Trong hai ngày 14 và 15/6/2019, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (KH&KT) tỉnh Hà Giang đã phối hợp với UBND huyện Vị Xuyên tổ chức tập huấn “Phổ biến kiến thức sản xuất chè cho nông dân theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ” tại xã Thượng Sơn, huyện Vị Xuyên nhằm nâng cao nhận thức cho nông dân về kỹ thuật sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị cho sản phẩm chè Shan Tuyết của tỉnh Hà Giang. Đây là một trong những nhiệm vụ truyền thông và phổ biến kiến thức (PBKT) khoa học kỹ thuật do Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam hỗ trợ kinh phí trong năm 2019.
Tham dự tập huấn có các chuyên gia, giảng viên đến từ Hội Khoa học Công nghệ (KHCN) Chè Việt Nam, Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI); Lãnh đạo đại diện các Sở, ban ngành của tỉnh Hà Giang: Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh, Hội Làm vườn tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), Phòng NN&PTNT huyện Vị Xuyên; Lãnh đạo UBND xã Thượng Sơn, cùng đại diện các ban, ngành đoàn thể của các xã thuộc vùng chè Shan Tuyết huyện Vị Xuyên: Phương Tiến, Phương Độ, Việt Lâm, Cao Bồ, Quảng Ngần và 50 đại biểu là thành viên các HTX, tổ hợp tác và hộ nông dân sản xuất, chế biến chè Shan Tuyết tại địa bàn các thôn, bản thuộc xã Thượng Sơn, huyện Vị Xuyên.
Toàn cảnh Hội nghị tập huấn PBKT sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ
Phát biểu khai mạc tập huấn, Bà Nguyễn Thị Hương, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Vị Xuyên nêu rõ mục đích, ý nghĩa của lớp tập huấn PBKT: Hà Giang là một tỉnh vùng núi cao cực Bắc của Tổ quốc, có diện tích trồng chè đứng thứ ba trong cả nước sau tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Thái Nguyên. Hà Giang được biết đến với những điểm du lịch nổi tiếng, lễ hội văn hóa độc đáo và giống chè đặc sản Shan Tuyết cổ thụ quý giá với quần thể gần 300 cây tiêu biểu cho vùng chè Thượng Sơn, Cao Bồ thuộc huyện Vị Xuyên đã được công nhận là các cây Di sản Việt Nam và có ý nghĩa rất lớn trong việc bảo tồn nguồn Gen của giống chè Shan Tuyết cổ thụ vùng cao nổi tiếng. Chè Shan Tuyết Hà Giang hội tụ đầy đủ các yếu tố thơm, ngon, xanh và sạch. Có được đặc thù như vậy là do khí hậu mát mẻ, với những làn sương và mây mù quanh năm bao phủ, truyền thống canh tác hoàn toàn tự nhiên của người dân địa phương. Khi uống chè mọi người không chỉ thấy hương vị đậm đà tự nhiên mà còn giúp cho chúng ta tỉnh táo, tươi mát, sảng khoái và khỏe khoắn hơn.
Từ lâu, cây chè Shan Tuyết Hà Giang đã trở thành một trong những cây công nghiệp chủ lực mang lại nguồn thu chủ yếu cho bà con nông dân các xã vùng cao của tỉnh. Đến nay, tổng diện tích chè của tỉnh Hà Giang vào khoảng 20.818 ha, trong đó giống chè Shan Tuyết là 19,675 ha (chiếm 95% tổng diện tích chè của toàn tỉnh). Riêng huyện Vị Xuyên có 3.651,9 ha chè Shan Tuyết, trong đó có 3.333,6 ha chè cho thu hoạch. Từ nay đến năm 2020, định hướng phát triển sản phẩm chè Shan Tuyết của tỉnh là khai thác thị trường trong nước và xuất khẩu theo hướng VietGAP và hữu cơ có thương hiệu và nguồn gốc xuất xứ. Tuy nhiên, do đòi hỏi khắt khe của thị trường trong và ngoài nước, việc sản xuất chế biến chè của các nông hộ trong các hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã bộc lộ những hạn chế như phát triển manh mún, chưa áp dụng đúng quy trình, tiêu chuẩn kỹ thuật trong sản xuất, chế biến, kéo theo những khó khăn trong sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm. Để khắc phục những hạn chế nêu trên cần phải tập huấn PBKT sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ cho các nông hộ vùng chè về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái, chế biến, bảo quản chè theo quy trình tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ để cung cấp sản phẩm chè sạch, chất lượng tốt ra thị trường trong nước và quốc tế, nhằm nâng cao giá trị cho sản phẩm chè Shan Tuyết Hà Giang, góp phần phát triển kinh tế bền vững cho các địa phương vùng chè của tỉnh Hà Giang.
