Chia sẻ kinh nghiệm về thành công của hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội ở Hà Giang, một số kiến nghị đề xuất

 Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Giang (Liên hiệp hội Hà Giang) mới được thành lập và đi vào hoạt động. Năm 2014 - 2015, Liên hiệp hội Hà Giang đã thực hiện tốt chức năng tư vấn, phản biện và giám định xã hội đối với các chương trình, đề án, dự án trọng tâm, trọng điểm của tỉnh. Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp hội Hà Giang đã được Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh đánh giá cao; đã được các sở, ban ngành của tỉnh coi trọng. Theo đánh giá của Liên hiệp hội Việt Nam thì Hà Giang là một trong những tỉnh có hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội mạnh nhất và mang lại hiệu quả cho xã hội. Sau ba năm đi vào hoạt động, Liên hiệp hội Hà Giang chia sẻ một số kinh nghiệm thành công nhất về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội, khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện, bài học kinh nghiệm và một số đề xuất, kiến nghị với Trung ương, với tỉnh.  

1. Thành công của hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp hội Hà Giang trong những năm qua   

Liên hiệp hội Hà Giang mới được thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 4/2012. Ngay từ khi mới được thành lập, Liên hiệp hội Hà Giang đã xác định hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Liên hiệp hội. Để thực hiện được nhiệm vụ này, vấn đề đầu tiên là cần phải xây dựng được quy định cụ thể về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội trên địa bàn tỉnh làm cơ sở đề tổ chức, triển khai thực hiện.

Căn cứ Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; căn cứ các văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp hội Việt Nam; văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính về cơ chế thực hiện tài chính cho hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp hội; trên cơ sở vận dụng cụ thể vào điều kiện thực tế của tỉnh Hà Giang theo hướng quy định rõ những đối tượng bắt buộc cần phải có tư vấn, phản biện và giám định xã hội Liên hiệp hội Hà Giang đã tham mưu trình UBND tỉnh ban hành Quyết định số 11/QĐ-UBND ngày 02/01/2013 quy định về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp hội Hà Giang để làm cơ sở tổ chức triển khai thực hiện.

Kết quả từ năm 2013 đến tháng 10/2015, Liên hiệp hội Hà Giang đã thực hiện tư vấn, phản biện thành công đối với 11 đề án, dự án trọng tâm, trọng điểm của tỉnh, trong đó: phối hợp tư vấn, phản biện 06 đề tài, dự án; tổ chức phản biện độc lập đối với 05 đề án, dự án do UBND tỉnh giao nhiệm vụ.

Hiệu quả của công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội: Dựa trên các luận cứ khoa học và cơ sở thực tiễn khách quan, Hội đồng phản biện của Liên hiệp hội đã chỉ ra những ưu điểm, hạn chế của bản báo cáo đề án, dự án; phát hiện ra những sai sót chưa đảm bảo tính lô gic, khoa học, thực tiễn, khả thi của bản đề án, dự án. Hội đồng tư vấn, phản biện đã giúp cho cơ quan chủ đầu tư và đơn vị tư vấn tiếp thu, chỉnh sửa, bổ sung hoàn thiện bản báo cáo, đề án, dự án được đầy đủ, đảm bảo chất lượng, khoa học, có tính khả thi và hiệu quả. Những nội dung tư vấn, phản biện và giám định xã hội và ý kiến đề xuất, kiến nghị của Hội đồng tư vấn phản biện đã kịp thời cung cấp thông tin về cơ sở luận cứ khoa học độc lập, khách quan, giúp cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh có góc nhìn tổng quan, để xem xét trước khi quyết định phê duyệt đề án, dự án.

Thành công của hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội trong những năm qua đã khẳng định công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp hội Hà Giang đã được nâng lên cả về mặt chất và lượng, đã mang lại hiệu quả thiết thực cho tỉnh; tác động tích cực tới nhận thức của các cấp, các ngành trong tỉnh về vị trí, vai trò của công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp hội. Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp hội Hà Giang đã thực sự góp phần tạo điều kiện cho Liên hiệp hội Hà Giang làm tốt công tác tập hợp, đoàn kết đội ngũ trí thức trong và ngoài tỉnh mà trực tiếp là những nhà khoa học, những chuyên gia tư vấn, phản biện có tâm huyết với nghề nghiệp, khoa học kỹ thuật, tích cực tham gia đóng góp trí tuệ cho sự nghiệp xây dựng, phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo của tỉnh Hà Giang; từ đó góp phần nâng cao vai trò và uy tín của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam nói chung và Liên hiệp hội các địa phương nói riêng.

