Ngày 17 tháng 3 năm 2017, tại trường Cao đẳng sư phạm tỉnh Hà Giang, Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với trường Đại học Mở Hà Nội tổ chức hội thảo khoa học "Đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội tỉnh Hà Giang". Tham dự hội nghị có lãnh đạo đại diện các sở, ngành thuộc tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện/thành phố và đại diện một số các trường phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh.
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, đến 31/12/2016 toàn tỉnh có gần 30.000 cán bộ, công chức, viên chức. Số nhân lực có trình độ từ cao đẳng trở lên là 20.163 người; trong đó: tiến sĩ và tương đương (tiến sĩ và chuyên khoa II): 41 người; thạc sĩ: 694 người; đại học 14.652 người và cao đẳng 4.821 người. Số công chức, viên chức đang công tác trong hệ thống Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh là 333 người. Trong đó: trong biên chế nhà nước là 170 người; làm việc bán chuyên trách là 228 người; kiêm nhiệm là 36 người. Ngoài ra 116.314 hội viên đang sinh hoạt tại các chi hội, hội thành viên thuộc hệ thống Liên hiệp hội.
TS. Trương Tiến Tùng, Viện trưởng Viện Đại học Mở phát biểu khai mạc Hội thảo
Nhìn chung đội ngũ trí thức của tỉnh trong thời gian qua, mặc dù không tăng nhiều về số lượng nhưng chất lượng đã được cải thiện đáng kể; tỷ lệ cán bộ có trình độ đại học tăng từ 19,9 % năm 2008 lên 67,2% năm 2015. Đây là nguồn nhân lực tạo nên sức mạnh thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội chung của tỉnh. Có được kết quả đó, bên cạnh sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của từng cá nhân cán bộ, công chức và người lao động, còn có sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo tỉnh, sự vào cuộc của ngành chức năng đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực. Ngày 17 tháng 11 năm 2011, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành được Kế hoạch số 2552/QĐ-UBND về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức tỉnh Hà Giang giai đoạn 2011-2015 và 2016, 2017... Kết quả giai đoạn 2011-2106 đã đào tạo được 533 lượt người có trình độ Cao cấp lý luận chính trị; 3253 lượt người có trình độ trung cấp lý luận chính trị; 895 lượt người có trình độ Đại học. Ngoài ra đã bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo quản lý các cấp là 665 lượt người; nâng ngạch lên chuyên viên cao cấp 57 người, chuyên viên chish 891 người, chuyên viên 4066 người, cán sự 139 người; 60,26 % đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện, xã được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ đại biểu HĐND; 38% công chức xã, 148,24 % cán bộ chuyên trách xã, 32 % cán bộ không trách và 59,57% cán bộ thôn, bản tổ dân phố được đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ, kỹ năng chuyên môn theo lĩnh vực... Mặc dù công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đã đạt được kết quả nhất định, chất lượng đã được nâng lên nhưng còn chưa đáp ứng được so với yêu cầu đòi hỏi trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế; trình độ ngoại ngữ, tin học còn thấp; nghiệp vụ chuyên môn của không ít CCVC chưa đáp ứng yêu cầu công việc; công tác đào tạo nghề cho người dân còn chưa đạt được kết quả mong muốn...
Bên cạnh việc đánh giá kết quả đạt được, chỉ ra những khó khăn tồn tại cần giải quyết, các đại biểu đã thảo luận và đưa ra một số giải pháp để tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế xã hội tỉnh Hà Giang giai đoạn tới, như: ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy việc đào tạo, bồi dưỡng từ xa (e-learning), coi đây là hướng đi cần được đẩy mạnh vì nó phù hợp với điều kiện tỉnh Hà Giang là tỉnh xa với trung tâm của cả nước; lựa chọn, đào tạo theo hướng mở với các ngành nghề trọng tâm như: đào tạo ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ năng phát triển du lịch cộng đồng, nghiệp vụ lễ tân, nhà hàng; đào tạo tiếng anh, tài chính ngân hàng... có rà soát phân luồng dài hạn và ngắn hạn.. Với đa dạng các đối tượng, mà trước mắt cần quan tâm tới việc đào tạo đội ngũ giảng viên, giáo viên hướng dẫn viên, coi đây là lực lượng nòng cốt tuyên truyền, xã hội hóa khuyến khích mọt thành phần trong xã hội học tập...
Đại biểu tham luận tại Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, TS. Trương Tiến Tùng, Viện trưởng Viện Đại học Mở Hà Nội đã khảng định với tiềm lực, tiềm năng sẵn có của nhà trường, có thể giúp tỉnh Hà Giang thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực trong thời gian tới trên nhiều lĩnh vực như: đào tạo tin học, ngoại ngữ, tài chính, ngân hàng, du lịch, luật và các khối ngành kinh tế khác... mà tỉnh Hà Giang đang có nhu cầu. Nhân dịp tổ chức hội thảo, Viện Đại học mở đã trạo tặng 01 khóa đào tạo, cấp chứng công nghệ thông tin cho tỉnh Hà Giang.
Viện Đại học Mở Hà Nội trao tặng 01 khóa đào tạo, cấp chứng chỉ
công nghệ thông tin cho tỉnh Hà Giang
Đây là hội thảo có ý nghĩa giúp tạo tiền đề thúc đẩy sự hợp tác giữa tỉnh Hà Giang với Trường Đại học Mở Hà Nội trong việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo tỉnh Hà Giang trong thời gian tới./.
Tô Hiện