡng không được quan tâm đúng mức.
“Nạn đói tiềm ẩn”
Vi chất dinh dưỡng có vai trò quan trọng trong việc tham gia xây dựng các mô, tế bào, hệ thống miễn dịch của cơ thể và tham gia vào các hoạt động như hô hấp, chuyển hóa, bài tiết của tế bào cùng nhiều hoạt động khác của các cơ quan trong cơ thể. Vi chất dinh dưỡng còn tham gia duy trì sự cân bằng của hệ thống nội môi, giúp phục hồi các tế bào, các mô bị tổn thương và là thành phần chủ yếu để cơ thể sản xuất các enzyme, hormone và những chất cần thiết khác cho sự tăng trưởng và phát triển của cơ thể.
Thiếu vi chất dinh dưỡng được xem là “nạn đói tiềm ẩn” ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi đồng thời là nguy cơ đối với sức khỏe của trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ tuổi sinh đẻ. Theo thống kê cho thấy, hằng năm có 136.000 phụ nữ và trẻ em tử vong do thiếu máu, thiếu sắt; 45% trẻ em tử vong do thiếu dinh dưỡng. Thiếu vi chất dinh dưỡng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, trí tuệ, khả năng sinh sản và lao động của người lớn, cản trở sự tăng trưởng và phát triển toàn diện của trẻ em. Thiếu vi chất dinh dưỡng không chỉ gây ra một số bệnh đặc hiệu như bệnh khô mắt, mù lòa do thiếu vitamin A; thiếu sắt sẽ dẫn đến thiếu máu do thiếu sắt làm giảm phát triển thể chất, trí tuệ, giảm sức đề kháng của cơ thể đối với nhiễm trùng và giảm khả năng hoạt động thể lực; thiếu vitamin C sẽ dẫn đến hiện tượng sưng nướu răng, dễ chảy máu, dễ mắc bệnh; bệnh bướu cổ và đần độn do thiếu I-ốt; bệnh còi xương ở trẻ em, loãng xương ở người lớn tuổi mà còn là những yếu tố nguy cơ làm nặng thêm tình trạng nhiễm trùng và bệnh mãn tính, tác động đáng kể đến tình hình bệnh tật, tử vong và chất lượng cuộc sống.
Chia sẻ về tầm quan trọng của vi chất đối với sự phát triển và sức khỏe con người, TS. BS Phan Hướng Dương, Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho hay: “Mặc dù vi chất dinh dưỡng rất nhỏ nhưng nó quyết định sự phát triển và sinh lý, trí thông minh, phát triển của con người. Ví dụ như I-ốt là một chất rất quan trọng cho tổng hợp hooc-môn của tuyến giáp, hooc-môn của tuyến giáp đóng vai trò quan trọng trong chuyển hóa, đặc biệt là hình thành, phát triển hệ thần kinh trung ương. Nếu thiếu I-ốt thì người mẹ khi mang thai hay em bé khi sinh ra sẽ bị ảnh hưởng tới não bộ, suy giảm trí thông minh của hệ thần kinh trung ương”.
TS. BS Phan Hướng Dương Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương nhấn mạnh: “Điều mà chúng ta hay nhìn thấy thiếu I-ốt chỉ là bướu cổ, trong khi đó bướu cổ chỉ là hậu quả rất nhỏ trong tổng thể sự phát triển của con người. Ngoài ra, các vi chất khác như vitamin A, kẽm, sắt cũng hết sức quan trọng. Hiện nay không chỉ trẻ em và người lớn, thậm chí những người lớn tuổi chỉ bổ sung canxi mà quên mất bổ sung vitamin D. Bởi vitamin D rất quan trọng để chuyển hóa canxi thành xương”.
Thực trạng báo động
Theo GS.TS Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia Việt Nam đang nằm trong số 19 nước mà người dân có tình trạng thiếu I-ốt tồi tệ nhất trên thế giới. Đây là thực tế đáng báo động về tình trạng thiếu hụt I-ốt đã quay trở lại Việt Nam.
