Nằm trong chỗi các Hoạt động của Dự án “Tăng cường giám sát thực thi chính sách bảo vệ môi trường trong lĩnh vực khai thác khoáng sản ở cấp địa phương, tại tỉnh Hà Giang và tỉnh Quảng Trị”, được UBND tỉnh cho chủ trương thực hiện theo Công văn số 3025/UBND-KTN ngày 02/8/2017. Sau khi thống nhất với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hà Giang, ngày 14 tháng 12 năm 2017, tại UBND xã Mậu Duệ, huyện Yên Minh, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Hà Giang đã tổ chức Hội thảo tham vấn cộng đồng, đóng góp ý kiến cho Dự thảo “Quy chế giám sát cộng đồng về công tác bảo vệ môi trường, công khai minh bạch thông tin về nguồn thu, phân bổ và sử dụng nguồn thu phí bảo vệ môi trường trong lĩnh vực khai thác khoáng sản tại cở sở”.
Tham dự Hội thảo tham vấn có: Đại diện Lãnh đạo Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh; đại diện Ban Dân chủ - Pháp Luật Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hà Giang; đại diện Thường trực Đảng ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, đại diện các ban ngành đoàn thể của xã Mậu Duệ; các đại biểu đại diện cho cộng đồng dân cư thuộc các thôn/bản của xã Mậu Duệ: Bí thư Chi bộ, Trưởng các thôn/bản, Chi Hội trưởng Chi hội Nông dân, Chi Hội trưởng Chi Hội Phụ nữ và đại diện nhân dân của 16 thôn/bản thuộc xã Mậu Duệ: Trung tâm, Pắc Luy, Thôm Tiềng, Nà Sài, Nà Đon, Cốc Cai, Nà Bưa, Pác Lung, Keo Hẻn, Khau Piai, Ngái Trò, Phác Đén, Ngàm Soọc, Phiêng Trà, Phiêng Đé, Nà Ngoa.
Toàn cảnh Hội thảo tham vấn cộng đối với Dự thảo “Quy chế giám sát cộng đồng về BVMT,
công khai minh bạch thông tin về nguồn thu, phân bổ và sử dụng nguồn thu phí BVMT trong
lĩnh vực khai thác khoáng sản tại cở sở”
Tại Hội thảo các đại biểu đã được nghe tổ công tác trình bày nội dung dự thảo “Quy chế giám sát cộng đồng về công tác bảo vệ môi trường, công khai minh bạch thông tin về nguồn thu, phân bổ và sử dụng nguồn thu phí bảo vệ môi trường trong lĩnh vực khai thác khoáng sản tại cở sở”.
Tại Hội thảo, đại biểu các thôn Pắc Luy và thôn Ngàm Soọc đã phát biểu ý kiến cho rằng: Việc xây dựng “Quy chế giám sát cộng đồng về công tác bảo vệ môi trường, công khai minh bạch thông tin về nguồn thu, phân bổ và sử dụng nguồn thu phí bảo vệ môi trường trong lĩnh vực khai thác khoáng sản tại cở sở” là rất cần thiết, nó làm cơ sở để cộng đồng dân cư của thôn, bản nơi diễn ra hoạt động khai thác khoáng sản phát huy vai trò và thực hiện được quyền giám sát thực thi các biện pháp bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn; tham gia giám sát việc quản lý, phân bổ sử dụng nguồn thu phí bảo vệ môi trường của nhà nước trên địa bàn xã nhằm đảm bảo việc sử dụng nguồn thu phí bảo vệ môi trường đúng mục đích, hiệu quả cho địa phương theo quy định của Nhà nước, của tỉnh; tăng cường thực hiện chính sách bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người dân địa phương nơi chịu ảnh hưởng của hoạt động khai thác khoáng sản; thúc đẩy công khai minh bạch trong phân bổ và sử dụng nguồn thu phí bảo vệ môi trường từ hoạt động khoáng sản theo quy định hiện hành; góp phần quản trị hiệu quả tài nguyên khoáng sản và giảm thiểu các tác động về môi trường và xã hội của ngành công nghiệp khai khoáng. Quy chế cũng cần bổ sung thêm quy định về: Người dân địa phương có quyền đi lại thuận tiện trên địa bàn khu vực khai thác khoáng sản, vì hiện nay xung quanh mỏ doanh nghiệp đã đào hào, rãnh nước và rào chắn, nên người dân đi làm nương rất vất vả, phải đi theo đường vòng rất xa nơi ở và nơi canh tác.
Đại biểu xã Mậu Duệ tham gia đóng góp ý kiến đối với dự thảo Quy chế giám sát
cộng đồng về bảo vệ môi trường
Kết quả Hội thảo, chủ trì Hôi thảo đã kết luận: Trên cơ sở lấy ý kiến tham gia đóng góp của đại diện cộng đồng dân cư, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức đoàn thể của 2 xã thí điểm: Minh Sơn (huyện Bắc Mê) và Mậu Duệ (huyện Yên Minh); của các phòng, ban chức năng của huyện Bắc Mê và Yên Minh; của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn xã Minh Sơn và Mậu Duệ; ý kiến tham gia đóng góp của UBND huyện Bắc Mê và Yên Minh của các Sở, ban ngành của tỉnh. Trên cơ sở tiếp thu các ý kiến, tổ soạn thảo sẽ chỉnh sửa, bổ sung hoàn thiện Quy chế trình để Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh ban hành làm cơ sở triển khai thực hiện tại 2 xã thí điểm: Minh Sơn (Bắc Mê) và Mậu Duệ (Yên Minh). Sau khi tổ chức đánh giá hiệu quả, Quy chế sẽ được áp dụng nhân ra diện rộng trên dịa bàn toàn tỉnh.
Kết quả mong đợi của dự án, đó là: Sau khi Quy chế được ban hành triển khai áp dụng thì các cơ quan của tỉnh, huyện, xã sẽ thực hiện cơ chế công khai, minh bạch thông tin trong thu, quản lý, sử dụng nguồn thu từ phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản và phí bảo vệ môi trường sẽ được sử dụng đúng mục đích, hiệu quả (theo quy định tại Điều 8 của Nghị định số 164/2016/NĐ-CP ngày 24/12/2016 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản; Nghị quyết số 71/NQ-HĐND ngày 24/4/2017 của HĐND tỉnh; Điều 52 của Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21/12/2016 của Chính phủ; Điều 11, 12, 13 của Thông tư số 343/2016/TT-BTC ngày 30/12/2016 của Bộ Tài chính về hướng dẫn thực hiện công khai ngân sách nhà nước; Cộng đồng dân cư và người dân có đủ năng lực tham gia hiệu quả hơn vào quá trình phân bổ và sử dụng phí bảo vệ môi trường từ khai thác khoáng sản tại địa phương (theo Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn số 34/2007/PL-UBTVQH11 ngày 20/4/2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội); Nguồn thu phí bảo vệ môi trường trong lĩnh vực khai thác khoáng sản phải đảm bảo sử dụng cho các chương trình phúc lợi của địa phương nơi có khoáng sản được khai thác như giao thông, y tế, giáo dục, môi trường, hệ thống cung cấp nước sạch (Theo Điều 15, 16 của Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản năm 2010).
Cao Hồng Kỳ, Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT Hà Giang