THỰC TRẠNG VÀ BIỆN PHÁP KIỂM SOÁT, KHAI THÁC HIỆU QUẢ NGUỒN NƯỚC SINH HOẠT GẮN VỚI BVMT VÀ ỨNG PHÓ VỚI BĐKH TẠI MỘT SỐ KHU VỰC KHAN HIẾM NƯỚC VÙNG NÚI PHÍA BẮC, TRƯỜNG HỢP ĐIỂN HÌNH HÀ GIANG.

 Tóm tắt: Ở các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc như: Cao Bằng, Lào Cai… mà điển hình là khu vực Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, do có địa hình núi đá vôi kasrt, không có khả năng giữ nước mặt, đã gây thiếu nước trầm trọng, đặc biệt là mùa khô, từng được mệnh danh là “Miền đất khát”. Những năm qua, khu vực này đã được đầu tư triển khai nhiều giải pháp khai thác nước sinh hoạt như: Hỗ trợ xây dựng bể chứa, lu chứa nước, xây dựng các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung hệ tự chảy, công trình hồ treo trữ nước..., qua đó đã góp phần đáng kể vào giải quyết vấn đề thiếu nước sinh hoạt cho người dân vùng cao. Tuy nhiên, hiệu quả khai thác, sử dụng các công trình cấp nước còn chưa cao, thiếu bền vững. Từ kết quả điều tra, nghiên cứu thực trạng, tác giả đã kiến nghị một số biện pháp khai thác, sử dụng nước sinh hoạt bền vững gắn với bảo vệ môi trường (BVMT) và ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) tại một số khu vực khan hiếm nước vùng núi phía bắc, trường hợp điển hình tỉnh Hà Giang.

          1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Nước là nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá, có vai trò quan trọng, là yếu tố cơ bản không thể thiếu trong việc duy trì sự sống và mọi hoạt động của con người trên hành tinh. Việc đáp ứng nhu cầu về nước đảm bảo cả về chất lượng và số lượng là một điều kiện tiên quyết để phát triển bền vững. Tại các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc như: Cao Bằng, Lào Cai… mà điển hình là khu vực Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang hay Bảo Lâm, Bảo Lạc tỉnh Cao Bằng với địa hình chủ yếu là địa hình karst, phân cắt sâu, nước thoát rất nhanh theo các hệ thống karst tạo nên sự khan hiếm nước rất nghiêm trọng, gây khó khăn cho đời sống của nhân dân ở nhiều nơi. Thời gian gần đây khu vực này đã được đầu tư triển khai nhiều giải pháp khai thác nước như: Hỗ trợ xây dựng bể chứa, lu chứa, xây dựng các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung (hệ tự chảy), hồ treo trữ nước... Qua đó đã giải quyết được phần nào nhu cầu về nước của người dân. Tuy nhiên, công tác quản lý, khai thác sử dụng nguồn nước còn bất cập, thiếu bền vững, hiệu quả sử dụng chưa cao. Để tháo gỡ vấn đề trên, nhóm nghiên cứu đã tiến hành điều tra, đánh giá thực trạng và đề xuất một số biện pháp kiểm soát và khai thác hiệu quả nguồn nước sinh hoạt gắn với bảo vệ môi trường (BVMT) và BĐKH tại một số khu vực khan hiếm nước vùng núi phía Bắc, trường hợp điển hình tỉnh Hà Giang.

THỰC TRẠNG VÀ BIỆN PHÁP KIỂM SOÁT, KHAI THÁC HIỆU QUẢ NGUỒN NƯỚC SINH HOẠT GẮN VỚI BVMT VÀ ỨNG PHÓ VỚI BĐKH TẠI MỘT SỐ KHU VỰC KHAN HIẾM NƯỚC VÙNG NÚI PHÍA BẮC, TRƯỜNG HỢP ĐIỂN HÌNH HÀ GIANG.

