1. Thực trạng mô hình tổ chức Liên hiệp hội các tỉnh, thành phố
Theo văn bản quy định hiện hành của Nhà nước (Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội) thì tổ chức hội không bao gồm: Mặt trận Tổ quốc và 05 tổ chức: Công đoàn, Đoàn Thanh niên Cộng sản HCM, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh cũng như các tổ chức tôn giáo. Các tổ chức này được điều chỉnh bằng luật, pháp lệnh, nghị định riêng. Theo xác định của Đảng tại Cương lĩnh chính trị năm 1991 và Cương lĩnh bổ sung phát triển năm 2011, cũng như Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương tại các kỳ Đại hội Đảng trong thời kỳ đổi mới thì các tổ chức: Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và các tổ chức hội đều thuộc đoàn thể nhân dân. Trong đó, Công đoàn, Đoàn Thanh niên cộng sản HCM, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh thuộc nhóm đoàn thể chính trị - xã hội, còn các hội khác thuộc nhóm hội có tính chất đặc thù; nay gọi là nhóm hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ (Chỉ thị số 17-CT/TW ngày ngày 28/8/2012 của Bộ Chính trị (khoá XI) về việc tiếp tục đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các hội quần chúng đã khẳng định điều đó; và nay heo Quyết định số 118-QĐ/TW ngày 22/8/2023 của Ban Chấp hành Trung ương ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương đã khẳng định lại Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam thuộc hội quần chúng).
Toàn cảnh Hội nghị giao ban Liên hiệp các Hội KH&KT các tỉnh năm 2024
Các tổ chức hội quần chúng ở nước ta hiện nay có 05 nhóm:
(1) Tổ chức chính trị - xã hội: Có 03 tổ chức là Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam, Liên hiệp Hội các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam.
(2) Tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp: Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật, Hội Nhà báo, Hội Luật gia…
(3) Tổ chức xã hội - nghề nghiệp: Đây là nhóm phổ biến nhất, có rất nhiều hội, đó là các hội chuyên ngành như: Hội khoa học kinh tế, Hội khoa học lịch sử, Hội kiến trúc sư, Hội khoa học kỹ thuật cầu đường, Hội Y học, Hội đông y…
(4) Tổ chức xã hội: Tương đối phổ biến như Hội Người cao tuổi, Hội Chữ thập đỏ, Hội Bảo trợ trẻ em, Hội Khuyến học, Hội Người mù...
(5) Tổ chức kinh tế - xã hội. Chủ yếu là các Hiệp hội ngành hàng, Hiệp hội doanh nghiệp, Liên minh hợp tác xã.
a) Về tổ chức bộ máy, biên chế
Thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 16/4/2010 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và Thông báo số 353-TB/TW ngày 25/6/2010 của Ban Bí thư về việc xác định các vấn đề triển khai thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 16/4/2010 của Bộ Chính trị, Liên hiệp Hội Việt Nam đã chủ động đề xuất với Ban cán sự đảng Bộ Nội vụ xây dựng Đề án kiện toàn tổ chức bộ máy của Liên hiệp các Hội KH&KT ở Trung ương và tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đề án kiện toàn tổ chức bộ máy Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam đã được Ban Bí thư Trung ương Đảng thông qua và Bộ Nội vụ hướng dẫn UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện theo tinh thần của Công văn số 327/BNV-TCPCP ngày 19/01/2012 của Bộ Nội vụ về việc thực hiện Đề án kiện toàn tổ chức bộ máy của Liên hiệp hội. Từ đó đến nay, nhiều Liên hiệp hội địa phương đã xây dựng Đề án kiện toàn tổ chức bộ máy và đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương tạo điều kiện để củng cố tổ chức bộ máy Liên hiệp hội, giao biên chế và đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất để Liên hiệp hội địa phương hoạt động. Đến nay, cơ cấu tổ chức và biên chế của Liên hiệp hội địa phương đã được kiện toàn ở 63/63 tỉnh thành phố trong cả nước.
Trước khi có Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 16/4/2010 thì bình quân mỗi Liên hiệp hội địa phương có khoảng 5-6 cán bộ biên chế và hợp đồng. Sau khi có Công văn số 327/BNV-TCPCP ngày 19/01/2012 của Bộ Nội vụ, nhiều Liên hiệp hội địa phương đã xây dựng Đề án kiện toàn tổ chức và được UBND tỉnh phê duyệt. Đến nay, bình quân mỗi Liên hiệp hội địa phương có khoảng 6-9 biên chế và hợp đồng. Cùng với việc được bổ sung biên chế, nhiều Liên hiệp hội địa phương được bố trí trụ sở và tăng cường trang bị thiết bị phục vụ công việc, kinh phí chi cho hoạt động chuyên môn cũng được quan tâm hơn trước.
