Ngày 29 tháng 3 năm 2017, UBND tỉnh Hà Giang tổ chức Hội thảo khoa học “Trung tâm Học tập cộng đồng ở Hà Giang thực trạng và giải pháp phát triển”. Dự Hội thảo có: Đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội thảo. Tham dự Hội thảo có Tiến sĩ Susan Vize, Quyền Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội; Ông Miyazawa Ichiro, Chuyên gia về Trung tâm học tập cộng đồng Văn phòng UNESCO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tại Băng Cốc, Thái Lan; Lãnh đạo Vụ Giáo dục Thường xuyên, Bộ Giáo dục và Đào tạo; cùng các chuyên gia, các nhà khoa học ở trong nước, các trí thức Việt Kiều đang sống và làm việc ở các nước phát triển như Mỹ, Thụy Điển, Singapore và Lãnh đạo các sở, ban ngành của tỉnh Hà Giang.
Mục tiêu của Hội thảo nhằm làm rõ 3 nội dung, đó là:
- Chỉ ra được những khuyết thiếu trong hệ thống giáo dục cộng đồng và phát triển xã hội học tập của tỉnh Hà Giang mà hạt nhân là các trung tâm học tập cộng đồng của tỉnh Hà Giang.
- Tiếp cận các lý thuyết khoa học về giáo dục, phát triển và địa xã hội, cũng như một số mô hình giáo dục cộng đồng đã ứng dụng các lý thuyết này thành công ở Việt Nam và trên thế giới như ở Mỹ, Úc, Thụy Điển, Singapore, ...
- Tìm ra được giải pháp phát triển phù hợp cho các trung tâm học tập cộng đồng ở tỉnh Hà Giang.
Toàn cảnh Hội thảo “Trung tâm học tập cộng đồng ở
tỉnh Hà Giang thực trạng và giải pháp phát triển”
Sáng 29.3.2017, phiên thứ nhất của Hội thảo, các chuyên gia đã chia sẻ những kinh nghiệm về phát triển trung tâm học tập cộng đồng ở trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO, những mô hình thành công trong khu vực, những bài học và ý tưởng xây dựng mô hình trung tâm học tập cộng đồng khu vực đô thị tại Việt Nam. Từ đó đưa ra các giải pháp để phát huy có hiệu quả vai trò các trung tâm học tập cộng đồng tại các địa phương. Cùng với đó, các chuyên gia cũng chia sẻ những khó khăn, thách thức đối với các trung tâm học tập cộng đồng tại tỉnh Hà Giang và những nhiệm vụ trọng tâm xây dựng trung tâm học tập cộng đồng ở tỉnh Hà Giang trong thời gian tới.
Chiều 29.3.2017, tiếp tục phiên thứ hai của Hội thảo, với chủ đề “Mô hình thí điểm Trung tâm học tập cộng đồng cho thành phố Hà Giang”. Tham dự hội thảo có Tiến sỹ Triệu Tài Vinh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang khóa XIV; Tập thể Ban Thường vụ Thành ủy Hà Giang; các Chuyên gia, Nhà khoa học ở trong và ngoài nước; Lãnh đạo các sở, ban ngành, của tỉnh. Đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội thảo.
Phiên thứ hai của Hội thảo với chủ đề “Mô hình thí điểm
Trung tâm học tập cộng đồng cho thành phố Hà Giang”.
Hội thảo đã được nghe Trung tâm Nghiên cứu Hỗ trợ cộng đồng tỉnh Hà Giang, trình bày chuyên đề “Mô hình thí điểm trong giáo dục cộng đồng tại thành phố Hà Giang”. Qua khảo sát, một trong những nguyên nhân chính để các Trung tâm học tập cộng đồng trên địa bàn thành phố Hà Giang hoạt động không hiệu quả chính là việc phân tán nguồn lực xã hội và nhà nước cho nhiều cơ sở và thiết chế giáo dục, văn hóa trên một địa bàn nhỏ và ít dân cư. Hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở, đặc biệt là các thư viện đều chưa phát huy được hết các chức năng do chưa có sự đầu tư hợp lý về các thiết kế chương trình sáng tạo. Qua khảo sát, 90% số người được hỏi cho thấy chưa từng tham gia bất kỳ một hoạt động nào của các Trung tâm học tập cộng đồng và 100% số người được hỏi đều mong muốn được tiếp cận được nhiều dịch vụ, hỗ trợ đời sống hơn ở một Trung tâm học tập cộng đồng. Thực tế cho thấy công tác quảng bá, tuyên truyền về các Trung tâm học tập cộng đồng cũng như thúc đẩy tham gia vào các hoạt động của Trung tâm học tập cộng đồng còn rất yếu. Việc chi trả tiền cho người dân đi học đã tạo nên những tác động tiêu cực về nhận thức của người dân.
