Trong khuôn khổ của dự án “Thúc đẩy công khai, minh bạch và công bằng trong chia sẻ nguồn thu từ khai thác khoáng sản ở cấp địa phương tại tỉnh Hà Giang và tỉnh Quang trị” do OXFAM và Liên minh Khoáng sản Việt Nam hỗ trợ. Ngày 07/01/2020, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (KH&KT) tỉnh Hà Giang đã phối hợp với Trung tâm Phát triển và Hội nhập và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh tổ chức Hội thảo tham vấn kết quả về tình hình thực thi Luật tiếp cận thông tin trên địa bàn tỉnh. Mục đích nhằm chia sẻ kết quả khảo sát, đánh giá tình hình thực thi Luật tiếp cận thông tin nói chung và tình hình thực hiện công khai, minh bạch thông tin trong lĩnh vực khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Hà Giang nói riêng; thảo luận những khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị với các cấp, ngành ở trung ương và ở tỉnh hướng tới mục tiêu thực thi hiệu quả Luật tiếp cận thông tin; vì mục tiêu xây dựng đất nước kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân. Tham dự Hội thảo có đại diện các Sở, ban, ngành của tỉnh, Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh, đại diện UBND huyện Bắc Mê, đại diện các thôn, bản, địa bàn khảo sát thuộc xã Minh Sơn và thị trấn Yên Phú, huyện Bắc Mê.
Toàn cảnh Hội thảo chia sẻ kết quả khảo sát thực thi Luật TCTT tại Hà Giang
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được trao đổi thông tin về kết quả đánh giá tình hình thực thi Luật tiếp cận thông tin trên địa bàn tỉnh Hà Giang, với các nội dung chính như: Cơ sở hạ tầng cung cấp thông tin trên địa bàn tỉnh Hà Giang khá hoàn chỉnh, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu lưu trữ và cung cấp thông tin cho công dân theo quy định của Luật tiếp cận thông tin; các cơ quan nhà nước đều sẵn sàng cung cấp thông tin cho người dân khi được yêu cầu; người dân trên địa bàn tỉnh được cung cấp thông tin chủ yếu thông qua phương tiện thông tin đại chúng như báo, Đài PT-TH tỉnh; ngoài ra được tiếp cận thông tin thông qua các cuộc họp thôn, các cuộc họp tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND các cấp. Mặc dù các xã, huyện, Sở, ngành của tỉnh đều có Cổng/trang thông tin điện tử. Xong, các thông tin được đăng tải trên Cổng/trang thông tin điện tử của các Sở, ngành của tỉnh, UBND cấp huyện và UBND cấp xã trong tỉnh đều không có các nội dung thông tin phải được công khai theo quy định tại Điều 17 của Luật tiếp cận thông tin. Kết quả đánh giá cũng cho thấy cơ sở hạ tầng cung cấp thông tin bao gồm cả phần cứng và hệ thống kỹ thuật điện tử của các đơn vị được khảo sát chưa hỗ trợ cung cấp thông tin cho các nhóm dễ bị tổn thương, trong đó có người khuyết tật, người mù chữ hoặc người dân tộc thiểu số theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 13/2018/NĐ-CP ngày 23/01/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật tiếp cận thông tin.
Tại Hội thảo, các đại biểu cũng trao đổi, thảo luận về những khó khăn, vướng mắc và những nhiệm vụ cần phải tiếp tục triển khai trong thời gian tới về thực hiện các nội dung của Luật tiếp cận thông tin tại cơ quan, đơn vị như làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, thực hiện các văn bản pháp luật của Nhà nước đã ban hành, gồm: Quyết định số 1408/QĐ-TTg ngày 15/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 14/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thi hành Luật tiếp cận thông tin; thực hiện đầy đủ các biện pháp và trách nhiệm trong việc bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân quy định tại Điều 11, Điều 12 Nghị định số 13/2018/NĐ-CP của Chính phủ, gồm: Xây dựng quy chế, quy trình cung cấp thông tin; chuyên mục tiếp cận thông tin; danh mục tài liệu bắt buộc phải công khai; danh mục công khai có điều kiện và công khai quy trình này trên cổng/trang thông tin điện tử của cơ quan cấp tỉnh, huyện, xã; phân công cán bộ, công chức làm đầu mối cung cấp thông tin và bộ phận làm đơn vị đầu mối cung cấp thông tin; công khai các thông tin của đơn vị và cán bộ đầu mối trên cổng/trang thông tin điện tử của cơ quan tỉnh, huyện, xã; thúc đẩy quá trình tuyên truyền và thực thi hiệu quả Luật tiếp cận thông tin tới cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn, giới thiệu cho người dân biết về đường dẫn, các nội dung công khai trên cổng/trang thông tin điện tử của tỉnh, huyện, xã để người dân biết, theo dõi, truy cập. Sở Tư pháp có trách nhiệm thường xuyên theo dõi, đôn đốc và tổng hợp kết quả thực hiện các nhiệm vụ thực thi Luật tiếp cận thông tin trên địa bàn tòn tỉnh báo cáo Bộ Tư pháp và UBND tỉnh về kết quả thực thi Luật Tiếp cận thông tin trên địa bàn tỉnh.
Đại biểu CDI chia sẻ và tham gia ý kiến về kết quả khảo sát, đánh giá tình hình
thực thi Luật tiếp cận thông tin trân địa bàn tỉnh Hà Giang tại Hội thảo
Cao Hồng Kỳ, Chủ tịch Liên hiệp Hội Hà Giang