Hội thảo GS.VS. Trần Đại Nghĩa: Tình yêu trọn đời với khoa học và Tổ quốc

 Chiều ngày 27/2/2023 tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) đã tổ chức Hội thảo: “Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa - Cuộc đời và sự nghiệp”. Hội thảo là sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động nhằm hướng tới kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Liên hiệp Hội Việt Nam (26/3/1983-26/3/2023) và Kỷ niệm 110 năm ngày sinh của GS. VS. Trần Đại Nghĩa và nhằm tri ân những công lao to lớn của vị Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam đầu tiên.

Tham dự Hội thảo có đại diện Lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ, cùng nhiều chuyên gia, nhà khoa học, đại diện Liên hiệp Hội địa phương; đặc biệt có sự tham dự của Đại tá Trần Dũng Trí - con trai của cố GS.VS. Trần Đại Nghĩa.

Hội thảo GS.VS. Trần Đại Nghĩa: Tình yêu trọn đời với khoa học và Tổ quốc

Toàn cảnh Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, dẫn lại câu nói của Bác Hồ: “Trí thức là vốn liếng quý báu của dân tộc” TSKH. Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam đã khẳng định: Giáo sư, Viện sỹ, Thiếu tướng, Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa là một người tiêu biểu trong lớp trí thức của dân tộc Việt Nam, người mang trong mình tình yêu vô bờ bến đối với khoa học và Tổ quốc, người đã biến tình yêu thành sức mạnh, sức chiến đấu mãnh liệt, góp phần không nhỏ vào công cuộc cách mạng giải phóng đất nước và cống hiến cho sự phát triển của nền khoa học nước nhà.

GS.VS. Trần Đại Nghĩa tên khai sinh là Phạm Quang Lễ, sinh ngày 13/9/1913 trong một gia đình nhà giáo nghèo tại xã Chánh Hiệp (nay là xã Hòa Hiệp), huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long; là một nhà khoa học kiệt xuất, được mệnh danh là cha đẻ của ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam. Trải qua hai cuộc kháng chiến cứu nước, tên tuổi Ông trở thành huyền thoại đối với nhiều thế hệ người Việt Nam cũng như bạn bè quốc tế.

Trong suốt cuộc đời cống hiến cho khoa học, GS. VS. Trần Đại Nghĩa luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng đặc biệt tin tưởng, giao nhiều chức vụ quan trọng. Trong quân đội ông từng giữ các chức vụ: Cục trưởng Cục Quân giới, Cục trưởng Cục Pháo binh, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật. Khi chuyển sang lĩnh vực dân sự, Ông giữ các chức vụ: Thứ trưởng Bộ Công thương, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp nặng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban KH&KT Nhà nước, Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam, Hiệu trưởng đầu tiên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội; và đặc biệt, với tài năng và đức độ hiếm thấy, Đảng và Nhà nước đã tiếp tục giao cho GS.VS. Trần Đại Nghĩa nhiệm vụ quan trọng, đó là tạo dựng và phát triển ngôi nhà chung tập hợp đội ngũ trí thức, nhà khoa học của Việt Nam. Tại Đại hội lần thứ nhất của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam vào ngày 26/03/1983, Đại hội đã bầu GS.VS. Trần Đại Nghĩa làm Chủ tịch Liên hiệp Hội và Ông trở thành vị Chủ tịch đầu tiên của Liên hiệp Hội Việt Nam. Với vai trò, tổ chức, tập hợp phát huy sức sáng tạo và cống hiến của đội ngũ các nhà khoa học, trí thức KH&CN Việt Nam góp phần cho sự nghiệp phát triển khoa học và xây dựng đất nước.

Từ những ngày đầu gian khó, Liên hiệp Hội Việt Nam chỉ có 15 thành viên, không quản ngại khó khăn, vất vả, GS.VS. Trần Đại Nghĩa đã dành toàn bộ tâm huyết và sức lực từng bước xây dựng và phát triển tổ chức ngày càng lớn mạnh, góp phần không nhỏ trong tiến trình phát triển chính trị, xã hội, khoa học và kinh tế của Việt Nam. GS.VS. Trần Đại Nghĩa đã được các nhà khoa học, các hội thành viên suy tôn làm Chủ tịch danh dự nhiệm kỳ II, nhiệm kỳ III và danh hiệu đó cũng đã theo Ông đến cuối cuộc đời (1988-1997).

TSKH. Phan Xuân Dũng đã khẳng định: “Liên hiệp Hội Việt Nam được như ngày hôm nay, trở thành một tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của đội ngũ trí thức KH&CN Việt Nam, chúng ta càng thấm thía và biết ơn sâu sắc công lao của các lớp cha anh đi trước, cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Giáo sư, Viện sỹ, Thiếu tướng, Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa luôn sống mãi với sự nghiệp phát triển KH&CN của hệ thống Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam”.

