Trước thực tế hệ thống Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam từ trung ương xuống địa phương hoạt động còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Ngày 16 tháng 4 năm 2010, Bộ chính trị đã ban hành Chỉ thị số 42/CT-TW về việc "Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước". Chỉ thị được ban hành đã tác động mạnh mẽ tới sự hình thành và phát triển của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (Liên hiệp hội) tỉnh Hà Giang.
Với quan điểm tập trung củng cố tổ chức bộ máy, phát triển tổ chức; thúc đẩy hoạt động chuyên môn theo hướng đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, phấn đấu đến năm 2020 xây dựng Liên hiệp hội trở thành tổ chức chính trị - xã hội vững mạnh giữ vai trò nòng cốt trong tập hợp, đoàn kết và phát huy sức sáng tạo của đội ngũ trí thức tham gia thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội tại địa phương. Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW của Bộ Chính trị đã đạt được những kết quả quan trọng trên các vấn đề chủ yếu:
1. Tình hình tổ chức học tập, nghiên cứu và quán triệt triển khai Chỉ thị
Thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW của Bộ Chính trị về "Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước", ngày 12 tháng 7 năm 2012 Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 107-KH/TU thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW của Bộ Chính trị. Trong đó xác định rõ: trước mắt phải tổ chức thành công Đại hội đại biểu Liên hiệp hội, đưa tổ chức đi vào hoạt động ổn định từ năm 2012. Đến năm 2020 phải xây dựng Liên hiệp hội trở thành tổ chức chính trị- xã hội vững mạnh, giữ vai trò nòng cốt trong tập hợp, đoàn kết và phát huy sức sáng tạo của đội ngũ trí thức, góp phần đưa khoa học và công nghệ trở thành động lực phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tổ chức quán triệt đến tất cả các cán bộ chủ chốt của các cấp, các ngành trong tỉnh. Kết quả, các tổ chức cơ sở đảng, tổ chức chính trị xã hội, các ngành chức năng đã nắm bắt và vận dụng có hiệu quả trong triển khai nhiệm vụ chuyên môn. Đặc biệt, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã thường xuyên qua tâm chỉ đạo sát sao mọi hoạt động của Liên hiệp hội, qua đó đã giúp cho cơ quan Liên hiệp hội từng bước được củng cố đi vào hoạt động ổn định.
2. Kết quả thực hiện chỉ thị số 42-CT/TW của Bộ Chính trị
2.1. Công tác củng cố, kiện toàn và phát triển tổ chức Liên hiệp hội
Về củng cố tổ chức bộ máy: Liên hiệp hội tỉnh Hà Giang thành lập năm 2006 theo Quyết định số 1112/QĐ-UBND ngày 09 tháng 5 năm 2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh. Ngay sau khi Chỉ thị số 42-CT/TW được ban hành, Tỉnh ủy đã chỉ đạo củng cố, kiện toàn tổ chức Liên hiệp hội, bố trí biên chế và chuẩn bị các điều kiện để tiến tới Đại hội đại biểu làm cơ sở đưa cơ quan Liên hiệp hội đi vào hoạt động. Được sự đồng ý của thường trực Tỉnh ủy, Uỷ ban nhân dân tỉnh, tháng 12 năm 2012, Liên hiệp hội đã tổ chức thành công Đại hội đại biểu lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2011-2016. Cơ cấu tổ chức của Liên hiệp hội sau Đại hội gồm: 25 đồng chí ủy viên Ban Chấp hành, trong đó có 05 Ủy viên Ban Thường vụ. Giúp việc cho Ban chấp hành Liên hiệp hội có Cơ quan thường trực Liên hiệp hội được UBND tỉnh giao 07 biên chế và 01 hợp đồng theo Nghị định 68, trong đó: thường trực 01 biên chế, Văn phòng 05 biên chế. Ngoài ra có 08 Hội thành viên, bao gồm: Hội Luật gia; Hội đông y; Hội làm vườn; Hội chè; Hội Doanh nghiệp; Hội Văn học nghệ thuật; Hội Châm cứu; Hội chữ thập đỏ. Có 5/8 hội thành viên đã được giao biên chế và hoạt động ổn định theo tính chất của Hội đặc thù. Đến 01/4/2012 cơ quan thường trực Liên hiệp hội được ra mắt và chính thức đi vào hoạt động ổn định.
