Giám sát tình hình khai thác khoáng sản, thực thi công tác BVMT, công tác thu chi nguồn thu phí BVMT trong khai thác khoáng sản tại địa bàn huyện Vị Xuyên

 Thực hiện Kế hoạch số 186/KH-MTTQ/BTT ngày 10/9/2018 của Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Giang về việc phối hợp giám sát việc thực hiện công khai minh bạch thông tin về hoạt động khai thác khoáng sản tại địa bàn huyện Vị Xuyên; trong khuôn khổ của dự án “Tăng cường giám sát thực thi chính sách bảo vệ môi trường (BVMT) trong lĩnh vực khai thác khoáng sản tại tỉnh Hà Giang và tỉnh Quảng Trị” do Oxfam và Liên minh khoáng sản hỗ trợ. Từ ngày 16 đến ngày 17 tháng 10 năm 2018, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (KH&KT) tỉnh Hà Giang đã phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh Hà Giang và HĐND huyện Vị Xuyên tổ chức giám sát thực địa tình hình hoạt động khai thác khoáng sản, thực thi công tác BVMT của doanh nghiệp hoạt động khoáng sản, công tác thu - chi từ nguồn thu phí BVMT trong lĩnh vực khai thác khoáng sản tại địa bàn 2 xã: Ngọc Linh và Ngọc Minh (huyện Vị Xuyên). Tham gia đoàn giám sát có đại diện UB MTTQ huyện Vị Xuyên, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Vị Xuyên, đại diện doanh nghiệp khai thác khoáng sản, đại diện UBND xã và đại diện các thôn, bản thuộc 2 xã: Ngọc Linh và Ngọc Minh, huyện Vị Xuyên.    

Giám sát tình hình khai thác khoáng sản, thực thi công tác  BVMT, công tác thu chi nguồn thu phí BVMT trong  khai thác khoáng sản tại địa bàn huyện Vị Xuyên

Giám sát thực tế tại mỏ mangan thôn Pậu xã Ngọc Minh, huyện Vị Xuyên

Ngày 18/10/2018, đoàn giám sát đã có cuộc họp thảo luận với UBND huyện Vị Xuyên về tình hình hoạt động khai thác khoáng sản, thực thi công tác BVMT, việc thực hiện công khai minh bạch về phân bổ, sử dụng nguồn thu phí BVMT trong khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện Vị Xuyên. Tham dự Hội nghị có Đại diện Ủy ban MTTQ tỉnh, Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh; Lãnh đạo đại diện UBND huyện Vị Xuyên, đại diện các phòng, ban, Ủy MTTQ huyện Vị Xuyên, đại diện các tổ chức chính trị - xã hội thuộc huyện Vị Xuyên và lãnh đạo đại diện HĐND, UBND, UB MTTQ xã Ngọc Linh và xã Ngọc Minh.

Giám sát tình hình khai thác khoáng sản, thực thi công tác  BVMT, công tác thu chi nguồn thu phí BVMT trong  khai thác khoáng sản tại địa bàn huyện Vị Xuyên

Hội nghị thảo luận với UBND huyện Vị Xuyên về công tác thu- chi phí BVMT

trong khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện Vị Xuyên

Theo báo cáo của UBND huyện Vị Xuyên, trên địa bàn huyện có 19 điểm mỏ khoáng sản kim loại đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND tỉnh Hà Giang cấp Giấy phép khai thác khoáng sản, gồm 13 điểm mỏ khoáng sản mangan; 02 mỏ vàng; 03 mỏ sắt và 01 mỏ chì kẽm; trong đó: có 04 điểm mỏ đã hết hạn khai thác; 07 điểm mỏ đang dừng hoạt động khai thác; 05 điểm mỏ chưa khai thác, với tổng diện tích chiếm đất 617,3 ha. Hiện tại, trên địa bàn huyện còn 04 điểm mỏ đang hoạt động khai thác (02 điểm mỏ mangan; 01 mỏ sắt và 01 mỏ chì kẽm). Trên địa bàn huyện Vị Xuyên có 14/14 điểm mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng (VLXD) thông thường được UBND tỉnh cấp Giấy phép khai thác cho 14 doanh nghiệp hiện vẫn đang hoạt động; trong đó có 06 điểm mỏ đá vôi, 08 điểm mỏ khoáng sản cát, sỏi với tổng diện tích chiếm đất 45,10 ha.

