Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (KH&KT) tỉnh Hà Giang được thành lập theo Quyết định số 1112/QĐ-UBND ngày 09/5/2006 của UBND tỉnh Hà Giang. Ngày 16/12/2011, Liên hiệp các Hội KH&KT Hà Giang tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ I, nhiệm kỳ 2011-2016. Trải qua 5 năm xây dựng và trưởng thành, Liên hiệp các Hội KH&KT Hà Giang đã đạt những kết quả đáng khích lệ về tất cả các mặt, đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh, từng bước khẳng định được vai trò là cơ quan đầu mối tập hợp, phát huy sức mạnh trí tuệ của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ (KHCN) tham gia triển khai các nhiệm vụ phát triển KT-XH, góp phần thúc đẩy sự nghiệp phát triển KHCN của tỉnh nhà.
Thực hiện Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 11/11/1998 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh hoạt động của Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam, ngày 09/5/2006 UBND tỉnh Hà Giang quyết định thành lập tổ chức Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Hà Giang. Sự ra đời của Liên hiệp các Hội KH&KT Hà Giang đã đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của đội ngũ trí thức KHCN mong muốn có một tổ chức để tập hợp, đoàn kết đội ngũ trí thức trong tỉnh tham gia vào sự nghiệp phát triển KT-XH của tỉnh nhà. Trải qua 5 năm hoạt động, được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh; sự giúp đỡ của Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam; sự phối hợp tạo diều kiện của các Sở, ban ngành của tỉnh liên quan, Liên hiệp các Hội KH&KT Hà Giang đã thực hiện hoàn thành xuất sắc chức năng, nhiệm vụ của tổ chức, từng bước khẳng định vị trí, vai trò của tổ chức chính trị - xã hội, đóng góp công sức, trí tuệ cho sự nghiệp phát triển KT-XH của tỉnh nhà, kết quả thể hiện trên một số lĩnh vực cụ thể như sau:
Công tác xây dựng và phát triển tổ chức
Trong thời gian đầu mới được thành lập, Ban chấp hành Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh có 25 thành viên, gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các Ủy viên Ban chấp hành Liên hiệp hội. Xong, do bộ máy tổ chức của Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh hoàn toàn kiêm nhiệm, hoạt động của Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh không hiệu quả. Đến tháng 12 năm 2011, Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Hà Giang tiến hành tổ chức Đại hội lần thứ I, nhiệm kỳ 2011-2016, cơ quan thường trực Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh chính thức được thành lập, ra mắt và đi vào hoạt động, được UBND tỉnh giao 07 biên chế, trong đó có 01 Phó Chủ tịch thường trực, 01 Chánh Văn phòng và 05 viên chức. Quá trình hoạt động, Ban thường vụ, Thường trực Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh nhận thức được công tác xây dựng và phát triển tổ chức là nhiệm vụ hết sức quan trọng của cơ quan Liên hiệp hội, thể hiện vai trò là hạt nhân trung tâm tập hợp đội ngũ trí thức KHCN của tỉnh. Năm 2015, thường trực Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh đã xây dựng xong Đề án kiện toàn tổ chức bộ máy Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Hà Giang giai đoạn 2015-2020 theo hướng chuyên trách, chuyên nghiệp; cơ quan thường trực Liên hiệp các Hội KH&KT Hà Giang đã được UBND tỉnh giao 07 biên chế và 01 lao động hợp đồng theo Nghị định 68/NĐ-CP của Chính phủ; Lãnh đạo, thường trực Liên hiệp hội cũng được kiện toàn theo hướng chuyên trách, chuyên nghiệp gồm: 01 Chủ tịch, 01 Tổng thư ký chuyên trách, đã hoàn thành thủ tục bầu chức danh Phó Chủ tịch chuyên trách Liên hiệp hội. Công tác phát triển hội thành viên và hội viên cũng được đặc biệt quan tâm, sau 5 năm hoạt động, số lượng hội thành viên và hội viên không ngừng được tập hợp lớn mạnh; năm 2011, Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Hà Giang có 8 hội thành viên với hơn 6.000 hội viên, đến nay đã kết nạp thêm được 03 hội thành viên mới: Hội Nhà Báo, Chi hội Di sản Văn hóa tỉnh Hà Giang và Trung tâm Ứng dụng Khoa học Xã hội và Phát triển bền vững tỉnh Hà Giang trở thành hội thành viên liên kết của Liên hiệp hội, nâng tổng số Hội thành viên lên 11 hội, với hơn 10.000 hội viên hoạt động trên tất cả các lĩnh vực KH&CN, y dược, giáo dục và đào tạo, văn hóa xã hội trên địa bàn toàn tỉnh.