Công trình Hồ treo trữ nước xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang

2. THỰC TRẠNG QUẢN LÝ, KHAI THÁC SỬ DỤNG CÁC CÔNG TRÌNH CẤP NƯỚC TẬP TRUNG KHU VỰC NGHIÊN CỨU

2.1. Hiện trạng đầu tư và tình trạng hoạt động công trình

Tính đến thời điểm nghiên cứu, trên địa bàn tỉnh Hà Giang có 985 công trình cấp nước được đầu tư phục vụ cho sinh hoạt. Trong đó, có 121 công trình hồ treo và 864 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung (hệ tự chảy) và công trình khác

 Biểu 01. Tình trạng hoạt động của các công trình cấp nước sinh hoạt

TT

Hạng mục

Tổng số

Công trình cấp nước hồ treo

C.trình cấp nước SH tự chảy và C.trình khác

Số lượng

Tỷ lệ

Số lượng

Tỷ lệ

1

Tình trạng hoạt động

985

121

12,2

864

87,8

-

Hoạt động tốt

204

89

73,6

115

13,3

-

Hoạt động hạn chế

510

27

22,3

483

55,9

-

Không hoạt động

271

5

4,1

266

30,8

2

C.trình cần sửa chữa

394

32

26,4

362

41,9

3

C.trình cần thanh lý

122

0

-

122

14,1

- Trong tổng số 121 công trình hồ treo được đầu tư, có 89 công trình đang hoạt động tốt, chiếm 73,6%; 27 công trình hoạt động hạn chế (công trình xuống cấp, hư hỏng các hạng mục phụ như: tường rào, đường ống dẫn, thu nước, rò rỉ mất nước, tắc hệ thống), chiếm 22,3%; 5 công trình hư hỏng, không còn hoạt động, chiếm 4,1%; 32 công trình cần sửa chữa, chiếm 25,4%;

- Trong tổng số 864 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung (hệ tự chảy) và công trình khác, có 115 công trình đang hoạt động tốt, chiếm 13,3 %; 483 công trình hoạt động hạn chế, chiếm 55,9%; 266 công trình không hoạt động, chiếm 30,8%; 362 công trình cần sửa chữa, chiếm 41,9%; 122 công trình cần thanh lý, chiếm 14,1%.

2.2. Thực trang quản lý, khai thác sử dụng công trình cấp nước

2.2.1. Thực trạng quản lý, khai thác sử dụng

Biểu 02. Thực trạng quản lý vận hành công trình cấp nước khu vực nghiên cứu

TT

Hiện trạng quản lý vận hành

Số lượng công trình

Tổng số

Tỷ lệ

1

Tổng số công trình

985

 

2

Số công trình có tổ quản lý

754

     76,5

3

Số công trình không có tổ quản lý

231

     23,5

4

Số công trình có quy chế hoạt động

729

     74,0

5

Số công trình không có quy chế hoạt động

256

     26,0

6

Số công trình thu được tiền sử dụng nước

120

     12,2

7

Số công trình không thu được tiền sử dụng nước

865

     87,8

 

- Về tổ chức quản lý: Hầu hết các công trình khai thác nước tập trung sau khi xây dựng đều được giao cho cấp xã hưởng lợi công trình trực tiếp quản lý. Hình thức quản lý có sự khác nhau, chưa thống nhất: Hiện trạng có 754/985 công trình có tổ tự quản khai thác, quản lý công trình cấp nước do UBND cấp xã thành lập, chiếm 76,5% số công trình hiện có; các thành viên tổ tự quản thường từ 3-5 người, bao gồm trưởng, phó thôn bản và một số hộ gia đình trực tiếp hưởng lợi từ công trình cấp nước. Còn lại có 213/985 công trình, chiếm 23,5%, xã không thành lập tổ quản lý mà giao cho trưởng hoặc phó thôn kiêm quản lý công trình, có xã giao cho đoàn thanh nhiên quản lý, có xã giao cho cán bộ giao thông hoặc 01 người thu vé, quét dọn chợ kiêm quản lý công trình cấp nước...

- Về quản lý vận hành và khai thác sử dụng:

+ Có 729/895 công trình có quy chế hoạt động chiếm 74 % tổng số công trình. Việc quản lý vận hành được thực hiện theo quy chế hoạt động thông qua vai trò của tổ tự quản hay người được giao quản lý. Nhiệm vụ chủ yếu là quản lý, bảo quản, giữ gìn vệ sinh chung và tổ chức vận hành, điều tiết nước sinh hoạt đảm bảo đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân khu vực hưởng lợi. Phần lớn các công trình cấp nước trên địa bàn đã và đang duy trì được công tác quản lý, vận hành thông qua vai trò của tổ tự quản, họ đã duy trì thực hiện được các công việc của mình như: chông coi, bảo vệ, điều tiết nước cho các hộ gia đình hưởng lợi; một số nơi đã thực hiện tốt công tác huy động người dân định kỳ dọn vệ sinh môi trường công trình cấp nước...