Về bộ máy, theo số liệu nghiên cứu chưa đầy đủ, hiện nay có khoảng 32 Liên hiệp hội địa phương kiện toàn mô hình tổ chức bộ máy cơ quan Liên hiệp hội gồm văn phòng và 02 ban chuyên môn; 09 Liên hiệp hội địa phương kiện toàn mô hình tổ chức bộ máy gồm văn phòng và 03 ban chuyên môn; còn lại mô hình tổ chức bộ máy cơ quan Liên hiệp hội chỉ gồm văn phòng và 01 ban chuyên môn.
Về biên chế, thực tế hiện nay, số cán bộ của mỗi Liên hiệp hội địa phương có tăng lên, nhưng thực chất mỗi ban hoặc văn phòng của Liên hiệp hội địa phương chỉ có từ 2-3 người. Bên cạnh đó, vẫn còn có một số Liên hiệp hội địa phương chưa có tổ chức bộ máy hợp lý và chưa có đủ số cán bộ cần thiết để làm việc; có nơi chỉ có một vài biên chế và hợp đồng, chưa được bố trí trụ sở, kinh phí làm việc còn hạn chế nên việc thực hiện nhiệm vụ còn gặp nhiều khó khăn.
b) Về mô hình hoạt động
Đến nay về mô hình hoạt động của Liên hiệp hội các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương chủ yếu theo 02 loại mô hình: Chuyên trách và kiêm nhiệm.
- Mô hình chuyên trách gồm 02 loại hình chủ yếu:
(1) Mô hình lãnh đạo Liên hiệp hội chuyên trách, trong đó: Thường trực và bộ máy giúp việc Liên hiệp hội trong độ tuổi lao động. Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký do Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý; cán bộ và người lao động được hưởng chế độ chính sách như công chức, viên chức (công tác quy hoạch cán bộ, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ do tỉnh chỉ đạo). Hiện nay, mô hình này đang có xu hướng tăng ở khá nhiều Liên hiệp hội tỉnh, nhất là các tỉnh phía Bắc như: Hải Dương, Ninh Bình, Thái Bình, Phú Thọ, Bắc Giang, Hà Giang, Quảng Ninh... Đối với mô hình này, khá nhiều Chủ tịch Liên hiệp hội là lãnh đạo các Sở, ban, ngành của tỉnh được điều động sang làm việc chuyên trách tại cơ quan Liên hiệp hội tỉnh hoặc được bầu tại Đại hội Liên hiệp hội tỉnh. Bên cạnh đó, một số địa phương, cán bộ chủ chốt của Liên hiệp hội được bầu giữ vị trí Phó Chủ tịch Liên hiệp hội. Hiện nay, nhiều địa phương thực hiện công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, trong đó có các chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Liên hiệp hội tỉnh.
(2) Mô hình lãnh đạo Liên hiệp hội không chuyên trách, trong đó, phần lớn Thường trực Liên hiệp hội là cán bộ lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND, lãnh đạo các Sở, Ban, ngành đã nghỉ hưu tham gia lãnh đạo chủ chốt Liên hiệp hội, được Tỉnh ủy và UBND giới thiệu bầu tại Đại hội. Lãnh đạo và chuyên viên các phòng ban của Liên hiệp hội là lao động trong độ tuổi thuộc biên chế của Liên hiệp hội hoặc là biên chế của các Sở, ban, ngành kiêm nhiệm công tác hội. Mô hình này có khá nhiều ở các tỉnh phía Nam như: Cần Thơ, Long An… Với mô hình này, Chủ tịch Liên hiệp hội làm việc theo chế độ chuyên trách là những cán bộ đã hết tuổi lao động (nghỉ hưu) ở cơ quan của đảng, chính quyền. Hiện nay một số tỉnh, thành phố có Chủ tịch Liên hiệp hội là cán bộ đã hết tuổi lao động (nguyên là cán bộ lãnh đạo chủ chốt của tỉnh hết tuổi lao động như: Bí thư Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, hoặc lãnh đạo của Sở, ban, ngành trong tỉnh như: Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Giám đốc Sở KHCN)...
