Sáng ngày 16/6, UBND tỉnh đã tổ chức Hội thảo sáp nhập trường Chính trị tỉnh với trường Trung cấp kinh tế kỹ thuật tỉnh. Tham dự Hội thảo có đồng chí Ly Mí Lử, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQ tỉnh; đồng chí Nguyễn Trung Tài, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban tổ chức Tỉnh ủy; đồng chí Hoàng Văn Vịnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo đại diện các Ban đảng Tỉnh ủy, các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố; các trường chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội thảo. Đây là nội dung nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đảng toàn quốc lần thứ XII và Nghị quyết Đảng bộ tỉnh khóa XVI về “Xây dựng tổ chức bộ máy của toàn hệ thống chính trị tinh ngọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
Quang cảnh Hội thảo
Trường Chính trị tỉnh là đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND tỉnh Hà Giang có chức năng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở; cán bộ công chức ở địa phương về lý luận chính trị- hành chính, kiến thức chuyên môn nghiệp vụ về xây dựng Đảng, Chính quyền, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể, kiến thức về pháp luật và quản lý nhà nước và một số lĩnh vực khác. Cơ cấu tổ chức gồm 08 khoa, phòng, đơn vị trực thuộc; với 49 cán bộ, công chức, viên chức. Trường Kinh tế Kỹ thuật tỉnh là cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc hệ thông sgiaos dục quốc dân đồng thời là đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND tỉnh, có chức năng: Tổ chức quá trình đào tạo bậc trung cấp chuyên nghiệp và các trình độ thấp hơn đối với các ngành thuộc lĩnh vực kinh tế và kỹ thuật; liên kết đào tạo nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn bậc Đại học bổ sung đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh. Cơ cấu tổ chức bao gồm 08 khoa, phòng với 69 công chức, viên chức.
Quá trình triển khai nhiệm vụ, hai trường đã có nhiều cố găng trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho tỉnh. Tuy nhiên, thực tiễn quá trình hoạt động cho thấy: Quy mô trường lớp, số học sinh đầu vào ngày càng có xu hướng giảm, đặc biệt là Trường Kinh tế kỹ thuật tỉnh; đội ngũ cán bộ, giáo viên được đào tạo căn bản, cơ sở vật chất được đầu tư lớn song chưa phát huy hết hiệu quả. Để khắc phục tình trạng trên, việc sắp xếp kiện toàn tổ chức bộ máy, đổi mới cơ chế hoạt động của nhà trường đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu quả, gắn với tinh giảm biên chế vào khai thác tối đa nguồn lực của đội ngũ cán bộ, giáo viên và cơ sở vật chất đã được đầu tư là hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Tham luận tại Hội thảo, các đại biểu nhận định việc sáp nhập 2 trường là việc làm cần thiết và phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao quy mô trường lớp. Tuy nhiên đây là việc làm hết sức phức tạp, mới đối với tỉnh và chưa có tiền lệ. Triển khai thế nào để vừa đảm bảo phù hợp với các văn bản quy định hiện hành, đồng thời cũng phải tính đến việc tinh giản biên chế; tự chủ tài chính, dự báo học sinh đầu vào, nhu cầu bồi dưỡng, đạo tạo nguồn nhân lực phù hợp vào đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội tỉnh Hà Giang những năm tiếp theo. Về phương án lựa chọn, có thể đưa 2 trường sáp nhập với nhau, cơ bản giữ nguyên đội ngũ cán bộ, ít sáo trộn; hoặc sắp xếp lại theo đề án vị trí việc làm để thành lập một đơn vị mới nhằm tinh gọn bộ máy và cán bộ. Về phương án đặt tên trường cần thể hiện đúng chức năng nhiệm vụ và đảm bảo quyền lợi cho học sinh, sinh viên. Về phương án sắp xếp nhân sự sau khi sáp nhập tỉnh cần phân định rõ đối với đội ngũ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý tỉnh sẽ sắp xếp, còn đối với đội ngũ cán bộ, giáo viên sẽ tổ chức sắp xếp lại sau khi tổ chức bộ máy mới được kiện toàn. Liên quan đến vấn đề này cũng có nhiều ý kiến cho rằng tỉnh nên sắp xếp lại đội ngũ cán bộ giáo viên trước khi thực hiện sắp xếp bộ máy. Ban chỉ đạo tinh giảm đầu mối của tỉnh cần tiếp tục tham vấn, lấy ý kiến của các bộ, ngành, các nhà khoa học trong và ngoài tỉnh và Trung ương. Cũng tại Hội thảo nhiều ý kiến cho rằng việc lựa chọn các đơn vị để sáp nhập cần phải dựa trên các Luật hiện hành và đảm bảo có tính tương đồng, đáp ứng yêu cầu giải quyết việc làm của đối tượng sau khi ra trường. Do vậy không nhất thiết là sáp nhập cơ học 2 trường mà có thể đưa một số khoa, phòng của trường Trung cấp kinh tế kỹ thuật về Trường Cao đẳng nghề và Trường Chính trị đảm bảo phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của hai trường này.
Tổng hợp các ý kiến thảo luận tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đức Quý hoan nghênh tinh thần tham gia tham vấn tại Hội thảo, đồng thời trân trọng tiếp thu tất các cả ý kiến tham luận của các đại biểu. Về nhiệm vụ trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tiếp tục nghiên cứu, tham vấn ý kiến các bộ, ngành, nhà khoa học Trung ương, đồng thời học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với các địa phương khác. Nhiệm vụ tinh gọn đầu mối, giảm biên chế là việc làm cần thiết song tỉnh Hà Giang sẽ không nóng vội mà phải có lộ trình cụ thể. Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng giao cho các sở, ngành, các đơn vị tiếp tục phối hợp để tham mưu, đề xuất với Ban chỉ đạo tinh giảm đầu mối của tỉnh những giải pháp thiết thực, hiệu quả vì sự phát triển chung./.
Đức Hiện