Việt Nam tham gia Sáng kiến Minh bạch trong công nghiệp khai thác khoáng sản (Extractive Industry Transparency Inititive - EITI) sẽ góp phần giảm hành vi trốn, tránh thuế trong lĩnh vực khai khoáng; giảm thiểu rủi ro pháp lý cho Chính phủ, đặc biệt là công đoạn cấp phép; tạo môi trường đầu tư tốt hơn, để lựa chọn doanh nghiệp có đủ điều kiện, dự án có hiệu quả; minh bạch cấp phép, tích cực sản xuất và tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Ngày 13/9/2016 tại Hà Nội, Trung tâm con người và thiên nhiên (PanNature), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và các tổ chức thành viên thuộc Liên minh khoáng sản phối hợp tổ chức Toạ đàm “Việt Nam tham gia Sáng kiến Minh bạch trong công nghiệp khai thác (EITI): Cơ hội hay rào cản?”.
Dự buổi tọa đàm có Lãnh đạo Trung tâm con nghười và thiên nhiên (chủ trì bổi tọa đàm); các nhà chuyên gia, nhà diễn giả, nhà khoa học đến từ các cơ quan bộ, ngành Trung ương; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đại diện các tổ chức phi chính phủ, Trung tâm Con người và Thiên nhiên, Liên minh khoáng sản, đại diện các cơ quan báo chí ở Trung ương; các tổ chức Hội ngành ở trung ương và các cơ quan đối tác, thành viên của Liên minh khoáng sản ở trung ương và địa phương: Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Hà Giang.
Toàn cảnh buổi tọa đàm “Việt Nam tham gia EITI: Cơ hội hay rào cản?
Theo các chuyên gia kinh tế, trong ba thập kỷ qua, ngành công nghiệp khai thác khoáng sản của Việt Nam mở rộng nhanh chóng về mặt quy mô, nhưng việc quản lý còn nhiều bất cập, như cấp phép tràn lan, đầu tư nhà nước thiếu hiệu quả, thu ngân sách không tương xứng với quy mô khai thác, khai thác, xuất khẩu trái phép, gây hệ lụy đến môi trường và xã hội. Đồng thời, tỷ lệ thất thu thuế tài nguyên khoáng sản ở Việt Nam rất lớn do doanh nghiệp cố tình tìm cách trốn, tránh thuế.
Bà Trần Thanh Thuỷ, đại diện Liên minh khoáng sản cho biết, Việt Nam xếp thứ 15 trên thế giới về diện tích khoáng sản, xếp thứ 65 về tuổi địa chất, có 60/200 loại khoáng sản phổ biến trên thế giới. Đặc biệt, Việt Nam đứng thứ 7 về khai thác dầu thô ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đóng góp 2,3% tổng sản lượng thiếc và 1,8% tổng sản lượng xi măng so với thế giới. Trong khi đó, thuế tài nguyên đóng góp vào ngân sách nhà nước chỉ bằng từ 0,9 - 1,1% tổng nguồn thu ngân sách nhà nước.
Một thực tế tốn tại lâu nay đã được Trưởng Ban pháp chế (VCCI) ông Đậu Anh Tuấn chỉ ra rằng, cũng như đất đai, hoạt động khai thác khoáng sản luôn tiềm ẩn các xung đột xã hội gay gắt giữa Nhà nước, doanh nghiệp và xã hội. Thực tế cho thấy, hiện nay, mặc dù doanh nghiệp khẳng định có nộp thuế đầy đủ, nhưng Nhà nước vẫn cảm thấy không hài lòng vì luôn bị thất thu thuế, trong khi đó, người dân cũng không được hưởng lợi từ nguồn thu thuế tài nguyên khoáng sản này tại địa phương. Điều này đã gây ra bức xúc thường xuyên cho cả ba chủ thể là Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, tích tụ lâu dần dần trở thành các xung đột và mâu thuẫn xã hội tiềm ẩn có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Việc thiếu công khai minh bạch theo đó đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp có tiền lệ xấu trong bảo vệ môi trường, gây mất công bằng với doanh nghiệp lớn làm ăn mục tiêu lâu dài, đàng hoàng.
Trước thực trạng thất thoát về nguồn thu thuế tài nguyên cũng như những yếu kém về quản lý và quản trị hoạt động ngành khai khoáng, các chuyên gia khuyến cáo, Việt Nam cần nhanh chóng tham gia Sáng kiến minh bạch trong công nghiệp khai thác (EITI). Chính phủ đã tiếp cận và xem xét sáng kiến EITI từ năm 2007, nhưng gặp nhiều ý kiến trái chiều về rào cản, rủi ro khi Việt Nam ra nhập. Nhận định về vấn đề này, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, khoáng sản là ngành dễ liên quan đến tham nhũng nhất. Nhiều ý kiến cho rằng, EITI là việc “vạch lá tìm sâu”, tìm sai phạm nên rất nhiều người phản đối việc gia nhập này.
Tuy nhiên, theo đại diện của Liên minh khoáng sản, Việt Nam tham gia EITI sẽ góp phần giảm hành vi trốn, tránh thuế trong lĩnh vực khai khoáng; giảm thiểu rủi ro pháp lý cho Chính phủ, đặc biệt là công đoạn cấp phép; tạo môi trường đầu tư tốt hơn, để lựa chọn dự án có hiệu quả; minh bạch cấp phép, sản xuất và thu ngân sách.
