Ngày 04/5/2020, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (Liên hiệp Hội) tỉnh Hà Giang đã tổ chức Hội thảo tư vấn phản biện (TVPB), đóng góp ý kiến đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng. Tham dự Hội thảo có Bà: Vương Ngọc Hà, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Hà Giang, các đồng chí đại diện các Sở, ban ngành của tỉnh, các chuyên gia TVPB Liên hiệp Hội Trung ương và ở tỉnh.
Toàn cảnh Hội thảo TVPB, đóng góp ý kiến đối với Luật Xây dựng sửa đổi, bổ sung
Tại Hội thảo, các đại biểu đã đánh giá cao về chất lượng của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng mà Ban soạn thảo Trung ương đã xây dựng. Qua nhiều lần tổ chức lấy ý kiến đóng góp rộng rãi, nội dung các điều, khoản đề cập sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật lần này cơ bản phù hợp, đồng bộ, có tính khoa học và thực tiễn, đáp ứng được mục đích, yêu cầu đặt ra, đó là: Hoàn thiện thể chế, pháp luật lĩnh vực quản lý nhà nước trong hoạt động đầu tư xây dựng; cải cách hành chính, hoàn thiện cơ chế phân cấp giữa Trung ương và địa phương; nâng cao vai trò trách nhiệm của cộng đồng và phù hợp trong bối cảnh, điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế.
Tuy nhiên, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xây dựng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế đề nghị Ban soạn thảo Luật Trung ương cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung và hoàn thiện để nâng cao chất lượng của Luật, cụ thể:
1. Cần nghiên cứu rộng hơn với đề xuất sửa tên của Luật nên sửa lại là: “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng và sửa đổi Điều 17 của Luật Nhà ở”, hoặc trong dự thảo lần này nên bỏ nội dung chỉ đề cập sửa đổi Điều 17 của Luật Nhà ở;
2. Cần bổ sung thêm nội dung phát huy vai trò giám sát của cộng đồng dân cư, huy động sự tham gia TVPB của các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các Hội kỹ thuật chuyên ngành trong việc thẩm tra thiết kế xây dựng, tư vấn giám sát thi công, kiểm định xây dựng và thực hiện dịch vụ công cấp chứng chỉ hành nghề đối với hoạt động xây dựng;
3. Đề nghị bổ sung các tiêu chí đối với các công trình được miễn giấy phép xây dựng, nhất là những công trình xây dựng ở nông thôn, nhà ở riêng lẻ thuộc khu vực nông thôn, cụ thể như: hạn chế về diện tích xây dựng, chiều cao công trình (số tầng công trình kể cả tầng âm), hình thái kiến trúc công trình, phù hợp với quy hoạch nông thôn, trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử văn hóa, khu vực Công viên Địa chất toàn cầu, đặc biệt là vùng lõi của Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, các vùng tiếp cận đô thị và vùng phát triển đô thị hóa nhanh, nếu không sẽ gặp phải nhiều khó cho công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực quy hoạch và đầu tư xây dựng;
4. Luật sửa đổi cần phải phân cấp rõ trách nhiệm hơn về công tác quản lý nhà nước, việc phá dỡ công trình xây dựng, xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động xây dựng cho chính quyền địa phương, đặc biệt là nâng cao vai trò trách nhiệm cho Thanh tra chuyên ngành về xây dựng bao gồm cả cấp tỉnh và cấp, quận, huyện.
Bà Vương Ngọc Hà, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang phát biểu ý kiến
5. Luật Xây dựng năm 2014 đã có một số lần sửa đổi, điều chỉnh và đã được công bố, đây là một dự thảo Luật quan trọng, sau khi được Quốc hội phê chuẩn, công bố thì các đối tượng chịu tác động sẽ có khó khăn trong việc tổng hợp. Vì thế, đề nghị Ban soạn thảo Trung ương cần có kế hoạch xây dựng nhất thể hóa nội dung các lần sửa đổi, bổ sung của Luật để tạo thành một văn bản Luật thống nhất, đồng bộ, thuận tiện cho việc sử dụng, thực thi, tra cứu và học tập.
Tất cả những ý kiến đóng góp của Hội thảo sẽ được Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh tổng hợp báo cáo Đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Hà Giang để kiến với Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV sắp tới diễn ra tại Hà Nội vào tháng 5 năm 2020.
Cao Hồng Kỳ, Chủ tịch Liên hiệp Hội Hà Giang