Sau nửa nhiệm kỳ được thành lập và đi vào hoạt động, trong điều kiện khó khăn chung của nền kinh tế khu vực, trong nước và của tỉnh, hoạt động của Liên hiệp hội Hà Giang cũng gặp không ít khó khăn. Xong, được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự giúp đỡ của Liên hiệp hội Việt Nam; sự phối kết hợp tạo điều kiện của các sở, ban ngành của tỉnh; sự lãnh chỉ đạo, điều hành có hiệu quả của Ban chấp hành, Ban thường vụ mà trực tiếp là Thường trực Liên hiệp hội, cùng với sự cố gắng nỗ lực của cán bộ, nhân viên cơ quan thường trực Liên hiệp hội. Trong giai đoạn 2010-2014, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Giang đã cơ bản thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ mà Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành Liên hiệp hội đã đề ra, trên các lĩnh vực cụ thể như sau:
I. Kết quả hoạt động giai đoạn 2010-2014
1. Công tác tập hợp, đoàn kết và phát huy tiềm năng, trí tuệ của trí thức KH&CN thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; phát huy vai trò thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp
Giai đoạn 2010-2012, hoạt động của Liên hiệp hội Hà Giang chủ yếu tập trung vào công tác kiện toàn tổ chức bộ máy, nhân sự để chuẩn bị Đại hội lần thứ nhất Liên hiệp hội Hà Giang. Đến tháng 4/2012, Liên hiệp hội Hà Giang mới chính thức đi vào hoạt động ổn định theo tinh thần Chỉ thị 42-CT/TW của Bộ chính trị. Tại Đại hội đại biểu Liên hiệp hội Hà Giang lần thứ 1, nhiệm kỳ 2011-2016 đã thông qua, trình UBND tỉnh phê duyệt Điều lệ Liên hiệp hội, trong đó xác định Liên hiệp các Hội KH&KT Hà Giang là tổ chức chính trị - xã hội.
Sau hơn 2 năm hoạt động, với vai trò tập hợp, đoàn kết và phát huy trí trệ của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ ở trong và ngoài tỉnh. Liên hiệp hội Hà Giang đã chủ động phối hợp với các Hội thành viên, các sở, ban ngành của tỉnh liên quan trình UBND tỉnh ban hành một số văn bản nhằm cụ thể hóa cơ chế, chính sách, tạo cơ sở pháp lý cho Liên hiệp hội Hà Giang hoạt động hiệu quả như: Quy định về tư vấn phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Hà Giang theo hướng làm rõ các chương trình, đề án, dự án bắt buộc phải có tư vấn phản biện của Liên hiệp hội; Quy chế phối hợp giữa Liên hiệp hội với các hội thành viên, các sở, ban ngành, đoàn thể và UBND các huyện/thành phố thuộc tỉnh; văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 16/4/2010 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; trong đó yêu cầu các sở, ban ngành của tỉnh thực hiện rõ trách nhiệm của mình trong việc tham gia, thúc đẩy Liên hiệp hội từng bước hoạt động ổn định và phát triển; tham gia ý kiến sửa đổi cơ chế, chính sách thu hút và sử dụng cán bộ của tỉnh theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ bảy (khóa X) về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước". Với vai trò là thành viên của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hà Giang, Liên hiệp hội Hà Giang đã tham gia nhiều ý kiến đóng góp cho công tác tư vấn, phản biện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước quan trọng mà Tỉnh ủy, HĐND, UBND và Ủy ban MTTQ tỉnh giao cho.
2. Công tác củng cố và phát triển tổ chức
Cơ cấu tổ chức, bộ máy của Liên hiệp hội Hà Giang hiện nay gồm 25 đồng chí Ủy viên Ban chấp hành, trong đó có 05 Ủy viên Ban thường vụ. Giúp việc Ban chấp hành Liên hiệp hội có cơ quan thường trực Liên hiệp hội, được UBND tỉnh giao 07 biên chế; trong đó, thường trực Liên hiệp hội có 02, chuyên viên Văn phòng có 05. Tuy mới đi vào hoạt động, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc ban đầu còn nhiều thiếu thốn, hoạt động của Liên hiệp hội gặp nhiều khó khăn. Xong, Liên hiệp hội Hà Giang đã thể hiện tốt vai trò là cầu nối giữa Liên hiệp hội với các hội thành viên trong việc tham gia, đề xuất, kiến nghị với Đảng, Nhà nước trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là việc kiến nghị giải quyết những khó khăn, vướng mắc của các hội thành viên. Đến nay, đã kết nạp được 09 hội thành viên với hơn 8.000 hội viên.
3. Thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn
a) Hoạt động tham mưu, đề xuất, tư vấn, phản biện và giám định xã hội
Ngay từ khi được thành lập, Liên hiệp hội Hà Giang đã xác định hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội là nhiệm vụ quan trọng của Liên hiệp hội. Căn cứ Quyết định số 22/QĐ-TTg ngày 30/01/2002 của Thủ tướng Chính phủ Quy định về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam, trên cơ sở vận dụng vào điều kiện thực tế tại Hà Giang. Liên hiệp hội Hà Giang đã trình UBND tỉnh ban hành Quyết định số 11/QĐ-UBND ngày 02/01/2013 “Quy định về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp hội Hà Giang” làm cơ sở tổ chức thực hiện. Trong năm 2013-2014, hoạt động tư vấn phản biện của Liên hiệp hội đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận như đóng góp ý kiến cho Báo cáo sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XV nhiệm kỳ 2010-2015; tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các hội thành viên cho các Dự án Luật, báo cáo của Trung ương, của tỉnh như Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; dự thảo Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi); báo cáo và đề án sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 27-NQ/TW của BCH Trung ương khóa X “Về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước”; tham gia phản biện các Đề án, dự án lớn trọng tâm của tỉnh như Dự án “Quy hoạch tổng thể phát triển cây dược liệu tỉnh Hà Giang giai đoạn 2013-2020, định hướng đến năm 2025”; Đề án “Thành lập Vườn quốc gia gắn với Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn”; thành lập "Khu bảo tồn thiên nhiên Chí Sán; tổ chức phản biện Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh đến năm 2020”.
b) Hoạt động thông tin và phổ biến kiến thức KH&CN
Đã xây dựng và đưa trang thông tin điện tử Website của Liên hiệp hội Hà Giang đi vào hoạt động với tên miền http://lienhiephoihagiang.org.vn nhằm cung cấp kịp thời các thông tin, kiến thức, tuyên truyềncác chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với đội ngũ trí thức trên địa bàn toàntỉnh; phổ biến các thành tựu về khoa học và công nghệ đã được áp dụng, triển khai có hiệu quả vào phục vụ cộng đồng dân cư các dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, hàng năm Liên hiệp hội thường xuyên phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng của tỉnh như Báo Hà Giang, Đài PT&TH Hà Giang xây dựng chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền, phát động các Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng, Hội thi Sáng tạo kỹ thuật, phổ biến kiến thức, tư vấn pháp luật cho người dân trên địa bàn tỉnh trên phương tiện thông tin đại chúng.
c) Hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ
Năm 2012-2013, Liên hiệp hội chủ yếu tập trung hướng dẫn các hội thành viên đề xuất, đăng ký triển khai các nhiệm vụ khoa học công nghệ trình Hội đồng Khoa học của tỉnh xem xét, phê duyệt. Năm 2013, cơ quan thường trực Liên hiệp hội đã được Hội đồng Khoa học tỉnh phê duyệt cho triển khai, thực hiện Đề tài “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình sản xuất nấm rơm trái vụ tại huyện Vị Xuyên và thành phố Hà Giang"; Năm 2014, có 02 Đề tài "Nâng cao tỷ lệ đậu quả na dai bằng phương pháp thụ phấn nhân tạo và trồng khảo nghiệm giống na ruột tím tại huyện Vị Xuyên, thành phố Hà Giang" của Hội Làm vườn và Đề tài “Nghiên cứu, kế thừa, phát triển bài thuốc gia truyền có giá trị trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng” của Hội Đông y tỉnh đã được Hội đồng Khoa học tỉnh phê duyệt cho triển khai thực hiện.