Chia sẻ kinh nghiệm về thành công của hoạt động tư vấn,  phản biện và giám định xã hội ở Hà Giang, một số kiến nghị đề xuất

PGS. TS. Phạm Bích San lên lớp tại Hội nghị tập huấn nâng cao

kỹ năng về TV, PB&GĐXH cho LHH các tỉnh phía Bắc, tháng 11/2015

2. Quy trình, thủ tục để thực hiện một nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội

Để tổ chức thực hiện thành công một nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội đối với một chương trình, đề án, dự án, trước hết cần phải làm tốt công tác chuẩn bị. Hiện nay chưa có tài liệu hướng dẫn về quy trình, thủ tục để thực hiện một nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội cụ thể. Quá trình tổ chức thực hiện tại địa phương, Liên hiệp hội Hà Giang rút ra trình tự thực hiện đối với một nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội cụ thể như sau:

- Trước hết, cần lập danh mục các chương trình, đề án, dự án cần phải thực hiện tư vấn, phản biện và giám định xã hội trình UBND tỉnh phê duyệt, làm cơ sở tổ chức thực hiện:

Căn cứ quy chế thực hiện tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp hội đã được phê duyệt; hàng năm, Liên hiệp hội Hà Giang chủ động phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư lập danh mục các chương trình, đề án, dự án trọng tâm, trọng điểm của tỉnh cần phải thực hiện tư vấn, phản biện kèm theo dự toán kinh phí, trình UBND tỉnh phê duyệt giao nhiệm vụ cho Liên hiệp hội để làm cơ sở tổ chức thực hiện.

- Tiếp theo là thành lập Hội đồng tư vấn, phản biện đề án, dự án:

Căn cứ chương trình, đề án, dự án cụ thể; dựa trên cơ sở dữ liệu về chuyên gia tư vấn, phản biện, bao gồm các chuyên gia ở trung ương và chuyên gia địa phương theo từng lĩnh vực chuyên môn; căn cứ chất lượng chuyên gia, cơ quan thường trực Liên hiệp hội trình cấp thẩm quyền thành lập Hội đồng tư vấn phản biện, trong đó Thường trực Liên hiệp hội là Chủ tịch Hội đồng phản biện.

- Tiếp đến là xây dựng kế hoạch phản biện và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên phản biện:

Thư ký Hội đồng phản biện xây dựng kế hoạch phản biện chi tiết; Chủ tịch Hội đồng phản biện phân công nhiệm vụ cho các chuyên gia, thành viên Hội đồng phản biện theo từng lĩnh vực chuyên môn cụ thể; đặc biệt là chuyên gia phản biện 1 và chuyên gia phản biện 2 phải là những chuyên gia có uy tín. Trong kế hoạch phân công nhiệm vụ cho chuyên gia tư vấn, phản biện cần phải nêu rõ yêu cầu về chất lượng phản biện và thời hạn gửi báo cáo phản biện.

- Tiếp theo là tổ chức hội nghị phản biện đối với đề án, dự án:

Tổ chức hội nghị phản biện (mở rộng) để lấy ý kiến nhận xét, đánh giá phản biện của các chuyên gia tư vấn, phản biện và ý kiến tham gia của các sở, ban ngành của tỉnh liên quan; cơ quan chủ trì, đơn vị tư vấn xây dựng đề án, dự án trình bày quan điểm, nội dung giải trình và tiếp thu ý kiến tư vấn, phản biện của Hội đồng phản biện. Chủ tịch Hội đồng phản biện tổng hợp các ý kiến và kết luận những nội dung tư vấn phản biện đối với chương trình, đề án, dự án.

- Tiếp đến là tổng hợp báo cáo kết quả tư vấn, phản biện gửi cơ quan có thẩm quyền và các cơ quan liên quan:

Cơ quan thường trực Hội đồng phản biện hoàn thành báo cáo tổng hợp kết quả tư vấn, phản biện. Nội dung báo cáo nêu rõ những mặt được, những vấn đề chưa được, những nội dung cần phải chỉnh sửa, bổ sung, những kiến nghị, đề xuất để báo cáo cơ quan có thẩm quyền và gửi cơ quan chủ trì, đơn vị tư vấn để chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện bản đề án, dự án đảm bảo tính đầy đủ, khoa học và khả thi.  

