Luật Tiếp cận thông tin (TCTT) được Quốc hội thông qua ngày 06/4/2016 và chính thức có hiệu lực từ ngày 01/7/2018. Luật TCTT có ý nghĩa rất quan trọng trong việc cụ thể hóa thực hiện quyền công dân được quy định tại Điều 25 trong Hiến pháp năm 2013. Đây là đạo Luật rất quan trọng, tạo khuôn khổ pháp lý cho việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân và nâng cao tính công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan nhà nước. Việc thực hiện Luật quan trọng này sẽ có những tác động đến cơ quan nhà nước, người dân và doanh nghiệp bao gồm tác động cả về kinh tế, tăng hiệu quả quản lý nhà nước, tác động lên khu vực tư nhân, cải thiện mối quan hệ giữa nhà nước và công dân cũng như tác động tích cực đến sự tuân thủ luật pháp của cán bộ, công chức, viên chức, người dân và doanh nghiệp.
Để triển khai thi hành Luật TCTT, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 13/2018/NĐ-CP ngày 23/1/2018 quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật TCTT; Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 1408/QĐ-TTg ngày 15/7/2016 về việc Ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật TCTT, đồng thời ban hành Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 14/3/2017 về việc triển khai thi hành Luật TTCC. Các Bộ, ngành Trung ương: Tư pháp, Thông tin và Truyền thông, Tài chính cũng đã ban hành các Thông tư, Quyết định quy định chi tiết các điều, khoản thi hành đảm bảo có hiệu lực cùng thời điểm hiệu lực của Luật TCTT. Việc tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung của Luật TCTT đã được Bộ Tư pháp thực hiện bằng nhiều hình thức như: biên soạn sách và các tài liệu phổ biến, hướng dẫn, tập huấn về luật; tổ chức các lớp tập huấn chuyên sâu về nội dung Luật TCTT cho các đối tượng là cán bộ làm công tác cung cấp thông tin của các cơ quan hành chính nhà nước ở Trung ương và địa phương. Để đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của công dân được thực hiện thuận lợi, phù hợp với đặc điểm tổ chức và hoạt động của từng cơ quan, đơn vị, ngày 06/9/2016, Bộ Tư pháp đã hanh hành Quyết định số 1899/QĐ-BTP ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật TCTT; ngày 22/3/2018, Bộ Tư pháp đã ban hành văn bản số 939/BTP-PLHSHC về đôn đốc các bộ, ngành, địa phương khẩn trương ban hành Quy chế nội bộ về cung cấp thông tin theo quy định của Luật TCTT.
Tại tỉnh Hà Giang, UBND tỉnh đã tích cực chỉ đạo, đôn đốc các ngành, các cấp trong tỉnh triển khai, thi hành Luật TCTT trên địa bàn tỉnh, cụ thể: ngày 09/9/2016, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 227/KH-UBND về việc triển khai thi hành Luật TCTT trên địa bàn tỉnh; ngày 12/4/2017, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 1294/UBND-TNC về việc triển khai Chỉ thị số 08/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; ngày 26/4/2018 UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 1332/UBND-NC về việc tiếp tục triển khai thi hành Luật TCTT theo quy định tại Nghị định số 13/2018/NĐ-CP, Chỉ thị số 08/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 227/KH-UBND ngày 09/9/2016 của UBND tỉnh Hà Giang. Tuy nhiên, việc thực hiện Luật TCTT tại các cơ quan chức năng cấp tỉnh, cấp huyện, và cấp xã trên địa bàn tỉnh còn nhiều vấn đề bất cập.
