Những nội dung tham gia đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật về hội của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Giang

 Thực hiện Công văn số 698/LHHVN-TCCB ngày 03/10/2016 của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam về việc góp ý dự thảo Luật về hội; Kế hoạch số 08/KH-ĐĐBQH ngày 07/10/2016 của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang khóa XIV về việc phối hợp tổ chức Hội thảo tham gia ý kiến vào dự thảo dự án Luật về Hội.

Chiều ngày 14/10/2016, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (Liên hiệp hội) Hà Giang đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến đóng góp của các Hội thành viên và các chuyên gia thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (KH&KT) Hà Giang cho dự thảo dự án Luật về hội (bản dự thảo Luật về hội được cập nhật mới nhất ngày 10/10/2016). Tham dự Hội thảo có Thường trực Liên hiệp các Hội KH&KT Hà Giang (chủ trì Hội thảo); các đồng chí lãnh đạo đại diện các Hội thành viên liên kết thuộc Liên hiệp hội Hà Giang. 

Những nội dung tham gia đóng góp ý kiến cho dự thảo  Luật về hội của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Giang

Toàn cảnh Hội thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật về hội


Kết quả Hội thảo các đại biểu đã cho nhiều nhiều ý kiến đóng góp và đề nghị Ban soạn thảo Luật chỉnh sửa, bổ sung các nội dung chính để dự thảo Luật về hội được hoàn chỉnh, hoàn thiện và có tính thực thi trong xã hội khi Luật về hội được ban hành, cụ thể như sau:

Thứ nhất, về tên của Luật dự thảo:

Tên gọi của dự thảo Luật về hội vẫn chưa nêu bật lên được tính xã hội của các hội và với tên gọi Luật về hội như vậy thì Luật này vẫn hàm chứa việc nhà nước sẽ quản lý và điều phối hoạt động của hội. Do đó, Luật này nên được đổi tên thành Luật về lập và quản lý hội, để nêu bật lên được việc nhà nước sẽ quản lý và điều phối hoạt động của hội, thể hiện được quyền và sự tự chủ của người dân khi tham gia vào việc lập, quản lý hoạt động của hội. Tương tự như vậy, nội dung của nó phải theo hướng tạo điều kiện, thúc đẩy quyền được lập hội của công dân, tạo điều kiện cho các hoạt động của hội được độc lập, tự chủ và không nên thiết lập các quy định mang tính hành chính nhà nước cho các hoạt động thành lập, tổ chức và hoạt động của các tổ chức hội.

Thứ hai, về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng:

Trong Điều 1 và Điều 2 dự thảo Luật về hội, đề nghị Ban soạn thảo cần xem xét, bổ sung thêm quy định cho các đối tượng mà dự thảo Luật về hội sẽ điều chỉnh, áp dụng như quỹ, trung tâm, viện nghiên cứu, các tổ chức phi chính phủ khác (gọi chung là hội).

Tại Khoản 2 Điều 2 dự thảo Luật về hội quy định: “Luật này không áp dụng đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam”. Trên thực tế, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, hay Hội Cựu chiến binh Việt Nam ... đều là những tổ chức “hội”. Việc quy định như trên vô hình chung sẽ tạo nên sự bất bình đẳng giữa các hội, dẫn đến cách hiểu là có những hội “đặc biệt quan trọng” hơn các hội khác. Nếu như quyền con người là bình đẳng giữa các thành viên trong gia đình nhân loại thì giữa các hội, nhóm cũng vậy, vì thực chất, hội là do các cá nhân liên kết mà thành. Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm những quy định về sự bình đẳng giữa các hội, để tránh tình trạng độc quyền về hội.

Thứ ba, về chính sách của Nhà nước đối với hội:

Tại Khoản 2 Điều 7 của Dự thảo quy định: “Tạo điều kiện để hội tham gia vào quá trình xã hội hóa các hoạt động cung cấp dịch vụ công; thực hiện chương trình, dự án, đề tài, đề án và và các hoạt động khác theo quy định của pháp luật”. Dự thảo Luật về hội như vậy là chưa thực sự đầy đủ, chỉ mới nhấn mạnh việc hội thực hiện các dịch vụ, tư vấn, chương trình do Nhà nước đặt hàng, mà chưa đề cập đến chức năng nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám sát xã hội của các tổ chức hội. Đây là một vấn đề rất quan trọng đối với các tổ chức hội, góp phần thể hiện sự tham gia quản lý nhà nước của các tổ chức xã hội. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo cần phải bổ sung thêm chức năng tư vấn, phản biện và giám sát xã hội của tổ chức hội vào quy định tại Khoản 2 Điều 7 của dự thảo Luật về Hội.

Thứ tư, về các trường hợp bị hạn chế quyền lập hội:

Tại Khoản 5 Điều 9 dự thảo quy định: “Hội không liên kết, gia nhập các hội nước ngoài, không nhận tài trợ nước ngoài; trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định” là chưa hợp lý. Vì có một số hội hiện nay đã và đang là thành viên của hội quốc tế như Hội Chữ thập đỏ Việt Nam ..., có tôn chỉ hoạt động theo pháp luật Việt Nam, pháp luật quốc tế, các điều ước quốc tế. Dự thảo Luật về hội quy định như vậy là bó gọn, eo hẹp và làm giảm tính năng tự chủ, vận động, hợp tác, hội nhập của các tổ chức hội; mặt khác nội dung quy định tại Khoản 5 Điều này hoàn toàn chưa rõ nghĩa. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu và làm rõ nghĩa.