Đại hội đại biểu Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật
tỉnh Hà Giang lần thứ nhất. Ảnh minh họa
Về phát triển các tổ chức Hội thành viên: Sau khi đi được ra mắt và đi vào hoạt động ổn định, Ban Chấp hành Liên hiệp hội đã trú trọng công tác chỉ đạo phát triển tổ chức. Thường trực Liên hiệp hội đã có nhiều cố gắng trong việc hướng dẫn, phối hợp và vận động các sở, ngành thành lập các Hội Khoa học và Kỹ thuật chuyên ngành (như các Hội Y tế, Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Hội Xây dựng…). Đến nay, đã kết nạp được thêm 01 Hội nâng tổng số lên 9 Hội thành viên với trên 10.000 hội viên.
2.2. Công tác đổi mới nội dung và phương thức hoạt động
Với quan điểm đổi mới là: tăng cường sự lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng; sự chỉ đạo của Ban chấp hành Liên hiệp hội, vai trò của cơ quan Thường trực Liên hiệp hội. Ngay sau khi cơ quan Liên hiệp hội được ra mắt và đi vào hoạt động ổn định, Liên hiệp hội Hà Giang đã tập trung rà soát, cụ thể hóa các văn bản áp dụng cho phù hợp với điều kiện của tỉnh. Giai đoạn đầu, ưu tiên lựa chọn những lĩnh vực, nhiệm vụ cấp thiết, thuộc thế mạnh của Liên hiệp hội như: Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội; hoạt động khoa học và công nghệ; phát động phong trào lao động sáng tạo, cải tiến kỹ thuật, tôn vinh trí thức nhằm từng bước nêu cao vị trí, vai trò của Liên hiệp hội Hà Giang đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Kết quả đạt được trên các lĩnh vực chủ yếu như sau:
Về cụ thể hóa cơ chế chính sách, văn bản liên quan: (1) Trước thực tế khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW của Bộ Chính trị, Liên hiệp hội Hà Giang đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Công văn số 3348/UBND-NN ngày 07/11/2012 về việc thực hiện Kế hoạch số 107-KH/TU ngày 12/7/2012 của Tỉnh ủy về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên hiệp hội theo Chỉ thị số 42-CT/TW của Bộ Chính trị. Trong đó giao trách nhiệm rõ cho các Sở, ngành liên quan trong việc củng cố, đổi mới hoạt động của Liên hiệp hội; (2) Căn cứ Quyết định số 22/QĐ-TTg ngày 30/01/2002 của Thủ tướng Chính phủ và điều kiện thực tế địa phương, Liên hiệp hội Hà Giang đã tham mưu trình Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 11/2013/QĐ-UBND ngày 02/01/2013 Quy định về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp hội Hà Giang theo theo hướng quy định rõ các chương trình, đề án, dự án bắt buộc phải có tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp hội Hà Giang; (3) Trình Ủy Ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 19/2014/QĐ-UBND ngày 01/10/2014 về quy chế phối hợp giữa Liên hiệp hội với các Hội thành viên, các sở, ban, ngành, đoàn thể và UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Quy định rõ trách nhiệm phối hợp giữa các đơn vị với Liên hiệp hội Hà Giang trong việc tổ chức triển khai các hoạt động của Liên hiệp hội.
Về lĩnh vực tư vấn, phản biện và giám định xã hội: Đã có những chuyển biến tích cực như: tham gia đóng góp ý kiến cho Báo cáo sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XV nhiệm kỳ 2010 -2015; tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các hội thành viên cho các Dự án Luật, báo cáo của Trung ương, của tỉnh như Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; dự thảo Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi); báo cáo và đề án sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 27-NQ/TW của BCH Trung ương khóa X “Về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước”; tham gia phản biện một số đề án, dự án lớn, trọng tâm của tỉnh như: Dự án “Quy hoạch tổng thể phát triển cây dược liệu tỉnh Hà Giang giai đoạn 2013-2020, định hướng đến năm 2025”; Đề án “Thành lập Vườn quốc gia gắn với Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn”; thành lập "Khu bảo tồn thiên nhiên Chi Sán, Mèo Vạc; tổ chức phản biện độc lập đối với Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh đến năm 2020”; Dự án “Quy hoạch phát triển kinh tế xã hội tỉnh Hà Giang đến năm 2020 tầm nhìn 2030…
Một hội nghị tư vấn phản biện đề án phát triển kinh tế xã hội. Ảnh minh họa
Lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng khoa học và phát triển công nghệ, chuyển giao khoa học và công nghệ và sản xuất và đời sống: Đã phối hợp với các Hội thành viên xây dựng và triển khai 03 đề tài, dự án khoa học và công nghệ cấp tỉnh, gồm: dự án "Nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình sản xuất nấm rơm trái vụ tại Hà Giang" của Văn phòng Liên hiệp hội Hà Giang; dự án “Nâng cao tỷ lệ đậu quả na dai bằng phương pháp thụ phấn nhân tạo và trồng khảo nghiệm na dai ruột tím trên địa bàn thành phố Hà Giang và huyện Vị Xuyên của Hội Làm vườn Hà Giang”; dự án "Nghiên cứu, kế thừa bài thuốc gia truyền phục vụ chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng" của Hội Đông y tỉnh. Bên cạnh đó, đã đề xuất được 02 dự án với các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế (tổ chức Paraff và PanNature) tài trợ cho triển khai tại tỉnh. Đồng thời đã hỗ trợ, tư vấn hướng dẫn cho 03 đơn vị thuộc tổ chức dân sự xã hội của tỉnh xây dựng dự án và được Quỹ Paraff tài trợ. Tổng giá trị nguồn vốn đầu tư đạt trên 2,5 tỷ đồng.