Nhằm đưa ra các giải pháp khuyến nghị để thúc đẩy việc thực thi Luật TCTT và thực hiện yêu cầu công khai, minh bạch thông tin về nguồn thu, phân bổ và sử dụng nguồn thu phí bảo vệ môi trường (BVMT) trong lĩnh vực khai thác khoáng sản theo quy định của Luật khoáng sản năm 2010 trên địa bàn tỉnh; trong khuôn khổ của dự án “Thúc đẩy công khai minh bạch và công bằng trong chia sẻ nguồn thu từ khai thác khoáng sản ở cấp địa phương được thực hiện tại tỉnh Hà Giang và Quảng Trị” do OXFAM tại Việt Nam và Liên minh khoáng sản hỗ trợ. Ngày 15/3/2019, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (KH&KT) tỉnh Hà Giang đã phối hợp với Ủy ban MTTQ tỉnh và Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) tổ chức Hội thảo chia sẻ kết quả đánh giá về tình hình thực thi Luật tiếp cận thông tin trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Tham dự Hội thảo có Lãnh đạo các Sở, ban ngành, đoàn thể của tỉnh; đại diện UBND các huyện: Bắc Mê, Yên Minh, Vị Xuyên và đại diện các xã trong vùng dự án.
Cảnh Hội thảo chia sẻ kết quả đánh giá thực thi Luật TCTT trên địa bàn tỉnh
Sau khi nghe báo cáo chuyên đề về tình hình thực thi Luật tiếp cận thông tin và tình hình thực hiện công khai, minh bạch thông tin về nguồn thu, phân bổ và sử dụng nguồn thu phí BVMT trong lĩnh vực khai thác khoáng sản tại địa bàn huyện Bắc Mê và huyện Yên Minh, các đại biểu đã tập trung thảo luận những nội dung bất cập về tình hình thực thi Luật tiếp cận thông tin trên địa bàn tỉnh Hà Giang và khuyến nghị với các cấp, các ngành giải pháp nhằm tiếp tục thực thi có hiệu quả Luật tiếp cận thông tin trên địa bàn tỉnh, cụ thể:
UBND cấp tỉnh cần tiếp tục chỉ đạo các cấp, ngành làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung của Luật tiếp cận thông tin theo Nghị định số 13/2018/NĐ-CP ngày 23/01/2018 của Chính phủ; Quyết định số 1408/QĐ-TTg ngày 15/7/2016 và Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 14/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ nhằm nâng cao nhận thức về trách nhiệm của cơ quan nhà nước, của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước trong việc bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân tại cơ sở.
Các sở, ban ngành của tỉnh, UBND cấp huyện, và cấp xã trong tỉnh cần phải lập Danh mục/ Thư mục tài liệu công khai trên Cổng thông tin điện tử/ Trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị; cần có sự phối hợp giữa Văn phòng hành chính một cửa với cơ quan nhà nước trong việc triển khai Luật tiếp cận thông tin; sự liên kết giữa quy trình tiếp cận thông tin với phát ngôn của cơ quan tiếp công dân; phân công cán bộ, công chức làm đầu mối cung cấp thông tin và thực hiện công khai các thông tin này trên Cổng thông tin điện tử/ Trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị; xây dựng Quy chế, quy trình cung cấp thông tin, chủ động lập, cập nhật và công khai Danh mục thông tin bắt buộc phải được công khai và Danh mục thông tin công dân được tiếp cận có điều kiện; thường xuyên thực hiện cập nhật và đăng tải công khai thông tin trên Cổng thông tin điện tử/ Trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị đúng thời điểm, thời hạn và hình thức quy định trong Danh mục thông tin và Quy chế cung cấp thông tin của cơ quan, đơn vị; cần phải phổ biến cho người dân về đường dẫn và các nội dung công khai thông tin trên Trang thông tin điện tử của huyện, xã và các hình thức công khai thông tin khác để người dân có thể truy cập.
Các đại biểu tham gia ý kiến tại Hội thảo
Đề nghị UBND tỉnh giao cho Sở Tư pháp có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc và tổng hợp báo cáo kết quả thực thi Luật tiếp cận thông tin trên địa bàn tỉnh về Bộ Tư pháp và UBND tỉnh theo nội dung yêu cầu của Công văn số 939/BTP-PLHSHC ngày 22/3/2018 của Bộ Tư pháp và Kế hoạch số 277/KH-UBND ngày 09/9/2016 của UBND tỉnh về triển khai thi hành Luật Tiếp cận thông tin.
Cao Hồng Kỳ, Chủ tịch Liên hiệp Hội Hà Giang