Ngày 17/10/2018, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp đã phối hợp với Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức diễn đàn “Kết nối, kiến tạo hệ sinh thái khởi nghiệp tỉnh Hà Giang năm 2018”. Dự diễn đàn có các đồng chí: Hà Thị Minh Hạnh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; TS. Phạm Hồng Quất- Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ; đại diện một số Cục, Viện, các nhà khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực khởi nghiệp cùng đại diện một số sở, ban, ngành của tỉnh; Bí thư Huyện đoàn, Thành đoàn và khởi nghiệp viên tiêu biểu trên địa bàn tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Thị Minh Hạnh phát biểu tại diễn đàn
Chương trình khởi nghiệp tỉnh Hà Giang được triển khai trên cơ sở Chương trình số 302/CTr-UBND ngày 05/12/2016 về tiếp sức khởi nghiệp tỉnh Hà Giang giai đoạn 2016-2020 theo Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ. Sau gần 2 năm triển khai các chương trình về hoạt động khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh, được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự hỗ trợ của các bộ, ngành, cơ quan trung ương và Quỹ khởi nghiệp doanh nghiệp khoa học và công nghiệp Việt Nam (SVF) cùng với sự nỗ lực cố gắng của các doanh nhân, đoàn viên, thanh niên khởi nghiệp việ trong toàn tỉnh; phong trào khởi nghiệp đã khơi dậy, phát huy tinh thần khởi nghiệp trong lực lượng đoàn viên, thanh niên, HTX trẻ. Số lượng doanh nghiệp, HTX, mô hình khởi nghiệp được hỗ trợ đã không ngừng tăng lên. Lũy kế đến nay toàn tỉnh đã có 88 HTX, 7 tổ hợp tác, 6 doanh nghiệp và 374 mô hình khởi nghiệp được thành lập hoạt động có hiệu quả với doanh số cho vay khởi nghiệp đạt trên 80 tỷ đồng. Đặc biệt tỉnh đã tư vấn và hỗ trợ thành lập được 3 doanh nghiệp KH&CN; thông qua khóa học giá trị cuộc sống, chương trình phát triển Cố vấn khởi nghiệp, Cuộc thi ý tưởng thanh niên khởi nghiệp đã có 8 ý tưởng, dự án xuất sắc đoạt giải. Bên cạnh đó đã thành lập được Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh với số vốn huy động ban đầu đạt 5 tỷ đồng nhằm mục đích hỗ trợ đầu tư ban đầu cho các dự án khởi nghiệp, các ý tưởng có tiềm năng phát triển. Hiện nay, ngoài Ban Chỉ đạp caaos tỉnh, 11/11 huyện thành phố đều thành lập được Ban Chỉ đạo Chương trình khởi nghiệp, qua đó đã phối hợp với các ngân hàng tổ chức cho các đoàn viên, thanh nhiên lập phương án vay vốn theo các chính sách hỗ trợ của tỉnh và cơ chê cho vay khuyến khích của từng địa phương đạt hiệu quả…
Chuyên gia khởi nghiệp chia sẻ tại diễn đàn
Cũng tại diễn đàn, các đại biểu cũng đã thảo luận đánh giá: hoạt động khởi nghiệp tỉnh Hà Giang tuy đã đạt được những kết quả cụ thể nhưng các ý tưởng, dự án khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh đã được triển khai chủ yếu là các mô hình truyền thống, còn hạn chế trong đầu tư, đổi mới công nghệ; các sản phẩm khởi nghiệp chưa mang tính cạnh tranh cao; thiếu ý tưởng sáng tạo mang tính chất đột pháp và tác động sâu sộng tới sự phát triển chung…
Tại diễn đàn các chuyên gia thuộc Cục Phát triển thị trường KHCN, Hội truyền thông số Việt Nam, Viện chiến lược cạnh tranh và thương hiệu, Học viện Tài chính... đã trao đổi, chia sẻ một số nội dung về: nguồn nhân lực cho doanh nghiệp khởi nghiệp; hỗ trợ khởi nghiệp nông nghiệp cho thanh niên, sinh viên các dân tộc vùng núi phía bắc; chính sách thuế, chính sách tín dụng dành cho doanh nghiệp khởi nghiệp; thực trạng triển khai Khởi nghiệp sáng tạo ở tỉnh Hà Giang và giải pháp thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trong thực tế điều kiện của tỉnh. Mỗi nội dung các chuyên gia đều phân tích sâu ở nhiều khía cạnh như: việc phát triển các chuỗi cung ứng tinh giản, nhanh nhạy và chi phí hiệu quả ở tỉnh Hà Giang gắn với phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo; quá trình Khởi nghiệp và cơ hội hợp tác của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Hà Giang; Khởi nghiệp sáng tạo trong chuỗi giá trị sản phẩm trọng điểm địa phương; hỗ trợ khởi nghiệp từ thực tiễn cách làm từ thủ đô Hà Nội…
Trưng bày một số sản phẩm khởi nghiệp tại diễn dàn
Các đoàn viên thanh niên trong tỉnh đã cùng trao đổi những khó khăn trong quá trình khởi nghiệp. Đặc biệt trong hoạt động kết nối thị trường, kết nối kinh nghiệm doanh nghiệp thành công; công tác tiêu thụ sản phẩm, quản lý, xây dựng nhãn mác, bao bì sản phẩm. Qua đó các đoàn viên, thanh niên, khởi nghiệp viên mong muốn tiếp tục nhận được sự chung tay giúp đỡ, tư vấn của các chuyên gia, các nhà khoa học và đặc biệt là các doanh nghiệp đã thành công trên bước đường khởi nghiệp để phong trào khởi nghiệp tỉnh Hà Giang tiếp tục được duy trì, thúc đẩy trong những năm tới.
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Thị Minh Hạnh nhấn mạnh: tỉnh Hà Giang đã xác định Khởi nghiệp là nhiệm vụ quan trọng. Với quyết tâm đưa phong trào khởi nghiệp hoạt động sâu rộng, phát huy tinh thần doanh nhân trong đoàn viên, thanh niên, trong thời gian qua tỉnh đã xây dựng các chương trình, kế hoạch khởi nghiệp chi tiết, cụ thể phù hợp với thực tiễn của địa phương. Bên cạnh đó tỉnh cũng tạo điều kiện, có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp. Qua đó phong trào khởi nghiệp của tỉnh đã đạt được những kết quả bước đầu. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Thị Minh Hạnh mong muốn các nhà khoa học, các chuyên gia trong lĩnh vực khởi nghiệp tiếp tục quan tâm, thường xuyên trao giúp cho tỉnh cũng như các doanh nghiệp, HTX, các đoàn viên thanh niên có thêm kiến thức, kinh nghiệm về khởi nghiệp. Bên cạnh việc trao đổi, chia sẻ thông tin về cơ chế, chính sách của tỉnh hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp với các bạn đoàn viên, thanh niên đang trong quá trình khởi nghiệp; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Thị Minh Hạnh đã đề nghị các khởi nghiệp viên của tỉnh phát huy tinh thần nhiệt huyết của tuổi trẻ với quyết tâm cao, vận dụng sáng tạo những kiến thức kinh nghiệm để áp dụng vào thực tiễn, biến khó khăn thành cơ hội phát triển, phấn đấu ngày càng có nhiều mô hình khởi nghiệp thành công, góp phần vào sự nghiệp phát triển tỉnh Hà Giang trong những năm tới./.
Tô Hiện