Hoạt động tuyên truyền, tập hợp, tôn vinh trí thức phát huy tiềm năng, trí tuệ của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ phục vụ phát triển tỉnh Hà Giang: Nhằm ghi nhận những đóng góp của các nhà khoa học, tạo diễn dàn tuyên truyền cho đội ngũ trí thức phát huy tiềm năng, trí tuệ đóng góp cho sự phát triển của tỉnh Hà Giang. Được sự đồng ý của Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, Liên hiệp hội Hà Giang đã tổ chức Lễ vinh danh Tiến sĩ, tôn vinh các Cán bộ khoa học công nghệ trong và ngoài tỉnh đã có thành tích đóng góp lớn đối với tỉnh Hà Giang giai đoạn 2001-2011. Buổi lễ đã thu hút trên 80 lượt cán bộ, các nhà khoa học trong tỉnh và trung ương tham gia. Có 04 tiến sĩ của tỉnh được vinh danh, 24 nhà khoa học trong và ngoài tỉnh có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển tỉnh Hà Giang được UBND tỉnh tôn vinh và khen thưởng. Qua việc vinh danh và tôn vinh, đã động viên, khích lệ thế hệ trẻ nhận thức và nêu cao truyền thống học tập, say mê nghiên cứu khoa học, tạo động lực thúc đẩy sự sáng tạo của thế hệ trí thức trẻ của tỉnh, cũng như tranh thủ sự ủng hộ, quan tâm của đội ngũ trí thức ngoài tỉnh, góp phần vào việc thực hiện nhiệm vụ phát triển khoa học và công nghệ, đóng góp cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Giang cho những năm tiếp theo.
Lãnh đạo tỉnh Hà Giang làm việc với Lãnh đạo Liên hiệp hội Việt Nam. Ảnh minh họa
Hoạt động tuyên truyền phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật: Liên hiệp hội Hà Giang đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Tỉnh đoàn Hà Giang, Sở Giáo dục và Đào tạo, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Giang xây dựng kế hoạch và phát động các Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn tỉnh lần thứ 6, 7, 8. Hàng năm, đã thu hút hàng nghìn lượt các em học sinh, thanh thiếu niên nhi đồng hưởng ứng; có hàng trăm sản phẩm đã được đăng ký dự thi. Nhiều sản phẩm đã đoạt giải tại các Cuộc thi, Hội thi toàn quốc. Bên cạnh đó đã phối hợp với các Sở, ngành liên quan phát động các Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Hà Giang lần thứ I (2012-2013, lần thứ II (2014-2015), bước đầu đã khích lệ được tinh thần lao động sáng tạo, cải tiến kỹ thuật của các tổ chức, cá nhân trong tỉnh, có 01 đề tài đã đoạt giải 3 Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc.
3. Đánh giá chung và bài học kinh nghiệm
*/ Về Ưu điểm:
Chỉ thị số 42-CT/TW của Bộ Chính trị được ban hành trong bối cảnh Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh còn gặp nhiều khó khăn cả về ổn định tổ chức, bộ máy và hoạt động. Dưới sự lãnh, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, sự phối hợp của các sở, ban ngành liên quan. Hoạt động của Liên hiệp hội Hà Giang đã có sự chuyển biến tích cực. Đã tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ nhất; tổ chức bộ máy được hình thành, củng cố và đi vào hoạt động ổn định; công tác chuyên môn đã đạt được được nhưng kết quả cụ thể trong việc tập hợp đội ngũ trí thức tham gia triển khai các nhiệm vụ như: Tư vấn, phản biện và giám định xã hội; đề xuất với các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ, triển khai các hoạt động khoa học và công nghệ; thúc đẩy phong trào lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật.. Bước đầu đã thể hiện được vai trò là đầu mối tập hợp, phát huy trí tuệ của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và góp phần thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ tại địa phương.
