Sáng ngày 27/3/2015 Hội Đông y tỉnh Hà Giang đã tổ chức Hội thảo khoa học đánh giá kết quả thực hiện Đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh “Kế thừa, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển 01 bài thuốc gia truyền có giá trị chữa bệnh cho cộng đồng tỉnh Hà Giang”
Tham dự Hội thảo có đại diện Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Sở Y tế; Phòng Quản lý khoa học - Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh; Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật, Trung tâm Kiểm nghiệm; Các cán bộ Y, Bác sỹ Bệnh viện Y Dược cổ truyền tỉnh; Đại diện khoa Đông y Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Đa khoa các huyện; Chủ tịch Hội Đông y các huyện, thành phố, các Chi Hội Đông y trực thuộc và 08 lương y tiêu biểu Hội Đông y tỉnh Hà Giang. Chủ trì Hội thảo BsCKI. Nguyễn Thị Đức - Chủ tịch Hội Đông y tỉnh; Thư ký Hội nghị Kỹ sư Viên Quang Siên - Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hội Đông y.
Đề tài khoa học cấp tỉnh KCĐT-HG-01(2014) “Kế thừa, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển 01 bài thuốc gia truyền có giá trị chữa bệnh cho cộng đồng tỉnh Hà Giang” do BsCKI. Nguyễn Thị Đức làm chủ nhiệm đã được UBND tỉnh ký Quyết định phê duyệt số 751/QĐ-UBND ngày 17/4/2014. Đề tài được thực hiện trong 1 năm, từ tháng 4/2014 đến tháng 4/2015. Với 02 mục tiêu: Kế thừa một bài thuốc gia truyền có giá trị góp phần vào công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng; Đề xuất được các giải pháp trồng được các cây dược liệu trong bài thuốc gia truyền để đảm bảo nguồn dược liệu sản xuất thuốc, bảo tồn dược liệu quý hiếm của tỉnh và 04 nội dung: Điều tra, xác minh thông tin, kế thừa bài thuốc gia truyền; Đánh giá thành phần độc tính các vị thuốc; Thử nghiệm lâm sàng và Hội thảo khoa học.
Đại biểu phát biểu tại Hội thảo
Sau 1 năm thực hiện, đề tài đã thu được những kết qủa khá khả quan: Qua nghiên cứu hồi cứu ngẫu nhiên 50 bệnh nhân mắc bệnh viêm đại tràng đã được lang y Phùng Sinh Suốt (Thôn: Minh Thành - TT: Việt Quang - Bắc Quang) điều trị bằng bài thuốc gia truyền, kết quả thu được: bệnh nhân khỏi bệnh đại tràng chiếm tỷ lệ tương đối cao (74%); tỷ lệ đỡ, thuyên giảm bệnh (26%). Trong giai đoạn ứng dụng bằng bài thuốc gia truyền điều trị tiến cứu cho 100 bệnh nhân tại Bệnh viện YHCT tỉnh, kết quả: Số bệnh nhân khỏi bệnh viêm đại tràng là 75 bệnh nhân (đạt 75%), Số bệnh nhân đỡ, giảm bệnh là 25 bệnh nhân (đạt 25%).
Hội thảo đã được nghe các đại biểu đóng góp các ý kiến tham luận với các nội dung:
+ Thực trạng phát triển và sử dụng thuốc nam trên địa bàn huyện Bắc Quang và 1 số giải pháp về bảo tồn, phát triển các bài thuốc, cây thuốc quý.
+ Tác dụng của bài thuốc gia truyền viêm đại tràng trong điều trị bệnh tại bệnh viện YDCT tỉnh.
+ Công tác sưu tầm, thừa kế và phát triển bài thuốc cây thuốc quý trên địa bàn tỉnh Hà Giang.
