Ngày 12/6/2020, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Hà Giang đã tổ chức Hội thảo tư vấn, phản biện đối với dự thảo chính sách khuyến khích đầu tư dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Tham dự Hội thảo có các chuyên gia tư vấn phản biện (TVPB) thuộc Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE), Lãnh đạo đại diện các Sở, ban, ngành liên quan của tỉnh.
Toàn cảnh Hội thảo tư vấn phản biện dự thảo chính sách về xử lý rác thải
Tại Hội thảo, các đại biểu đã đánh giá cao về sự cần thiết của việc ban hành “Chính sách khuyến khích đầu tư dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Hà Giang”. Chính sách ban hành nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt, khuyến khích xã hội hóa việc tăng cường thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh, góp phần bảo vệ môi trường đô thị và nông thôn, cải thiện điều kiện môi trường sống, nâng cao sức khoẻ cho cộng đồng các dân tộc trong tỉnh và tiết kiệm các chi phí có liên quan đến việc quản lý, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Hà Giang.
Tuy nhiên, nội dung của dự thảo “Chính sách khuyến khích đầu tư dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt của tỉnh Hà Giang” do cơ quan chủ trì soạn thảo xây dựng còn nhiều hạn chê như: chính sách còn quá chung chung, thiếu tính cụ thể, chưa sát với điều kiện thực tiễn và đặc điểm của từng vùng, miền trong tỉnh; đặc biệt bản dự thảo chính sách còn thiếu các điều kiện về tiêu chuẩn quy mô dự án, công nghệ áp dụng, tiêu chuẩn xử lý chất thải, rác thải sinh hoạt cần phải đảm bảo đạt Quy chuẩn quốc gia hiện hành về môi trường; chưa quy định thời điểm, giai đoạn áp dụng chính sách; mức hỗ trợ đề ra còn quá thấp, khó có thể thu hút được các doanh nghiệp có thế mạnh về môi trường ở ngoài tỉnh để thực hiện các dự án đầu tư kinh doanh về lĩnh vực xử lý môi trường như: thu gom, phân loại xử lý, tái chế rác thải sinh hoạt tập trung với quy mô lớn, áp dụng công nghệ tiên tiến triển khai trên địa bàn tỉnh (mức hỗ trợ không quá 5 tỷ đồng/dự án đối với xây dựng các công trình kỹ thuật ngoài hàng rào dự án và không quá 05 tỷ đồng/dự án thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải tập trung). Ngoài ra, bản dự thảo chính sách cần phải bổ sung làm rõ các nội dung về nguồn kinh phí hỗ trợ, cách thức tổ chức thực hiện chính sách và cơ chế giám sát việc thực hiện chính sách.
Đại diện Chi cục Quản lý Môi trường, Sở TN&MT Hà Giang tiếp thu ý kiến tại Hội thảo
Cơ quan soạn thảo đại diện phía Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Hà Giang đã tiếp thu tất cả các ý kiến đóng góp của các chuyên gia để chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện, nâng cao chất lượng văn bản và tính khả thi của chính sách trước khi trình Kỳ họp HĐND tỉnh xem xét, ban hành vào đầu tháng 7/2020.
Cao Hồng Kỳ, Chủ tịch Liên hiệp Hội Hà Giang