Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Hà Giang lần thứ 7, năm 2013 được triển khai theo Công văn số 606 ngày 13/9/2012 của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Đây là cuộc thi do Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức hàng năm, với qui mô toàn quốc, có ý nghĩa thiết thực dành cho các em thanh thiếu niên, nhi đồng ở lứa tuổi từ 6 đến 19 tuổi. Cuộc thi nhằm khơi dậy tiềm năng và phát huy tính tư duy sáng tạo, thúc đẩy phong trào thi đua học tập, lao động sáng tạo đối với các em TTN, NĐ; đồng thời giúp các em trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng sáng tạo, phát hiện và bồi dưỡng những mầm non khoa học, xây dựng ước mơ cho các em trở thành các nhà sáng chế trong tương lai.
Đối với tỉnh ta, Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng được tổ chức thường niên, cơ quan Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh được UBND tỉnh giao cho nhiệm vụ là cơ quan chủ trì cùng với các Sở Khoa học và công nghệ, Giáo dục và đào tạo, Tỉnh Đoàn và Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh phối hợp tổ chức. Đến nay, Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn tỉnh lần thứ 7, năm 2013 đã hoàn thành và đạt được kết quả nhất định trên các lĩnh vực cụ thể như sau:
1. Về công tác tổ chức, triển khai Cuộc thi
Sau khi có văn bản chỉ đạo của Liên hiệp hội Việt Nam; Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2840 ngày 18/12/2012 về việc thành lập Ban tổ chức Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Hà Giang lần thứ 7; ngày 09/01/2013, Ban tổ chức Cuộc thi đã ban hành Kế hoạch số 03 kèm theo Thể lệ Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn tỉnh lần thứ 7, năm 2013.
Ngay từ khi tổ chức Cuộc thi, công tác tuyên truyền được xác định có vai trò hết sức quan trọng, Ban tổ chức Cuộc thi của tỉnh đã tích cực tuyên truyền nội dung, mục đích, ý nghĩa của Cuộc thi tới đông đảo các em học sinh trong lứa tuổi TTN, NĐ trong toàn tỉnh bằng nhiều hình thức như: Phối hợp với Báo Hà Giang, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Giang mở các chuyên trang, chuyên mục để đăng tải nội dung, thể lệ, kế hoạch Cuộc thi tới các trường và các em học sinh trong toàn tỉnh để các em có thể tiếp cận Cuộc thi được dễ dàng.
Liên hiệp hội Hà Giang, cơ quan thường trực Ban tổ chức Cuộc thi đã phân công các đồng chí thành viên trong Ban tổ chức Cuộc thi chủ động đảm nhiệm phụ trách từng lĩnh vực chuyên môn cụ thể đảm bảo tính thống nhất, khoa học. Trong quá trình tổ chức triển khai, Liên hiệp hội Hà Giang cũng thường xuyên phối hợp với các Sở Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh đoàn Hà Giang để ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai tới các cơ quan huyện đoàn, thành đoàn, các đoàn trường học nhằm khuyến khích, động viên các em học sinh tham gia Cuộc thi đông đảo. Ban tổ chức cũng đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Tỉnh Đoàn tổ chức các đợt đi công tác cơ sở để kiểm tra, hướng dẫn, hỗ trợ các em nâng cao ý tưởng sáng tạo, hoàn thiện các mô hình, sản phẩm dự thi; đồng thời triển khai tới các huyện đoàn, thành đoàn thu nhận, lựa chọn các mô hình, sản phẩm nộp về Ban tổ chức Cuộc cấp tỉnh thi theo đúng chương trình, kế hoạch đề ra.
Để đánh giá các mô hình, sản phẩm dự thi đảm bảo tính chính xác, khách quan. Ban tổ chức đã tham mưu cho UBND tỉnh thành lập Hội đồng giám khảo bao gồm các nhà chuyên môn, các nhà quản lý đại diện cho các Sở, ban ngành của tỉnh có liên quan đến lĩnh vực dự thi. Các thành viên trong Ban tổ chức, Ban giám khảo Cuộc thi đã làm việc tích cực với tinh thần trách nhiệm, đã hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Ban tổ chức Cuộc thi giao cho.