Tại địa bàn khảo sát xã Ngọc Linh có 04 Công ty khai thác khoáng sản kim loại (mangan), hiện nay có 03 Công ty đã hết thời hạn cấp giấy phép khai thác và 01 Công ty chưa khai thác khoáng sản. Tại địa bàn xã Ngọc Minh có 11 Công ty khai thác khoáng sản, trong đó có 10 mỏ mangan và 01 mỏ vàng. Hiện tại, có 02 Công ty đang còn hoạt động khai thác (Công ty TNHH Ban Mai và Công ty TNHH Hồng Hà); 02 Công ty đã hết thời hạn cấp giấy phép khai thác; còn lại 07 Công ty khác hiện nay đang dừng hoạt động, hoặc chưa khai thác.

Theo báo cáo của huyện Vị Xuyên, hàng năm UBND huyện Vị Xuyên đã phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, cùng các Sở, ngành của tỉnh liên quan và UBND cấp xã đã tích cực thanh tra, kiểm tra việc chấp hành thực thi pháp luật về BVMT của doanh nghiệp khai thác khoáng sản tại địa bàn; các doanh nghiệp được cấp giấy phép khai thác đã thực hiện tốt các quy định của Luật khoáng sản và Luật BVMT; thực hiện đúng các nội dung của giấy phép khai thác, tuân thủ quy trình, quy phạm an toàn lao động và thực hiện các biện pháp giảm thiểu tác động đến môi trường, đầu tư thiết bị, công nghệ khai thác, chế biến để làm gia tăng giá trị thương phẩm của một số khoáng sản kim loại như mangan, chì kẽm; thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp thuế, phí BVMT với nhà nước; thực hiện chính sách bảo hộ quyền lợi của nhân dân nơi có khoáng sản khai thác thông qua việc tuyển dụng lao động tại địa phương, hỗ trợ địa phương nơi khai thác khoáng sản xây dựng, sửa chữa, nâng cấp cơ sở hạ tầng, trường học, trụ sở, đường dân cư trong thôn, xã. Bên cạnh đó, quá trình vận hành, khai thác khoáng sản có một số doanh nghiệp không thực hiện nghiêm các biện pháp cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác theo như bản cam kết BVMT mà doanh nghiệp đã ký; không thực hiện đúng các quy định trong báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Việc thực hiện các công đoạn bóc lớp đất mặt, quá trình tuyển quặng, đổ thải không đúng nơi quy định đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường, cuộc sống của cộng đồng dân cư khu vực như làm sạt lở đất, lũ bùn đất tràn xuống các khe, suối gây ngập úng đồng ruộng, ảnh hưởng đến đất sản xuất, gây ô nhiễm nguồn nước cho sản xuất và sinh hoạt của cộng đồng dân cư trong khu vực.

Giám sát tình hình khai thác khoáng sản, thực thi công tác  BVMT, công tác thu chi nguồn thu phí BVMT trong  khai thác khoáng sản tại địa bàn huyện Vị Xuyên

Đoàn giám sát thực địa tại mỏ Mangan thôn Tân Bình, xã Minh Ngọc, huyện Vị Xuyên

Chỉ riêng năm 2017 và đầu năm 2018, UBND huyện Vị Xuyên đã phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về việc không chấp hành pháp luật về BVMT, vi phạm cam kết BVMT trên địa bàn xã Ngọc Minh với tổng số tiền phạt là 369.000.000 đồng (Công ty Cổ phần Thiên Hàm 89.000.000 đồng; Công ty TNHH Tường Phong 200.000.000 đồng; Công ty Cổ phần đầu tư Cao nguyên đá 80.000.000 đồng). 

