Thực hiện Quyết định số 150/QĐ-UBND, ngày 29/01/2016 của UBND tỉnh Hà Giang về việc phê duyệt danh mục nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội năm 2016 cho Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (Liên hiệp hội) Hà Giang thực hiện. Ngày 10 tháng 6 năm 2016, Liên hiệp hội Hà Giang đã tổ chức Hội nghị tư vấn, phản biện độc lập đối với Dự án “Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thủy lợi tỉnh Hà Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”. Dự Hội nghị tư vấn phản biện có các nhà khoa học, chuyên gia tư vấn phản biện ở trung ương và ở tỉnh: PGS.TS. Hà Lương Thuần, Viện trưởng, Tổng thư ký Hội Thủy lợi Việt Nam; Ông Lê Đức Năm, Phó Chủ tịch Hội tưới tiêu Việt Nam và các nhà khoa học, quản lý trong tỉnh Hà Giang; Lãnh đạo đại diện các Sở, ban ngành của tỉnh: Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Công thương, Giao thông Vận tải, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Văn hóa TT& Du lịch, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Thông tin và Truyền thông, Ban Quản lý Công viên địa chất toàn cầu CNĐ Đồng Văn và đại diện Đơn vị tư vấn lập quy hoạch là Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp (thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT).
Toàn cảnh Hội nghị phản biện Dự án quy hoạch hệ thống thủy lợi
tỉnh Hà Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030
Theo nhận xét của Hội đồng phản biện: Báo cáo tổng hợp Dự án “Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thủy lợi tỉnh Hà Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” kèm theo bản đồ hiện trạng, quy hoạch các công trình thủy lợi của tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 thể hiện Đơn vị tư vấn đã thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ và nội dung được ghi tại Mục 3.2 và 5 của Đề cương phê duyệt nhiệm vụ và dự toán kinh phí Dự án (Quyết định số 1206/QĐ-UBND ngày 06/7/2015 của UBND tỉnh). Ngoài các phương pháp nghiên cứu được đề cập trong Báo cáo quy hoạch như: Kế thừa tài liệu; điều tra, khảo sát thực địa; thống kê, phân tích hệ thống, đánh giá dự báo tổng hợp; phương pháp chuyên gia, hội thảo. Đơn vị tư vấn thực hiện Dự án đã sử dụng các phần mềm hiện có để tính toán cân bằng nước như phần mềm WEAP “Water Evaluation And Planning” - Hệ thống đánh giá và quy hoạch tài nguyên nước và Chương trình CROPWAT của FAO để tính toán nhu cầu nước và nhu cầu tưới cho các loại cây trồng là hoàn toàn phù hợp. Báo cáo tổng hợp Dự án “Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thủy lợi tỉnh Hà Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” được trình bày khá chi tiết; nội dung thể hiện được tính kế thừa kết quả quy hoạch hệ thống các công trình thủy lợi của tỉnh giai đoạn trước đây (2005-2015) và đã phân tích, đánh giá khái lược hệ thống các công trình thủy lợi của tỉnh ở cả 3 vùng kinh tế, gắn với khả năng cung cấp nước và cân đối nhu cầu sử dụng nước trên địa bàn toàn tỉnh. Kết quả Dự án quy hoạch đã vẽ ra được bức tranh với nhiều màu sắc, đa dạng, phức tạp của hệ thống các công trình thủy lợi của tỉnh đến năm 2020 và phấn đấu cho đến năm 2030.
Các chuyên gia tư vấn phản biện cho ý kiến phản biện đối với Dự án quy hoạch
Tuy nhiên, các nhà khoa học, chuyên gia tư vấn phản biện đã chỉ ra rằng bản Báo tổng hợp Dự án “Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thủy lợi tỉnh Hà Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” đã được xây dựng khá chi tiết và công phu. Xong, Báo cáo tổng hợp Dự án Quy hoạch chưa tương xứng với một Báo cáo quy hoạch cấp tỉnh; các phân tích đánh giá, luận chứng cho Phương án quy hoạch thiếu lô-gic, khoa học. Nội dung báo cáo chưa sâu, chưa sát với điều kiện thực tiễn của tỉnh; Phương án quy hoạch thủy lợi chủ yếu vẫn đưa ra các giải pháp cấp nước tưới cho cây lúa, còn các loại cây trồng khác tuy đã được đề cập tới, nhưng không đúng tầm của nó. Phương án quy hoạch chưa được đặt trong bối cảnh thiên tai và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (BĐKH) đang diễn ra phức tạp mang tính chất toàn cầu; Quy hoạch cũng chưa được gắn kết được với các chương trình, đề án, dự án trọng tâm, trọng điểm; quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh. Các giải pháp tổ chức thực hiện quy hoạch đưa ra chung chung, chỉ tập trung chủ yếu vào giải pháp đầu tư công trình, mà chưa quan tâm đến các giải pháp khác cần phải được bổ sung như: giải pháp về mô hình cộng đồng tham gia vào quản lý hệ thống thủy lợi; giải pháp kỹ thuật tưới cho vùng cây ăn quả, cây dược liệu; giải pháp trồng rừng và bảo vệ rừng; giải pháp đầu tư các công trình thủy lợi kết hợp với giải quyết nước ăn cho nhân dân 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc thiếu nước sinh hoạt. Do đó, Dự án này chưa xứng tầm với một bản Quy hoạch thủy lợi cấp tỉnh, làm công cụ hữu ích giúp cho các ngành, các cấp từ tỉnh, huyện, đến cơ sở thực hiện công tác quản lý, đầu tư, khai thác, sử dụng hiệu quả hệ thống các công trình thủy lợi phục vụ cấp nước cho sản xuất, kết hợp với cấp nước sinh hoạt cho nhân dân, tăng cường công tác phòng, chống lũ và giảm nhẹ thiên tai, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Mặt khác, Phương án quy hoạch chưa đưa ra được cơ sở hay căn cứ, định mức, hướng dẫn để tính ra được tổng mức đầu tư cho các công trình; chưa đề xuất được nguồn vốn thực hiện đầu tư các công trình, dự án thủy lợi, thủy điện, nước sinh hoạt theo hướng xã hội hóa để có cơ sở cân đối, đảm bảo tính khả thi của Phương án quy hoạch.
Cơ quan chủ đầu tư (Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hà Giang và đơn vị tư vấn thực hiện Dự án quy hoạch (Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp - Bộ NN&PTNT) đã tiếp thu tất cả các ý kiến phản biện của Hội đồng phản biện để chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện bản Dự án quy hoạch một cách đầy đủ và hoàn thiện trước khi trình UBND tỉnh Hà Giang phê duyệt./.
Cao Hồng Kỳ, Chủ tịch Liên hiệp hội Hà Giang