Hội thảo là một trong những hoạt động quan trọng của Dự án “Tăng cường tiếp cận nước sạch và vệ sinh môi trường cho trường học và người dân tỉnh Hà Giang” được đề xuất bởi Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) trong chuỗi Dự án tổng thể “Các Hoạt động Địa phương Việt Nam vì Sức khỏe, Môi trường - Local Works”, do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ và Viện PHAD chủ trì, nhằm đề xuất các giải pháp về chính sách nhân rộng mô hình từ những kết quả của Dự án.
Với mục tiêu phát huy sáng kiến của các tổ chức địa phương, xây dựng mô hình “làm để học” về tiếp cận nước sạch và vệ sinh môi trường (VSMT) cho trường học và cụm dân cư, kết quả Dự án đạt được bao gồm: 6 mô hình nhà tiêu sinh học (NTSH) tại trường học, công sở và khu du lịch thuộc huyện Đồng Văn và 5 hệ thống cấp nước sạch, nước uống trực tiếp (nước uống học đường - NUHĐ) cho các trường học trên địa bàn tỉnh, gồm: Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Yên Cường (xã Yên Cường); Trường phổ thông dân tộc nội trú THCS và THPT Bắc Mê (huyện Bắc Mê); trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS xã Sà Phìn; Trường Mầm non xã Sủng Là (huyện Đồng Văn) và trường Cao đẳng Kỹ thuật và Công nghệ tỉnh Hà Giang (tại thành phố Hà Giang).
Tại hội thảo, đại biểu đã được nghe và thảo luận các báo cáo về kết quả triển khai xây dựng các mô hình cấp nước sạch, NUHĐ và NTSH; báo cáo kết quả đánh giá hiệu quả vận hành các mô hình thông qua các đợt giám sát; đồng thời, nghe tham luận của các chuyên gia, các nhà khoa học và các đơn vị tham gia, thụ hưởng Dự án; nghe ý kiến phát biểu từ phía nhà tài trợ, đại diện doanh nghiệp và chính quyền, các sở, ban ngành của tỉnh.
Các báo cáo và ý kiến tham luận đều nhấn mạnh kết quả đạt được của các mô hình, khẳng định Dự án đã chọn đúng “điểm rơi” đối với vấn đề nước sạch và VSMT đang là nhu cầu bức thiết của người dân tỉnh Hà Giang. Lần đầu tiên trên địa bàn tỉnh, các mô hình cấp nước sạch, NUHĐ và NTSH được ứng dụng bởi công nghệ tiên tiến, phù hợp với một dự án nhỏ, kinh phí thấp và tập quán địa phương. Mô hình đáp ứng linh hoạt với quy mô, đặc điểm nguồn nước và nhu cầu sử dụng của từng điểm trường; được thi công và hoàn thành đúng tiến độ, đạt hiệu quả cao cả về kinh tế, xã hội, sức khỏe và môi trường; khắc phục sự khan hiếm nguồn nước và chi phí vật tư, năng lượng trong điều kiện còn nhiều khó khăn của người dân.
Kết quả Dự án đã vượt qua sự mong đợi ban đầu. Các tiêu chí, tiêu chuẩn về kỹ thuật, chất lượng nguồn nước đầu ra, VSMT đều đạt các Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về nước sinh hoạt; nước uống trực tiếp và nhà tiêu hợp vệ sinh không sử dụng nước. Hệ thống cấp nước sạch và NUHĐ đáp ứng nhu cầu sử dụng cho trên 3.240 học sinh, cán bộ, thầy cô giáo của 5 nhà trường tham gia Dự án; mô hình NTSH bước đầu cải thiện sự bức bách về VSMT cho một số điểm trường, công sở, khu du lịch trong tình trạng thiếu nước xả tại các nhà vệ sinh công cộng.
Các mô hình phản ảnh tính bền vững của một dự án nhỏ, chi phí thấp (chỉ trên 700 triệu đồng cho cả 5 công trình), cùng với nhiều ưu điểm, như dễ lắp đặt, độ bền cao, tiết kiệm điện năng, nguồn nước, phù hợp với mô hình tự quản là đơn vị trường học, cụm dân cư. Sau gần 3 tháng đưa vào sử dụng, các mô hình với quy mô, công suất khác nhau đều thể hiện rõ tiện ích, hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường và sức khỏe cộng đồng. Qua kết quả khảo sát ban đầu, cho thấy sự hài lòng và rất hài lòng của người dân đạt tới 98% đối với hệ thống xử lý cấp nước sạch và nước uống trực tiếp; 95,84% đối với mô hình NTSH.
|
Đồng chí Trần Đức Quý, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang (giữa) trao đổi với các chuyên gia khoa học, nhà tài trợ về giải pháp nhân rộng mô hình
|
Các báo cáo và ý kiến tham luận cũng chia sẻ những khó khăn, bất cập hiện tại của địa phương, đồng thời đề xuất các giải pháp mang tính khả thi, nhằm tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo của các tổ chức xã hội trong việc nhân rộng mô hình, đảm bảo tính bền vững của Dự án. Trong đó, nhấn mạnh sự quan tâm từ chính sách của địa phương; sự phối hợp lồng ghép với các chương trình, mục tiêu quốc gia liên quan đến nước sạch, VSMT, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức nhằm thay đổi hành vi của cộng đồng trong việc nhân rộng và cải tiến mô hình trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận và đánh giá cao kết quả đạt được của Dự án với nhiều tiện ích, phù hợp với nhu cầu sử dụng và năng lực quản lý, vận hành của địa phương; đồng thời, bày tỏ sự quan tâm, mong muốn các nhà tài trợ, các chuyên gia, các nhà khoa học và các doanh nghiệp trong điều kiện có thể, tiếp tục nghiên cứu, cải tiến công nghệ, hỗ trợ địa phương triển khai nhân rộng mô hình, nhất là tại những nơi còn gặp nhiều khó khăn về nguồn nước và đời sống, xã hội, điển hình là 4 huyện thuộc vùng cao nguyên đá.
Trước mắt, giao cho Liên hiệp hội chủ trì, phối hợp cùng với các sở, ngành của tỉnh tiếp tục đánh giá, tổng hợp kết quả nghiên cứu của Dự án, xây dựng chương trình, kế hoạch trình UBND tỉnh xem xét, quyết định ban hành một số chính sách cụ thể làm cơ sở hỗ trợ nhân rộng mô hình tại các trường học, cụm dân cư trên địa bàn tỉnh; phối hợp với các cơ quan truyền thông và các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh tuyên truyền về tiện ích, hiệu quả của các mô hình, gắn với việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về vai trò và tầm quan trọng của việc sử dụng nước sạch và VSMT trong đời sống, sinh hoạt, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, bảo vệ an ninh nguồn nước; phát huy tính chủ động, sáng tạo trong việc xây dựng hệ thống cấp nước sạch và NUHD, khắc phục tình trạng trông chờ, ỷ lại vào sự bao cấp như trước đây.
Tại Hội thảo, một số doanh nghiệp đã đăng ký các gói hỗ trợ kinh phí, giúp một số nhà trường vùng đặc biệt khó khăn xây dựng hệ thống nước sạch và nước uống trực tiếp cho học sinh.
Chiều cùng ngày, đại biểu tham quan và dự lễ bàn giao mô hình hệ thống cấp nước sạch và nước uống trực tiếp tại trường Cao đẳng Kỹ thuật và Công nghệ tỉnh Hà Giang (thành phố Hà Giang).
Nguồn:https://www.tuyengiao.vn