Đối với các doanh nghiệp khai thác khoáng sản; Thực hiện các nội dung trong báo cáo ĐTM đã đ­ược cấp có thẩm quyền phê duyệt; các doanh nghiệp khai thác khoáng sản đã ký hợp đồng với Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trư­­ờng tỉnh thực hiện việc lấy mẫu, phân tích và báo cáo giám sát môi trường định kỳ gửi về cáccơ quan chức năng đồng thời gửi cho UBND xã theo quy định. Các thông số giám sát về chất lượng đối với không khí, nước thải, nước mặt, nước ngầm, chất thải rắn đều nằm trong quy chuẩn cho phép. Đối với rác thải sinh hoạt, doanh nghiệp sử dụng thùng Composite có nắp đậy tại các khu vực sản xuất; rác thải sinh hoạt sau khi được thu gom, doanh nghiệp có hợp đồng với Công ty dịch vụ môi trường đô thị của huyện để vận chuyển và đưa đi xử lý theo đúng quy định. Đối với chất thải nguy hại, doanh nghiệp đều thu gom và lưu giữ chất thải nguy hại trong các thùng chuyên dụng bằng nhựa có nắp đậy và được dán theo mã chất thải nguy hại. Doanh nghiệp đã xây dựng kho lưu giữ tạm thời chất thải nguy hại tại các đơn vị sản xuất, hàng năm có hợp đồng với các đơn vị có đủ năng lực để vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại theo đúng quy định.

Về kết quả thực hiện thu phí BVMT: Theo báo cáo của UBND huyện Vị Xuyên: Năm 2017, tổng thu thuế tài nguyên trên địa bàn huyện đạt xấp xỉ 4,5 tỷ đồng (trong đó số thu tại xã Ngọc Linh là 1,35 tỷ đồng; xã Ngọc Minh 348,3 triệu đồng); tổng thu phí BVMT đạt 1,38 tỷ đồng (trong đó số thu tại xã Ngọc Linh là 265,8 triệu đồng; xã Ngọc Minh là 124,6 triệu đồng). Tính đến tháng 9/2018, tổng thu thuế tài nguyên trên địa bàn huyện Vị Xuyên đạt 2,1 tỷ đồng (trong đó số thu tại xã Ngọc Linh là 697 triệu đồng; xã Ngọc Minh là 121,1 triệu đồng); tổng thu phí BVMT trên địa bàn huyện đạt xấp xỉ 642 triệu đồng (trong đó số thu tại xã Ngọc Linh là 98,5 triệu đồng và xã Ngọc Minh là 43,28 triệu đồng).

Việc thực hiện ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện hiện nay chưa được các cơ quan chức năng của huyện theo dõi, cập nhật vì thiếu thông tin cung cấp từ tỉnh.

Giám sát tình hình khai thác khoáng sản, thực thi công tác  BVMT, công tác thu chi nguồn thu phí BVMT trong  khai thác khoáng sản tại địa bàn huyện Vị Xuyên

Giám sát hoạt động khai thác khoáng sản tại mỏ đá thôn Lũng loét xã Ngọc Linh

Việc quy định về quản lý, phân bổ, sử dụng nguồn thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Hà Giang được thực hiện theo Nghị quyết số 22/2016/NQ-HĐND ngày 21/7/2016; Nghị Quyết số 71/2017/NQ-HĐND ngày 24/4/2017 của HĐND tỉnh Hà Giang theo tỷ lệ: Ngân sách cấp tỉnh hưởng 40%, ngân sách cấp huyện hưởng 60% để sử dụng cho mục đích phòng ngừa, hạn chế tác động xấu đối với môi trường; khắc phục suy thoái, ô nhiễm môi trường, giữ gìn vệ sinh, bảo vệ và tái tạo cảnh quan môi trường tại địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản. UBND huyện Vị Xuyên chưa có báo cáo, làm rõ việc phân bổ, sử dụng nguồn thu phí BVMT trong khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện theo quy định của nhà nước hiện hành. Trong các năm năm 2017 và 2018: Các xã thuộc vùng hoạt động khoáng sản, nơi trực tiếp bị ảnh hưởng bởi hoạt động khai thác khoáng sản chưa được phân bổ nguồn thu phí BVMT để phục vụ cho công tác bảo vệ, đầu tư cải tạo phục hồi môi trường tại địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản.