Phát biểu tại Hội thảo, Thượng tướng Phạm Hoài Nam, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng chia sẻ: “Trên các cương vị công tác, đồng chí luôn tận tụy, đức độ, bản lĩnh cống hiến tài năng, trí tuệ để góp phần xây dựng Ngành Kỹ thuật quân sự và Công nghiệp quốc phòng, xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, làm nòng cốt cho toàn dân tiến hành hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược giành thắng lợi và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các nhà khoa học kỹ thuật quân sự, nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế tôn vinh Giáo sư là: “Ông phật làm súng”, “Ông vua vũ khí”... Những đóng góp và đức độ của Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa đối với ngành kỹ thuật quân sự và công nghiệp quốc phòng đất nước là niềm tự hào đối với dân tộc.

Hội thảo GS.VS. Trần Đại Nghĩa: Tình yêu trọn đời với khoa học và Tổ quốc

Lãnh đạo Liên hiệp Hội Hà Giang tham dự Hội thảo

PGS.TS. Trần Tuấn Anh - Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chia sẻ: “GS.VS. Trần Đại Nghĩa đã có công lớn trong giai đoạn đầu xây dựng Viện Khoa học Việt Nam, định hướng, hình thành và phát triển các ngành khoa học của Viện, từ đội ngũ cán bộ đến cơ sở vật chất, từng bước khẳng định vai trò và vị trí của Viện trong và ngoài nước”. Cuộc đời và sự nghiệp của GS.VS. Trần Đại Nghĩa là một tấm gương sáng, để lại nhiều bài học sâu sắc cho những người làm khoa học về tinh thần trách nhiệm đối với nhân dân, với đất nước và nghị lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn để vươn lên đạt đỉnh cao trong khoa học và công tác. Để vinh danh và ghi nhận những đóng góp quý báu của GS.VS. Trần Đại Nghĩa, nhằm thúc đẩy công tác ứng dụng khoa học công nghệ vào thực tiễn, năm 2016, lần đầu tiên Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã ban hành quy chế Giải thưởng Trần Đại Nghĩa và tổ chức trao tặng Giải thưởng Trần Đại Nghĩa với chu kỳ 3 năm một lần. Qua 02 lần tổ chức, đã xét tặng được 06 Giải thưởng nhằm tôn vinh 14 công trình xuất sắc về khoa học và công nghệ, trực tiếp triển khai ứng dụng các kết quả đó vào thực tiễn, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh.

Kết luận tại Hội thảo, Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam, TSKH. Phan Xuân Dũng phát biểu: Trước thềm kỷ niệm 40 năm thành lập Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, sự kiện ý nghĩa này được tổ chức nhằm để mọi người cùng tưởng nhớ và tấm lòng biết ơn sâu sắc gửi đến GS.VS. Trần Đại Nghĩa, vị Chủ tịch đầu tiên và cũng là một trong những người đặt nền móng cho sự phát triển của tổ chức tập hợp đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ đóng góp cho sự nghiệp phát triển của đất nước Việt Nam./.

Cao Hồng Kỳ, Chủ tịch Liên hiệp Hội Hà Giang.

Submit Thread to Facebook Submit Thread to Twitter Submit Thread to Google
icon Các tin tức khác
icon Hà Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024 triển khai nhiệm vụ năm 2025
icon Sáng tạo khoa học - công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam
icon Hội thảo tham vấn đề xuất dự án
icon Thảo luận mô hình tổ chức Liên hiệp hội các tỉnh, thành phố và kiến nghị giải pháp thực hiện trong tình hình mới
icon Giao ban Liên hiệp hội các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương năm 2024
icon Tình cảm và những lời căn dặn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với trí thức Liên hiệp Hội Việt Nam
icon Hội nghị BCH Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật lần thứ 6
icon Liên hiệp hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Hà Giang tập huấn chăm sóc cây Lê tại huyện Đồng Văn
icon Bàn giao hệ thống cấp nước sạch và nước uống trực tiếp do Hội Spejdernes Genbrug, Đan Mạch tài trợ
icon Hội thảo đánh giá công tác quản lý, sử dụng mô hình NTSH và hệ thống CNS, NUHĐ sau bàn giao và đề xuất giải pháp nhân rộng
Liên hiệp Hội Việt Nam
Quỹ hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam
bộ khoa học và công nghệ
Sở Khoa học và Công nghệ
Thiết kế website