+ Có 120 công trình thu được tiền sử dụng nước, chiếm 12,2% công trình hiện có, chủ yếu là các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung, còn các công trình hồ treo không thu được tiền sử dụng nước. Nguồn tài chính để duy trì hoạt động của các tổ quản lý đối với công trình hồ treo chủ yếu do nhân dân trong thôn, xóm tự nguyên đóng góp nhưng rất hạn chế, chỉ một vài công trình huy động được sự đóng góp này.

2.2.2. Thực trạng kiểm soát chất lượng nước

- Việc kiểm soát chất lượng nước chủ yếu do Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Giang thực hiện. Theo số liệu kiểm soát chất lượng nước năm 2019 đối với 20% số công trình hồ treo khu vực nghiên cứu cho thấy: 100% chỉ tiêu Vi khuẩn Coliforms và phần lớn chỉ tiêu Vi khuẩn E.Coli số mẫu quan sát vượt ngưỡng giới hạn cho phép; 53% chỉ tiêu độ đục và 43% chỉ số Pecmanganat vượt ngưỡng giới hạn cho phép.

- Nhóm nghiên cứu lấy mẫu phân tích chất lượng nước ngẫu nhiên 05 hồ chứa cho kết quả: 100 % mẫu quan sát có chỉ tiêu E.coli vượt gấp 1,05 đến 4,45 lần ngưỡng giới hạn cho phép; 20% mẫu có chỉ tiêu Coliforms vượt gấp 1,6 lần ngưỡng giới hạn cho phép; 40% số mẫu có chỉ tiêu độ đục vượt gấp 1,74 đến 5,86 lần ngưỡng giới hạn cho phép; chiếm 80% số mẫu có chỉ số Pecmanganat vượt gấp 12 lần ngưỡng giới hạn cho phép.

3. KIẾN NGHỊ ĐỀ XUẤT MỘT SỐ BIỆN PHÁP KIỂM SOÁT VÀ KHAI THÁC HIỆU QUẢ NGUỒN NƯỚC SINH HOẠT GẮN VỚI BVMT VÀ ỨNG PHÓ VỚI BĐKH KHU VỰC KHAN HIẾM NƯỚC VÙNG NÚI PHÍA BẮC, TRƯỜNG HỢP ĐIỂN HÌNH TỈNH HÀ GIANG

          3.1. Về cơ chế chính sách

- Cần tiếp tục quan tâm đề xuất với Trung ương hỗ trợ nguồn lực sửa chữa lớn công trình. Hiện trạng tỉnh Hà Giang có 32 (chiếm 26,4%) công trình hồ treo, 362 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung (chiếm 41,9%) cần được đầu tư sửa chữa, rất cần được Chính phủ xem xét có cơ chế chính sách ưu tiên nguồn lực để hỗ trợ sửa chữa.

- Sớm ban hành chính sách hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý, vận hành công trình cấp nước đảm bảo tính bền vững. 

+ Giai đoạn trước mắt, trong bối cảnh trình độ nhận thức, điều kiện kinh tế của người dân còn hạn chế, với các công trình chưa có khả năng thu tiền sử dụng nước thì mô hình tổ chức tổ quản lý vận hành công trình như hiện nay (thành viên tổ quản lý được bầu ra từ những người hưởng lợi và trưởng thôn bản) là tương đối phù hợp. Tuy nhiên, cần có chính sách hỗ trợ kinh phí duy trì hoạt động của tổ quản lý, gắn trách nhiệm với quyền lợi, đảm bảo họ thực hiện tốt chức năng quản lý vận hành, điều tiết nguồn nước cho nhân dân và duy tu, bảo dưỡng và sửa chữa nhỏ công trình.

+ Về lâu dài, nếu tiếp tục duy trì mô hình tổ chức quản lý này sẽ bộc lộ những hạn chế, thiếu bền vững và không phù hợp theo xu hướng thị trường hoá nước sạch nông thôn, rất cần được thay đổi bằng mô hình tổ chức quản lý mới mang tính chuyên nghiệp, bền vững hơn. Do đó, cần nghiên cứu ban hành cơ chế hỗ trợ để huy động sự vào cuộc của các doanh nghiệp/hợp tác xã (có tính chuyên nghiệp như: có năng lực chuyên môn, có bộ máy chuyên trách, kiểm tra, đánh giá chất lượng nước, hạch toán thu chi, duy trì bảo dưỡng...), kết hợp phát huy vai trò của cộng đồng cùng tham gia vào công tác quản lý vận hành và chia sẻ lợi ích sử dụng nguồn nước trên cơ sở chi trả phí sử dụng nước nhằm tái đầu tư để duy trì hoạt động quản lý vận hành vận hành và khắc phục sự cố công trình.

