Ngày 19/10/2021, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (Liên hiệp Hội) Hà Giang đã tổ chức Hội thảo tư vấn phản biện (VPB), góp ý đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê. Tham dự Hội thảo có Lãnh đạo đại diện các Sở, ban ngành của tỉnh, các Hội thành viên Liên hiệp Hội Hà Giang và các chuyên gia tư vấn, phản biện ở tỉnh.
Toàn cảnh Hội thảo tư vấn, phản biện
Tại Hội thảo các đại biểu có ý kiến: Sau nhiều lần lấy ý kiến, tiếp thu và chỉnh sửa, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê đã được Ban soạn thảo Trung ương chuẩn bị đầy đủ, công phu. Các đại biểu đều cơ bản nhất trí với nội dung của dự thảo Luật. Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê đã tập trung sửa đổi những nội dung cần thiết, quan trọng và thực hiện được ngay, bảo đảm kịp thời cung cấp thông tin sát thực với tình hình phát triển của đất nước. Về nội dung sửa đổi, bổ sung các Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia không ảnh hưởng, tác động đến các nội dung trong các điều, khoản khác của Luật Thống kê hiện hành (Luật thống kê số 89/2015/QH13). Việc sửa đổi, bổ sung sẽ tạo cơ sở pháp lý để thực hiện kịp thời cho việc thu thập, tổng hợp và bảo đảm số liệu thống kê phản ánh khách quan, chính xác, kịp thời, đầy đủ, thống nhất, phục vụ trong việc hoạch định đường lối, chính sách và điều hành phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế của Đảng và Chính phủ.
Nhằm giúp cho Ban soạn thảo Luật Trung ương tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật đảm bảo tính thống nhất, phù hợp với thực tiễn cũng như đảm bảo Luật có tính khả thi cao trong triển khai thực hiện, Hội thảo kiến nghị:
Một là: Để đảm bảo thông tin thống kê của chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh là phân tổ của chỉ tiêu thống kê quốc gia phải thống nhất với cơ quan thống kê Trung ương trước khi công bố và cơ quan thống kê cấp tỉnh chịu trách nhiệm công bố hệ thống chỉ tiêu thống kê của cấp tỉnh, cấp huyện và xã. Đề nghị Ban soạn thảo bổ sung thêm vào khoản 2 Điều 1 của dự thảo Luật quy định nhiệm vụ đối với cơ quan Thống kê Trung ương phải bảo đảm chất lượng, độ tin cậy, chính xác của thông tin thống kê, thẩm tra xử lý các sự khác biệt để thống nhất về số liệu của cùng một chỉ tiêu thống kê, điều chỉnh cách tính, đánh giá lại một số chỉ tiêu thống kê, nâng cao chất lượng công tác thống kê của cán bộ ngành, địa phương theo nhiệm vụ được phân công; vai trò của cơ quan Thống kê Trung ương trong việc thẩm định số liệu thống kê của các bộ, ngành; địa phương được tiếp cận, chia sẻ, phổ biến kết quả điều tra thống kê sau khi đã được công bố; Quy định lịch trình, thời điểm cung cấp thông tin sơ cấp để bổ sung cơ sở dữ liệu thống kê các cấp và của quốc gia; quy định thời điểm công bố số liệu thống kê ước tính, số liệu thống kê sơ bộ và số liệu thống kê chính thức để phục vụ công tác đánh giá thực trạng, xây dựng kế hoạch và điều hành các hoạt động kinh tế - xã hội.
Hai là: Đề nghị Ban soạn thảo Trung ương tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung làm rõ nghĩa một số chỉ tiêu thống kê trong hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê, cụ thể:
- Trong Nhóm 01: Chỉ tiêu Đất đai, dân số có chỉ tiêu số 14 (0114. Tỷ lệ đô thị hóa) là chỉ tiêu mới được bổ sung trong dự thảo Luật. Chỉ tiêu này không rõ nghĩa: có thể là “Tỷ lệ đất đai được đô thị hóa”, hay “Tỷ lệ dân cư được đô thị hóa”, hay “Tỷ lệ đô thị hóa của đô thị”- tiêu chí này được quy định tại Thông tư số 34/2009/TT-BXD ngày 30/9/2009 của Bộ Xây dựng quy định chi tiết một số nội dung của Nghị định số 42/2009-NĐ-CP ngày 07/5/2009 của Chính phủ về việc phân loại đô thị? Đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ chỉ tiêu này.
- Nhóm 18: Mức sống dân cư, có 02 chỉ tiêu: (1) Chỉ tiêu số 194 (1802. Tỷ lệ nghèo đa chiều) và (2) Chỉ tiêu số 195 (1803. Tỷ lệ trẻ em nghèo đa chiều). Trong thực tế người dân Việt Nam sống theo gia đình. Các thành viên trong gia đình cùng chung nguồn thu nhập và cùng chi tiêu. Vậy “Tỷ lệ nghèo đa chiều” là tỷ lệ số hộ hay số nhân khẩu trong các hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều? Đặc biệt là chỉ tiêu “Tỷ lệ trẻ em nghèo đa chiều” càng không có ý nghĩa. Vì thực tế các trẻ em từ 1 tuổi đến 18 tuổi đều được xác định là thành phần ăn theo người lớn trong hộ gia đình. Trẻ em không có nguồn thu nhập riêng và cũng không chủ động mua sắm chi tiêu riêng? Vậy xác định thế nào là “Trẻ em nghèo đa chiều”? Đề nghị Ban soạn thảo làm rõ chỉ tiêu này hoặc bỏ chỉ tiêu này.
- Nhóm 19, chỉ tiêu số 207 (1907. Số vụ, số bị cáo đã xét xử sơ thẩm) đề nghị chỉnh sửa lại thành: (1907. Số vụ án, số bị cáo đã xét xử sơ thẩm) để thống nhất với các chỉ tiêu khác trong dự thảo Luật.
Ba là: Đề nghị Ban soạn thảo xem xét, bổ sung thêm chỉ tiêu “Tiêm chủng vắc - xin cho Nhân dân” vào Nhóm 16. Y tế và chăm sóc sức khỏe. Bởi vì theo Nghị quyết số 16/2021/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 đã giao nhiệm vụ cho Chính phủ “Tổ chức Chương trình tiêm chủng vắc – xin cho Nhân dân, phấn đấu đạt miễn dịch cộng đồng vào cuối năm 2021, đầu năm 2022”.
Bốn là: Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung thêm 1 Nhóm chỉ tiêu liên quan đến Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 như: (1) Tỷ lệ hộ nông dân người dân tộc thiểu số làm kinh tế nông - lâm nghiệp hàng hóa; (2) Tỷ lệ lao động người dân tộc thiểu số chuyển sang làm các ngành nghề công nghiệp, dịch vụ, du lịch. Vì đây là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước trong một giai đoạn dài (đến năm 2030) nhằm thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi so với bình quân chung của cả nước.
Tất cả ý kiến đóng góp của đại biểu được Liên hiệp Hội Hà Giang tổng hợp báo cáo, kiến nghị thông qua Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang.
Cao Hồng Kỳ, Chủ tịch Liên hiệp Hội Hà Giang