Trong những năm qua, tỉnh Hà Giang đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội; đặc biệt là việc đổi mới, cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh việc phân cấp hướng về cơ sở, đổi mới phương pháp lãnh đạo, trẻ hóa đội ngũ cán bộ lãnh đạo; thực hiện đề án đưa trí thức trẻ về cơ sở... Đồng thời tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức, phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân. Qua đó, những chủ truơng, chính sách, các chương trình, dự án phát triển kinh tế xã hội đã có tác động trực tiếp, mạnh mẽ đến đời sống của người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, trong công tác quản lý nhà nước còn nảy sinh những tồn tại bất cập, vẫn còn những quyết định hành chính, hành vi hành chính chưa phù hợp với quy định của pháp luật và thực tiễn đời sống xã hội. Mặt khác, một bộ phận nhân dân còn thiếu hiểu biết về pháp luật, chưa nắm rõ quy định của pháp luật về quyền khiếu nại và trách nhiệm giải quyết khiếu nại… làm ảnh hưởng tới công tác lãnh chỉ đạo phát triển kinh tế và ổn định đời sống xã hội tại địa phương. Từ vấn đề trên, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật triển khai hoạt động “Nghiên cứu tham vấn ý kiến phản hồi của người dân về thực thi luật Khiếu nại” tại địa bàn hai xã Lùng Tám, Cán Tỷ, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án “Phát huy quyền giám sát của đồng bào dân tộc thiểu số một số xã đặc biệt khó khăn huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang thông qua vai trò của Trưởng thôn bản, người có uy tin trong việc thực thi Luật Khiếu nại” được phê duyệt triển khai theo Quyết định số: 90/QĐ-UBND ngày 08/01/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang.
Mục tiêu của hoạt động nhằm (1) Nghiên cứu, đánh giá thực trạng hoạt động thực thi Luật Khiếu nại tại hai xã Lùng Tám, Cán Tỷ, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang; (2) Đề xuất, kiến nghị một số giải pháp nhằm phát huy quyền giám sát thực thi Luật Khiếu nại của đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương. Với phương pháp nghiên cứu chính là: sử dụng phương pháp điều tra xã hội học, phỏng vấn trực tiếp 400 lượt người dân thông qua phiếu tham vấn, kết hợp với tham khảo, kế thừa các tài liệu liên quan của cơ quan quản lý địa phương. Trên cơ sở đó, tiến hành tổng hợp, loại bỏ những mẫu ngoại lai không phù hợp và sử dụng phần mềm Excel phân tích số liệu, đưa ra nhận định đánh giá.
Qua nghiên cứu thực tế địa bàn, trên cơ sở ý kiến tham vấn người dân và kết quả hội thảo tại địa phương về thực trạng thực thi Luật khiếu nại, có những nhận định đánh giá như sau:
Thời gian qua, công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực thi pháp luật về khiếu nại trên địa bàn huyện đã được cấp ủy, chính quyền địa phương chú trọng và xác định là nhiệm vụ quan trọng tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo ổn định chính trị và an ninh trật tự trên địa bàn. Công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật đã đạt được những đạt kết quả cụ thể. Giai đoạn 2011-2013 có gần 6000 lượt người được tuyên truyền và tiếp cận Luật khiếu nại theo các kênh tuyên truyền miệng, phát tờ rơi… thông qua tủ sách pháp luật, tổ thôn bản, hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật của xã. Người dân có những ý kiến phản hồi, đánh giá tích cực về công tác tuyên truyền, phổ biến, triển khai các văn bản pháp luật về khiếu nại trên địa bàn 2 xã Lùng Tám và Cán Tỷ (29,17 % đến 35,5% người được hỏi, có ý kiến phản ánh chính quyền địa phương đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, triển khai pháp luật về khiếu nại; 59,03% đến 62,5 % phản hồi ở mức độ trung bình). Nhờ chú trọng công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về khiếu nại nên đồng bào dân tộc thiểu số địa bàn nghiên cứu đã tiếp cận và có dấu hiệu tích cực về nắm bắt và hiểu biết pháp luật về Luật khiếu nại. Một số ít đã có những hiểu biết khá sâu về các quy định của pháp luật về Khiếu nại, có thể là những hạt nhân giúp cho chính quyền địa phương