Thứ năm, về điều kiện thành lập hội:

Quy định tại Khoản 4 Điều 10 của dự thảo, Hội được thành lập buộc phải có trụ sở đặt tại Việt Nam. Điều này là hoàn toàn không cần thiết, vì nếu buộc phải thỏa mãn điều kiện này sẽ bắt bí các hội muốn thành lập, nhưng chưa được nhà nước bố trí trụ sở hoặc chưa có điều kiện để thuê trụ sở; mặt khác có không ít các tổ chức xã hội dân sự như: Tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam, Quỹ, Viện, Trung tâm nghiên cứu thuộc hội có thể không có trụ sở tại Việt Nam.

Khoản 4 Điều 10 quy định: Điều kiện thành lập hội bắt buộc phải có từ 07 sáng lập viên trở nên là không có cơ sở.

Thứ sáu, quy định về nội dung của Điều lệ hội:

Nên bỏ hoặc không cần quy định cụ thể, chi tiết như tại Điều 13 nội dung chủ yếu của Điều lệ hội. Quy định này là không cần thiết, vì cũng giống như một dạng hợp đồng, Ban sáng lập và các thành viên của hội có quyền tự đưa ra các nội dung chủ yếu trong điều lệ của hội, miễn là không vi phạm các quy định và nguyên tắc chung theo pháp luật Việt Nam quy định.

Thứ bảy, về thời hạn cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập hội:

Tại Khoản 2 Điều 11 dự thảo Luật về hội quy định thời hạn cấp Giấy chứng nhận đăng ký thành lập hội là không hợp lý, quá dài không tuân thủ chủ trương cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ (Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 18/3/2014 của Chính phủ): “Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đăng ký thành lập hội, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 15 của Luật này cấp Giấy chứng nhận đăng ký thành lập hội”. Trong khi đó, thủ tục thành lập doanh nghiệp hiện nay theo Luật Doanh nghiệp năm 2014 và văn bản hướng dẫn thi hành chỉ mất có 03 ngày và thủ tục thành lập tổ chức Khoa học và Công nghệ chỉ mất 15 ngày. Việc quy định như thế là không phù hợp với chủ trương cải cách thủ tục hành chính của Nhà nước.

Thứ tám, về công nhận Điều lệ hội và người đại diện pháp lý của hội:

Cũng như Điều 11 của dự thảo Luật về hội và xuất phát từ những quan điểm trên, đề nghị Ban soạn thảo nên xem xét lại quy định về thời gian công nhận Điều lệ hội và người đại diện theo pháp luật của hội quy định tại Khoản 5 Điều 14 của dự thảo Luật về Hội là quá lâu: “Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định tại khoản 4 Điều này, cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra quyết định công nhận Điều lệ hội và người đại diện theo pháp luật của hội; trường hợp không công nhận thì phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do”. Đề nghị Ban soạn thảo sửa dự thảo sửa theo hướng đơn giản hóa thủ tục trong quy trình thành lập hội và rút ngắn thời gian công nhận, phê duyệt Điều lệ hội. Cách thức quy định này sẽ giảm bớt thủ tục, thời gian hành chính hóa đối với việc thành lập các tổ chức hội và các tổ chức xã hội dân sự. Nếu thủ tục này càng đơn giản, tiết kiệm thời gian bao nhiêu thì xã hội càng tiến bộ bấy nhiêu.

Thứ chín, những vấn đề cần được xem xét và bổ sung:

Ban soạn thảo Luật cần xem xét bổ sung phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, quy định thành lập, tổ chức, hoạt động quản lý đối với quỹ, trung tâm, viện nghiên cứu (tự chủ về tài chính) và các tổ chức phi chính phủ trong nước (không do hội thành lập). Đây cũng là một vấn đề cần được cân nhắc kỹ lưỡng để có một quan điểm đầy đủ hơn trong cách hiểu về hội. Nếu loại trừ các tổ chức quỹ, viện nghiên cứu, trung tâm tự chủ về tài chính thuộc các cơ quan nhà nước và các tổ chức phi chính phủ thì có lẽ đã loại trừ đi một số thành tố quan trọng của các tổ chức xã hội dân sự trong xã hội.

Cao Hồng Kỳ, Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Hà Giang.

 

 

Submit Thread to Facebook Submit Thread to Twitter Submit Thread to Google
icon Các tin tức khác
icon Sáng tạo khoa học - công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam
icon Hội thảo tham vấn đề xuất dự án
icon Thảo luận mô hình tổ chức Liên hiệp hội các tỉnh, thành phố và kiến nghị giải pháp thực hiện trong tình hình mới
icon Giao ban Liên hiệp hội các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương năm 2024
icon Tình cảm và những lời căn dặn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với trí thức Liên hiệp Hội Việt Nam
icon Hội nghị BCH Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật lần thứ 6
icon Liên hiệp hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Hà Giang tập huấn chăm sóc cây Lê tại huyện Đồng Văn
icon Bàn giao hệ thống cấp nước sạch và nước uống trực tiếp do Hội Spejdernes Genbrug, Đan Mạch tài trợ
icon Hội thảo đánh giá công tác quản lý, sử dụng mô hình NTSH và hệ thống CNS, NUHĐ sau bàn giao và đề xuất giải pháp nhân rộng
icon Hội nghị tập huấn kiến thức nuôi Hươu phát triển kinh tế tại Vị Xuyên
Liên hiệp Hội Việt Nam
Quỹ hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam
bộ khoa học và công nghệ
Sở Khoa học và Công nghệ
Thiết kế website