Hiện nay, Văn phòng Liên hiệp hội Hà Giang đã cơ bản thực hiện hoàn thành các hợp phần của dự án "Phát huy quyền giám sát của đồng bào dân tộc thiểu số một số xã đặc biệt khó khăn thuộc huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang thông qua vai trò của trưởng thôn bản, người có uy tín trong việc thực thi Luật Khiếu nại" do tổ chức phi chính phủ PARAFF - Quỹ hỗ trợ sự Tham gia của Người dân và Trách nhiệm giải trình tài trợ.
d) Hoạt động khuyến khích sáng tạo kỹ thuật, tôn vinh trí thức KH&CN
Năm 2012-2014, Liên hiệp hội Hà Giang tích cực phối hợp với các sở, ban ngành của tỉnh như Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh Đoàn Hà Giang, Báo Hà Giang, Đài PT&TH Hà Giang tổ chức thành công các Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh Hà Giang lần thứ 6, 7, 8. Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng đã động viên, khích lệ được đông đảo các em học sinh ở lứa tuổi thanh thiếu niên, nhi đồng trong tỉnh tham gia; một số đề tài xuất sắc đã được lựa chọn tham dự Cuộc thi toàn quốc và đã đoạt giải tại các Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc lần thứ 9 năm 2013 và lần thứ 10 năm 2014.
Phối hợp với Liên Đoàn Lao động tỉnh, Tỉnh Đoàn Hà Giang và các sở, ban ngành liên quan tổ chức thành công Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật toàn tỉnh lần thứ 1 (2012-2013), phát động Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật toàn tỉnh lần thứ 2 (2014-2015). Bên cạnh đó, đã hướng dẫn một số doanh nghiệp tiêu biểu trong tỉnh hoàn thiện hồ sơ, đăng ký tham gia xét Giải thưởng “Nữ doanh nhân trí thức thành đạt”; Giải thưởng “Sáng tạo KHCN Việt Nam”; Giải thưởng WIPO và Cúp vàng Sở hữu trí tuệ Việt Nam do Liên hiệp hội Việt nam tổ chức. Việc triển khai các Giải thưởng, Hội thi trên địa bàn tỉnh đã tạo điều kiện và khích lệ đội ngũ trí thức, những người tâm huyết về khoa học công nghệ trong tỉnh có điều kiện để phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ vào phục vụ sản xuất và đời sống, góp phần thực hiện xã hội hóa hoạt động khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh.
Với mục đích tập hợp, đoàn kết và tôn vinh trí thức của tỉnh, nhân dịp ra mắt cơ quan thường trực Liên hiệp hội, năm 2012 đơn vị đã tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh tổ chức tôn vinh các nhà lãnh đạo, nhà khoa học có học vị Tiến sỹ, các nhà khoa học đã có nhiều đóng góp cho tỉnh Hà Giang. Năm 2013, Liên hiệp hội Hà Giang đã chủ trì tổ chức Hội nghị gặp mặt đầu xuân giữa Lãnh đạo tỉnh với đại diện đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ của tỉnh, tạo điều kiện cho Nhà khoa học được bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, những vấn đề khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ, giải quyết để hoàn thành nhiệm vụ; khích lệ, động viên được đội ngũ trí thức của tỉnh tiếp tục đóng góp công sức, trí tuệ cho công cuộc xây dựng và phát triển tỉnh Hà Giang trong những năm tiếp theo.
4. Hợp tác với các tổ chức trong nước và quốc tế
Trong những năm qua, Liên hiệp hội Hà Giang luôn tích cực tham gia các hoạt động hội nhập trong nước và quốc tế nhằm tăng cường sự giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm, nâng cao năng lựccông tác và tổ chức triển khai, thực hiện có hiệu quả các hoạt động chuyên môn của Liên hiệp hội. Hàng năm, Liên hiệp hội thường xuyên cử cán bộ tham gia các khóa đào tạo, tập huấn về nâng cao năng lực quản lý, triển khai thực hiện dự án và vận động chính sách do Liên hiệp hội Việt Nam, Liên hiệp hội các tỉnh bạn và các Tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế tài trợ như: GEF, PARAFF, PANNATURE, CARE. Ngoài ra, Liên hiệp hội Hà Giang cũng tích cực tham gia các hoạt động từ thiện do UBMTTQ tỉnh, Liên hiệp hội Việt Nam và Khối giao ước thi đua các Hội đặc thù của tỉnh tổ chức, phát động.
