Kết quả thực hiện nhiệm vụ sau gần hai năm hoạt động, những khó khăn bất cập và một số giải pháp, kiến nghị

 Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (Liên hiệp hội) Hà Giang là tổ chức chính trị - xã hội của trí thức khoa học và công nghệ tỉnh Hà Giang. Liên hiệp hội Hà Giang mới tổ chức Đại hội lần thứ nhất (nhiệm kỳ 2011-2016) và chính thức bắt đầu đi vào hoạt động kể từ ngày 01/4/2012. Về cơ cấu tổ chức của Liên hiệp hội Hà Giang gồm có 09 tổ chức hội thành viên (Hội Luật gia, Hội Đông y, Hội Làm vườn, Hội Văn học Nghệ thuật, Hội Chữ thập đỏ, Hội Châm cứu, Hội Doanh nghiệp, Hội Chè và Hội Nhà báo), với tổng số trên 6.000 hội viên; Ban chấp hành Liên hiệp hội gồm có 25 đồng chí đại diện cho các sở, ban ngành của tỉnh và một số hội thành viên của Liên hiệp hội; Ban thường vụ Liên hiệp hội gồm 05 đồng chí, trong đó đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Chủ tịch Liên hiệp hội và 02 đồng chí là lãnh đạo các sở, ban ngành của tỉnh kiêm Phó Chủ tịch Liên hiệp hội.

Giúp việc cho Thường trực Liên hiệp hội có Văn phòng Liên hiệp hội, được UBND tỉnh giao 07 biên chế và 01 hợp đồng theo Nghị định 68. Đến nay, cơ quan Liên hiệp hội đã đi vào hoạt động ổn định với 07 cán bộ, viên chức.

Trong những năm qua, hoạt động của Liên hiệp hội ngày càng thể hiện rõ vai trò, chức năng tập hợp, đoàn kết, phát huy sức mạnh của đội ngũ trí thức trong tỉnh, tạo điều kiện cho đội ngũ trí thức phát huy tiềm năng sáng tạo, tích cực tham gia thực hiện đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Các hội thành viên cùng với Liên hiệp hội luôn là nhân tố tích cực tham gia thực hiện xã hội hóa các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, phát triển y tế, văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, phát triển cộng đồng, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn tỉnh. Kết quả hoạt động năm 2013 của cơ quan Liên hiệp hội trên các lĩnh vực cụ thể như sau:

a) Công tác xây dựng và phát triển tổ chức

Thực hiện Nghị quyết hội nghị BCH Liên hiệp hội lần thứ 3, thứ 4 (nhiệm kỳ 2011-2016), cơ quan thường trực Liên hiệp hội đã hoàn chỉnh các thủ tục trình BCH Liên hiệp hội miễn nhiệm 04 đồng chí Ủy viên BCH do được nghỉ chế độ và chuyển công tác khác; hoàn thành thủ tục bầu bổ sung 04 đồng chí là lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh tham gia BCH Liên hiệp hội (nhiệm kỳ 2011-2016); hoàn chỉnh thủ tục kết nạp Hội Nhà báo tham gia Liên hiệp hội.

Thường trực Liên hiệp hội đã có văn bản hướng dẫn và làm việc trực tiếp với lãnh đạo các sở để đôn đốc, hướng dẫn thủ tục thành lập các hội chuyên ngành như Hội Thủy lợi (thuộc Sở NN&PTNT), Hội Xây dựng (thuộc Sở Xây dựng), Hội Y học (thuộc Sở Y tế) và Hội Cầu đường (thuộc Sở GTVT), với mục đích là tập hợp phát huy, tạo điều kiện cho đội ngũ trí thức trong tỉnh tham gia thực hiện xã hội hóa các nhiệm vụ phát triển KT-XH, xóa đói giảm nghèo của tỉnh; giúp các tổ chức hội thành viên thực hiện tốt công tác TVPB đối với các chương trình, đề tài, dự án thuộc lĩnh vực của ngành. Đến nay, Sở Xây dựng và Sở GTVT đã kiện toàn được Ban vận động thành lập hội. Xong, do điều kiện khó khăn về nguồn nhân sự, số lượng hội viên tự nguyện tham gia chưa đủ để thành lập tổ chức hội chuyên ngành. Mặt khác, đa số cán bộ có chuyên môn về khoa học kỹ thuật đều về các tỉnh miền xuôi nghỉ chế độ. Do vậy, việc thành lập các hội là rất khó khăn. Riêng có Sở Y tế đã hoàn tất thủ tục, hồ sơ trình UBND tỉnh để thành lập Hội Y học, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được văn bản chỉ đạo của tỉnh.