- Mô hình kiêm nhiệm gồm (02 mô hình chủ yếu):
(1) Mô hình lãnh đạo kiêm nhiệm, trong đó Chủ tịch Liên hiệp hội là lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, hoặc các Sở, ban ngành của tỉnh chuẩn bị nghỉ hưu chuyển dần sang để tiếp tục làm chuyên trách công tác hội; Thường trực và bộ máy giúp việc của Liên hiệp hội ở trong độ tuổi lao động. Một số tỉnh có mô hình này như: Hưng Yên, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Sơn La...
(2) Mô hình lãnh đạo kiêm nhiệm, trong đó phần lớn cán bộ lãnh đạo làm việc kiêm nhiệm tham gia hoạt động hội. Đối với mô hình hình này, bộ máy lãnh đạo, quản lý gắn khá nhiều với hình thức hoạt động kiêm nhiệm. Đây là mô hình đặc trưng đối với khá nhiều Liên hiệp hội mới thành lập và đi vào hoạt động. Có thể nói như Liên hiệp hội Hà Nam, Nam Định là điển của mô hình này.
c) Thực trạng mô hình tổ chức của Liên hiệp hội Hà Giang
Hiện nay, cơ quan Liên hiệp hội tỉnh Hà Giang đang hoạt động theo mô hình “chuyên trách”, “Lãnh đạo Liên hiệp hội là công chức trong độ tuổi lao động”. Theo Đề án vị trí việc làm, hiện tại tổng số người làm việc trong cơ quan Liên hiệp hội tỉnh gồm có 07 biên chế và 01 lao động hợp đồng (theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ); 100% cán bộ Liên hiệp hội là cán bộ đương chức; cơ cấu bộ máy tổ chức Liên hiệp hội tỉnh gồm: Lãnh đạo có Chủ tịch và 01 Phó Chủ tịch đều là công chức làm việc chuyên trách; và 01 Văn phòng Liên hiệp hội gồm 05 viên chức và 01 lao động hợp đồng (lái xe) theo Nghị định 68. Liên hiệp hội không thể thành lập được thêm phòng/ban chuyên môn, vì không đủ tiêu chí thành lập (tối thiểu phải có 05 biên chế công chức/viên chức đối với phòng thuộc sở của cấp tỉnh loại II và loại III theo quy định tại Nghị định số 107/2020/NĐ-CP ngày 14/9/2020 của Chính phủ ban hành sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04/4/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương). Việc quản lý, sử dụng người làm việc tại cơ quan Liên hiệp hội được áp dụng theo các quy định về quản lý công chức, viên chức. Tỉnh ủy đã sớm quyết định thành lập Đảng đoàn Liên hiệp Hội tỉnh, bộ máy tổ chức cán bộ lãnh đạo chủ chốt và cơ quan Liên hiệp hội Hà Giang được củng cố, kiện toàn cơ bản ổn định phù hợp chức năng, nhiệm vụ của Liên hiệp hội.
2. Kiến nghị giải pháp thực hiện mô hình tổ chức Liên hiệp hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong tình hình mới
Hiện nay, thực trạng đặc điểm mô hình tổ chức bộ máy của Liên hiệp hội các địa phương trong cả nước còn khá đa dạng, sự không đồng bộ, thống nhất đó dẫn tới có những ảnh hưởng nhất định đến hiệu quả hoạt động của hệ thống Liên hiệp hội Việt Nam nói chung và Liên hiệp hội địa phương nói riêng.
Thực tế tại tỉnh Hà Giang nói riêng và Liên hiệp hội các địa phương trong cả nước nói chung, bản thân Liên hiệp hội cũng có những hạn chế nhất định: Mô hình, hiệu quả hoạt động cũng có lúc chưa rõ nét, vai trò của Liên hiệp hội nhiều lúc chưa được phát huy một cách đầy đủ, mối liên hệ gắn kết giữa các tổ chức trong hệ thống Liên hiệp hội chưa chặt chẽ, công tác tập hợp vận động đội ngũ trí thức nhiều lúc chưa mạnh mẽ, cùng với đó hoạt động của Liên hiệp hội còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc về sự bất cập hoặc chậm trễ trong việc ban hành, sửa đổi hệ thống những văn bản của Đảng, Nhà nước đối với Liên hiệp hội. Mặt khác, địa vị pháp lý của Liên hiệp hội địa phương là tổ chức chính trị - xã hội, nhưng trong thực tế tại địa phương còn có những nhận thức khác nhau và chưa được thừa nhận. Điều này dẫn đến có nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc giải quyết và thực hiện các chế độ chính sách, tổ chức cán bộ và thực hiện nhiệm vụ chuyên môn tại Liên hiệp hội cấp tỉnh. Vì thế, Liên hiệp Hội Việt Nam cần sớm tham mưu với Đảng, Chính phủ ban hành quy định cụ thể, thống nhất về tổ chức bộ máy, hoạt động của Liên hiệp hội Việt Nam nói chung và Liên hiệp hội địa phương nói riêng, nhằm hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy, cán bộ bảo đảm về số lượng, có cơ cấu hợp lý để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao.