5. Hoạt động kiểm tra của Liên hiệp hội
a) Tổ chức bộ máy kiểm tra
Đại hội đại biểu Liên hiệp hội Hà Giang lần thứ 1, nhiệm kỳ 2011-2016 đã bầu ra Ủy Ban kiểm tra Liên hiệp hội gồm 05 thành viên; trong đó, Trưởng Ban Kiểm tra là Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp hội, Phó Ban kiểm tra là Tổng thư ký Liên hiệp hội, 01 ủy viên là Phó Giám đốc Sở Tư pháp và 02 ủy viên thuộc các hội thành viên là Hội Luật gia và Hội Châm cứu. Các thành viên Ủy Ban kiểm tra Liên hiệp hội đều hoạt động kiêm nhiệm.
b) Kết quả công tác kiểm tra
Công tác lãnh, chỉ đạo hoạt động kiểm tra trong Liên hiệp hội được tăng cường. Hàng năm, Liên hiệp hội đã chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra và tự kiểm tra của cơ quan thường trực Liên hiệp hội cũng như các Hội thành viên để tổ chức thực hiện. Sau hơn hai năm đi vào hoạt động, UBKT Liên hiệp hội đã tổ chức kiểm tra 01 lượt với 9/9 Hội thành viên về chấp hành Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, pháp luật của nhà nước, Điều lệ, Nghị quyết và Quy chế hoạt động của Liên hiệp hội, của Ban chấp hành Liên hiệp hội. Kết quả kiểm tra: Không có tổ chức, cá nhân nào vi phạm các quy định hiện hành; trong các năm qua, các hội thành viên và cơ quan thường trực Liên hiệp hội không có đơn thư khiếu nại, tố cáo; các hội thành viên đều tích cực tham gia đóng góp xây dựng đơn vị và tổ chức Liên hiệp hội ngày càng vững mạnh.
Qua công tác kiểm tra và tự kiểm tra, cơ quan thường trực Liên hiệp hội đã tích cực tăng cường công tác lãnh, chỉ đạo, định hướng, hướng dẫn cho các hội thành viên chấp hành thực hiện tốt Điều lệ Liên hiệp hội, tăng cường vai trò của người đứng đầu trong công tác lãnh, chỉ đạo hoạt động của Hội nói chung và hoạt động công tác kiểm tra của Ủy ban kiểm tra nói riêng; khắc phục kịp thời những tồn tại, yếu kém trong tổ chức hoạt động hội, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các hội thành viên và của Liên hiệp hội.
6. Đánh giá chung
a) Kết quả đạt được
Liên hiệp hội Hà Giang tuy mới được thành lập, trong điều kiện vừa phải kiện toàn bộ máy tổ chức, vừa phải bắt tay triển khai các nhiệm vụ chuyên môn. Mặc dù trong những năm đầu, hoạt động của Liên hiệp hội gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, điều kiện làm việc; trình độ, năng lực, kinh nghiệm công tác hội của cán bộ, chuyên viên Văn phòng Liên hiệp hội Hà Giang còn nhiều hạn chế. Xong, được sự quan tâm lãnh chỉ đạo sát xao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND; sự giúp đỡ, hướng dẫn về công tác chuyên môn của Liên hiệp hội Việt Nam; sự phối kết hợp, tạo điều kiện của các sở, ban ngành của tỉnh, cùng với sự cố gắng, nỗ lực, tích cực, chủ động trong công tác lãnh, chỉ đạo điều hành của Ban thường vụ, Thường trực, Ủy ban kiểm tra Liên hiệp hội. Năm 2012-2014, Liên hiệp hội Hà Giang đã cơ bản thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh giao cho, góp phần thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ mà Nghị quyết Ban chấp hành Liên hiệp hội đã đề ra.