2. Kết quả đạt được của Cuộc thi
Từ kết quả của công tác vận động, tuyên truyền về Cuộc thi của các Sở, ban ngành, cũng như sự hưởng ứng tích cực của các em học sinh thanh thiếu niên, nhi đồng trong các tổ chức đoàn, đội, nhà trường trong toàn tỉnh. Năm nay, Ban tổ chức Cuộc thi đã nhận được 50 sản phẩm/mô hình của 69 tác giả được lựa chọn từ cơ sở thuộc 04 lĩnh vực dự thi, bao gồm: đồ dùng học tập, đồ chơi trẻ em, sản phẩm thân thiện với môi trường và các dụng cụ sinh hoạt gia đình đến từ 14 trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông thuộc 05 huyện, thành phố thuộc tỉnh, cụ thể là: Trường THPT Hùng An (huyện Bắc Quang) có 11 sản phẩm/mô hình tham gia dự thi; Trường THCS Liên Việt, huyện Xín Mần có 05 sản phẩm/mô hình dự thi; Trường Trung học cơ sở xã Tân Bắc, huyện Quang Bình có 04 sản phẩm/mô hình dự thi; Trường THPT Việt Lâm, huyện Vị Xuyên có 04 sản phẩm/mô hình dự thi; Trường THCS Minh Khai, thành phố Hà Giang có 04 sản phẩm/mô hình dự thi; Trường Trung học cơ sở Lê Lợi có 03 sản phẩm/mô hình dự thi; Trường Tiểu học Hồng Quân có 03 sản phẩm/mô hình dự thi; Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở xã Xuân Minh, huyện Quang Bình có 03 sản phẩm/mô hình dự thi; Trường Tiểu học Yên Bình (Quang Bình) có 02 sản phẩm/mô hình dự thi; Trường Tiểu học Minh Khai (TP. Hà Giang) có 02 sản phẩm/mô hình dự thi; Trường Tiểu học Trần Phú có 02 sản phẩm/mô hình dự thi; Trường Tiểu học Phương Độ có 02 sản phẩm/mô hình dự thi; Trường Trung học cơ sở Yên Biên có 02 sản phẩm/mô hình dự thi; Trường Tiểu học Cốc Pài, huyện Xín Mần có 01 sản phẩm/mô hình dự thi; Trường Tiểu học Lê Lợi (TP. Hà Giang) có 01 sản phẩm/mô hình và Trường Tiểu học Ngọc Đường có 01 sản phẩm/mô hình tham gia dự thi.
Các mô hình/sản phẩm dự thi của các em không phải là những gì quá xa lạ với cuộc sống, sản xuất thực tiễn hàng ngày và xa lạ so với kiến thức đã được học ở lớp, ở trường, mà có sự kết hợp giữa ý tưởng sáng tạo với việc áp dụng khoa học công nghệ đã được học để tạo ra sản phẩm, mô hình phục vụ cho việc học tập được tốt hơn, cũng như đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của cuộc sống thường ngày. Bằng sự vận dụng kiến thức khoa học đã được học tập, nghiên cứu một cách sáng tạo, cùng với bàn tay khéo léo, các em đã tận dụng những vật liệu sẵn trong tự nhiên để làm ra những sản phẩm có ích cho cuộc sống, phục vụ cho vui chơi giải trí và giúp cho việc học tập của các em được tốt hơn. Những mô hình, sản phẩm dự thi tiêu biểu của các em như Ngôi nhà mơ ước, bể cá cảnh thân thiện, cây hoa mai ngày Tết được làm từ những chất liệu sẵn có như những hộp nhựa, mảnh tre, nứa, gỗ, ni lông và các vật liệu khác để làm thành những mô hình, đồ dùng