Trước sự tăng trưởng nhanh chóng của ngành công nghiệp khai thác khoáng sản. Nước ta đã ban hành Pháp lệnh thuế tài nguyên vào năm 1990. Trong hơn 17 năm thực thi, Pháp lệnh Thuế tài nguyên đã được sửa đổi 2 lần vào năm 1998 và năm 2008. Đến năm 2009, Quốc hội đã ban hành Luật Thuế tài nguyên năm 2009 thay thế cho Pháp lệnh thuế tài nguyên trước đây. Theo đó, Luật thuế Tài nguyên đã kế thừa và luật hóa các quy định về thuế liên quan trước đó. Đối tượng chịu thuế cũng đã được mở rộng và khung thuế suất đối với một số nhóm tài nguyên cũng đã được điều chỉnh.
Theo đánh giá của quốc tế và theo số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nước ta đã khai thác nhiều loại khoáng sản ở quy mô lớn. Do đó, nhiều loại khoáng sản đang đối mặt với nguy cơ cạn kiệt trong tương lai rất gần. Tuy nhiên, đóng góp ngân sách từ ngành khoáng sản là rất hạn chế. Theo tính toán từ số liệu thống kê của Bộ Tài chính, số thuế tài nguyên thu được ngoài dầu khí chỉ đạt 0,9-1,1% tổng thu ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2011-2013. Tại nhiều địa phương số thuế thu được từ tài nguyên môi trường thậm chí không đủ cho chi phí quản lý nhà nước đối với hoạt động khoáng sản. Trong khi đó nhiều Doanh nghiệp khoáng sản lại đánh giá mức thuế suất thuế tài nguyên hiện nay là khá cao so với thế giới và gây nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Ngoài ra nhiều ý kiến cũng cho rằng cách tính thuế tài nguyên không khuyến khích đầu tư chế biến sâu và phát triển bền vững ngành khoáng sản. Hiện tượng trên phần nào phản ánh chính sách thuế tài nguyên còn tồn tại nhiều kẽ hở và công tác quản lý thu chưa hiệu quả.
Theo Luật thuế Tài nguyên năm 2009, thuế tài nguyên được thu dựa trên sản lượng khai thác, giá bán và thuế suất. Tuy nhiên, hiện nay chưa có cơ chế để giám sát hiệu quả sản lượng khai thác và giá bán thực tế của doanh nghiệp. Ngoài ra, giá tính thuế tài nguyên hiện nay do UBND cấp tỉnh quy định và do đó còn tồn tại sự chênh lệch khá lớn giữa các địa phương cũng như giữa giá quy định và giá bán thực tế. Những bất cập trên đã tạo nhiều kẽ hở, gây thất thu cho ngân sách nhà nước.
Trong bối cảnh trên, ngày 13/5/2016, tại Hà Nội, Liên minh Khoáng sản đã phối hợp cùng các bên liên quan tổ chức Hội thảo “Nâng cao thu ngân sách trong khai thác khoáng sản từ kinh nghiệm thực tiễn đến các giải pháp chính sách” nhằm chia sẻ các bất cập trong thực tiễn thực thi và đề xuất các kiến nghị sửa đổi Luật thuế tài nguyên năm 2009.
Tham dự Hội thảo có Đại diện Vụ chính sách, Tổng Cục thuế; Đại diện Cục thuế, Sở Tài nguyên và Môi trường một số tỉnh thành phố; đại diện các Doanh nghiệp khai thác khoáng sản và Hiệp hội Doanh nghiệp; đại diện các tổ chức nghiên cứu khoa học; đại diện các tổ chức Quốc tế: Viện Quản trị Tài nguyên Thiên nhiên Hoa Kỳ, Mạng lưới Bantay Kita Philippines.
Toàn cảnh Hội thảo nâng cao hiệu quả thu ngân sách trong khai thác khoáng sản
Mục tiêu của Hội thảo nhằm chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong việc xây dựng chính sách tài chính và quản lý thu trong lĩnh vực khai thác khoáng sản; thảo luận về các bất cập và định hướng sửa đổi Luật thuế Tài nguyên 2009 theo hướng tăng cường minh bạch và nâng cao hiệu quả thu ngân sách trong khai thác khoáng sản, từ đó đề xuất các kiến nghị sửa đổi Luật Thuế tài nguyên 2009.
Cao Hồng Kỳ, Chủ tịch Liên hiệp hội Hà Giang đưa tin từ Hà Nội