Ngày17/7/2020, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (Liên hiệp Hội) Hà Giang tổ chức Hội thảo tư vấn, phản biện giải pháp thúc đẩy và duy trì Chương trình phát triển cây dược liệu gắn với xóa đói giảm nghèo tỉnh Hà Giang. Tham dự Hội thảo có đại diện Lãnh đạo các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất, kinh doanh cây dược liệu trên địa bàn tỉnh.
Toàn cảnh Hội thảo
Theo báo cáo tổng hợp của Liên hiệp Hội Hà Giang, Chương trình phát triển cây dược liệu gắn với giảm nghèo tỉnh Hà Giang là một trong 5 Chương trình trọng tâm của Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2015 - 2020. Từ năm 2015 đến nay, tỉnh đã đầu tư trên 30,1 tỷ đồng triển khai chương trình với các nội dung: Hỗ trợ giống, phân bón, lãi suất, đào tạo, tập huấn, tham quan học tập kinh nghiệm, triển khai các đề tài, dự án KHCN. Hiện, toàn tỉnh trồng được trên 11.708 ha cây dược liệu, sản lượng ước đạt 18.725,6 tấn. Một số doanh nghiệp, HTX đã mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà xưởng, máy móc, công bố hợp quy chất lượng với 56 sản phẩm thực phẩm, mỹ phẩm có nguồn gốc từ dược liệu; đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá sản phẩm; tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại các hội nghị kết nối cung cầu trong và ngoài tỉnh; đăng ký nhãn hiệu hàng hóa; tổ chức tập huấn cho người dân tham gia trồng dược liệu; ứng dụng công nghệ vào sản xuất; nghiên cứu khảo nghiệm một số loại dược liệu quý hiếm trên địa bàn tỉnh.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung đánh giá những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện chương trình; đề xuất một số giải pháp như: Rà soát, quy hoạch quỹ đất có tiềm năng phát triển cây dược liệu phù hợp từng vùng khí hậu, thổ nhưỡng; tiếp tục đưa chương trình phát triển cây dược liệu vào nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025; nghiên cứu trồng một số cây dược liệu đặc trưng của Hà Giang để cạnh tranh trên thị trường; có chính sách đặc thù riêng để kích cầu phát triển Hà Giang thành vùng trọng điểm Quốc gia về dược liệu; xây dựng các nhà máy chế biến dược liệu quy mô đạt chuẩn; nghiên cứu các hoạt động KHCN trong lĩnh vực dược liệu để tạo sản phẩm.
Các ý kiến, kiến nghị tại hội thảo sẽ được Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh tổng hợp, đề xuất với Tỉnh để có các biện pháp phát triển dược liệu bền vững trong thời gian tiếp theo, góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững và làm giàu cho người dân địa phương.
Cao Hồng Kỳ, Liên hiệp Hội Hà Giang