- Cuối cùng là công tác theo dõi, giám sát việc tiếp thu, chỉnh sửa của cơ quan chủ trì, đơn vị tư vấn xây dựng đề án, dự án:

Tiếp theo là công tác theo dõi, giám sát việc tiếp thu chỉnh sửa, hoàn thiện bản báo cáo, chương trình, đề án, dự án của cơ quan chủ trì và và đơn vị tư vấn xây dựng báo cáo, chương trình, đề án, dự án.

Chia sẻ kinh nghiệm về thành công của hoạt động tư vấn,  phản biện và giám định xã hội ở Hà Giang, một số kiến nghị đề xuất

Đ/c Cao Hồng Kỳ, Chủ tịch LHH Hà Giang chia sẻ kinh nghiệm tại Hội nghị tập huấn

3. Những khó khăn trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội

Quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội ở Hà Giang thường gặp một số khó khăn, đó là:

- Nhận thức về vai trò của công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội của các cấp, ngành, doanh nghiệp còn hạn chế; ý thức chấp hành quy chế tư vấn, phản biện và giám định xã hội của một số sở, ngành, đơn vị chưa cao:

Một số cấp, ngành trong tỉnh chưa nhận thức đầy đủ vị trí, vai trò của công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp hội; Cơ quan chủ trì xây dựng dự án, đặc biệt là các doanh nghiệp (chủ đầu tư thực hiện dự án) không tự giác chấp hành thực hiện quy định của Tỉnh về thực hiện tư vấn, phản biện đối với các chương trình, đề án, dự án trọng tâm, trọng điểm trước khi thông qua và trình cấp thẩm quyền phê duyệt; thậm chí có đơn vị không phối hợp mà còn trốn tránh nhiệm vụ thực hiện tư vấn phản biện. Các sở, ngành, UBND các huyện, thị, doanh nghiệp cũng chưa tự giác đặt vấn đề tư vấn, phản biện và giám định xã hội với Liên hiệp hội mà do Liên hiệp hội chủ động thực hiện tư vấn, phản biện và giám định xã hội theo cơ chế đề xuất và được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh giao nhiệm vụ.

- Do có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp hội thường gặp một số khó khăn:

+ Cơ quan chủ đầu tư cung cấp không đầy đủ, kịp thời hồ sơ, tài liệu cho cơ quan phản biện; việc thực hiện tư vấn phản biện nhiều khi bị động và bị thúc ép về thời gian bởi cách làm kiểu cũ của một số cơ quan hành chính nhà nước.

+ Năng lực của cơ quan tư vấn, phản biện còn thiếu và yếu: Nhân lực và trình độ chuyên môn của cán bộ Liên hiệp hội địa phương còn hạn chế; đội ngũ chuyên gia tư vấn, phản biện ở địa phương còn hạn chế về chuyên môn; một số cấp hội ngành và hội thành viên của Liên hiệp hội địa phương chưa quan tâm nhiều đến nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp hội mà hoạt động theo kiểu hành chính hóa.

- Cơ chế, chính sách thực hiện tư vấn, phản biện và giám định xã hội còn nhiều vấn đề bất cập:  

Định mức kinh phí chi cho công tác tư vấn, phản biện áp dụng theo Thông tư 11/2015/TT-BTC ngày 29/01/2015 của Bộ Tài chính còn quá thấp so với định mức chi cho Hội thảo khoa học quy định tại Thông tư Liên bộ Tài chính, Khoa học và Công nghệ số 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN ngày 22/4/2015 đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng của hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp hội địa phương. Ví dụ cụ thể: Thù lao cho chủ trì hội nghị tư vấn phản biện là 200.000đ (trong khi đó, thù lao cho người chủ trì Hội nghị khoa học theo Thông tư số 55 là 1.500.000đ); thù lao cho thư ký hội nghị phản biện là 100.000đ (theo Thông tư số 55 là 500.000đ); thù lao cho báo cáo tham luận hội nghị phản biện là 500.000đ (theo Thông tư số 55 là từ 1.000.000đ - 2.000.000đ); kinh phí chi cho đại biểu mời hội nghị phản biện là 100.000đ (theo Thông tư số 55 là 200.000đ).

4. Bài học kinh nghiệm được rút ra từ hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội

Quá trình thực hiện nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội ở địa phương, Liên hiệp hội Hà Giang rút ra một số bài học kinh nghiệm cho công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội  như sau:

- Trước hết, Liên hiệp hội cần chủ động đề xuất tư vấn, phản biện đối với các chương trình, đề án, dự án của tỉnh phải trúng và đúng: Theo kinh nghiệm thì chỉ nên đề xuất tư vấn, phản biện đối với các chương trình, đề án, dự án trọng tâm, trọng điểm triển khai trên địa bàn tỉnh, mà không phải đề án, dự án nào cũng thực hiện tư vấn, phản biện; mặt khác, việc đề xuất thực hiện tư vấn, phản biện phải kịp thời, đúng thời điểm mà Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đang cần giúp tư vấn, phản biện.

