Ngày 25.8.2017, tại Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã tổ chức nghiệm thu dự án: “Điều tra, đánh giá thực trạng khả năng ứng phó, chủ động với tai biến và rủi ro môi trường (trượt, sạt lở đất, lũ quét) ở Hà Giang; kiến nghị giải pháp, chính sách hỗ trợ nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai và rủi ro môi trường cho đồng bào dân tộc miền núi”. Hội đồng nghiệm thu gồm 9 thành viên, là các chuyên gia, nhà khoa học đến từ Trường Đại học, Viện liên quan và Hội thành viên thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. GS.TS Trịnh Thị Thanh, Hội bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam chủ trì hội nghị; đơn vị chủ trì thực hiện dự án là Liên hiệp cac hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Hà Giang, do Ths. Tô Đức Hiện, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Hà Giang làm chủ nhiệm dự án.
Quang cảnh hội đồng nghiệm thu dự án
Xuất phát từ thực tế trong những năm trở lại đây, Hà Giang là một trong những địa phương trọng điểm thường xuyên phải chịu tác động và gánh chịu hậu quả của tai biến và rủi ro môi trường về trượt, sạt lở đất, lũ quét, năm 2016, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã giao cho Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Hà Giang phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan triển khai thực hiện trong kế hoạch 2016-2017. Dự án được triển khai tại 2 huyện: Yên Minh và Hoàng Su Phì, là những địa phương điển hình thường xuyên phải đối mặt với các tai biến rủi ro môi trường về lũ quét và trượt lở đất. Các nội dung được triển khai nhằm hướng tới mục tiêu: điều tra, đánh giá làm sáng tỏ khả năng ứng phó, chủ động của cộng đồng với tai biến và rủi ro môi trường về trượt, sạt lở đất, lũ quét, tạo luận cứ khoa học đưa ra những kiến nghị giải pháp nâng cao năng lực ứng phó cho cộng đồng về tai biến và rủi ro môi trường liên quan đến trượt lở, lũ quét.
Nhận xét, phản biện của thành viên hội đồng đối với kết quả dự án
Trong thời gian thực hiện từ tháng 7 năm 2016 đến tháng 8 năm 2017, dự án đã triển khai được các nội dung như: (i) Điều tra thu thập thông tin về hiện trạng trượt, sạt lở đất, lũ quét trên địa bàn giai đoạn 2010-2015; (ii) Đánh giá thực trạng khả năng ứng phó, chủ động với tai biến và rủi ro môi trường về trượt, sạt lở đất, lũ quét như: nhận thức về các dạng tai biến, khả năng nhận diện nguy cơ…; mức độ chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai nói chung và trượt, sạt lở đất, lũ quét nói riêng của cộng đồng dân cư và cấp chính quyền địa phương; công tác thực thi các chính sách hỗ trợ nâng cao năng lực ứng phó và chủ động phòng, chống thiên tai… (iii) Đề xuất được 8 nhóm giải pháp nâng cao năng lực phòng, chống tai biến và rủi ro môi trường về trượt, sạt lở đất, lũ quét cho cộng đồng.
Hội đồng nghiệm thu đã đánh giá cao về kết quả dự án đã đạt được; các giải pháp đưa ra đảm bảo tính khả thi và phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Sản phẩm của dự án là tài liệu khoa học có giá trị để áp dụng vào thực tiễn đối với công tác phòng, chống thiên tai nói chung và ứng phó với trượt, sạt lở đất, lũ quét nói riêng trên địa bàn và các địa phương có tai biến và rủi ro môi trường tương tự.
Hội đồng nhất trí nghiệm thu dự án và xếp loại Khá ./.
Tô Hiện