Chuyên gia Hội KHCN Chè Việt Nam trình bày kỹ thuật sản xuất, chế biến chè theo tiêu chuẩn VietGap, hữu cơ
Tại buổi tập huấn, các chuyên gia, giảng viên Hội KHCN Chè Việt Nam đã cung cấp những kiến thức cơ bản về sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP - Vietnamese Good Agricultural Practices (Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam) và tiêu chuẩn Hữu cơ (Hoàn toàn tự nhiên không sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, chất kích thích tăng trưởng, áp dụng các biện pháp bảo vệ và cải tạo độ phì cho đất trồng chè); Hướng dẫn quy trình chế biến chè chất lượng cao cho xuất khẩu như: Chè Đông Phương Mỹ nhân (Pái Hảo), Hồng Trà, Chè Phổ nhĩ... nhằm mang lại giá trị và hiệu quả kinh tế cao, bền vững cho người sản xuất chè; Chuyên gia của CDI đã giới thiệu Một số mô hình liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm Chè theo chuỗi giá trị mà Hà Giang có thể áp dụng nhằm ổn định đời sống, phát triển kinh tế cho người nông dân địa phương như: Chuỗi giá trị Chè Shan Tuyết ở Yên Bái; Chuỗi giá trị Chè Shan tuyết ở Tủa Chùa - Điện Biên; Mô hình doanh nghiệp liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất kinh doanh chè của Công ty TNHH Hiệp Thành, Công ty chè Tam Đường; Mô hình làm chè sạch với công nghệ chế biến của Nhóm Phụ nữ Mường Do, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La.
Chuyên gia CDI giới thiệu một số Mô hình liên kết sản xuất chè theo chuỗi giá trị
Kết thúc đợt tập huấn, đại diện UBND huyện Vị Xuyên đề nghị các doanh nghiệp, HTX và tất cả các hộ dân trên địa bàn xã Thượng Sơn, huyện Vị Xuyên cần phải thực hành ngay quy trình công nghệ, kỹ thuật sản xuất chế biến chè theo tiêu chuẩn VietGAP và Hữu cơ mà đã được truyền đạt, trao đổi, tập huấn tại Hội nghị để áp dụng vào thực tiễn sản xuất chế biến tại vùng chè Shan Tuyết xã Thượng Sơn, huyện Xuyên, Hà Giang góp phần làm thay đổi cuộc sống, nâng cao giá trị cho sản phẩm chè Shan Tuyết Hà Giang.
Thăm quan trao đổi công nghệ kỹ thuật chế biến chè Shan Tuyết tại xưởng sản xuất HTX 19/5
xã Thượng Sơn, huyện Vị Xuyên, Hà Giang
Lãnh đạo xã Thượng Sơn bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm giúp đỡ của các cơ quan ở Trung ương và Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh là cầu nối để kết nối với các tổ chức NGOs trong nước và quốc tế hỗ trợ về kỹ thuật, áp dụng “Mô hình doanh nghiệp liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất kinh doanh chè” hướng cho người nông dân tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm chè Shan Tuyết Hà Giang theo tiêu chuẩn VietGAP/Hữu cơ/VietFarm nhằm nâng cao chất lượng, giá trị cho sản phẩm chè Shan Tuyết Hà Giang, góp phần ổn định đời sống, nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế bền vững cho các hộ nông dân sản xuất chè trên địa bàn xã Thượng Sơn nói riêng và tỉnh Hà Giang nói chung.
Cao Hồng Kỳ, Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Hà Giang