Các chuyên gia dự hội thảo đã chia sẻ về kinh nghiệm phát triển trung tâm học tập cộng đồng trong nước, mô hình triển khai thư viện cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về lợi ích của việc đọc sách, cập nhật thông tin, kiến thức văn hóa, xã hội, khoa học thường thức, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa, di sản của các dân tộc tỉnh Hà Giang. Phối hợp với các ngành chức năng triển khai các hợp phần giáo dục đặc biệt; kế hoạch triển khai hợp phần chăm sóc sức khỏe tâm trí cộng đồng; kế hoạch tăng cường công tác truyền thông, quảng bá cho các Trung tâm học tập cộng đồng. Xây dựng mô hình Trung tâm giáo dục cộng đồng thành phố Hà Giang thông qua việc vận dụng các mô hình, phương pháp giáo dục tiên tiến nhất trên thế giới để áp dụng cho Hà Giang.
“Mô hình thí điểm trong giáo dục cộng đồng tại thành thố Hà Giang” được xây dựng với mục tiêu thực hiện các hoạt động giáo dục cộng đồng và thực nghiệm phi chính quy ở các cấp, bậc học, tạo ra sân chơi và môi trường an toàn để thực hành kiến thức và phát triển các kỹ năng xã hội để bổ sung cho các hoạt động giáo dục chính quy trong nhà trường. Hỗ trợ sự phát triển toàn diện về trí tuệ - tinh thần - nhân cách và định hướng nghề nghiệp cho các giới trẻ trên địa bàn. Tiến tới xây dựng Trung tâm học tập cộng đồng là không gian sinh hoạt văn hóa, giáo dục của cộng đồng trên địa bàn và cũng là cơ sở xã hội học tập và học tập suốt đời cho toàn thể cộng đồng thành phố Hà Giang. Khi mô hình được triển khai, Trung tâm học tập cộng đồng sẽ có chức năng tập hợp và thu hút các nguồn lực của cộng đồng, các tổ chức cá nhân và toàn xã hội cho hoạt động giáo dục ngoài chính quy. Tăng cường sự tham gia của cộng đồng, sự hợp tác nhóm công - tư nhằm thúc đẩy sự phát triển của giáo dục trên địa bàn. Phối hợp và hỗ trợ các cơ sở giáo dục chính quy trên địa bàn.
Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đánh giá cao những tham luận, ý kiến tại hội thảo, đồng thời nhấn mạnh: Cấp ủy chính quyền tỉnh Hà Giang đặc biệt quan tâm đến phương thức hoạt động mô hình Trung tâm học tập cộng đồng. Để mô hình Trung tâm học tập cộng đồng phát huy hiệu quả, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các nhà khoa học cần có thêm những khuyến nghị với địa phương đối với mô hình Trung tâm học tập cộng đồng hiện nay của tỉnh, cần đưa nhiều nội dung hoạt động của trung tâm, nhất là các lĩnh vực liên quan đến công tác xã hội, tư vấn khởi nghiệp cho thanh niên. Dựa trên yêu cầu, mục đích như vậy cần phải có sự lựa chọn về công tác nhân sự cho các Trung tâm sao cho phù hợp, đáp ứng yêu cầu đặt ra; cần đẩy mạnh việc đưa văn hóa bản địa vào giảng dạy tại các Trung tâm; đưa các chương trình, mô hình giáo dục phù hợp với địa phương, làm sao để bổ trợ cho các chương trình giáo dục chính quy đưa vào thí điểm thực hiện. Về công tác giáo dục hòa nhập cần phải đánh giá được nhóm người yếu thế của tỉnh Hà Giang là bao nhiêu ? Khả năng tiếp cận xã hội như thế nào ? Về tình nguyện viên ở tỉnh Hà Giang đã có sẵn lực lượng, tuy nhiên cần có cách để có đội ngũ tình nguyện viên lâu dài, trong điều kiện Hà Giang là tỉnh có kinh tế khó khăn. Về kế hoạch truyền thông phải đánh giá được mặt bằng trình độ và khả năng thực hiện các công cụ truyền thông sẵn có của tỉnh, việc sử dụng thương hiệu mới hay sử dụng nâng cao những thương hiệu đã có. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng yêu cầu Lãnh đạo Thành phố Hà Giang tiếp thu, áp dụng vào thực tế, có thêm kiến nghị, đề xuất để xây dựng hoàn chỉnh mô hình này.
Cao Hồng Kỳ, Chủ tịch Liên hiệp các Hội KHKT Hà Giang