Ngày 24/9/2021, được sự hỗ trợ của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (KH&KT) Việt Nam, Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Hà Giang đã tổ chức Hội thảo tư vấn, phản biện “Đánh giá những nút thắt, hạn chế chủ yếu trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè Shan tuyết Hà Giang, đề xuất giải pháp nâng cao giá trị, tăng thu nhập cho người dân địa phương”.
Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo các Sở, ban ngành liên quancủa tỉnh; đại diện UBND các huyện vùng trồng chè, đại diện các hội thành viên thuộc Liên hiệp các Hội KH&KT Hà Giang và một số doanh nghiệp, HTX, người dân sản xuất, chế biến, kinh doanh chè trên địa bàn tỉnh Hà Giang.
Toàn cảnh Hội thảo
Chè Shan tuyết Hà Giang có đặc điểm lá to, búp và lá non có nhiều lông trắng như tuyết và được trồng ở độ cao so với mực nước biển từ 300 đến trên 1000 mét, quanh năm mây mù bao phủ, nên chè Shan tuyết Hà Giang có hương thơm đặc biệt, vị tinh túy ngọt hậu và được nhiều du khách thập phương biết đến từ nhiều năm nay.Hà Giang có diện tích chè đứng thứ 3 trong cả nước, với trên 20.000 ha chủ yếu là dòng chè Shan, diện tích cho thu hoạch gần 18 nghìn ha; năng suất bình quân đạt khoảng 39 tạ/ha/năm; sản lượng chè búp tươi bình quân là 70.000 tấn/năm. Trong đó, diện tích chè Shan tuyết sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap và hữu cơ có 9.382 ha, toàn tỉnh hiện có 257 cơ sở chế biến chè đang hoạt động; trong đó có 11 doanh nghiệp, 22 cơ sở HTX; tổng công suất các cơ sở chế biến đạt trên 14.320 tấn/năm, giá trị sản xuất ngành chè đem lại là trên 553 tỷ đồng. Những năm qua, cây chè được Hà Giang xác định là một trong 6 sản phẩm hàng hóa chiến lược ưu tiên phát triển trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tỉnh có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ bảo tồn giống chè, khuyến khích sản xuất theo hướng an toàn, ứng dụng khoa học công nghệ trong chế biến nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, từ đó đã giúp nâng cao thu nhập cho các doanh nghiệp, HTX và người dân sản xuất chè...
Tại hội thảo, các đại biểu đã phân tích, làm rõ những nút thắt, hạn chế trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè shan tuyết hiện nay, như việc liên kết trong chuỗi giá trị chè từ khâu tổ chức sản xuấtđến tiêu thụ giữa người sản xuất với doanh nghiệp chế biến chưa được nhiều; một số cơ sở chế biến chè có quy mô và đầu tư máy móc, dây chuyền chế biến hiện đại nhưng không có vùng sản xuất, phải thu mua nguyên liệu đầu vào từ các thương lái trung gian nên không kiểm soát được chất lượng nguyên liệu đầu vào, dẫn đến chất lượng sản phẩm chè không đồng đều, chưa đủ sức cạnh tranh với thị trường... Bên cạnh đó, xuất khẩu sản phẩm chè Shan tuyết ở tỉnh còn thấp, chủ yếu nội tiêu.
Để phát triển cây chè và sản phẩm chè Shan tuyết theo hướng bền vững, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân địa phương các ý kiến cho rằng: Hà Giang cần tập trung xây dựng và phát triển vùng sản xuất chè Shan tuyết theo các tiêu chuẩn nông nghiệp Hữu cơ với sản phẩm là hàng hóa “sạch” dựa trên công nghệ mới, công nghệ cao, lấy tiến bộ khoa học kỹ thuật làm “đòn bẩy” cho phát triển, sản xuất hàng hóa. Làm tốt công tác đánh giá, dự báo, nắm chắc thông tin thị trường, hỗ trợ xúc tiến thương mại và thúc đẩy xuất khẩu chè và sản phẩm chè chế biến sâu vươn đến thị trường có thu nhập cao như: Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, EU, Mỹ… Hình thành chuỗi liên kết từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm với sự tham gia tích cực của “4 nhà”, thúc đẩy thành lập các Hợp tác xã kiểu mới, xây dựng chuỗi giá trị chè bền vững. Ưu tiên hỗ trợ vay vốn phát triển chuỗi giá trị chè Shan tuyết, ưu đãi về thời gian, lãi suất và số lượng/lần vay vốn... Kiểm soát chặt chẽ các quy trình, tiêu chuẩn tiên tiến trong sản xuất, chế biến sản phẩm, nhằm tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, bắt kịp với thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế…
Các ý kiến, kiến nghị tại Hội thảo sẽ được Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Hà Giang tổng hợp, kiến nghị với tỉnh và các Sở, ngành, UBND huyện liên quan để chỉ đạo triển khai các biện pháp nâng cao giá trị, tăng thu nhập bền vững cho người dân địa phương từ sản xuất, chế biến, kinh doanh chè trong thời gian tiếp theo.
Cao Hồng Kỳ, Chủ tịch LHH Hà Giang.