Cán bộ thực hiện đề tài Hội Đông y Hà Giang và các Y, Bác sỹ BV YDCT tỉnh
Cũng tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã đóng góp nhiều ý kiến và đưa ra 1 số giải pháp, cơ chế chính sách để bảo tồn, phát triển các bài thuốc hay, cây thuốc quý trên địa bàn tỉnh nhà như:
- Cần khôi phục lại các vùng có truyền thống trồng cây thuốc từ trước, để duy trì và phát triển những loài cây thuốc quý, phù hợp với điều kiện sinh thái phát triển của chúng nhằm tạo ra nguồn nguyên liệu mới, tạo nên phong trào sản xuất dược liệu trong toàn tỉnh, phát huy nội lực, thế mạnh về sản xuất dược liệu sẵn có trong nước. Ưu tiên cho các đề tài, dự án nghiên cứu bảo tồn, phát triển cây thuốc bản địa.
- Ngành y tế và ngành nông nghiệp phải kết hợp chặt chẽ, trên cơ sở tạo điều kiện thuận lợi về đất đai, vùng trồng nguyên liệu, vật tư, phân bón và khuyến khích người nông dân phát triển sản xuất dược liệu khuyến khích đầu tư cho trồng những cây thuốc có giá trị cao, và có nhu cầu lớn; chủ động và ổn định giá cả, khối lượng thu mua sản phẩm để người dân yên tâm sản xuất và phát triển dược liệu.
- Nhập các loại dược liệu mà ở Việt Nam chưa có khả năng sản xuất, nhập khẩu khối lượng ít với các loại dược liệu Việt Nam sản xuất được nhưng chưa đáp ứng nhu cầu trong nước, và cương quyết không cho nhập những loại dược liệu mà Việt Nam có khả năng sản xuất lớn ở các vùng nguyên liệu trong nước. Có như thế thị trường dược liệu đỡ bị lũng đoạn do dược liệu nước ngoài ồ ạt tràn vào, như vậy người dân mới yên tâm nuôi trồng, sản xuất dược liệu.
- Tỉnh cần quan tâm hơn đến các chế độ chính sách đối với người có bài thuốc gia truyền như quyền sở hữu trí tuệ, quyền bảo hộ tác giả…Chế độ chính sách đối với người tham gia phát triển sản xuất dược liệu trong tỉnh như: chế độ cho vay lãi suất thấp của ngân hàng để sản xuất dược liệu; giảm thuế sản xuất dược liệu…như vậy mới khuyến khích được việc phát triển trồng trọt dược liệu, tạo thế chủ động sản xuất dược liệu trong tỉnh.
- Xây dựng và phát triển các trung tâm nghiên cứu, nuôi trồng dược liệu của tỉnh tại các vùng sinh thái phù hợp có tiềm năng phát triển dược liệu.
- Tiếp tục khảo sát, nghiên cứu, điều tra, sưu tầm thống kê các loại cây, con làm thuốc; sự phân bổ, hệ sinh thái và trữ lưỡng cây, con làm thuốc hiện có trên cơ sở đó có kế hoạch tổ chức bảo vệ, khai thác tái sinh hợp lý và phát triển bền vững.
- Tăng cường kiểm tra, kiểm nghiệm chất lượng dược liệu, thuốc đông y, thuốc từ dược liệu.
- Mở lớp tập huấn gieo trồng cây thuốc nam và giới thiệu tổ chức thăm quan các mô hình điểm, những giống cây thuốc quý có giá trị chữa bệnh cao.
Các đại biểu tham dự Hội thảo nhất trí cao với báo cáo kết quả nghiên cứu của đề tài. Với tinh thần làm việc nghiêm túc, khoa học, trách nhiệm Hội thảo đã thành công tốt đẹp, thu được nhiều ý kiến có chất lượng, có giá trị để bổ xung vào báo cáo khoa học góp phần làm tốt công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe bằng YHCT cho nhân dân./.
Nguyễn Xuân - Hội Đông y Hà Giang