Liên hiệp hội cũng đã phối hợp với các sở, hội thành viên xây dựng “Quy chế phối hợp giữa Liên hiệp hội với các hội thành viên, các sở, ban ngành và UBND các huyện, thành phố thuộc tỉnh” trình hội nghị BCH Liên hiệp hội thông qua và gửi Sở Tư pháp thẩm định. Xong, vì hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn của bộ, ngành Trung ương; mặt khác việc ban hành Quy chế phối hợp chưa thực sự cần thiết, nên đến nay Quy chế chưa được ban hành.  

b) Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội

Thực hiện Quyết định số 11/QĐ-UBND ngày 02/01/2013 của UBND tỉnh V/v ban hành "Quy định hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp hội Hà Giang". Do nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội (TVPB&GĐXH) còn hết sức mới mẻ và là một vấn đề khó khăn, phức tạp đối với cơ quan Liên hiệp hội. Do vậy, năm 2013 hoạt động TVPB của Liên hiệp hội mới chỉ thực hiện ở góc độ tham gia, đóng góp ý kiến cho các chương trình, đề án, báo cáo được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh giao; hoặc được các sở, ban ngành của tỉnh mời tham gia, phối hợp thực hiện. Liên hiệp hội cũng đã phối hợp với các sở, ban ngành của tỉnh tổng hợp được danh sách cán bộ có chuyên môn sâu theo từng lĩnh vực làm cơ sở xây dựng ngân hàng dữ liệu chuyên gia, giúp cho việc thực hiện nhiệm vụ TVPB&GĐXH của Liên hiệp hội trong những năm tới được chủ động hơn.

c) Hoạt động thông tin và phổ biến kiến thức (PBKT)

Liên hiệp hội đã đẩy mạnh hoạt động thông tin và PBKT trong hệ thống Liên hiệp hội thông qua việc hoàn thành đưa trang thông tin điện tử (website) của Liên hiệp hội đi vào hoạt động với tên miền http://lienhiephoihagiang.org.vn nhằm đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với đội ngũ trí thức trong tỉnh; phổ biến và giới thiệu những thành tựu KHCN đã được ứng dụng, triển khai trên địa bàn đem lại hiệu quả. Năm 2013, Liên hiệp hội đã tích cực phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng như Báo Hà Giang, Đài PT&TH Hà Giang xây dựng một số chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền kết quả hoạt động và phát động các Cuộc thi, Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật trên phương tiện thông tin đại chúng đến với đông đảo các đối tượng tham gia trong tỉnh.

d) Hoạt động tôn vinh trí thức và giải thưởng, hội thi

Nhân dịp đầu xuân Quý Tỵ 2013, Liên hiệp hội đã tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh tổ chức thành công hội nghị gặp mặt giữa Lãnh đạo tỉnh với đại diện đội ngũ trí thức KHCN của tỉnh. Hội nghị đã thu được kết quả tốt, ngoài việc động viên, khích lệ thế hệ trẻ tham gia nghiên cứu khoa học, mà còn nhận được nhiều ý kiến chân thành, cởi mở của đại diện các nhà khoa học trong tỉnh về tâm tư, nguyện vọng, đề xuất những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện hiện các đề tài, dự án KHCN trên địa bàn tỉnh.

Liên hiệp hội đã chủ trì phối hợp với Sở KH&CN, Sở GD&ĐT, Tỉnh Đoàn Hà Giang và Đài PT&TH tỉnh tổ chức thành công Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng (TTN, NĐ) toàn tỉnh lần thứ 7. Kết quả, có 18 mô hình, sản phẩm có chất lượng được trao giải cấp tỉnh, gồm: 02 giải nhì, 04 giải ba, 12 giải khuyến khích, trong đó có 01 đề tài đoạt giải Khuyến khích Cuộc thi Sáng tạo TTN, NĐ toàn quốc lần thứ 9 (năm 2012-2013).