Năm 1994, Việt Nam điều tra dịch tễ học tình trạng thiếu I-ốt và kết quả cho thấy 94% dân số nằm trong vùng thiếu I-ốt (tình trạng thiếu I-ốt ở Việt Nam mang tính toàn quốc, không kể miền núi, thành thị hay vùng đồng bằng, ven biển), tỷ lệ bướu cổ trẻ em 8-12 tuổi là 22,4%, trung vị I-ốt niệu là 3,2mcg/dl. Chính vì tình hình thiếu I-ốt nghiêm trọng như vậy mà ngày 8 tháng 9 năm 1994, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 481/QĐ-TTg về việc tổ chức và vận động toàn dân ăn muối I-ốt. Năm năm sau, ngày 10 tháng 4 năm 1999, Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 19/1999/NĐ-CP về việc sản xuất và cung ứng muối I-ốt cho người ăn thay thế Quyết định số 481/QĐ-TTg. Nghị định này quy định bắt buộc muối dùng cho người ăn (muối thực phẩm) phải là muối I-ốt, vì vậy, sau 06 năm triển khai thi hành Nghị định này, Việt Nam đã thanh toán được tình trạng thiếu I-ốt và đạt được các tiêu chuẩn quốc tế vào năm 2005: Tỷ lệ bao phủ với muối I-ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh > 90%, mức trung vị I-ốt niệu > 100 mcg/l và tỷ lệ bướu cổ trẻ em 8-10 tuổi < 5%.
Chia sẻ về tình trạng thiếu vi chất I-ốt, TS.BS Phan Hướng Dương cho biết: Năm 2005, nước ta đã trở thành một trong những nước đi đầu trong công cuộc loại trừ tình trạng rối loạn do thiếu hụt I-ốt với ba chỉ số: Thứ nhất, tỉ lệ hộ gia đình sử dụng muối I-ốt phải hơn 90%, và chúng ta đạt 93%. Thứ hai, tỷ lệ mắc mới bướu cổ ở trẻ em 8-10 tuổi của Tổ chức Y tế thế giới là 5% thì chúng ta đạt 3,6%. Thứ ba, mức I-ốt niệu trung vị phải trên 100mg/lít, thì chúng ta đạt 122mg/lít. Tuy nhiên, sau năm 2005, những kết quả này đã không được duy trì do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có nguyên nhân cho rằng chúng ta đã thành công rồi nên dẫn tới hậu quả tình trạng thiếu hụt I-ốt quay trở lại Việt Nam.
Theo báo cáo đánh giá 9 năm thi hành Nghị định số 163/2005/NĐ-CP, kể từ thời điểm Chính phủ đã ban hành Nghị định số 163/2005/NĐ-CP thay thế Nghị định số 19/1999/NĐ-CP vào ngày 29 tháng 12 năm 2005, để chuyển sang cơ chế quản lý mới, Chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống các rối loạn thiếu I-ốt trở thành hoạt động thường quy của Bộ Y tế và các bộ, ngành có liên quan. Việc sử dụng muối I-ốt trong chế biến thực phẩm không còn là bắt buộc và người dân có thể sử dụng muối thường để ăn. Chính vì vậy hiện nay, theo kết quả đánh giá 09 năm thi hành Nghị định số 163/2005/NĐ-CP thì cả nước chưa đến 50% tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ bao phủ muối I-ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh (mức khuyến cáo của WHO là tỷ lệ bao phủ muối I-ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh phải đạt >90%), mức trung vị I-ốt niệu là 8,4 mcg/dl, thấp hơn khoảng an toàn theo khuyến cáo của WHO (10-19 mcg/dl); tỷ lệ bướu cổ trẻ em 8-10 tuổi là 9,8%, cao hơn mức khuyến cáo của WHO (<5%). Đây là một thực tế đáng báo động và tình trạng thiếu hụt I-ốt đã thực sự quay trở lại Việt Nam.