*/ Về hạn chế: (1) Liên hiệp hội tỉnh Hà Giang chưa trở thành tổ chức chính trị- xã hội vững mạnh; tính chất của tổ chức chính trị - xã hội còn chưa được làm rõ; chưa thể hiện rõ vai trò là nòng cốt trong việc tập hợp, đoàn kết và phát huy sức sáng tạo của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ, góp phần quyết định đưa khoa học và công nghệ trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo tinh thần Chỉ thị số 42-CT/TW của Bộ Chính trị; (2) Tuy tổ chức bộ máy của Liên hiệp hội Hà Giang đã được hình thành và đi vào hoạt động, song biên chế còn thiếu so với yêu cầu nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức chưa được sắp xếp kiện toàn theo tinh thần Công văn số 327/BNV-TCPCP của Bộ Nội vụ. Các hội thành viên còn mỏng, đặc biệt một số sở/ngành chưa thành lập được các Hội Khoa học và Kỹ thuật chuyên ngành để tập hợp đội ngũ trí thức khoa học và kỹ thuật tham gia đóng góp trí tuệ với Đảng và Nhà nước về các vấn đề trong phát triển kinh tế xã hội của tỉnh; (3) Hàng năm, Liên hiệp hội Hà Giang chưa được Tỉnh giao chỉ tiêu, kế hoạch về nhiệm vụ chuyên môn để thực hiện vai trò tập hợp trí thức tham gia giải quyết những vấn đề quan trọng trong phát triển khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, bảo vệ môi trường cũng như những chính sách đối với trí thức; (4) Cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện, điều kiện và trụ sở làm việc của Liên hiệp hội Hà Giang còn rất khó khăn, chưa được đảm bảo để thực hiện nhiệm vụ; cán bộ làm việc trong tổ chức Liên hiệp hội chưa được hưởng chính sách như các tổ chức chính trị - xã hội khác (Hội Nông dân, Hội Phụ nữ...)
*/ Về Nguyên nhân: (1) Việc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạp pháp luật liên quan đến hệ thống Liên hiệp hội còn chậm, chưa được thể chế hóa; thiếu các văn bản mang tính pháp quy quy định về vị trí, vai trò của Liên hiệp hội; thiếu các văn bản đảm bảo kinh phí và điều kiện hoạt động cho tổ chức Liên hiệp hội; (2) Mặt dù trên các văn bản chính thức của Đảng như Chỉ thị số 42-CT/TW của Bộ Chính trị đã quy định và xác định hệ thống Liên hiệp Hội là tổ chức chính trị - xã hội nằm dưới sự lãnh đạo của Đảng. Xong, quá trình triển khai thực hiện, Liên hiệp hội Hà Giang vẫn chưa được xác định rõ là tổ chức chính trị - xã hội, dẫn đến vai trò và quyền lợi của Liên hiệp hội chưa được đảm bảo theo đúng tích chất của tổ chức chính trị - xã hội; (3) Một số cấp ủy đảng, chính quyền còn chưa quán triệt và triển khai nghiêm túc Chỉ thị số 42-CT/TW của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 107-KH/TW của Tỉnh ủy; hầu như chưa xây dựng Chương trình hành động hay kế hoạch để tổ chức thực hiện; (4) Sự phối hợp hoạt động giữa Liên hiệp hội với các cơ quan nhà nước trong việc triển khai các hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội đối với các chương trình, đề án, dự án trọng tâm, trọng điểm của tỉnh còn rất khó khăn, dẫn đến chưa khai thác được tiềm năng, sức sáng tạo của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ; (5) Số lượng hội thành viên còn mỏng và yếu, một số các cấp ủy đảng, chính quyền các Sở/ngành còn chưa quan tâm đúng mức tới việc phát triển, thành lập các tổ chức Hội khoa học và công nghệ chuyên ngành; (6) Năng lực tổ chức thực hiện và triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ còn hạn chế. Liên hiệp Hội chưa có điều kiện thông tin, tuyên truyền về thành tựu khoa học công nghệ trong nước, trong tỉnh, giới thiệu về tổ chức, thế mạnh và những kết quả hoạt động phục vụ nhu cầu xã hội; (7) Đại diện đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ của tỉnh chưa thường xuyên hoặc định kỳ được bày tỏ tâm tư, nguyện vọng và những vấn đề khó khăn vướng mắc với cấp ủy Đảng và chính quyền.