Liên hiệp hội đã chủ trì phối hợp với Sở KH&CN, Sở GD&ĐT, Sở TT&TT, Liên đoàn Lao động tỉnh, Tỉnh Đoàn Hà Giang, Hội Nông dân tỉnh và Đài PT&TH tỉnh phát động tổ chức Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật toàn tỉnh lần thứ nhất. Kết quả Ban tổ chức đã nhận được 06 đề tài, giải pháp KHCN của các đơn vị, doanh nghiệp và nhóm tác giả nghiên cứu khoa học tham gia dự thi. Hội đồng giám khảo đã lựa chọn được 03 đề tài có tính khoa học, đã được áp dụng vào thực tiễn để trao giải thưởng cấp gồm: 01 giải ba và 02 giải khuyến khích, trong đó có 01 đề tài đoạt Giải ba Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 12 (năm 2012-2013). 

Liên hiệp hội cũng đã chủ trì phối hợp với Hội Doanh nghiệp tỉnh hướng dẫn, triển khai tới 08 doanh nghiệp trong tỉnh tham gia Giải thưởng "Nữ doanh nhân trí thức thành đạt năm 2013" do Liên hiệp hội Việt Nam tổ chức, nhằm tôn vinh các Nữ doanh nhân đã áp dụng KHCN vào sản xuất, kinh doanh đem lại hiệu quả, góp phần nâng cao uy tín, chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong quá trình hội nhập quốc tế, đồng thời ghi nhận sự đóng góp tích cực của doanh nghiệp đối với sự phát triển của sản phẩm thương hiệu Việt. Kết quả, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty Xăng dầu Hà Giang là một trong 90 Nữ doanh nhân tiêu biểu trong cả nước được tôn vinh nhận Giải thưởng “Nữ doanh nhân trí thức thành đạt năm 2013".

đ) Hoạt động khoa học và công nghệ

Năm 2013, cơ quan thường trực Liên hiệp hội đã tích cực hướng dẫn các Hội thành viên đề xuất các đề tài nghiên cứu khoa học gửi Hội đồng Khoa học tỉnh xem xét đưa vào kế hoạch của tỉnh. Kết quả có 02 đề tài thuộc Hội Làm vườn và Hội Đông y được Hội đồng khoa học tỉnh lựa chọn đưa vào kế hoạch triển khai trong năm 2014. Liên hiệp hội cũng đã tích cực hướng dẫn các hội thành viên chủ động tiếp cận, đề xuất các dự án xin tài trợ của các tổ chức phi chính phủ Quốc tế tại Việt Nam. Kết quả có 01 dự án được tổ chức PARAFF (Quỹ hỗ trợ sự tham gia của người dân và trách nhiệm giải trình của chính phủ Đan Mạch) lựa chọn trao tài trợ cho Văn phòng Liên hiệp hội Hà Giang thực hiện giai đoạn 2013-2014.

e) Các hoạt động về hội nhập trong nước và quốc tế

Năm 2013, cơ quan thường trực Liên hiệp hội đã tích cực tham gia các hoạt động hội nhập trong nước và quốc tế; tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của các sở, ban ngành trong tỉnh, của Liên hiệp hội Việt Nam, Liên hiệp hội các tỉnh bạn và các tổ chức hội thành viên nhằm tăng cường mối quan hệ, trao đổi, học tập kinh nghiệm, nâng cao năng lực tổ chức, thực thi nhiệm vụ công tác hội.

Cán bộ, công chức, viên chức trong Liên hiệp hội Hà Giang tích cực tham gia các hoạt động từ thiện do tỉnh và Liên hiệp hội Việt Nam phát động, tích cực thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo của tỉnh. Năm 2013, cán bộ, công chức, viên chức thuộc khối các Hội đặc thù của tỉnh đã ủng hộ và trao tặng 02 con bò cho các hộ nghèo theo kế hoạch số 104-KH/TU của Tỉnh ủy về phát triển dự án "ngân hàng bò".