Theo báo cáo của Viện Dinh dưỡng quốc gia, kết quả điều tra tình trạng thiếu một số vi chất dinh dưỡng của phụ nữ và trẻ em 6-59 tháng do Viện Dinh dưỡng tiến hành năm 2014 cho thấy tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở trẻ em dưới 5 tuổi là 13,1% và tỷ lệ vitamin A trong sữa mẹ thấp vẫn ở mức 35%; tỷ lệ thiếu kẽm ở phụ nữ có thai là 82,5%, phụ nữ không có thai 60,7%, và trẻ em dưới 5 tuổi là 68,3%; tỷ lệ thiếu máu ở phụ nữ có thai là 31,9%, phụ nữ không có thai 24,4% và trẻ em dưới 5 tuổi 27,7%. Những tỷ lệ này gần như không thay đổi so với kết quả của Tổng điều tra năm 2010 của Viện Dinh dưỡng. Ngoài ra, một số vi chất dinh dưỡng khác cũng đang bị thiếu hụt như axit folic, vitamin D, vitamin B1, vitamin K..., tuy nhiên 4 vi chất dinh dưỡng I-ốt, sắt, kẽm, vitamin A đang bị thiếu hụt một cách đáng báo động tới mức ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng, cần phải có can thiệp để giải quyết vấn đề này.
Tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm là biện pháp hiệu quả nhất hiện nay
Trong thực hành phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng, ba giải pháp hiện đang được áp dụng: Giải pháp ngắn hạn là uống bổ sung trực tiếp các vi chất dinh dưỡng đang thiếu (như vitamin A, viên sắt acid folic…); Giải pháp trung hạn là tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm; Giải pháp dài hạn là cải thiện toàn diện chất lượng bữa ăn của người dân. Các biện pháp này sẽ được áp dụng trong từng giai đoạn nhất định, phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, trong đó giải pháp trung hạn tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm được xác định là biện pháp hiệu quả nhất vì đơn giản, chi phí thấp, hiệu quả cao, mà không cần phải thay đối thói quen ăn uống hoặc cần tới nguồn ngân sách lớn của quốc gia. Ngoài ra, công nghệ để tăng cường vi chất vào thực phẩm hiện khá đơn giản, các thực phẩm thiết yếu được tăng cường vi chất dinh dưỡng có thể đến được các đối tượng cần, nhất là người dân nghèo.
GS.TS. Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết:“Nước Mỹ vào năm 1921 họ mới bổ sung vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm, nhưng đến năm 1945 thì người Mỹ đã có tính toán và loại yếu tố nhiễu ra, quyết định bắt buộc tăng cường vi chất dinh dưỡng. Và sau 20 năm, đến năm 1965 thì tỷ lệ tử vong đã giảm rõ rệt do thiếu vi chất dinh dưỡng. Chính vì vậy, bài học của nước Mỹ chính là bài học của thế giới. Và việc đưa vi chất vào với liều lượng nhỏ với mục đích đưa thực phẩm an toàn, có giá trị, chứ không phải là cung cấp đưa calo rỗng, đây là điều chúng ta phải công nhận, và tổ chức Y tế thế giới cũng kêu gọi các quốc gia thực hiện. Thực tế trong năm 2018, khi Tổ chức y tế thế giới tổng kết, việc đủ vi chất mang lại hiệu quả rõ rệt, đặc biệt những nước làm tốt vấn đề này thì tăng trưởng tầm vóc về con người cũng như các chỉ số khác đều tăng lên”.
Tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm đã được Trung tâm Copenhagen Consensus 2012 xếp loại là một trong những can thiệp có hiệu quả nhất trong phát triển toàn cầu và là giải pháp đã được các tổ chức như WHO, WFP, UNICEF, FAO và WB khuyến nghị để thanh toán thiếu vi chất dinh dưỡng. Việc tăng cường các vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm đã được nhiều nước trên thế giới thực hiện, trong đó có 108/197 quốc gia đang bắt buộc bổ sung I-ốt vào muối ăn, 98 quốc gia yêu cầu dùng muối đã tăng cường I-ốt cho thực phẩm chế biến; 85/149 quốc gia bắt buộc bổ sung sắt và 85/118 quốc gia bổ sung kẽm vào bột mì; 29/123 quốc gia bắt buộc bổ sung vitamin A vào dầu ăn, trong khối ASEAN, Indonesia bắt buộc bổ sung vitamin A vào dầu ăn từ năm 2015 do thiếu vitamin A được xác định là vấn đề có ý nghĩa sức khoẻ cộng đồng như tại Việt Nam.
Nhằm cải thiện tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 09/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm được ban hành ngày 28/01/2016 quy định bắt buộc tăng cường I-ốt vào muối, sắt, kẽm vào bột mỳ và vitamin A vào dầu ăn; Chỉ thị số 46/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 21/12/2017 về việc tăng cường công tác dinh dưỡng trong tình hình mới, trong đó yêu cầu Bộ Y tế tập trung giải quyết vấn đề thiếu vi chất dinh dưỡng.
Bà Ngô Thị Minh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết, Chính phủ rất quan tâm để phê duyệt đề án về chính sách phát triển trẻ thơ giai đoạn từ 0 - 8 tuổi, đặc biệt là ban hành Nghị định 09/2016/NĐ-CP đã quy định về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm quy định bắt buộc tăng cường iốt vào muối; sắt, kẽm vào bột mỳ và vitamin A vào dầu ăn. Để tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm, việc quy định bắt buộc trong nghị định là rất cần thiết, đây là hành lang pháp lý quan trọng giúp doanh nghiệp thêm niềm tin khi chúng ta cùng chung tay để bổ sung vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm, để tăng cường sức vóc, trí tuệ cho người Việt.
TS.BS. Phan Hướng Dương, Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương chia sẻ: “Làm thế nào để phòng, chống được việc thiếu vi chất dinh dưỡng? Đây là việc mà chúng ta đã thực hiện rất nhiều, chính là bổ sung trực tiếp vào nguồn thực phẩm mà chúng ta lựa chọn, để làm sao phổ biến nhất, dễ sử dụng nhất. Ví du: I-ốt hiện chúng ta lựa chọn nguồn muối vì ai cũng phải sử dụng muối, không ai dùng quá nhiều được và muối hiện nay cũng là rẻ nhất. Tương tự các vi chất khác bổ sung vào bánh mỳ hay các loại thực phẩm khác… đây là biện pháp rất quan trọng đã được nêu trong Nghị định số 09/2016/NĐ-CP, nghị định không chỉ đưa ra định hướng để chúng ta phòng chống được việc thiếu vi chất mà còn đảm bảo một cách bền vững”.
Hiểu biết mơ hồ
Một thực trạng chúng ta rất dễ thấy, đó là rất nhiều bậc phụ huynh ngay cả ở khu vực thành thị cũng có sự hiểu biết khá mơ hồ, thậm chí không biết về tầm quan trọng của vi chất dinh dưỡng, một số trường hợp còn cho rằng việc bổ sung vi chất dinh dưỡng sẽ làm mất đi tính “nguyên gốc” cũng như sự an toàn của thực phẩm đó.
Việc tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm dùng cho cộng đồng không làm cho cơ thể người sử dụng dư thừa vi chất dinh dưỡng hoặc gây bệnh do thừa vi chất dinh dưỡng, kể cả đối với người dân sinh sống ở vùng không bị thiếu vi chất dinh dưỡng. Do vậy việc tăng cường vi chất dinh dưỡng bắt buộc vào thực phẩm nhằm nâng cao chất lượng bữa ăn cho toàn dân, cải thiện tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng là cần thiết và khả thi.
