Ngày 21 tháng 2 năm 2020, tại Hà Nội, được sự tài trợ của Cơ quan đối ngoại của Liên minh Châu Âu (EU), tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam, OXFAM, Trung tâm Hỗ trợ giáo dục và nâng cao năng lực cho phụ nữ (Cepew) đã phối hợp với một số Liên minh các tổ chức xã hội: Liên minh đất rừng, Liên minh nước sạch và Liên minh khoáng sản tổ chức hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm thúc đẩy thực thi Luật Tiếp cận thông tin (TCTT) lần thứ 2”.
Tham dự Hội thảo có đại diện Cơ quan đối ngoại EU, tổ chức CARE, OXFAM, sự tham gia của đại diện một số các bộ, ngành ở Trung ương, đại diện một số Sở, ngành đến từ các địa phương: Sơn La, Điện Biên, Hà Giang, Bắc Kạn, đại diện các Liên minh và các tổ chức xã hội ở trung ương và địa phương.
Toàn cảnh Hội thảo thảo “Chia sẻ kinh nghiệm thúc đẩy thực thi Luật TCTT lần thứ 2”
Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe đại diện Trung tâm Hỗ trợ giáo dục và nâng cao năng lực cho phụ nữ, đại diện Nhóm nghiên cứu trình bày Báo cáo đánh giá thực thi Luật TCTT lần thứ 2 dựa trên khảo sát trên Cổng/Trang thông tin điện tử của hơn 250 cơ quan nhà nước trên địa bàn toàn quốc và kết quả nghiên cứu, khảo sát thực tế tại 8 tỉnh, thành phố gồm: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Điện Biên, Sơn La, Quảng Bình, Quảng Trị và Đà Nẵng. Báo cáo nghiên cứu nêu rõ: “Chúng ta có thể tin tưởng vào những kết quả tuyệt vời và thực chất hơn nữa trong việc thực thi Luật TCTT; chúng tôi đánh giá cao về việc Chính phủ khai trương Cổng thông tin điện tử dịch vụ công quốc gia vào tháng 12/2019. Đây là bước đi lớn để đưa Chính phủ đến gần với người dân hơn và ngược lại. Chúng ta nên thúc đẩy hơn nữa bằng các nỗ lực chung, trong đó có vai trò của báo chí và truyền thông đại chúng là vô cùng quan trọng”.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, các cơ quan nhà nước ở cấp Trung ương, cấp tỉnh, UBND cấp huyện và xã đều có Bộ phận tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính cho công dân (Bộ phận một cửa).Đây là một yếu tố thúc đẩy nếu quy trình cung cấp thông theo yêu cầu của công dân được bổ sung vào bộ các thủ tục hành chính công mà cơ quan nhà nước thuộc mọi lĩnh vực đều có trách nhiệm thực hiện.Với các nỗ lực của Chính phủ và Bộ Tư pháp, UBND các tỉnh, thành phố đã ban hành kế hoạch triển khai Luật TCTT và bố trí nguồn lực để triển khai phổ biến Luật này tới đội ngũ cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức và người dân.Bên cạnh đó, Nhóm nghiên cứu cũng phát hiện công tác triển khai phổ biến Luật này và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật TCTT chưa được xếp vào Luật được ưu tiên thực hiện. Một số luật như: Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tôn giáo được ưu tiên tập trung phổ biến bằng nhiều hình thức khác nhau. Tuy nhiên, Luật TCTT lại chưa được đưa vào nhóm văn bản quy phạm pháp luật ưu tiên nói trên mà chủ yếu được phổ biến lồng ghép với nhiều loại văn bản quy phạm pháp luật khác trong một thời gian ngắn thông qua các hội nghị trực tiếp hoặc hội nghị trực tuyến. Điều đáng nói là khoảng 70% các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương trên địa bàn cả nước đã không phản hồi yêu cầu cung cấp thông tin do thành viên Nhóm nghiên cứu thực hiện với tư cách là công dân yêu cầu cơ quan Nhà nước cung cấp thông tin trực tuyến qua mạng, Cổng/Trang thông tin điện tử. Trong số 30% các cơ quan nhà nước có phản hồi thì có một số cơ quan thể hiện chưa hiểu quyền yêu cầu cung cấp thông tin của công dân và trách nhiệm cung cấp thông tin của cơ quan nhà nước, một số cơ quan nhà nước các cấp có thái độ thiếu chuẩn mực khi giao tiếp với người yêu cầu cung cấp thông tin.
Lãnh đạo Liên hiệp Hội Hà Giang tham dự Hội thảo
Theo báo cáo khảo sát, tính đến thời điểm Nhóm nghiên cứu tiến hành đánh giá ở thực địa, các cơ quan nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội đều khẳng định chưa phát sinh các yêu cầu cung cấp thông tin của công dân và cũng chưa phát sinh đơn thư khiếu nại, khởi kiện, tố cáo liên quan đến việc bảo đảm quyền TCTT của công dân.
Từ kết quả nghiên cứu trên, Nhóm nghiên cứu khuyến nghị: Đề nghị Chính phủ chỉ đạo bổ sung việc cung cấp thông tin theo yêu cầu của công dân và người nước ngoài sinh sống ở Việt Nam vào bộ các thủ tục hành chính mà Chính phủ đang nỗ lực thúc đẩy để các cơ quan nhà nước 4 cấp thực hiện; đồng thời, khuyến nghị với Bộ Tư pháp cần tiếp tục tổ chức tập huấn Luật TCTT cho các cơ quan nhà nước các cấp và các đầu mối cung cấp thông tin, trong đó đặc biệt nhấn mạnh vào 9 nội dung công việc mỗi cơ quan nhà nước cần làm để thực hiện công khai và cung cấp thông tin theo yêu cầu của công dân đã được quy định trong Luật TCTT và Nghị định số 13/2018/NĐ-CP của Chính phủ để bảo đảm công khai thông tin và cung cấp thông tin khi người dân yêu cầu.
Cao Hồng Kỳ, Chủ tịch Liên hiệp Hội Hà Giang