thực hiện công tác tuyên tuyền, phổ biến pháp luật về khiếu nại sau này. Giai đoạn 2011-2013, tình hình khiếu nại triên địa bàn huyện Quản Bạ nói chung và địa bàn các xã nghiên cứu nói riêng chưa có dấu hiệu diễn biến phức tạp, số lượng đơn khiếu nại ít; một số vụ việc khiếu nại của người dân đã được cấp chính quyền địa phương xem xét giải quyết kịp thời trên cơ sở vừa bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, giữ vững kỷ cương của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Qua đây cho thấy, chính quyền địa phương thực hiện nghiêm túc công tác giải quyết khiếu nại, từ việc công khai minh bạch hóa các thủ tục hành chính, tiếp dân, giải quyết khiếu nại… đến công tác hướng dẫn thực hiện quyền khiếu nại và thực hiện giải quyết khiếu nại. Góp phần nêu cao niều niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, an ninh trật tự được giữ vững, chính trị ổn định, kinh tế xã hội từng bước phát triển. Hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân đã được người dân phản hồi tích cực và có đánh giá cao vai trò giám sát của tổ chức này (với trên 75 % số người được hỏi cho rằng: Hội đồng nhân dân đã thực hiện tốt vai trò giám sát thực hiện Luật khiếu nại. Các tổ chức có vai trò giám sát khác như Ủy ban mặt trận tổ quốc, Ban thanh tra nhân dân bước đầu đã thể hiện được vai trò giám sát của mình đối với thực thi pháp luật về Khiếu nại. Người dân đã bước đầu thể hiện được quyền giám sát của mình thông qua hoạt động khiếu nại và đề đạt ý kiến kiến nghị của mình về những vấn đề quan tâm đối với cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương. Trưởng thôn bản, người có uy tín ở địa bàn nghiên cứu đã được người dân phản hồi và đánh giá khá cao (68%-72%) về vai trò của họ trong việc giúp cấp chính quyền địa phương tuyên truyền phổ biến các chính sách pháp luật của đảng và nhà nước nói chung và thực hiện Luật Khiếu nại nói riêng tới người dân.
Bên cạnh kết quả đạt được, trên địa bàn nghiên cứu, một số vấn đề cũng cần được quan tâm, đó là: (1) Công tác tuyên truyền thực thi pháp luật nói chung và thực thi pháp luật về Khiếu nại nói riêng đã được thực hiện nghiêm túc và đạt được những kết quả cụ thể, song hiệu quả đạt được còn hạn chế; chưa có những hoạt động tuyên truyền, tập huấn mang tính chuyên sâu cho người dân về thực thi pháp luật đối với những bộ Luật liên quan trực tiếp tới quyền và lợi ích của người dân. Phần lớn ý kiến phản hồi của người dân chưa đánh giá cao về công tác triển khai pháp luật về khiếu nại của chính quyền địa phương. (2) Nhìn chung, việc nắm bắt và hiểu biết pháp luật về khiếu nại của người dân tuy có những dấu hiệu tích cực nhưng còn khá hạn chế. Phần lớn những người biết về Luật Khiếu nại cũng chỉ nắm bắt được một vài quy định; có 13,3 % -20,3 % tỷ lệ số người được hỏi không biết có Luật Khiếu nại. (3) Chính quyền địa phương đã thực hiện tốt công tác công khai minh bạch các thủ tục hành chính, hướng dẫn thực hiện quyền khiếu nại, giải quyết khiếu nạ và đã được phần lớn người dân đánh giá. Tuy nhiên cũng còn một tỷ lệ khá cao ý kiến phản hồi trái chiều. Rất cần cấp chính quyền tiếp tục quan tâm thực hiện tốt hơn nữa. (4) Người dân đã thực hiện quyền giám sát thông qua quyền khiếu nại. Song, do hiểu biết còn hạn chế nên còn có hiện tượng khiếu nại sai, khiếu nại vượt cấp hoặc không thực hiện quyền khiếu nại khi nhận thấy những hành vi hành chính hoặc quyết định hành chính không thỏa đáng với cá nhân họ (đây cũng là một trong những nguyên nhân giải thích tại sao số lượng đơn khiếu nại ít trên địa bàn trong 3 năm (2011-2014). Từ vấn đề trên đây, khi nhận thức của người dân được nâng lên, họ sẽ thực hiện tốt hơn quyền giám sát của mình theo quy định, đòi hỏi cấp chính quyền cần nâng cao hơn nữa về trách nhiệm giải trình, giải quyết khiếu nại. (5) Hiệu quả giám sát của Ủy ban mặt trận tổ quốc, Ban thanh tra nhân dân… cấp xã chưa được người dân đánh giá cao. Thời gian tới cần tiếp tục được đổi mới và phát huy vai trò của mình mà trong Luật Khiếu nại và các văn bản pháp luật khác đã quy định.
