Việc sử dụng nước sinh hoạt không đảm bảo vệ sinh sẽ gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe của con người, đặc biệt là đối với trẻ em.
Mô hình xử lý cấp nước sạch tại trường Cao đẳng Kỹ thuật và Công nghiệp
Hà Giang. (Ảnh/TTXVN)
(TTXVN)- Là tỉnh miền núi cao nằm ở cực Bắc của Tổ quốc có địa hình đa dạng, phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, Hà Giang có trữ lượng nước mặt lớn, nhưng lại phân bố không đồng đều về thời gian và không gian.
Theo đó, nguồn nước cấp cho sinh hoạt chủ yếu cho người dân tỉnh Hà Giang là nước mưa, nước từ khe, núi, ao, hồ bằng các loại hình tích nước như: Hồ treo, lu, bể, máng chiếm 98,5%. Do đó, tỷ lệ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh của tỉnh Hà Giang chỉ đạt khoảng 58,6%; tỷ lệ sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn Việt Nam chỉ khoảng trên 12%, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ chung của cả nước.
Việc sử dụng nước sinh hoạt không đảm bảo vệ sinh sẽ gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe của con người, đặc biệt là đối với trẻ em trong độ tuổi đến trường.
Mô hình cấp nước sạch và uống trực tiếp tại trường PTDT Hà Giang. (Ảnh/TTXVN)
Nhận thức được tầm quan trọng của việc cung cấp nước sạch và nước uống học đường, các nhà khoa học thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Hà Giang đã đề xuất thực hiện Dự án “Tăng cường tiếp cận nước sạch và vệ sinh môi trường cho trường học và người dân tỉnh Hà Giang” thông qua việc lắp đặt 5 hệ thống cấp nước sạch và nước uống trực tiếp cho học sinh, cán bộ và giáo viên của 5 điểm trường thuộc 2 huyện vùng cao: Đồng Văn và Bắc Mê (mỗi huyện 2 trường) và thành phố Hà Giang (một trường).
Dự án nằm trong chuỗi Dự án tổng thể “Các hoạt động địa phương Việt Nam vì Sức khỏe, Môi trường ” do Viện Dân số, sức khỏe và phát triển (PHAD) quản lý dưới sự tài trợ của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID).
Chủ nhiệm dự án, Thạc sỹ Cao Hồng Kỳ, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh Hà Giang chia sẻ, đây là 5 mô hình cấp nước sạch và nước uống trực tiếp có quy mô bán công nghiệp đầu tiên được lắp đặt tại 5 trường trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Mô hình có công nghệ tiên tiến nhất được áp dụng để xử lý nước đầu vào - công nghệ RO (thẩm thấu ngược).
Nước được đi từ nơi có nồng độ muối cao tới nơi có nồng độ muối thấp dưới tác dụng của áp lực, kết hợp với công nghệ diệt trùng UV (đèn tia cực tím) sẽ tiêu diệt toàn bộ các loại vi khuẩn, virus, nấm mốc gây hại và loại bỏ hầu hết các chất cặn bẩn, độc tố, kim loại nặng như: Chì, thủy ngân, thuốc trừ sâu, Asen, chất phóng xạ… tạo ra nước tinh khiết, vô trùng.
Kết quả xét nghiệm chất lượng nước sinh hoạt sau xử lý tại 5 trường đều cho thấy trong nước không còn vi khuẩn và đạt Quy chuẩn quốc gia QCVN 01-1:2018/BYT (Quy chuẩn quốc gia cao nhất dành cho nước sinh hoạt). Kết quả xét nghiệm chất lượng nước tinh khiết RO (nước uống trực tiếp) tại 5 trường cũng đều không có vi khuẩn; hàm lượng các chất kim loại nặng, chất độc hại, nấm mốc cũng không tồn tại. Nước đạt Quy chuẩn quốc gia QCVN 6-1:2010/BYT (Quy chuẩn quốc gia cao nhất dành cho nước uống trực tiếp).
Chất lượng nước này đã đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch và nước uống trực tiếp cho 3.240 học sinh, sinh viên, cán bộ và giáo viên của 5 nhà trường thụ hưởng từ Dự án.
Đánh giá về những ưu điểm nổi bật của mô hình này, Thạc sỹ Cao Hồng Kỳ cho biết, thiết bị được thiết kế với kiểu dáng công nghiệp hiện đại. Chi phí lắp đặt, vật tư thay thế không cao; dễ dàng thao tác sử dụng; công tác vận hành, bảo trì đơn giản; điện năng tiêu thụ thấp. Hệ thống hoạt động ổn định tùy theo nguồn cấp nước đầu vào, đảm bảo cung cấp đủ nước cho nhu cầu sử dụng của mỗi trường đã được thiết kế và phù hợp với mô hình tự quản đối với mỗi đơn vị trường học, cụm dân cư.
Đặc biệt với công nghệ RO lọc thẩm thấu ngược, mô hình được trang bị hệ thống các van đóng mở, sục rửa tự động cho phép làm sạch màng sau mỗi chu kỳ sục rửa tự động, thiết bị thu hồi nước thải tuần hoàn (tỷ lệ thu hồi nước tinh khiết 50%) nâng cao hiệu suất hoạt động và tiết kiện tối đa nguồn nước đầu vào.
Đánh giá về hiệu quả của mô hình, ông Phan Đăng Đông, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hà Giang cho rằng: “Đây là mô hình kiểu mẫu để phát triển, nhân rộng, góp phần cung cấp nước sạch và nước uống học đường trong các nhà trường trên địa bàn tỉnh Hà Giang, đảm bảo cho sức khỏe, môi trường, an toàn cho cộng đồng, góp phần làm thay đổi về thể chất và hướng đến sự phát triển bền vững cho thế hệ tương lai.
Chính vì thế, mới đây mô hình này đã đoạt giải Khuyến khích Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ cấp toàn quốc năm 2022 trong lĩnh vực khoa học vật liệu”.
Địa bàn tỉnh Hà Giang luôn là nơi khó khăn trong việc tiếp cận nguồn nước, đặc biệt là nguồn nước sạch. Do đó, những dự án như Dự án “Tăng cường tiếp cận nước sạch và vệ sinh môi trường cho trường học và người dân tỉnh Hà Giang” là rất thiết thực với đời sống và sinh hoạt của bà con nơi đây, giúp họ sinh sống ổn định, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của vùng đất địa đầu Tổ quốc./.
Nguồn: https://chinhsachcuocsong.vnanet.vn