Ngày 23/9/2020, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (KH&KT) Hà Giang đã phối hợp với Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Hà Giang tổ chức Hội thảo tư vấn phản biện (TVPB) cấp tỉnh tham gia, góp ý đối dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) sửa đổi. Tham dự Hội thảo có đồng chí Vương Ngọc Hà, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XIV, đơn vị tỉnh Hà Giang, Lãnh đạo Liên hiệp các Hội KH&KT Hà Giangtham gia đồng chủ trì Hội thảo; tham gia Hội thảo có GS.TSKH. Đặng Huy Huỳnh, Anh hùng Đa dạng Sinh học Asean, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, các chuyên gia TVPB thuộc Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam và đại diện các Sở, ban ngành liên quancủa tỉnh.
Toàn cảnh Hội thảo
Tại Hội thảo, các đại biểu đã đánh giá cao chất lượng của dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) đã qua nhiều lần lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, đơn vị từ Trung ương đến địa phương; dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) gồm 16 chương, 179 điều; trong đó đã sửa đổi 78 Điều cho phù hợp với thực tế và bổ sung mới 56 Điều. Dự thảo Luật BVMT lần này quy định trách nhiệm quản lý môi trường của các địa phương được tăng lên; kế hoạch quản lý chất lượng không khí được coi là bắt buộc ở các địa phương; ở cấp Bộ có thêm thanh tra chuyên ngành bảo vệ môi trường để công tác thanh tra hiệu quả hơn; quy định mới liên quan về giấy phép môi trường trở thành công cụ quản lý mới về môi trường. Bên cạnh đó, Luật BVMT (sửa đổi) đã mạnh dạn đưa thêm nhiều phạm trù mới đáp ứng yêu cầu công tác quản lý và mục tiêu phát triển bền vững như các công cụ kinh tế cho bảo vệ môi trường như kiểm toán môi trường, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, ngành kinh tế - môi trường, công nghiệp môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu gồm: các quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, định giá các-bon và phát triển hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải các-bon, bảo vệ tầng ô-dôn, các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn môi trường được tập trung quan tâm như một bộ công cụ hỗ trợ cho công tác quản lý môi trường; ngoài ra, vai trò của các bên liên quan, trong đó có hệ thống Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội và cộng đồng dân cư trong bảo vệ môi trường cũng được nhấn mạnh và làm rõ hơn trong dự thảo Luật BVMT (sửa đổi).
Chuyên gia Trung ương tham gia ý kiến tại Hội thảo
Tuy nhiên, dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) vẫn còn một số tồn tại, hạn chế kiến nghị Ban soạn thảo Trung ương xem xétchỉnh sửa, bổ sung để hoàn thiện, phù hợp với thực tế và đảm bảo tính khả thi cao khi Luật được ban hành. Cụ thể:(i) Bổ sung phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng gồm “các tổ chức, cá nhân người nước ngoài, các cơ sở sản xuất, kinh doanh do nước ngoài đầu tư trên lãnh thổ Việt Nam”; (ii) bổ sung thêm các quy địnhvề quản lý chất lượng môi trường không khí, về kiểm soát các nguồn phát thải, đặc biệt là các nguồn thải lớn như nhà máy nhiệt điện than, nhà máy xi măng, sắt thép, nhà máy hóa chất, … và việc xây dựng hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn này cần phải tham khảo công nghệ tốt nhất; (iii) trong Mục đánh giá môi trường chiến lược và đánh giá tác động môi trường cần bổ sung thêm quy định đánh giá tác động đến cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học là một nội dung quan trọng trong báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án đầu tư, đồng thời phải đề ra được các biện pháp ngăn chặn, phòng tránh, giảm thiểu tác động tiêu cực đến cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh học - hệ sinh thái để tránh hậu quả dự án làm suy giảm, mất cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học;(iv) đề nghị bổ sung quy định đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường sơ bộ là các dự án thuộc nhóm I và II (nhóm dự án tác động đến môi trường ở mức độ cao và mức độ trung bình cao); (v) quy định về thẩm quyền thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đề nghị giao cho Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành theo quy định của pháp luật về xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND cấp tỉnh tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư của Bộ chuyên ngành; (vi) đề xuất tăng cường sử dụng các công cụ kinh tế như quy định thuế, phí khí thải ở mức phải đủ cao để tạo ra sự thay đổi trong hành vi với đối tượng phát thải như các nhà máy nhiệt điện, xi măng, sắt thép, hóa chất…Đồng thời kiến nghị Ban soạn thảo Trung ương cần bổ sung thêm các quy định liên quan đến rác thải và xử lý rác thải bằng hình thức tuần hoàn, phát triển năng lượng tái tạo góp phần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững theo đúng nội dung, quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước đã định hướng tại Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị “Về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Tất cả các ý kiến góp ý của chuyên gia, đại biểu sẽ được Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Hà Giang tổng hợp gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh để phán ánh, kiến nghị với Quốc hội tại Kỳ họp Quốc hội thứ 10 diễn ra vào tháng 10-2020./.
Cao Hồng Kỳ, Liên hiệp Hội Hà Giang