Hội thảo phát huy quyền giám sát thực thi Luật Khiếu nại tại xã Lùng Tám,
huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang. Ảnh Đức Hiện
Luật khiếu nại là văn bản pháp luật cao nhất quy định trách nhiệm của các cơ quan hành chính trong việc giải quyết khiếu nại; quyền, nghĩa vụ của công dân đối với việc thực hiện Luật Khiếu nại. Do đó, để phát huy quyền giám sát của người dân, góp phần cùng với nhà nước quản lý xã hội. Đồng thời nêu cao trách nhiệm giải trình, giải quyết khiếu nại của cơ quan hành chính ở địa phương cũng như quyền khiếu nại của công dân được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định. Nhóm nghiên cứu đã đưa ra một số đề xuất, kiến nghị:
Thứ nhất, cần tiếp tục nâng cao nhận thức về việc thực hiện pháp luật. Tập trung các vấn đề như: thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn chuyên sâu cho cán bộ xã về quy định của pháp luật liên quan đến công tác hành chính nhà nước tại địa phương theo lĩnh vực, để họ thực hiện tốt chức trách nhiệm vụ của mình liên quan đến người dân. Đặc biệt là pháp luật về khiếu nại (hướng dẫn thực hiện quyền khiếu nại, giải quyết khiếu nại, tiếp dân…); tăng cường công tác phổ biến giáo dục pháp luật về khiếu nại cho người dân theo chiều sâu lồng ghép vào các buổi sinh hoạt thôn bản, hoạt động văn hóa; biên soạn các tờ rơi, tài liệu ngắn ngọn, dễ hiểu theo hướng hình tượng hóa để phát cho người dân; thiết kế các băng đĩa bằng tiếng địa phương tuyên truyền trên loa phát thanh xã tại các phiên chợ… tạo điều kiện cho tiếp cận và hiểu biết các quy định về khiếu nại liên quan đến người dân; làm tốt công tác bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho các trưởng thôn bản, người có uy tín trong cộng đồng, coi họ là một trong những hạt nhân giúp chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về khiếu nại cho người dân.
Thứ hai, tiếp tục thực hiện tốt công tác tiếp dân. Cử cá nhân, tổ chức có trách nhiệm liên quan để tiếp dân đảm bảo theo theo đúng quy định của pháp luật về công tác tiếp dân. Đồng thời, có kế hoạch tập huấn, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ chuyên môn, trau dồi ngôn ngữ địa phương để vừa thực hiện tốt công tác tiếp dân cũng như công tác tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật để người dân nắm bắt và thực hiện.
Thứ ba, thực hiện tốt công tác giải quyết khiếu nại, nêu cao trách nhiệm giải trình của cấp chính quyền đối với các vấn đề người dân kiến nghị, khiếu nại, đặt biệt các vấn đề nổi cộm gây dư luận xã hội. Kịp thời tổ chức các hoạt động đối thoại, giải quyết thỏa đáng nguyện vọng của người dân đối với những vấn đề nẩy sinh trong thực tiễn;
Thứ tư, phát huy vai trò giám sát thực thi Luật khiếu nại của Ủy ban mặt trận tổ quốc, Ban thanh tra nhân dân cũng như các tổ chức chính trị xã hội theo quy định của pháp luật; gắn kết chặt chẽ giữ hoạt động giám sát của Đại biểu Hội đồng nhân dân xã với các trưởng thôn bản, người có uy tín. Kịp thời động viên, khuyến khích các trưởng thôn bản, người có uy tín trong cộng đồng phát huy vai trò giám sát thực thi pháp luật nói chung và Luật khiếu nại nói riêng. Tạo cầu nối phối hợp giám sát chặt chẽ giữa các trưởng thôn bản, người có uy tín với Đại biểu HĐND xã.. bằng các hình thức như: mời họ tham gia các đợt giám sát của Đại biểu Hội đồng nhân dân từ xây dựng kế hoạch triển khai- tổ chức giám sát đến giải quyết và thông báo các kết quả giám sát; tổ chức các buổi tham vấn ý kiến các trưởng thôn bản, người có uy tín trước những nội dung nổi cộm, những nội dung cần giám sát…
Thứ năm, hàng năm, thực hiện tốt công tác tổng kết, đánh giá thực hiện Luật khiếu nại làm cơ sở rút kinh nghiệm trong công tác lãnh chỉ đạo của cấp ủy địa phương, nêu cao trách nhiệm giải trình của cơ quan hành chính nhà nước và vai trò giám sát của người dân trong việc thực thi Luật khiếu nại. Góp phần ổn định hệ thống chính trị và phát triển kinh tế xã hội.
Thông qua hội thảo cấp huyện, với kết quả triển khai hoạt động đã đã được cấp chính quyền địa phương ghi nhận và đánh giá cao. Đây là tài liệu khoa học cần thiết giúp cho Chính quyền địa phương có cái nhìn toàn diện hơn về thực trạng trước thực thi Luật Khiếu nại trên địa bàn, tạo cơ sở thực hiện đề ra các biện pháp hiệu quả hơn trong công tác lãnh, chỉ đạo và thực hiện công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật nói chung và Luật Khiếu nại nói riêng. Đồng thời làm tốt công tác giám sát và giải quyết khiếu nại trong thời gian tới./.
Đức Hiện