Số liệu thống kê cho thấy, việc tham gia EITI đã giúp nhiều nước giàu tài nguyên tăng thu được hàng trăm triệu USD. Hiện nay, trên thế giới có 53 quốc gia tham gia EITI, trong đó có nhiều quốc gia phát triển như Anh, Mỹ, Nauy…
Thông qua báo cáo EITI 2005, Chính phủ Nigeria xác định, được bổ sung được 560 triệu USD từ dầu khí. Nhờ giải quyết lỗ hổng thông qua EITI, Nigeria ước tính tiết kiệm được 1 tỷ USD ngân sách hàng năm…Theo ước tính, nếu tham gia sáng kiến minh bạch này và thực hiện đầy đủ EITI thì Việt Nam cũng có thể bổ sung được trên 1 tỷ USD vào ngân sách từ hoạt động thu thuế tài nguyên.
Đồng tình với ý kiến trên, đại diện VCCI cũng cho rằng, chi phí tham gia EITI không quá lớn, có thể kêu gọi viện trợ quốc tế để tiết kiệm ngân sách. Ví dụ, Mông Cổ vận hành chỉ mất hơn 1 tỷ đồng, chưa bằng 1 chuyến đi tham quan của cơ quan nhà nước đi tìm hiểu, học tập kinh nghiệm quốc tế. Với các danh mục khai khoáng là bí mật nhà nước như dầu khí có thể loại bỏ khỏi danh sách thực hiện EITI.
Nếu tham gia sáng kiến minh bạch và thực hiện đầy đủ EITI thì Việt Nam cũng có thể bổ sung được trên 1 tỷ USD vào ngân sách từ hoạt động thu thuế tài nguyên. Liên quan vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công thương xem xét báo cáo việc tham gia thực hiện EITI trong tháng 8/2016, đồng thời chỉ đạo Bộ Công thương nhanh chóng xem xét thực thi sáng kiến EITI để nâng cao hiệu quả ngành công nghiệp khoáng sản. Theo chỉ đạo của Thủ tướng, phải khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản hiệu quả, minh bạch và trách nhiệm hơn.
Trong chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2016-2020, đề án thực thi EITI đã được đưa vào kế hoạch năm 2016. Tuy nhiên, đến nay đã qua thời hạn báo cáo Chính phủ, song Bộ Công thương vẫn chưa có động thái gì cụ thể.
Theo Liên minh Khoáng sản, Việt nam đã tiếp cận EITI từ năm 2005 và Bộ Công thương là cơ quan được Chính phủ chỉ định làm cơ quan đầu mối xem xét thực thi. Tuy nhiên, đến nay, sau gần 10 năm, Việt Nam vẫn chưa có kết luận rõ ràng về việc tham gia sáng kiến này dù nhu cầu cải cách trong lĩnh vực khai khoáng là hết sức cấp bách.
Tại phiên họp báo Chính phủ vào tháng 7/2015, liên quan vấn đề này, đại diện lãnh đạo Bộ Công thương cho rằng, vẫn cần thêm thời gian để làm rõ khả năng đáp ứng của hệ thống thống kê và năng lực thực thi.
Theo Liên minh khoáng sản, điều này cho thấy cách tiếp cận EITI của Việt Nam là hoàn toàn khác với thế giới. Đối với các quốc gia khác, việc thực thi EITI nhằm hoàn thiện hệ thống quản lý, nâng cao năng lực và minh bạch hệ thống quản trị quản lý đối với hoạt động khai khoáng, đồng thời thể hiện việc thực thi nghiêm túc các cam kết quốc tế. Bên cạnh đó, EITI là sáng kiến minh bạch, do đó quá trình thực thi Sáng kiến này cầng được minh bạch và đảm bảo có sự tham gia của các bên liên quan. Theo đề xuất của Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc hội, Bộ Công thương cần nhanh chóng thành lập nhóm công tác có sự tham gia của các bộ ngành, hiệp hội doanh nghiệp và tổ chức xã hội để thúc đẩy thực thi EITI.
Ngày 14/9/2016, Liên minh khoáng sản tổ chức phiên họp nội bộ do Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên - PanNature chủ trì cùng các tổ chức thuộc đối tác và thành viên của Liên minh khoáng sản, các tổ chức Hội ở Trung ương và địa phương: Đại diện Lãnh đạo của Hội Khoa học Kinh tế Địa chất Việt Nam, Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Hà Giang và đại diện cơ quan truyền thông của Liên minh khoáng sản.
Đồng chí Cao Hồng Kỳ, Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Hà Giang
báo cáo tiến độ thực hiện dự án nghiên cứu tại Hà Giang
Nội dung phiên họp nội bộ Liên minh khoáng sản: Tóm tắt kết quả thực hiện kế hoạch của Liên minh khoáng sản trong 8 tháng đầu năm 2016; cập nhật tiến độ thực hiện các dự án nghiên cứu, những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án của các tổ chức đề xuất sáng kiến ở địa phương: Hội Khoa học Kinh tế Địa chất Việt Nam, Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Hà Giang. Lãnh đạo Trung tâm Con người và Thiên nghiên - tổ chức điều phối chương trình đã định hướng thảo luận hoạt động của Liên minh khoáng sản trong thời gian tới 2017; bàn chương trình họp tổng kết năm 2016 và bàn tổ chức cho đoàn công tác của Liên minh khoáng sản và đại diện các tổ chức của địa phương Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Hà Giang tham gia đoàn công tác của PanNature đi dự Hội thảo quốc tế tại BangKok Thái Lan vào tháng 10 năm 2016.
Cao Hồng Kỳ, Chủ tịch Liên hiệp các hội Hà Giang đưa tin từ Hà Nội.