Hoạt động tư vấn phản biện và giám định xã hội
Ngay từ khi mới được thành lập, Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Hà Giang đã xác định: Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội là nhiệm vụ trọng tâm của Liên hiệp hội. Căn cứ Quyết định số 22/QĐ-TTg ngày 30/01/2002 của Thủ tướng Chính phủ Quy định về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam, trên cơ sở vận dụng vào điều kiện thực tế của tỉnh, Liên hiệp hội Hà Giang đã tham mưu trình UBND tỉnh Hà Giang ban hành Quyết định số 11/QĐ-UBND ngày 02/01/2013 “Quy định về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Hà Giang” để làm cơ sở tổ chức thực hiện.
Trong thời gian từ năm 2013-2016, hoạt động tư vấn, phản biện của Liên hiệp hội Hà Giang đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận như: Tổ chức nhiều cuộc hội nghị, hội thảo để lấy ý kiến đóng góp của các Hội thành viên đối với các Văn bản dự thảo, Báo cáo chính trị, Dự án Luật của Trung ương và của Tỉnh; đặc biệt là dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; dự thảo Luật Khoa học và Công nghệ sửa đổi năm 2013; Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 27-NQ/TW của BCH Trung ương khóa X “Về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; Báo cáo sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XV nhiệm kỳ 2010-2015; góp ý cho Dự thảo Báo cáo chính trị và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020. Từ năm 2014-2016, Liên hiệp các Hội KH&KT Hà Giang đã tham gia phản biện 05 đề tài, dự án của các Sở, ngành chuyên môn của tỉnh; Tổ chức phản biện độc lập thành công đối với 11 đề án, dự án trọng tâm, trọng điểm của tỉnh do Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh giao, nổi bật nhất là: Dự án “Quy hoạch tổng thể phát triển cây dược liệu tỉnh Hà Giang giai đoạn 2013-2020, định hướng đến năm 2025”; đề án “Thành lập Vườn Quốc gia gắn với Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn”; đề án “Thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên Chí sán, Mèo Vạc”; đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Hà Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”; dự án “Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”; dự án “Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Hà Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”; đề án “Tái cơ cấu kinh tế gắn với với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và phát triển bền vững tỉnh Hà Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”; dự án “Rà soát, điều chỉnh bổ sung Quy hoạch thủy lợi tỉnh Hà Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”; dự án “Điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Hà Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”; dự án “Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp tỉnh Hà Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”...
Hội nghị Tư vấn phản biện Dự án Quy hoạch phát triển
ngành công nghiệp tỉnh Hà Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
Hoạt động tư vấn, phản biện của Liên hiệp các Hội KH&KT Hà Giang đã đóng góp tích cực vào việc xây dựng chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và thực hiện có hiệu quả các dự án phát triển KT-XH quan trọng của đất nước nói chung và của tỉnh Hà Giang nói riêng, và đã trở thành một kênh thông tin quan trọng, đáng tin cậy giúp Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh xem xét trước khi ra quyết định phê duyệt các chương trình, dự án liên quan đến phát triển KT-XH triển khai trên địa bàn tỉnh.
Hoạt động thông tin tuyên truyền và phổ biến kiến thức KHKT
Liên hiệp các Hội KH&KT Hà Giang đã tích cực đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền và phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật và coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức. Việc hoàn thiện và đưa trang thông tin điện tử của Liên hiệp các Hội KH&KT Hà Giang với tên miền http://lienhiephoihagiang.org.vn đi vào hoạt động tạo được môi trường và điều kiện cung cấp các thông tin, kiến thức về KHKT, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với hội viên, đội ngũ trí thức trên địa bàn tỉnh; phổ biến các thành tựu KHKT phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân trong tỉnh. Ngoài ra, Liên hiệp các Hội KH&KT Hà Giang đã tích cực phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng như: Báo Hà Giang, Đài PT-TH Hà Giang, Thông tấn xã Việt Nam thường trú tại Hà Giang đã xây dựng được 09 chuyên trang, 12 chuyên mục, phóng sự và 14 tin, bài phản ánh kết quả hoạt động của Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh, phát động các cuộc thi, hội thi sáng tạo kỹ thuật, giải thưởng sáng tạo KHCN Việt Nam tới các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh.