b) Những khó khăn bất cập, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân
Do có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, hoạt động của Liên hiệp hội Hà Giang nói riêng và các Hội thành viên thuộc Liên hiệp hội nói chung trong những năm qua còn nhiều tồn tại, hạn chế, đó là: Công tác phát triển Hội thành viên còn chậm và rất khó khăn; hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp hội chưa đạt được kết quả mong muốn; hoạt động nghiên cứu khoa học và triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ còn nhiều hạn chế; công tác kết gắn, phối kết hợp các hoạt động chuyên môn của Liên hiệp hội với các sở, ban ngành của tỉnh và các Hội thành viên trong hệ thống Liên hiệp hội còn nhiều hạn chế; hoạt động kiểm tra của UBKT Liên hiệp hội và công tác tự kiểm tra của các hội thành viên chưa được thường xuyên, liên tục; đa phần Ban thường vụ, thường trực Liên hiệp hội hoạt động kiêm nhiệm, do thường xuyên bận công tác cơ quan, nên sự tham gia đóng góp vào chương trình, kế hoạch, hoạt động của Liên hiệp hội không được nhiều.
Nguyên nhân của sự tồn tại:
Về cơ chế chính sách: Hệ thống tổ chức Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật là tổ chức chính trị - xã hội đã được khẳng định trong Chỉ thị 42-CT/TW của Bộ chính trị. Xong, hiện nay Nhà nước vẫnchưa có văn bản mang tính pháp lý để cụ thể hóa Chỉ thị 42-CT/TW của Bộ chính trị. Do vậy, quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ của hệ thống Liên hiệp hội còn gặp khó khăn. Mặt khác, Nghị định số 45/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội và Quyết định số 68/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định hội có tính chất đặc thù còn nhiều vấn đề bất cập làm cho hoạt động của Liên hiệp hội khó khăn hơn.
Về điều kiện bảo đảm: Kinh phí hoạt động hàng năm được ngân sách nhà nước cấp theo định mức hội đặc thù không đủ cho việc chi thường xuyên; cơ sở vật chất, điều kiện làm việc ban đầu của hội còn thiếu thốn; phương tiện đi lại (xe ô tô công vụ) phục vụ cho công tác chuyên môn của Liên hiệp hội chưa được trang bị; cán bộ Văn phòng Liên hiệp hội không được hưởng chế độ phụ cấp công vụ; trình độ, năng lực của cán bộ Văn phòng Liên hiệp hội chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đã hạn chế đến chất lượng công việc và hoạt động của hội.
II. Đánh giá kết quả triển khai kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển Liên hiệp hội ViệtNam giai đoạn 2011-2015
Liên hiệp hội Hà Giang đã phổ biến, triển khai tới các Hội thành viên, tổ chức thực hiện có kết quả Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển của Liên hiệp hội Việt Nam giai đoạn 2011-2015.
Đã từng bước hoàn thiện môi trường pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho Liên hiệp hội hoạt động thông qua việc tham mưu cho Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 107/KH-TU ngày 12/7/2010 để cụ thể hóa việc thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW của Bộ chính trị; trình UBND tỉnh ban hành Công văn số 3348/CV-UBND ngày 07/11/2012 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW; trình UBND tỉnh ban hành Quyết định số 11/QĐ-UBND ngày 02/01/2013 “Quy định về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp hội Hà Giang”; Quyết định số 19/2014/QĐ-UBND ngày 01/10/2014 "Về quy chế phối hợp giữa Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh với các Hội thành viên, các sở, ban, ngành, đoàn thể và UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh".
Làm tốt công tác củng cố, phát triển tổ chức của Liên hiệp hội. Trong giai đoạn 2006-2011, từ một tổ chức chưa có biên chế, phương thức hoạt động kiêm nhiệm. Năm 2012, được sự hướng dẫn của Liên hiệp hội Việt Nam về chuyên môn nghiệp vụ, sự lãnh đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh, cơ quan thường trực Liên hiệp hội Hà Giang đã được thành lập, được UBND tỉnh giao 07 biên chế và đi vào hoạt động ổn định, nề nếp và hiệu quả.