Trong quá trình hoạt động, Liên hiệp hội gặp không ít khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, tổ chức bộ máy cần được giải quyết, đó là:

Một là: Cơ chế chính sách của Nhà nước ban hành đối với hội đặc thù có nhiều điểm bất cập đã tạo ra khó khăn, ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của Liên hiệp hội nói riêng và các hội đặc thù của tỉnh nói chung

Những khó khăn chung hiện nay của các hội đặc thù trong tỉnh, đó là: 

- Trụ sở làm việc của một số hội được bố trí chật hẹp, xuống cấp.

- Trang thiết bị, phương tiện làm việc ban đầu của hội rất thiếu thốn.

- Phương tiện đi lại phục vụ cho công việc chuyên môn thì không có.

- Chỉ tiêu biên chế của các hội đặc thù được tỉnh giao rất ít: có hội vài ba biên chế, có hội 05, có hội 07 và hội nhiều nhất là 12-13 biên chế.

Và đặc biệt là từ khi Chính phủ ban hành Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội và từ khi Thủ tường Chính phủ có Quyết định số 68/2010/QĐ-TTg ngày 01/11/2010 về quy định hội có tính chất đặc thù thì tất cả các tổ chức hội thuộc 05 loại hình: tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; tổ chức kinh tế; tổ chức xã hội đều được xếp vào hội có tính chất đặc thù (gọi chung là hội đặc thù); và tất cả các Hội trong khối hội đặc thù được ngân sách Nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động theo quy định của Quyết định số 71/2011/QĐ-TTg ngày 20/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ. Khó khăn lớn nhất hiện nay của Liên hiệp hội cũng như các Hội đặc thù của tỉnh là được giao chỉ tiêu biên chế rất hạn hẹp; trong khi đó định mức kinh phí ngân sách tỉnh hàng năm giao cho các Hội đặc thù lại ở mức quá thấp (chỉ có 66 triệu đồng/biên chế/năm, trừ khoản tiết kiệm 10%, chỉ còn 60 triệu/biên chế/năm). Với số kinh phí trên thì không đủ để thực hiện việc chi trả lương và trang trải cho việc chi thường xuyên của cơ quan, đơn vị. Những khó khăn, bất cập đó đã hạn chế đến chất lượng hoạt động của tổ chức và có tác động không nhỏ đến đời sống, tư tưởng của cán bộ, CCVC đang làm việc tại các tổ chức hội.

Hai là: Về chế độ, chính sách đối với người công tác tại các hội đặc thù

Hiện nay, tỉnh ta mới chỉ giải quyết chế độ phụ cấp công vụ cho số cán bộ công chức được điều động, luân chuyển từ cơ quan Đảng, Nhà nước đến giữ các chức vụ chủ chốt (Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký) tại cơ quan Liên hiệp hội và các hội đặc thù trong tỉnh; và chưa giải quyết chế độ phụ cấp công vụ cho bất cứ đối tượng nào khác đang làm việc tại cơ quan các hội đặc thù của tỉnh. Đối với các tỉnh, thành khác trong cả nước thì trường hợp này cũng đang được cân nhắc và vận dụng tuỳ từng tỉnh. Vấn đề bất hợp lý về chế độ, chính sách phụ cấp công vụ của Nhà nước nói trên đã ảnh hưởng đến động lực làm việc, sự cống hiến của cán bộ, công chức làm việc trong các hội đặc thù hiện nay.

Ba là: Chế độ hoạt động kiêm nhiệm trong tổ chức, bộ máy của Liên hiệp hội đã làm giảm tính chủ động, sáng tạo, hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý, điều hành của cơ quan Liên hiệp hội

Hiện tại, tổ chức, bộ máy của cơ quan Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật các tỉnh, thành phố trong cả nước còn rất ít tỉnh có chức danh Chủ tịch Liên hiệp hội kiêm nhiệm. Hiện tại, tất cả các hội đặc thù của tỉnh đều không còn chức danh Chủ tịch Hội kiêm nhiệm. Xong, hiện nay Liên hiệp hội Hà Giang, Ban thường vụ Liên hiệp hội có 05 đồng chí thì có 03 đồng chí kiêm nhiệm; Thường trực Liên hiệp hội có 02 đồng chí thì đồng chí Chủ tịch Liên hiệp hội giữ chức vụ kiêm nhiệm. Tính chất kiệm nhiệm trong bộ máy lãnh đạo, thường trực Liên hiệp hội đó đã làm cho bộ máy của Liên hiệp hội hoạt động trì trệ, làm giảm tính chủ động, sáng tạo, hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý, điều hành của cơ quan thường trực Liên hiệp hội.