Hoạt động triển khai nghiên cứu ứng dụng KHCN
Hoạt động khoa học công nghệ được xác định là thế mạnh của Liên hiệp các Hội KH&KT Hà Giang. Hàng năm, cơ quan thường trực Liên hiệp hội Hà Giang đã tích cực hướng dẫn các Hội thành viên tham gia đề xuất các đề tài, dự án, nhiệm vụ KHCN với Hội đồng Khoa học tỉnh, Liên hiệp hội Việt Nam và các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế tài trợ.
Trong nhiệm kỳ I (2011-2016) Liên hiệp các Hội KH&KT Hà Giang đã đề xuất và tổ chức triển khai thực hiện thành công được 05 đề tài, dự án; 02 nhiệm vụ KHCN cấp tỉnh và cấp bộ, ngành; các hội thành viên đề xuất, triển khai thực hiện thành công được 02 đề tài KHCN cấp tỉnh. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ I, cơ quan thường trực Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh đã đề xuất, triển khai thực hiện thành công được 04 đề tài, dự án được Liên hiệp hội Việt Nam và các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế tài trợ, điển hình như: Dự án “Phát huy quyền giám sát của đồng bào dân tộc thiểu số một số xã đặc biệt khó khăn thuộc huyện Quản Bạ thông qua vai trò của trưởng thôn bản, người có uy tín trong việc thực thi Luật Khiếu nại” do Paraff tài trợ; đề tài “Tham vấn địa phương về ảnh hưởng của hoạt động khai thác khoáng sản đến rừng và đa dạng sinh học tại xã Minh Sơn, huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang” do Trung tâm Con người và Thiên nhiên tài trợ; dự án “Điều tra, đánh giá thực trạng và khả năng ứng phó chủ động với tai biến và rủi ro môi trường và kiến nghị, giải pháp chính sách hỗ trợ nâng cao năng lực phòng chống thiên tai và rủi ro môi trường sạt lở đất, lũ ống, lũ quét cho đồng bào dân tộc miền Núi tỉnh Hà Giang” do Liên hiệp hội Việt Nam tài trợ; dự án “Tăng cường giám sát cộng đồng đối với việc thực thi chính sách bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản tại một số xã trên địa bàn tỉnh Hà Giang” do Oxfam tài trợ. Cơ quan thường trực Liên hiệp hội Hà Giang đã chủ trì tổ chức thành công 15 hội nghị, hội thảo khoa học tại tỉnh, do Liên hiệp hội Việt Nam và các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế tài trợ; tham gia, tham luận tại 04 hội thảo do Tỉnh ủy, UBND tỉnh tổ chức; tham gia, tham luận tại 03 hội nghị tham vấn do HĐND tỉnh tổ chức.
Việc thực hiện các đề tài, dự án KHCN của Liên hiệp các Hội KH&KT Hà Giang và các hội thành viên đã góp phần chuyển giao, ứng dụng đưa tiến bộ KHCN vào phục vụ sản xuất và đời sống, cũng như góp phần nâng cao vai trò của đội ngũ trí thức KHCN đóng góp vào sự nghiệp phát triển KT-XH của đất nước nói chung và của tỉnh Hà Giang nói riêng.
Hoạt động tôn vinh trí thức và tổ chức các cuộc thi, hội thi và giải thưởng sáng tạo KHCN trên địa bàn tỉnh
Trong những năm qua, hoạt động tôn vinh trí thức đã được quan tâm, Liên hiệp hội Hà Giang đã tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tổ chức thành công 03 sự kiện tôn vinh trí thức của tỉnh, đặc biệt là sự kiện “Lễ vinh danh Tiến sỹ và tôn vinh các nhà khoa học trong và ngoài tỉnh đã có những đóng góp lớn cho sự nghiệp phát triển của tỉnh giai đoạn 2006-2011” và “Lễ tôn vinh các nhà khoa học, cán bộ quản lý trong và ngoài tỉnh đã có những đóng góp lớn cho sự nghiệp phát triển của tỉnh giai đoạn 2010-2015” đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc đối với các nhà khoa học ở trong và ngoài tỉnh tiếp tục phát huy tiềm năng, trí tuệ đóng góp cho sự nghiệp phát triển của tỉnh trong những năm tiếp theo.
