Nằm trong chuỗi các sự kiện chào mừng Ngày Khoa học Công nghệ (KHCN) Việt Nam 18/5, được sự hỗ trợ về kỹ thuật của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (KH&KT) Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ. Ngày 17/5/2019, Liên hiệp các Hội KH&KT Hà Giang đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hà Giang tổ chức Hội thảo Khoa học “Ứng dụng KHCN trong truy xuất nguồn gốc nông sản hàng hóa có thế mạnh của tỉnh phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững tỉnh Hà Giang”.
Tham dự Hội thảo có đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hà Giang; GS.TS. Phan Thị Kim, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật An toàn Thực Phẩm Việt Nam, Liên hiệp Hội Việt Nam; các Chuyên gia đến từ Trung tâm Vã vạch Mã số Quốc gia, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng; VNPT Hà Giang; Lãnh đạo các Sở, ban ngành của tỉnh; Lãnh đạo UBND các huyện, thành phố và đại diện 30 doanh nghiệp, Hợp tác xã (HTX) sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hàng hóa tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Hà Giang.
Toàn cảnh Hội thảo
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được các chuyên gia cung cấp những thông tin, kiến thức cơ bản về: Khái niệm, vai trò, bản chất của truy xuất nguồn gốc hàng hóa; các văn bản liên quan quy định về truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa ở Việt Nam, khu vực và quốc tế; nguyên tắc, trình tự thủ tục trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa; Ứng dụng mã số mã vạch trong truy xuất nguồn gốc nông sản hàng hóa, thủ tục đăng ký cấp chứng nhận quyền sử dụng mã số mã vạch cho sản phẩm hàng hóa; Giải pháp sử dụng tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa Qrcode chống hàng giả, hàng nhái để bảo vệ thương hiệu, nâng cao giá trị cho sản phẩm nông nghiệp hàng hóa có thế mạnh trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy,
PCT Thường trực UBND tỉnh Hà Giang phát biểu chỉ đạo với Hội thảo
Mục đích Hội thảo nhằm giúp cho doanh nghiệp, HTX nâng cao nhận thức, cập nhật thông tin, tiếp cận với nền kinh tế số, chủ động xây dựng kế hoạch ứng dụng KHCN, triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm nông nghiệp hàng hóa tại doanh nghiệp, HTX của mình, từng bước nâng cao uy tín, giá trị thương hiệu sản phẩm, đáp ứng yêu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, góp phần phát triển bền vững sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh của tỉnh như: Chè San Tuyết, Cam sành Hà Giang, Mật ong bạc hà Mèo Vạc, Hồng không hạt Quản Bạ, Rượu ngô men lá, sản phẩm thịt bò vùng cao...; đồng thời đây cũng là dịp để các cơ quan nhà nước của tỉnh nắm bắt kiến thức KH&CN, nắm bắt nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, HTX để tham mưu cho tỉnh xây dựng kế hoạch ứng dụng truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp hàng hóa, quản lý thương hiệu sản phẩm hàng hóa, góp phần thực hiện “Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa” theo Quyết định số 100/QĐ-TT ngày 19/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ, cũng như xây dựng hình ảnh và quảng bá thương hiệu “Mỗi làng một sản phẩm - OCOP của tỉnh Hà Giang” .
Cao Hồng Kỳ, Liên hiệp Hội Hà Giang