- Có cơ chế khuyến khích các tổ chức khoa học, chuyên gia đầu ngành triển khai các giải pháp khai thác sử dụng nước. Theo đó, cần tiếp tục khuyết khích các đề xuất và triển khai các giải pháp nhằm khai thác hiệu quả nước sinh hoạt khu vực khan hiếm nước của tỉnh như: giải pháp nâng cao chất lượng công trình trong điều kiện tự nhiên khắc nghiệp của tỉnh; giải pháp xử lý ô nhiễm hồ chứa, rong rêu..

- Có cơ chế xã hội hoá đầu tư xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt.

+ Đối với khu vực trung tâm xã, khu đông dân cư, cần có cơ chế huy động sự tham gia của cộng đồng với việc chỗ trợ xi măng theo hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm nhằm huy động sự tham gia của người dân vào thực hiện công trình cấp nước sinh hoạt.

+ Đối với những điểm có dân cư ít, sống phân tán, việc đầu tư xây dựng công trình hồ treo cho thấy ít hiệu quả. Thay vào đó, cần có cơ chế hỗ trợ thực hiện giải pháp khai thác nước khác như: hỗ trợ các hộ gia đình xây dựng mái hứng, bể chứa đủ lớn để cung cấp cho hộ gia đình quanh năm, trên cơ sở nhà nước và nhân dân cùng làm (nhà nước hỗ trợ xi măng, vật liệu thiết yếu, người dân bỏ công sức và các vật liệu khác); sẽ tạo ra sự bền vững hơn và hiệu quả đầu tư sẽ cao hơn.

3.2. Về quản lý đầu tư xây dựng công trình

- Hàng năm cần cân đối, phân bổ bổ sung kinh phí phân cấp cho các huyện để thực hiện tốt công tác duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa công trình thường xuyên công trình. 

- Đối với việc đầu tư xây dựng hồ treo:  

+ Tại khu vực đông dân cư, việc xây dựng các công trình hồ treo với công suất lớn là phù hợp. Tuy nhiên trước khi quyết định đầu tư cần quan tâm thực hiện nghiêm túc bước khảo sát thiết kế ban đầu trước khi quyết định đầu tư và quy mô đầu tư phù hơp như: xác định nhu cầu sử dụng phù hợp với quy mô công trình; khả năng nguồn nước cung cấp cho công trình cấp, phương án tận dụng tối đa nguồn thu nước nhằm tăng tính hiệu quả sử dụng... để tránh lãng phí nguồn lực đầu tư, khắc phục tình trạng: công trình xây dưng xong nhưng không có nước, công trình có nước nhưng không có nhu cầu sử dụng hoặc quy mô xây dựng không tương xứng so với số người hưởng lợi... Trong quá trình lập dự án đầu tư cần tính toán cân nhắc đến yếu tố đặc thù như: khả năng chịu tác động của yếu tố tự nhiên môi trường để nâng cao tính bền vững công trình, giảm thiểu chi phí sửa chữa, bảo dưỡng hàng năm; nghiên cứu, tính toán tăng thời gian bảo trì, bảo hành của chủ đầu tư, nhà thi công theo quy định hiện hành.  

+ Tại những nơi khan hiếm nước có mật độ dân cư thấp, dân số ít, sống phân tán, cần nghiên cứu phương án thiết kế các hồ treo với dung tích nhỏ hoặc triển khai các giải pháp khai thác nước khác thay thế như: hỗ trợ các hộ gia đình xây dựng bể chứa, mái hứng đủ lớn theo phương án nhà nước và nhân dân cùng đầu tư...  