Hoạt động tổ chức các Cuộc thi, Hội thi sáng tạo và Giải thưởng sáng tạo KHCN trên địa bàn tỉnh đã được tích cực triển khai đạt được kết quả ban đầu. Giai đoạn 2011-2016, Liên hiệp hội Hà Giang đã phối hợp với các Sở, ban ngành của tỉnh tổ chức thành công 08 Cuộc thi, Hội thi, Giải thưởng sáng tạo KHCN trên địa bàn tỉnh; trong đó có 79 giải thưởng cấp tỉnh và 07 giải thưởng cấp toàn quốc đã được trao cho các tác giả (Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng đoạt 05 giải khuyến khích toàn quốc; Hội thi Sáng tạo kỹ thuật đoạt 01 giải Ba toàn quốc và Giải thưởng Nữ doanh nhân trí thức thành đạt đoạt 01 giải toàn quốc). Việc triển khai các Cuộc thi, Hội thi, Giải thưởng sáng tạo KHCN trên địa bàn toàn tỉnh đã tạo điều kiện, động viên và khích lệ các nhà khoa học, sáng chế trong tỉnh phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, ứng dụng đưa tiến bộ KHKT vào phục vụ sản xuất và đời sống, góp phần thúc đẩy KT-XH phát triển.
Tôn vinh các nhà khoa học, cán bộ quản lý đã có những đóng góp lớn
cho sự phát triển của tỉnh Hà Giang giai đoạn 2010-2015
Các hoạt động hội nhập, hợp tác trong nước và quốc tế
Liên hiệp hội Hà Giang tích cực tham gia các hoạt động hội nhập trong nước và quốc tế nhằm tranh thủ sự giúp đỡ, ủng hộ, tăng cường sự giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm và nâng cao năng lực công tác hội. Trong nhiệm kỳ I, Liên hiệp các Hội KH&KT Hà Giang đã cử cán bộ, chuyên viên cơ quan thường trực Liên hiệp hội tham gia 47 hội nghị, hội thảo, tập huấn trong nước; tham gia 05 hội nghị, hội thảo, tập huấn nâng cao năng lực ở nước ngoài do Liên hiệp hội Việt Nam và các tổ chức NGO trong nước và quốc tế tài trợ.
Hội thảo cấp tỉnh về thúc đẩy cộng đồng giám sát việc thực thi chính sách
bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản tại tỉnh Hà Giang
Trong nhiệm kỳ I (2011-2016), Liên hiệp hội Hà Giang đã được UBND tỉnh đánh giá là đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đã được Liên hiệp hội Việt Nam đánh giá là đơn vị dẫn đầu trong phong trào thi đua của toàn ngành. UBND tỉnh Hà Giang đã tặng 03 Bằng khen cho tập thể, 02 Bằng khen cho cá nhân; Liên hiệp hội Việt Nam đã tặng 01 Cờ thi đua, 01 Bằng khen cho tập thể cơ quan thường trực Liên hiệp hội và 12 Bằng khen cho các cá nhân ủy viên Ban chấp hành Liên hiệp hội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giai đoạn 2011-2016.
Bên cạnh những mặt tích cực đã đạt được, tổ chức và hoạt động của Liên hiệp hội Hà Giang còn tồn tại những mặt hạn chế nhất định như chưa tập hợp được đông đảo trí thức KHCN, trí thức trẻ, trí thức trong doanh nghiệp; tính chất chính trị - xã hội chưa rõ nét; chưa tạo ra sự liên kết chặt chẽ đối với các hội thành viên và các cơ quan nhà nước trong việc khai thác tiềm năng, sức sáng tạo của của đội ngũ trí thức KHCN trong tỉnh ...
Năm năm, một chặng đường phát triển tuy không dài, nhưng đủ để chúng ta nhìn lại quá trình hoạt động của tổ chức Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Hà Giang; đánh giá những ưu điểm cũng như những tồn tại, hạn chế để có biện pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức Liên hiệp các Hội KHKT tỉnh đại diện cho trí thức KH&CN của tỉnh nhà. Trong nhiệm kỳ II (2016-2021), cùng với sự phát triển của nền kinh tế trí thức, đội ngũ trí thức của tỉnh đã tăng nhanh về số lượng và nâng lên về chất lượng, góp phần cùng toàn dân đưa tỉnh ta sớm trở thành tỉnh phát triển, từng bước xoá đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống. Chúng ta tin tưởng rằng dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVI nhiệm kỳ 2015-2020, với tinh thần Đoàn kết, Trí tuệ, Đổi mới và Phát triển, Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Hà Giang sẽ tiếp tục có những bước phát triển mới, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển KT-XH, xây dựng quê hương Hà Giang ngày càng thêm giàu đẹp và văn minh; phấn đấu xây dựng Liên hiệp các Hội KH&KT Hà Giang trở thành tổ chức chính trị - xã hội vững mạnh, xứng đáng là ngôi nhà chung của đội ngũ trí thức KH&CN tỉnh Hà Giang.
Cao Hồng Kỳ, Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Hà Giang.