4. Một số nội dung trọng tâm của Liên hiệp hội tỉnh Hà Giang trong thời gian tới: (1) Tiếp tục tuyên truyền, quán triệt sâu rộng nội dung Chỉ thị số 42-CT/TW của Bộ chính trị tới toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tới các ban ngành, đoàn thể, Liên hiệp hội và các hội thành viên; tổ chức các hội nghị, hội thảo tìm ra giải pháp tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 42-CT/TW của Bộ Chính trị gắn với Kế hoạch số 107-KH/TW của Tỉnh ủy; (2) Củng cố, kiên toàn và phát triển tổ chức Liên hiệp hội như: tiếp tục kiện toàn tổ chức, bộ máy của Liên hiệp hội đảm bảo hoạt động hiệu quả, chuyên nghiệp; Củng cố phát triển các hội thành viên đã có; tiến hành rà soát làm việc với các sở/ngành để thành lập các Hội khoa học và kỹ thuật chuyên ngành, kết nạp hội thành viên, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh; Nghiên cứu, thành lập Trung tâm trực thuộc Liên hiệp hội hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, nhằm từng bước thu hút đầu tư, tập hợp đông đảo đội ngũ trí thức tham gia triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, thực hiện xã hội hóa các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. (3) Tiếp tục rà soát tham mưu với tỉnh ban hành cơ chế chính sách đảm bảo nâng cao hoạt động hiệu quả của Liên hiệp hội như: cụ thể hóa cơ chế tài chính cho hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội; cơ chế thúc đẩy xã hội hóa hoạt động sáng tạo kỹ thuật; cơ chế giao nhiệm vụ, đảm bảo kinh phí hoạt động của Liên hiệp hội; Đẩy mạnh hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội; Xây dựng đề án tuyên truyền, phổ biến kiến thức của Liên hiệp hội trình tỉnh xem xét quyết định; Đề xuất triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ mang tính trọng tâm, trọng điểm; thúc đẩy phong trào lao động sáng tạo, áp dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào phục vụ sản xuất và đời sống; Tăng cường mối quan hệ hợp tác quốc tế, đặc biệt tranh thủ đề xuất sự ủng hộ, giúp đỡ đầu tư từ các tổ chức phi chính phủ phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh; Đề xuất trình Tỉnh ủy cho chủ trương thành lập Đảng đoàn và xây dựng quy chế hoạt động Đảng đoàn của Liên hiệp hội, đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của Đảng đối với Liên hiệp hội.
Để đến năm 2020, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam có thể thực sự trở thành tổ chức chính trị - xã hội vững mạnh từ trung ương xuống địa phương, theo mục tiêu Chỉ thị số 42-CT/TW của Bộ chính trị đã đề ra, rất cần có sự quan tâm lãnh chỉ đạo hơn nữa của Đảng và Nhà nước trên các vấn đề chủ yếu như: (1) Bộ Chính trị, Ban Bí thư cần tiếp tục chỉ đạo việc nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ trung ương đến địa phương, tạo sự chuyển biến căn bản nhận thức về vị trí, vai trò của hệ thống tổ chức Liên hiệp Hội Việt Nam là một tổ chức chính trị - xã hội trong việc tập hợp, đoàn kết và phát huy trí tuệ của đội ngũ trí thức KH&CN Việt Nam trong thời kỳ mới; (2) Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành Trung ương thể chế hóa Chỉ thi 42-CT/TW của Bộ Chính trị; sớm xem xét sửa đổi Nghị định 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội và Quyết định số 68/2010/QĐ-TTg ngày 01/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định hội có tính chất đặc thù (theo Thông báo số 116/TB-VPCP ngày 12/5/2011 của Văn phòng Chính phủ Thông báo Kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại buổi làm việc với Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam), trong đó xác định rõ Liên hiệp hội là tổ chức chính trị - xã hội; (3) Đối với tỉnh, cần tiến hành tổ chức sơ kết đánh giá 5 năm thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 107-KH/TU của Tỉnh ủy nhằm đánh giá kết quả thực hiện, tìm ra hạn chế, nguyên nhân, từ đó đề ra giải pháp mang tính khả thi để tiếp tục thực hiện có hiệu quả theo tinh thần Chỉ thị số 42-CT/TW của Bộ chính trị trong thời gian tới./.
Tô Đức Hiện
Tổng thư ký Liên hiệp các Hội KH&KT Hà Giang