+ Cần rà soát, ưu tiên bố trí nguồn vốn để đầu tư sửa chữa đối với công trình hồ treo hư hỏng, có khả năng cải tạo, sửa chữa. Trong đó, cần quan tâm: có giải pháp kỹ thuật phù hợp để xử lý các ke nứt, biện pháp xử lý hang hốc dưới nền hồ đảm bảo chịu được lực và tải trọng khi tích nước; thiết kế bổ sung hệ thống thu gom nước thứ cấp trên cơ sở tận dụng tối đa nguồn nước mặt, tránh bị thất thoát vào các hang đá kasrt trước khi chảy vào hồ..; có hệ thống hàng rào bảo vệ, hệ thống lấy nước riêng; hệ thống lọc thô lọc tinh để đảm bảo nước sạch; hệ thống xả vệ sinh đáy hồ và các ống thoát khí nền trong trường hợp cần thiết...; khắc phục sửa chữa thay thế các đường ống thu nước, cấp nước bằng các vật liệu đảm bảo chịu lực cao; kịp thời khắc phục các nguy cơ gây ô nhiễm để đưa công trình vào vận hành, sử dụng.

- Đối với công trình cấp nước sinh hoạt tập trung (tự chảy): Cần sớm rà soát, đánh giá lại hiện trạng công trình để có biện pháp quản lý, khai thác sử dụng hiệu quả.

3.3. Về quản lý, khai thác sử dụng công trình

- Cần quan tâm nghiên cứu, rà soát và lập quy hoạch chi tiết cấp nước sinh hoạt mang tính dài hạn tới từng xã trên cơ sở đánh giá rõ nhu cầu sử dụng nước của từng cụng dân cư và khả năng, điều kiện thu gom nước và các điều kiện khác để xác định quy mô đầu tư, phương án thiết kế công suất phù hợp, trên cơ sở đó, theo từng giai đoạn, cần ưu tiên đầu tư các công trình hồ treo với công suất phù hợp với nhu cầu và khả năng thu nước.

- Rà soát, hoàn thiện các văn bản hiện hành liên quan đến công tác quản lý vận hành công trình cấp nước

+ Cần có quy định về bố trí ngân sách hàng năm phân cấp, phân bổ cho các huyện, xã thực hiện công tác duy tu, bảo dưỡng sửa chữa nhỏ công trình một cách kịp thời.

+ Nghiên cứu, rà soát, ban hành văn bản hướng dẫn thống nhất về tổ chức quản lý, khai thác vận hành và khai thác sử dụng các công trình cấp nước đảm bảo phù hợp

- Quan tâm chú trọng công tác quản lý, kiểm tra, giám sát quản lý, khai thác sử dụng các công trình cấp nước. Trong đó:

+ Cần tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng sau đầu tư và công tác quản lý, vận hành và bảo dưỡng các công trình cấp nước sinh hoạt   và giám sát chất lượng nguồn nước; hướng dẫn giúp các địa phương xử lý ô nhiễm nguồn nước các hồ treo đảm bảo vệ sinh an toàn cho người trước khi sử dụng.   

+ Các địa phương được phân cấp quản lý công trình cấp nước cần:

(1) Tiến hành rà soát, kiện toàn các tổ quản lý hoạt động hiệu quả, lấy vai trò đại diện cộng đồng người dân làm trung tâm; các bí thư chi bộ, trưởng thôn bản làm nòng cốt. Quá trình rà soát, kiện toàn cần tính tới yếu tố năng lực, mức độ ảnh hưởng, sự tâm huyết, trách nhiệm để lựa chọn tham gia vào tổ tự quản;

(2) Rà soát hoàn thiện/ban hành lại quy chế quản lý trên cơ sở hướng dẫn chung của tỉnh, đảm bảo sát thực tiễn, hoạt động thực chất, hiệu quả, tránh hình thức…  đảm bảo thống nhất, dựa trên cơ sở làm rõ trách nhiệm, quyền lợi các thành viên tổ quản lý; quyền lợi, trách nhiệm của cộng đồng; làm rõ hình thức xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm quy chế, vi phạm an toàn hồ chứa và lãng phí nguồn nước và vệ sinh môi trường. Quy chế trước khi ban hành, cần được lấy ý kiến thống nhất và sự cam kết thực hiện của các tổ chức, cá nhân đặc biệt là những người trực tiếp hưởng lợi công trình.

(3) Thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát tổ trực tiếp quản lý, vận hành công trình nhằm kịp thời chỉ đạo, khắc phục những hạn chế trong vận hành, sự cố về an toàn công trình và vệ sinh môi trường.

(4) Hàng năm cần rà soát, chủ động dự toán kinh phí, kế hoạch duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa nhỏ công trình trình cấp có thẩm quyền phê duyệt thực hiện; triển khai các phương án tận thu tối đa các nguồn nước bổ xung cho hồ chứa.