Giám sát tình hình khai thác khoáng sản, thực thi công tác  BVMT, công tác thu chi nguồn thu phí BVMT trong  khai thác khoáng sản tại địa bàn huyện Vị Xuyên

Tiếp thu ý kiến, giải trình của Lãnh đạo UBND huyện Vị Xuyên

Qua công tác giám sát thực tế tình hình hoạt động khai thác khoáng sản, việc chấp hành thực thi pháp luật về BVMT của doanh nghiệp khai thác khoáng sản tại cơ sở, việc thực hiện công khai minh bạch trong công tác quản lý, phân bổ, sử dụng nguồn thu phí BVMT trong khai thác khoáng sản tại địa bàn 2 xã: Ngọc Minh, Ngọc Linh nói riêng và tại địa bàn huyện Vị Xuyên nói chung, đoàn giám sát đưa ra một số nhận xét và kiến nghị như sau:

Thứ nhất: Huyện Vị Xuyên là địa bàn khai thác khoáng sản trọng điểm của tỉnh Hà Giang chỉ đứng thứ 2 sau huyện Bắc Mê với 19 điểm mỏ khoáng sản kim loại và 14 điểm mỏ khoáng sản VLXD thông thường đã được cấp giấy phép khai thác khoáng sản (trong đó, xã Ngọc Linh có 04 điểm mỏ được cấp giấy phép khai thác và xã Ngọc Minh có 11 điểm mỏ được cấp giấy phép khai thác). Hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện Vị Xuyên trong những năm qua mang lại nguồn thu cho ngân sách nhà nước không đáng kể (năm 2017, thuế tài nguyên và phí BVMT thu được 5,88 tỷ đồng; năm 2018 thuế tài nguyên và phí BVMT thu được 2,74 tỷ đồng); trong khi đó tài nguyên đất, nước, rừng, môi trường sống bị tổn hại to lớn, khó có thể đầu tư để khôi phục lại hiện trạng môi trường.

Thứ hai: Các cấp, các ngành, đặc biệt ngành tài nguyên môi trường chưa thực hiện công khai, minh bạch thông tin về tình hình hoạt động khai thác khoáng sản, công khai thông tin các nội dung về BVMT được nêu trong báo cáo ĐTM của các dự án khai thác khoáng sản đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; công khai thông tin về tình hình thực hiện ký quỹ, cải tạo phục hồi môi trường của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên phương tiện thông tin đại chúng để các cấp, ngành, cộng đồng dân cư địa phương tham gia theo dõi, giám sát.

Thứ ba: Các cơ quan quản lý nhà nước cấp huyện: Cơ quan Thuế, Tài chính - Kế hoạch huyện chưa thực hiện công khai, minh bạch thông tin về nguồn thu, phân bổ và sử dụng nguồn thu từ nguồn thu phí BVMT trong lĩnh vực khai thác khoáng sản theo quy định để cộng đồng dân cư biết, tham gia giám sát.

Để việc chấp hành thực thi chính sách, pháp luật về quản lý tài nguyên khoáng sản và BVMT; thực hiện quyền lợi của địa phương và người dân địa phương nơi có khoáng sản được khai thác; từng bước thực hiện công khai, minh bạch và công bằng trong quản lý, sử dụng nguồn thu phí BVMT trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, đảm bảo nguồn thu phí BVMT trong khai thác khoáng sản phải được sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, ưu tiên cho địa bàn nơi bị ảnh hưởng bởi hoạt động khai thác khoáng sản. đoàn giám sát kiến nghị:

Một là: Kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND tỉnh Hà Giang  không xem xét việc cấp phép thêm cho các doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Hà Giang nói chung và tại địa bàn huyện Vị Xuyên nói riêng khi doanh nghiệp chưa có đủ điều kiện về năng lực và công nghệ chế biến sâu trong lĩnh vực khoáng sản.

Hai là: Kiến nghị HĐND tỉnh tổ chức các đợt giám sát chuyên đề thực hiện quản lý, phân bổ, sử dụng nguồn thu phí BVMT trong khai thác khoáng sản tại cấp huyện để đảm bảo phí BVMT phải được được sử dụng đúng mục đích, hiệu quảưu tiên cho địa bàn nơi bị ảnh hưởng bởi hoạt động khai thác khoáng sản quy định tại Điều 8 Nghị định 164/2016/NĐ-CP; Điều 15 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP; Nghị quyết số 71/2017/NQ-HĐND ngày 24/4/2017 của HĐND tỉnh.