- Báo cáo tư vấn, phản biện phải chính xác, kịp thời: Việc hoàn thành báo cáo phản biện phải kịp thời, phải hoàn thành trước thời điểm cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định phê duyệt.

- Bất kỳ chương trình, đề án, dự án nào đã phản biện là phải thành công, để giữ vững uy tín và nâng cao vai trò, vị thế của Liên hiệp hội Việt Nam.

Chia sẻ kinh nghiệm về thành công của hoạt động tư vấn,  phản biện và giám định xã hội ở Hà Giang, một số kiến nghị đề xuất 

TS. Trần Việt Hùng, nguyên PCT Liên hiệp hội Việt Nam trình bày tại Hội nghị tập huấn

5. Một số kiến nghị, đề xuất với trung ương và với Tỉnh

Để tiếp tục phát huy hiệu quả của công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội, Liên hiệp hội Hà Giang có một số kiến nghị, đề xuất với Trung ương và với Tỉnh như sau:

- Đề nghị Liên hiệp hội Việt Nam hàng năm cần tổ chức các hội nghị tập huấn, hướng dẫn để các địa phương có điều kiện được tiếp thu, nắm bắt, cập nhật kịp thời những thông tin mới nhất và trao đổi và chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm hay về công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội giữa các địa phương với nhau nhằm không ngừng nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ về tư vấn, phản biện và giám định xã hội cho các Liên hiệp hội địa phương.

- Kiến nghị Bộ Tài chính cần sớm xem xét chỉnh sửa nâng mức hỗ trợ kinh phí cho tổ chức Hội nghị tư vấn, phản biện quy định tại Thông tư số 11/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính cho ngang bằng với mức hỗ trợ kinh phí chi cho Hội thảo khoa học quy định tại Thông tư 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN của Liên bộ Tài chính và Khoa học và Công nghệ.  

Chia sẻ kinh nghiệm về thành công của hoạt động tư vấn,  phản biện và giám định xã hội ở Hà Giang, một số kiến nghị đề xuất

Các học viên đều được nhận Chứng chỉ tập huấn nâng cao kỹ văng

về TV, PB&GĐXH của Liên hiệp hội Việt Nam

- Hiện nay các cấp, ngành chưa quan tâm, nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò của công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội; nhiều đơn vị cố tình né tránh công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp hội. Đề nghị UBND Tỉnh quán triệt đưa nội dung tư vấn, phản biện và giám định xã hội thành quy định bắt buộc đối với các chương trình, đề án, dự án trọng tâm, trọng điểm của tỉnh nhằm nâng cao chất lượng, tính khả thi và đảm bảo tính hiệu quả của các chương trình, đề án, dự án được triển khai, thực hiện trên địa bàn Tỉnh.

 

Cao Hồng Kỳ, Chủ tịch Liên hiệp hội Hà Giang

Submit Thread to Facebook Submit Thread to Twitter Submit Thread to Google
icon Các tin tức khác
icon Hà Giang: Góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung của 4 luật
icon Hà Giang: Đưa ra 5 giải pháp phát triển nông nghiệp
icon Hà Giang: Góp ý dự thảo Luật Hoá chất (sửa đổi)
icon Hội thảo tư vấn, phản biện, tham gia ý kiến đối với Dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn
icon Góp ý dự án Luật Công chứng (sửa đổi) và Luật Địa chất khoáng sản
icon Liên hiệp Hội Hà Giang góp ý dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn
icon Hà Giang: Góp ý dự thảo Luật Địa chất khoáng sản và Luật Công chứng (sửa đổi)
icon Hà Giang: Góp ý dự thảo Luật Đất đai và Luật Viễn thông (sửa đổi)
icon Kế hoạch tổ chức Hội thảo chia sẻ, cung cấp thông thông tin về phí BVMT trong lĩnh vực khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Hà Giang
icon Thực trạng công tác tư vấn phản biện (TVPB) của Liên hiệp Hội Hà Giang và một số giải pháp nâng cao chất lượng TVPB trong thời gian tới
Liên hiệp Hội Việt Nam
Quỹ hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam
bộ khoa học và công nghệ
Sở Khoa học và Công nghệ
Thiết kế website