(5) Định kỳ huy động nguồn lực vệ sinh, bảo vệ môi trường công trình cấp nước sinh hoạt tự chảy, công trình hồ treo

(6) Bảo vệ và phát triển rừng và thảm thực vật: Cần quan tâm đẩy mạnh việc trồng cây xanh, thảm cỏ, nhất là diện tích nằm trong lưu vực cấp nước nhằm tăng cường khả năng giữ nước, lọc nước và giảm thiểu ô nhiễm nước mặt trước khi nước chảy vào công trình.

3.4. Về khoa học công nghệ

- Tiếp tục nghiên cứu đa dạng hoá các loại hình công nghệ cấp nước phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của tỉnh như: Giải pháp nhân rộng mô hình bơm động lực không dùng điện; thử nghiệm các mô hình cấp nước quy mô nhỏ như: bể chứa nước mưa quy mô hộ gia đình hay hồ chứa nhỏ trên cơ sở khai thác các mạch nước, bó nước, hốc nước vệ tinh…;

- Tiếp tục nghiên cứu ứng dụng các giải pháp khoa học về tận thu nguồn nước để bổ sung nguồn nước cho hồ chứa;

- Giải pháp cải tiến giảm giá thành đầu tư các dụng cụ chứa nước để người dân có điều kiện trang bị, đầu tư, gia tăng các dụng cụ trữ nước mùa mưa, sử dụng lâu dài.

- Triển khai các giải pháp xử lý ô nhiễm nước đặc biệt là xử lý nước hồ treo quy mô hộ và cụm hộ nhằm nâng cao chất lượng nước sinh hoạt như: xử lý rêu, tảo; thử nghiệm mô hình xử lý nước hồ treo theo công nghệ tiên tiến, thân thiện với mô trường..;  

- Thử nghiệm một số mô hình bố sung thảm thực vật phía thượng lưu, để tăng cường lọc nước tự nhiên trước chảy vào công trình cấp nước.

3.5. Đào tạo nâng cao năng lực quản lý, vận hành 

- Thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng cho cán bộ trực tiếp quản lý các công trình cấp nước, cho các thành viên tổ quản lý vận hành các công trình cấp nước về các kỹ năng quản lý vận hành, bảo dưỡng, khắc phục sửa chữa nhỏ công trình và  nâng cao nhận thức cho người hưởng lợi công trình cấp nước về các kỹ năng khai thác, sử dụng nước gắn với bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn sinh thủy;

3.6. Thông tin, tuyên truyền

- Căn cứ kết quả kiểm tra, giám sát, hàng năm cần làm tốt hơn công tác thông tin về kết quả giám sát chất lượng công trình và chất lượng nước tới người dân, giúp họ nắm được thông tin để thực hiện tốt công tác khai thác, sử dụng nước hiệu quả.

- Ban hành tài liệu truyền thông phù hợp cho các đối tượng như tổ quản lý, người dân đảm bảo ngắn ngọn, dễ hiểu.

- Thường xuyên tổ chức tuyên truyền cho cộng đồng, cụm dân cư thực hiện nghiêm túc nội quy, quy chế sử dụng công trình cấp nước đã xây dựng, đặc biệt là cách sử dụng, bảo quản và quản lý nguồn nước hợp vệ sinh.

  TÀI LIỆU THAM KHẢO:

- Báo cáo kết quả đề tài "Nghiên cứu thực trạng và đề xuất biện pháp kiểm soát, khai thác hiệu quả nguồn nước sinh hoạt gắn với bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu tại một số khu vực khan hiếm nước vùng núi phía Bắc, trường hợp điển hình tỉnh Hà Giang"

                                                       TM. Nhóm nghiên cứu

                                                              Th.Tô Đức Hiện.

                                                          PCT Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Hà Giang     
Submit Thread to Facebook Submit Thread to Twitter Submit Thread to Google
icon Các tin tức khác
icon Cần nhân rộng mô hình nhà vệ sinh sinh học không dùng nước
icon Khoa học - kỹ thuật mang lại hữu ích cho nhân dân
icon Kết quả bước đầu nghiên cứu, hiệu quả bài thuốc gia truyền điều trị bệnh Viên đại tràng cho cộng đồng tỉnh Hà Giang
Liên hiệp Hội Việt Nam
Quỹ hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam
bộ khoa học và công nghệ
Sở Khoa học và Công nghệ
Thiết kế website