Để thực hiện được mục tiêu xây dựng Liên hiệp hội từ Trung ương đến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở thành tổ chức chính trị - xã hội của đội ngũ trí thức KHCN thực sự vững mạnh về tổ chức và hoạt động với bộ máy tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả, tạo nền tảng phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong giai đoạn tiếp theo, nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng Cộng sản Việt Nam (được quy định tại Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 16/4/2010 của Bộ Chính trị và Điều lệ Liên hiệp Hội Việt Nam được ban hành kèm theo Quyết định số 1795/QĐ-TTg ngày 21/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ) Liên hiệp Hội Việt Nam cần phải tiếp tục xây dựng Đề án củng cố, kiện toàn mô hình tổ chức bộ máy, cán bộ của Liên hiệp hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Liên hiệp hội trong giai đoạn mới có ý nghĩa hết sức quan trọng trong giai đoạn hiện nay, cụ thể:
Thứ nhất: Đề xuất về biên chế, tổ chức bộ máy, cán bộ
- Đề xuất tổng số biên chế công chức và lao động hợp đồng trong chỉ tiêu biên chế tối thiểu là 12 người, trong đó:
+ Thường trực Liên hiệp hội: Tối thiểu 02 người, gồm: Chủ tịch và từ 1 đến 2 Phó Chủ tịch chuyên trách (không kể các Phó Chủ tịch kiêm nhiệm).
+ Văn phòng Liên hiệp hội: 04 người.
+ Có từ 1 đến 2 ban chuyên môn (tùy theo biên chế được giao): tối thiểu 04 người/ban (Lãnh đạo Liên hiệp hội có thể kiêm Trưởng ban chuyên môn).
Thứ hai: Đề xuất về chế dộ, chính sách
Theo quy định và chính sách hiện hành của Nhà nước thì Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh hiện nay đang thuộc nhóm hội đặc thù – hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ (gồm 30 hội cấp toàn quốc theo Quyết định 118-QĐ/TW). Thực chất Liên hiệp các hội KH&KT khác với tuyệt đại đa số các hội đặc thù khác ở chỗ: Nó là tổ chức chính trị - xã hội (còn các hội khác là tổ chức xã hội, chính trị - xã hội - nghề nghiệp, kinh tế - xã hội...). Liên hiệp hội cũng khác với các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội ở chỗ: Dù có được chuyển sang cùng khối thì nó cũng không hoàn toàn giống các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội về hệ thống tổ chức, bộ máy, biên chế và hoạt động. Nếu bộ máy và biên chế của Liên hiệp hội hoàn toàn được công chức hóa thì có thể thống nhất, ổn định và khuyến khích hơn trong cả nước. Nhưng có thể nó sẽ mất đi ít nhiều tính năng động, sáng tạo và hoạt động tư vấn phản biện có thể cũng sẽ bị hạn chế hơn.
Với tính chất là tổ chức chính trị - xã hội đặc thù, thì Đảng và Nhà nước cũng cần có cơ chế chính sách thật đặc thù theo hướng khuyến khích, tạo điều kiện hơn, đồng bộ hơn và thống nhất hơn. Như thế, Liên hiệp hội vẫn có thể phát huy tốt hơn vai trò, vị thế, uy tín trong giới trí thức KH&CN và trong xã hội.
Thứ ba: Đề xuất về phương thức và điều kiện hoạt động của hội
Cần đa dạng hóa các hình thức tập hợp trí thức, nhất là trí thức trẻ, trí thức trong các doanh nghiệp, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài thông qua các diễn đàn, hội nghị, hội thảo, tập huấn, dạy nghề, bồi dưỡng kiến thức KHCN mới, chuyển giao tiến bộ KHCN vào sản xuất và đời sống.
Nghiên cứu bổ sung phương thức hoạt động kinh tế, Nhà nước cần giao cho hội đảm nhiệm thực hiện một số hoạt động dịch vụ công với nhà nước để có nguồn kinh phí hoạt động, giảm bớt sự bao cấp kinh phí từ phía Nhà nước.
Nhà nước cần đảm bảo kinh phí, cơ sở vật chất kỹ thuật và phương tiện hoạt động cho Liên hiệp hội để thực hiện tốt các nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao./.
Cao Hồng Kỳ, Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT Hà Giang.