trang trí cho góc học tập của các em thêm đẹp; Mô hình cột đèn tín hiệu chỉ đường được các em làm từ những tấm kim loại, nhựa, bóng đèn, dây điện và công tắc để làm thành mô hình giáo cụ trực quan sinh động, giúp cho các em học sinh bậc tiểu học có thể hiểu biết kiến thức về an toàn giao thông đường phố. Ngoài ra, còn có rất nhiều các đề tài, mô hình/sản phẩm khác như những chiếc máy cơ điện đơn giản đã được sáng chế ra để phục vụ cho sản xuất và đời sống hàng ngày, với ước mơ của các em để cải thiện điều kiện sống, nâng cao năng xuất lao động, an toàn hóa chất, bảo vệ môi trường và giữ gìn sức khỏe cho cộng đồng dân cư, ví dụ như mô hình Giàn phơi nông sản, Máy thái thức ăn gia súc, chế phẩm thuốc trừ sâu sinh học để phun cho rau trồng trên nóc nhà tầng và vườn hoa của trường. Đặc biệt có nhóm học sinh đã vận dụng kiến thức vật lý học để sáng chế ra thiết bị Đèn phát sáng tự động sử dụng làm đèn đường cao áp, thiết bị đèn chiếu sáng nơi công cộng có thể tiết kiệm được nhiều điện năng, giảm chi phí cho sản xuất, góp phần làm lợi cho xã hội.
Trong hai ngày 19 và 20/7/2013, Ban Giám khảo Cuộc thi của tỉnh đã họp đánh giá các sản phẩm/mô hình dự thi. Căn cứ vào yêu cầu, tiêu chuẩn đối với sản phẩm/mô hình dự thi, Ban Giám khảo đã lựa chọn được 18 mô hình/sản phẩm tiêu biểu có ý tưởng sáng tạo, có khả năng áp dụng vào thực tế và phù hợp với khả năng tư duy sáng tạo của các em lứa tuổi thanh thiếu niên, nhi đồng để trao giải thưởng cấp tỉnh, cụ thể là:
- Giải nhì: có 02 sản phẩm
1. Mô hình đèn phát sáng tự động của em Nguyễn Thị Thu Uyên, Lớp 11 B1, Trường trung học phổ thông Hùng An, Bắc Quang.
2. Giàn phơi nông sản của em Hà Ngọc Châm, Trường THPT Việt Lâm, Vị Xuyên.
- Giải ba: có 04 sản phẩm
1. Cây hoa mai của nhóm tác giả Hoàng Anh Tuấn, Lê Quỳnh Nga và Vũ Thị Thu Ngân, Lớp 5A, Trường Tiểu học Ngọc Đường, thành phố Hà Giang.
2. Sản phẩm thuốc trừ sâu sinh học phun cho rau trồng trên nóc nhà tầng của nhóm tác giả Cao Hồng Ngân, Nguyễn Hà My và Nguyễn Hải Hà, Lớp 4E, Trường Tiểu học Lê Lợi, thành phố Hà Giang.
3. Bể cá thân thiện của em Nguyễn Thị Hồng, Lớp 5B, Trường Tiểu học Phương Độ, thành phố Hà Giang.
4. Cối thái thức ăn gia súc siêu tốc của em Hoàng Tiến Dụ, Lớp 12 C10, Trường THPT Hùng An, Bắc Quang.
- Giải khuyến khích: có 12 sản phẩm
1. Váy trẻ em của nhóm tác giả Hà Lan Anh và Phan Thị Nga, Lớp 3A1, Trường Tiểu học Minh Khai, thành phố Hà Giang.
2. Cánh buồm của em Đào Ngọc Nga, Lớp 3C, Trường Tiểu học Trần Phú, thành phố Hà Giang.
3. Khu vui chơi giải trí của em Vũ Quang Huy, Lớp 4E, Trường Tiểu học Trần Phú, thành phố Hà Giang.
4. Đèn tín hiệu giao thông của em Trịnh Thị Hà, Lớp 1A, Trường Tiểu học Hồng Quân, thành phố Hà Giang.