Với tình hình xã hội phát triển ngày nay xuất hiện rất nhiều các loại đồ ăn nhanh, các món ăn chế biến sẵn với nhiều dầu, mỡ, đường, muối như khoai tây chiên, gà rán, pizza, sandwich…, nước ngọt có ga và không có ga, các loại bánh kẹo, xúc xích, thịt xông khói, giò, chả, bim bim… Các thực phẩm này ẩn chứa nhiều nguy cơ có hại cho sức khỏe nếu tiêu thụ thường xuyên (như béo phì, tăng huyết áp, rối lọan đường huyết, các bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư …), nhưng vì tính tiện dụng và mới lạ cùng với sự quảng cáo, tiếp thị đầy cám dỗ đã cuốn hút không ít bộ phận dân cư, đặc biệt là trẻ nhỏ và giới trẻ tiêu thụ ngày càng nhiều. Từ đó dẫn tới tình trạng thừa cân, béo phì nhưng vẫn “thiếu” chất.
Vì vậy, để có thể mang đến những thông tin, kiến thức dinh dưỡng chính xác đến cho người dân thì phải có sự phối hợp liên ngành của các cấp chính quyền, cũng như sự tham gia đầy đủ của các tổ chức xã hội. Đây là trách nhiệm của mỗi gia đình và toàn xã hội, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm góp phần nâng cao chất lượng dân số, đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực cho thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
TS. BS. Phan Hướng Dương nhấn mạnh: “Công tác truyền thông để người dân biết được tác dụng cũng như tác hại của phòng chống thiếu các vi chất là rất quan trọng đối với đời sống kinh tế - xã hội hiện nay. Đa dạng hóa các sản phẩm để giúp người dân hiểu rõ hơn, dễ sử dụng hơn. Cùng với đó, các cơ quan chính quyền cũng phải giám sát chất lượng của những sản phẩm đó”.
Đồng nhất quan điểm với TS. BS Phan Hướng Dương, PGS. TS. Bùi Thị An cho biết: “Chính phủ, cơ quan chức năng và các địa phương cần tập trung vốn, những nguồn lực xã hội khác để thực hiện tốt vấn đề bổ sung vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm. Đặc biệt là công tác tuyên truyền cho phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Cán bộ ngành y tế cần tập huấn cho bà con về hệ luỵ của việc nuôi con thiếu vi chất. Ngoài ra, Chính phủ cũng nên tăng cường đầu tư thêm cho những vùng chưa có điều kiện về y tế. Song song với đó, cần giao trách nhiệm cho những người đứng đầu địa phương về phát triển nguồn lực, vì điều này liên quan trực tiếp đến vấn đề an sinh xã hội. Cuối cùng, không nên thực hiện kiểu “đầu voi đuôi chuột” ở vấn đề này. Làm được việc đó, thì chúng ta sẽ thực hiện thành công mục bổ sung vi chất dinh dưỡng này”.
Mỗi gia đình, nhất là những bậc phụ huynh cần phải quan tâm hơn tới nhu cầu dinh dưỡng thiết yếu của con trẻ cũng như mọi thành viên trong gia đình, phải thường xuyên cập nhật những thông tin chính xác, những kiến thức về dinh dưỡng để không xảy ra tình trạng không biết thì không dùng; dùng mà không biết, không hiểu.
Truyền thông đến bữa ăn hàng ngày
Theo Tạp chí Y khoa hàng đầu Lancet thì bản đồ thiếu vi chất dinh dưỡng bao phủ toàn bộ các nước đang phát triển của các châu lục, trong đó có Việt Namgây ảnh hưởng nặng nề đến phát triển thể chất và trí tuệ trẻ em. Khẩu phần ăn của người dân Việt Nam nói chung, đặc biệt là trẻ em đều không cung cấp đủ vi chất dinh dưỡng theo nhu cầu của cơ thể. Tại Đông Nam Á, thiếu vi chất dinh dưỡng cho nhu cầu cơ thể xảy ra ở cả thành thị và nông thôn (số liệu giám sát dinh dưỡng ASEAN và Việt Nam). Nguyên nhân chính là do khẩu phần ăn không cung cấp đủ hầu hết các vi chất dinh dưỡng cần thiết cho nhu cầu cơ thể, GS.TS Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết.