Đi đôi với việc kiện toàn tổ chức bộ máy, Liên hiệp hội tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành một số văn bản pháp quy thuộc lĩnh vực hội. Với vai trò đoàn kết, tập hợp đội ngũ trí thức trong tỉnh, trong những năm qua Liên hiệp hội Hà Giang cùng với các tổ chức thuộc khối Hội đặc thù của tỉnh đã đề xuất, kiến nghị với Tỉnh ủy, UBND tỉnh xem xét, giải quyết những khó khăn vướng mắc về kinh phí hoạt động, cũng như chế độ phụ cấp công vụ cho cán bộ, công chức được điều động, luân chuyển từ các cơ quan Đảng, chính quyền sang giữ chức vụ chủ chốt tại các tổ chức hội đặc thù của tỉnh. Hàng năm Liên hiệp hội Hà Giang đã chủ động hướng dẫn các tổ chức hội thành viên đăng ký nhiệm vụ khoa học và công nghệ với tỉnh; một số đề tài khoa học của các hội thành viên đã được Hội đồng khoa học tỉnh thẩm định và UBND tỉnh cấp kinh phí cho triển khai thực hiện.
Liên hiệp hội cũng đã chủ động tổ chức thực hiện hoàn thành tốt các nhiệm vụ chuyên môn khác do Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và Liên hiệp hội Việt Nam giao cho. Tích cực, chủ động tiếp cận, làm tốt công tác vận động chính sách, đề xuất các dự án với các tổ chức phi chính phủ trong nước; tích cực tham gia đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong những năm qua.
III. Bài học kinh nghiệm
Thường xuyên, tranh thủ sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự quan tâm, giúp đỡ của Liên hiệp hội Việt Nam; sự phối kết hợp, tạo điều kiện của các sở, ban ngành của tỉnh để Liên hiệp hội tổ chức triển khai thực hiện hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn.
Củng cố hoàn thiện bộ máy, tổ chức của Liên hiệp hội, làm tốt công tác tổ chức cán bộ, đặc biệt là người đứng đầu; phát huy vai trò tham mưu của mỗi Ủy viên Ban chấp hành Liên hiệp hội và của cán bộ, nhân viên Văn phòng Liên hiệp hội theo chức năng nhiệm vụ được phân công.
Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Liên hiệp hội; tăng cường năng lực lãnh đạo của Thường trực; nâng cao chất lượng hoạt động của Ban chấp hành, Ban thường vụ Liên hiệp hội; xây dựng, thực hiện tốt Nghị quyết của Ban chấp hành, Ban thường vụ Liên hiệp hội; quan tâm công tác phát triển các hội thành viên, thường xuyên trao đổi, nắm bắt thông tin, kiến nghị, đề xuất với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh xem xét, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc phát sinh về chế độ, chính sách, kinh phí, đáp ứng các điều kiện hoạt động hội.
IV. Đề xuất, kiến nghị
Để hệ thống Liên hiệp hội từ Trung ương tới địa phương hoạt động hiệu quả, đảm bảo đến năm 2020 trở thành tổ chức chính trị - xã hội vững mạnh theo tinh thần Chỉ thị số 42-CT/TW của Bộ chính trị, Liên hiệp hội Hà Giang đề xuất, kiến nghị với các Bộ, ngành Trung ương, với tỉnh như sau:
1. Đề nghị Chính phủ, Bộ Nội vụ sớm sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Nghị định số 45/2010/NĐ-CP của Chính phủ về Quản lý hoạt động hội và Quyết định số 68/2010/QĐ-TTg của Thủ tường Chính phủ về các hội đặc thù theo hướng sắp sếp và có cơ chế, chính sách đối với các hội trí thức nhằm nâng cao và phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm của các hội trí thức, xác định rõ vai trò, vị trí Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội theo đúng tinh thần của Chỉ thị số 42-CT/TW của Bộ Chính trị.
2. Các cấp ủy đảng từ Trung ương, tỉnh đến địa phương cần tiếp tục quán triệt Kết luận của Ban Bí thư về việc tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW về việc xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2020.
3. Ban cán sự đảng Chính phủ, Bộ Nội vụ, Đảng đoàn Liên hiệp hội Việt Nam cần sớm triển khai việc thể chế hóa các nhiệm vụ và giải pháp để thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Bí thư; xây dựng và tổ chức thực hiện kết quả Chiến lược phát triển đội ngũ trí thức Việt Nam đến năm 2020.
Liên hiệp hội Hà Giang rất mong muốn tiếp tục nhận được giúp đỡ của các cấp, các ngành để hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và Liên hiệp hội Việt Nam giao cho.
Cao Hồng Kỳ, Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp hội Hà Giang.