5. Những chú lợn hồng của em Hoàng Quỳnh Như, Lớp 7C, Trường Trung học Cơ sở Minh Khai, thành phố Hà Giang.
6. Tàu thủy điều khiển từ xa của em Nguyễn Ngọc Minh, Lớp 8A, trường THCS Liên Việt, Xín Mần.
7. Chuột rô bốt của em Bùi Thúy Hậu, Lớp 6A, trường THCS Liên Việt, Xín Mần.
8. Thuyền tìm kiếm kim loại dưới nước của em Đinh Thị Quỳnh, Lớp 11 B3, Trường THPT Hùng An, Bắc Quang.
9. Ngôi nhà ước mơ của em Chu Hồng Tươi, Lớp 12 C4, Trường THPT Hùng An, Bắc Quang.
10. Mô hình máy thái rau tự động của em Lương Thị Thu Hà, Lớp 11 B2, Trường THPT Hùng An, Bắc Quang.
11. Rừng cọ của em Hoàng Mai Loan, Lớp 2B, Trường Tiểu học Yên Bình, Quang Bình.
12. Mô hình Chiếc tàu thủy của em Lý Bình Phước, Lớp 5A, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Xuân Minh, Quang Bình.
Ban tổ chức Cuộc thi đã lựa chọn ra 07 sản phẩm/mô hình có chất lượng cao đạt giải ba cấp tỉnh trở lên tham dự Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ 9.
Năm nay, tham dự giải Cuộc thi Sáng tạo trẻ toàn quốc có hơn 3.000 mô hình/sản phẩm được gửi đến từ 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Ban tổ chức giải toàn quốc đã lựa chọn được 106 mô hình, sản phẩm để trao giải toàn quốc; trong đó tỉnh Hà Giang chúng ta rất vui mừng là một trong 35/63 tỉnh, thành trong cả nước có 01 đề tài đoạt giải khuyến khích Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ 9. Đó là Đề tài Chế phẩm thuốc trừ sâu sinh học phun cho rau trồng trên nóc nhà tầng của nhóm tác giả em Cao Hồng Ngân, Nguyễn Hà My và Nguyễn Hải Hà, Lớp 4E, Trường Tiểu học Lê Lợi, thành phố Hà Giang.
Những mô hình, sản phẩm đoạt giải Cuộc thi Sáng tạo TTN, NĐ tỉnh Hà Giang lần thứ 7, năm 2013 tuy còn ở mức hết sức khiêm tốn, nhưng nó đã khơi dậy được tiềm năng và phát huy tính tư duy học tập, lao động sáng tạo của các em học sinh ở độ tuổi TTN, NĐ trong tỉnh. Các sản phẩm/mô hình đoạt giải là niềm tự hào của các nhà sáng tạo trẻ và của nhà trường, giúp các em tự tin trong học tập, tiếp tục tích cực học tập, lao động sáng tạo, ứng dụng đưa khoa học công nghệ vào phục vụ sản xuất và đời sống để đạt được kết quả cao hơn.
3. Đánh giá những ưu, nhược điểm về Cuộc thi năm nay
3.1. Về ưu điểm:
- Số lượng mô hình, sản phẩm tham dự Cuộc thi năm nay có tăng hơn so với năm ngoái (năm 2012 có 39 mô hình, sản phẩm dự thi).
- Số lượng các đơn vị trường học có mô hình, sản phẩm tham dự Cuộc thi năm nay cũng nhiều hơn so với năm ngoái (năm 2012 có 13 trường có sản phẩm tham gia dự thi).
- Một số mô hình, sản phẩm dự thi năm nay có tính mới, tính sáng tạo, được Ban giám khảo của tỉnh đánh giá cao; một số em đã biết vận dụng kiến thức khoa học công nghệ đã được học để nghiên cứu tạo ra những sản phẩm hữu ích; đặc biệt có một số mô hình, sản phẩm có khả năng ứng dụng vào thực tiễn để phục vụ sản xuất, góp phần nâng cao năng xuất lao động và bảo vệ môi trường sống.