Theo khuyến cáo của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, dinh dưỡng hợp lý là nền tảng của sức khỏe và trí tuệ. Một chế độ dinh dưỡng hợp lý đáp ứng đủ nhu cầu cơ thể trong các giai đoạn khác nhau của chu kỳ vòng đời sẽ tạo ra sự tăng trưởng và phát triển tối ưu cho thai nhi và trẻ nhỏ, cũng như phòng chống hữu hiệu với đa số bệnh tật để có một thể lực khỏe mạnh, sức khỏe tốt, năng suất lao động cao và chất lượng cuộc sống tốt cho mọi lứa tuổi. Bữa ăn gia đình chính vì vậy có vai trò vô cùng quan trọng và cần được đảm bảo cả về số lượng và chất lượng.
Một bữa ăn cân đối cần có đủ 4 nhóm thực phẩm là nhóm bột, đường (chủ yếu từ các loại ngũ cốc), nhóm chất đạm (thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu, đỗ...), nhóm chất béo (mỡ động vật, dầu thực vật), nhóm vitamin và khoáng chất (các loại rau, củ, quả...). Ngoài ra, khẩu phần ăn cần phải cân đối giữa các chất dinh dưỡng như: tỷ lệ năng lượng do các chất (Gluxit, đạm, lipid) cung cấp/tổng năng lượng khẩu phần, tỷ lệ protein động vật/protein tổng số, tỷ lệ lipid động vật/lipid tổng số, tỷ lệ canxi/phospho…
Mỗi loại thực phẩm trong tự nhiên thường chứa nhiều chất dinh dưỡng nhưng tỷ lệ khác nhau. Việc lựa chọn phù hợp, khoa học sẽ cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Vitamin A có nhiều trong lòng đỏ trứng gà, gan động vật, thịt lươn, trong những trái cây có màu đỏ như đu đủ, hồng, gấc, rau dền đỏ. Vitamin B có nhiều trong các loại ngũ cốc, đậu đỗ, thịt gà, rau lá xanh thẫm, chuối, lê, sữa, pho mat…Vitamin C, E có nhiều trong cam, quýt, bưởi, ổi chín, rau cải, rau muống, rau ngót. Canxi có nhiều trong tôm, cua, trai, ốc, phô mai. Vitamin K có nhiều trong các loại rau chứa nhiều lá xanh như rau cải xoăn, rau dền, ngò tàu, bơ, gan bò. Thực phẩm giàu kẽm gồm sò, củ cải, đậu hà lan, đậu nành, lòng đỏ trứng gà. Thực phẩm giàu sắt gồm gan, mề gà, lòng đỏ trứng gà, tim lợn, mộc nhĩ, nấm hương. Vì vậy, đa dạng hóa thực đơn hàng ngày để mỗi bữa ăn đều đảm bảo về giá trị dinh dưỡng mà không gây ra sự nhàm chán.
Mọi thực phẩm đều có những lợi ích và cả những tác dụng bất lợi, nhất là khi sử dụng quá nhiều. Do đó nên sử dụng hợp lý và đa dạng các loại thực phẩm trong từng món ăn và từng bữa ăn để có chế độ ăn hợp lý giàu dinh dưỡng và nâng cao sức khỏe. Bên cạnh đó cũng không quên đảm bảo an toàn vệ sinh trong lựa chọn, chế biến và bảo quản thực phẩm để có những bữa ăn an toàn cho gia đình bạn. Đảm bảo bữa ăn gia đình hợp lý và an toàn cho gia đình là cách tốt nhất để bảo vệ gia đình bạn chống lại bệnh tật và còn làm tăng thêm tình cảm, sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình khi hàng ngày cùng nhau quây quần bên mâm cơm gia đình có dinh dưỡng hợp lý, ngon, rẻ và an toàn.
|
Cao Hồng Kỳ, Chủ tịch LHH Hà Giang biên tập từ www.daibieunhandan.vn