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc bất cập về cơ chế, chính sách của nhà nước đối với Liên hiệp hội nói riêng và các tổ chức hội đặc thù trong tỉnh nói chung, Liên hiệp hội đề xuất một số giải pháp, kiến nghị trọng yếu như sau:

Thứ nhất: Đề nghị Bộ Nội vụ xem xét, sớm trình Chính phủ chỉnh sửa Nghị định số 45/2010/NĐ-CP và Quyết định số 68/2010 của Thủ tướng Chính phủ theo hướng quy định cụ thể trong các tổ chức hội đặc thù thì hội nào được hưởng chế độ phụ cấp công vụ theo quy định tại Nghị định số 34/2012/NĐ-CP ngày 15/4/2012 của Chính phủ về chế độ phụ cấp công vụ, để giảm bớt những khó khăn, thiệt thòi cho cán bộ, CCVC làm việc tại các tổ chức hội và tạo ra được chính sách thu hút được lực lượng trí thức trẻ, giỏi về chuyên môn, khoa học kỹ thuật về làm việc tại các cơ quan hội. 

Thứ hai: Khó khăn lớn nhất hiện nay là kinh phí của tỉnh cấp cho các tổ chức hội đặc thù với định mức quá thấp. Đề nghị Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và Sở Tài chính xem xét điều chỉnh định mức cấp kinh phí chi thường xuyên cho các tổ chức hội mức ngang bằng với định mức kinh phí giao cho các đơn vị sự nghiệp của tỉnh, để tạo điều kiện giúp cho hoạt động của Liên hiệp hội và các tổ chức hội đặc thù đỡ khó khăn.

Thứ ba: Để phát huy tính chủ động, sáng tạo, để hoạt động của Liên hiệp hội được hiệu lực, hiệu quả hơn, đề nghị UBND tỉnh và Sở Nội vụ giao toàn bộ trọng trách quyền quản lý, điều hành cơ quan Liên hiệp hội cho Thường trực (Lãnh đạo chuyên trách Liên hiệp hội), không nên thực hiện chế độ thường trực Liên Liên hiệp hội kiêm nhiệm như hiện nay.

Liên hiệp hội Hà Giang cũng như các hội đặc thù của tỉnh hy vọng Nhà nước sớm xem xétgiải quyết các kiến nghị của Liên hiệp hội tạo điều kiện giúp cho đời sống cán bộ hội cũng như hoạt động của các hội đặc thù được tốt hơn.

Hà Giang, ngày 21 tháng 02 năm 2014

Cao Hồng Kỳ - PCT thường trực Liên hiệp hội Hà Giang

Submit Thread to Facebook Submit Thread to Twitter Submit Thread to Google
icon Các tin tức khác
icon Sáng tạo khoa học - công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam
icon Hội thảo tham vấn đề xuất dự án
icon Thảo luận mô hình tổ chức Liên hiệp hội các tỉnh, thành phố và kiến nghị giải pháp thực hiện trong tình hình mới
icon Giao ban Liên hiệp hội các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương năm 2024
icon Tình cảm và những lời căn dặn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với trí thức Liên hiệp Hội Việt Nam
icon Hội nghị BCH Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật lần thứ 6
icon Liên hiệp hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Hà Giang tập huấn chăm sóc cây Lê tại huyện Đồng Văn
icon Bàn giao hệ thống cấp nước sạch và nước uống trực tiếp do Hội Spejdernes Genbrug, Đan Mạch tài trợ
icon Hội thảo đánh giá công tác quản lý, sử dụng mô hình NTSH và hệ thống CNS, NUHĐ sau bàn giao và đề xuất giải pháp nhân rộng
icon Hội nghị tập huấn kiến thức nuôi Hươu phát triển kinh tế tại Vị Xuyên
Liên hiệp Hội Việt Nam
Quỹ hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam
bộ khoa học và công nghệ
Sở Khoa học và Công nghệ
Thiết kế website