- Năm nay cả tỉnh có 01 đề tài được lọt vào vòng chung khảo và đoạt Giải Khuyến khích Cuộc thi Sáng tạo TTN, NĐ toàn quốc lần thứ 9 năm 2013.
3.2. Nhược điểm:
- Các mô hình, sản phẩm dự thi của các em còn quá đơn giản, chất lượng còn thấp; chưa có sự đầu tư về chiều sâu, về tính công nghệ, kỹ- mỹ thuật; chưa có mô hình, sản phẩm nào phát triển theo hướng tối ưu hóa, tự động hóa, thân thiện với môi trường; nhiều mô hình, sản phẩm năm nay lại trùng lắp với các năm trước.
- Chưa có sự tư vấn, định hướng, hỗ trợ, giúp đỡ của các thầy, cô giáo cho các em học sinh về ý tưởng sáng tạo, hoàn thiện sản phẩm, nên chất lượng mô hình, sản phẩm dự thi của các em năm nay không cao.
- Nhận thức của cấp ủy, chính quyền, nhà trường ở một số nơi về mục đích, ý nghĩa Cuộc thi, về vai trò trách nhiệm trong công tác triển khai, tổ chức Cuộc thi ở cấp cơ sở chưa cao. Do đó nhiều trường trên địa bàn huyện và thành phố Hà Giang các em không hào hứng, không có sản phẩm tham gia dự thi.
4. Kiến nghị, đề xuất:
Để Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng của tỉnh năm 2014 và những năm tiếp theo đạt được kết quả tốt, Ban tổ chức Cuộc thi đề nghị các cấp, các ngành của tỉnh quan tâm phối hợp, thực hiện một số nội dung sau:
Một là: Đề nghị các Sở, ban ngành của tỉnh liên quan cần quan tâm hơn nữa trong công tác lãnh chỉ đạo, tuyên truyền, phối hợp tổ chức để đông đảo các em học sinh, sinh viên trong toàn tỉnh tham gia Cuộc thi.
Hai là: Đề nghị các tổ chức đoàn, đội, nhà trường quan tâm, tích cực nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác tuyên truyền, vận động, tổ chức, triển khai Cuộc thi ở đơn vị mình; quan tâm kiểm tra, hướng dẫn, hỗ trợ các em hoàn thiện ý tưởng sáng tạo, sáng kiến, sáng chế để có nhiều đề tài, mô hình, sản phẩm sáng tạo có chất lượng tham gia Cuộc thi. Nhà trường cần coi trọng Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng hàng năm là một phong trào thi đua học tập, lao động sáng tạo, một hoạt động nghiên cứu khoa học và là một tiêu chuẩn để bình xét thành tích thi đua học tốt, dạy tốt trong năm học của nhà trường.
Ba là: Cần tăng cường công tác vận động các cấp, ngành, các doanh nghiệp, các nhà tài trợ trên địa bàn tỉnh tích cực ủng hộ, giúp đỡ về vật chất và tinh thần để Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng của tỉnh không ngừng được nâng cao cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, đem lại hiệu quả thiết thực phục vụ cho việc học tập của các em được tốt hơn, tích cực phục vụ cho sản xuất, đời sống, xã hội, góp một phần nhỏ bé thực hiện công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Ban tổ chức Cuộc thi rất mong UBND tỉnh, các sở, ban ngành, UBND các huyện, thành phố Hà Giang, các tổ chức đoàn, đội, nhà trường, các thầy, cô giáo trong tỉnh tiếp tục quan tâm ủng hộ, giúp đỡ để phong trào thi đua học tập, lao động sáng tạo của tỉnh nhà ngày càng phát triển.
Cao Hồng Kỳ - PCT thường trực Liên hiệp hội Hà Giang.