Ba là: Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo cho các cơ quan chức năng: Sở Tài nguyên và Môi trường cần phải thực hiện công khai, minh bạch các thông tin về môi trường, tình hình khai thác khoáng sản trên phương tiện thông tin đại chúng để cộng đồng dân cư tham gia theo dõi, giám sát, cụ thể: Tình hình hoạt động khai thác khoáng sản; thông tin về môi trường (trong đó có báo cáo ĐTM của các dự án khai thác khoáng sản); việc kiểm tra, xác nhận hoàn thành các dự án cải tạo, phục hồi môi trường, thực hiện ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với các dự án khai thác khoáng sản đảm bảo đưa môi trường, hệ sinh thái tại khu vực khai thác khoáng sản và khu vực bị ảnh hưởng về trạng thái môi trường gần với trạng thái ban đầu quy định tại Điều 15 Luật Khoáng sản 2010, Điều 131 Luật BVMT, Điều 8 Nghị định 164/2016/NĐ-CP; Điều 17 Luật Tiếp cận thông tin. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo cho các cơ quan chức năng của tỉnh tiến hành rà soát việc ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với các doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn đảm bảo việc thực hiện ký quỹ hằng năm, hoặc theo giai đoạn phải tính tới yếu tố trượt giá để thực hiện điều chỉnh tăng mức cam kết ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn toàn tỉnh theo quy định tại Điều 8 Nghị định 19/2015/NĐ-CP.

Bốn là: Đề nghị UBND huyện Vị Xuyên thực hiện trách nhiệm tổ chức công khai, minh bạch các thông tin về nguồn thu; công tác phân bổ, sử dụng nguồn thu từ phí BVMT đối với hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện nói chung và tại các xã trong vùng hoạt động khoáng sản nói riêng; hàng năm cần ưu tiên phân bổ nguồn thu phí BVMT đối với các dự án bảo vệ, cải tạo, phục hồi môi trường, đầu tư các công trình phúc lợi cho cộng đồng dân cư địa phương nơi bị ảnh hưởng bởi hoạt động khai thác khoáng sản; Thực hiện công khai danh mục các chương trình, dự án; trong đó có các dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư từ phí BVMT trong khai thác khoáng sản trên phương tiện thông tin đại chúng để cộng đồng dân biết, theo dõi, tham gia giám sát theo quy định tại Điều 15, 16 Luật Ngân sách Nhà nước, Điều 17 Luật Tiếp cận thông tin.

Cao Hồng Kỳ, Chủ tịch Liên hiệp Hội Hà Giang.

Submit Thread to Facebook Submit Thread to Twitter Submit Thread to Google
icon Các tin tức khác
icon Phát huy hiệu quả hệ thống xử lý cấp nước sạch và nước uống trực tiếp
icon Hai cá nhân của Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh được nhận Bằng Lao động Sáng tạo
icon kết quả đấu thầu gói thầu cung cấp hệ thống máy lọc nước cấp nước sạch và nước uống trực tiếp cho trường Phiêng Luông, Bắc Mê.
icon Để phát triển bền vững, trí thức phải đóng vai trò chính yếu, là lực lượng tiên phong
icon NGÀY QUỐC KHÁNH 2/9: GIÁ TRỊ LỊCH SỬ, Ý NGHĨA THỜI ĐẠI CỦA BẢN TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP
icon Dự thảo Nghị định quy định về tổ chức hoạt động và quản lý hội còn nhiều bất cập
icon Hội nghị giao ban liên hiệp Hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2022
icon kết quả của kỳ họp thứ 3, quốc hội Khó XV
icon Hội thảo góp ý vào dự thảo Luật Phòng chống bạo lực gia đình
icon Hà Giang: Góp ý dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở
Liên hiệp Hội Việt Nam
Quỹ hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam
bộ khoa học và công nghệ
Sở Khoa học và Công nghệ
Thiết kế website