Hàng loạt cây trên đường Nguyễn Chí Thanh bị chặt hạ
Trong buổi họp báo chiều ngày 20/3/2015, Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng đã thông báo việc ngừng chặt phá cây xanh nhưng lại né tránh tất cả các câu hỏi liên quan đến việc quy trách nhiệm. Lúc này, các cơ quan báo chí mới lôi ra thông tin là chính quyền thành phố chịu “sức ép” từ các nhà tài trợ nên phải khẩn trương làm. Qua sự khẩn trương và mạnh mẽ lần này, người dân cứ thầm ước ao: Giá mà từ trước đến nay, “các anh ấy” cũng chịu khó thế này thì bộ mặt đô thị Hà Nội đâu có đến nỗi “nguệch ngoạc” như bây giờ.
Người ta không thể không đặt dấu hỏi là tại sao họ lại thảm sát cây "thần tốc" đến như vậy. Và trong vụ thay cây này, ai sẽ là người … bán được lắm cây nhất?
Cây xanh, nếu là cây trong vườn nhà anh, thì chặt hạ thế nào là tùy. Nhưng cây trong ngoài đường, bằng tiền thuế của dân từ bao đời nay, là bóng mát, là giữ môi trường, là tạo cảnh quan… thì muốn làm gì cũng phải suy nghĩ, nghiên cứu cho thấu đáo.
Có rất nhiều khuất tất trong vụ việc chặt hạ cây xanh này. Chúng ta hoan nghênh tinh thần thẳng thắn của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, và rất mong Chủ tịch thành phố làm rõ trách nhiệm của những tập thể, cá nhân trong vụ " thảm sát" cây xanh này.
Điều người dân muốn được biết một cách minh bạch là: Ai là người ký duyệt cho vụ thảm sát cây xanh này? Trước đó, đã có nghiên cứu khoa học nào về việc thay cây xanh này chưa? Một việc lớn đến như vậy mà tới Chủ tịch UBND thành phố còn không biết, vậy phải có vấn đề gì chăng? Số tiền phải bỏ ra thay cây xanh này là bao nhiêu? Và số cây này được mua từ đâu? Và cuối cùng là số gỗ của 6.700 cây (nếu được chặt sạch theo đúng kế hoạch) thì sẽ sử dụng thế nào? Bán cho ai? Trước những hậu quả đã trông thấy, phải nói đây là một cuộc "phá hoại tài sản, phá hoại môi trường có tổ chức".
2. Hà Nội dừng chặt hạ cây xanh đường phố
Trước sự không đồng tình dữ dội của mọi người dân Hà Nội và các Nhà trí thức khoa học ở Hà Nội. Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Nguyễn Thế Thảo đã yêu cầu dừng việc chặt hạ thay thế cây xanh trên một số tuyến phố để rà soát, phân loại, đưa ra các tiêu chí cụ thể.
Nhiều người dân đã đứng ở Trung tâm Hà Nội để bày tỏ sự không đồng tình
việc chặt hạ hàng loạt cây xanh trên đường phố Hà Nội
Quyết định trên được Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Nguyễn Thế Thảo đưa ra tại cuộc họp với các đơn vị liên quan sáng ngày 20/3/2015. Theo đó, sau khi kiểm tra tình hình, lắng nghe ý kiến công luận, UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu Sở Xây dựng, UBND các quận, các đơn vị dừng việc thay thế hàng loạt cây xanh trên đường phố hiện nay. Những cây đã hạ chuyển thì phải thay cây mới đảm bảo mật độ theo quy hoạch, hoàn thiện hè đường, đảm bảo giao thông đô thị; tổ chức chăm sóc, quản lý theo phân cấp, quy định.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Nguyễn Thế Thảo đã yêu cầu Sở Xây dựng phải rà soát, phân loại lại tiêu chí cây, xác định đúng đối tượng cây phải bổ sung, thay thế; lập kế hoạch, lộ trình thực hiện theo phương châm từng bước; đảm bảo duy trì mật độ cây xanh thường xuyên, liên tục cho từng tuyến phố phải thay cây; tiếp tục kêu gọi nhà tài trợ đầu tư và triển khai tổ chức thực hiện đề án "Chỉ hạ chuyển những cây phải giải phóng mặt bằng xây dựng hạ tầng theo quy hoạch, thay thế những cây mục ruỗng có nguy cơ đổ gãy, cây nghiêng ảnh hưởng đến an toàn giao thông, tính mạng, tài sản của nhân dân. Với những cây cong nghiêng ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị và cây không đúng chủng loại đô thị thì thực hiện chỉnh trang thay thế từng bước. Chỉ thay thế những cây không thể chỉnh trang và duy trì được".
Người đứng đầu thành phố cho hay, phải tạo sự đồng thuận của xã hội thông qua việc tiếp thu ý kiến, đóng góp của nhân dân, tham khảo ý kiến đóng góp của các nhà khoa học chuyên ngành để tạo sự đồng thuận trước khi thực hiện. Việc bảo tồn, cải tạo, bổ sung, thay thế cây xanh trên địa bàn Thủ đô là việc làm cần thiết liên quan không chỉ đến quản lý phát triển đô thị mà còn là tâm tư tình cảm của nhân dân Thủ đô.
Thành phố Hà Nội đã dừng việc thay thế cây xanh để rà soát lại
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng hoan nghênh báo chí đã phản ánh kịp thời ý kiến dư luận của quần chúng nhân dân. Thành phố bày tỏ mong muốn luôn nhận được những đóng góp xây dựng trong thời gian tới, tất cả vì mục tiêu phát triển Thủ đô ngày càng xanh - sạch - đẹp - hiện đại.
Trước đó, Sở Xây dựng Hà Nội công bố đề án cải tạo, thay thế cây xanh đô thị và đưa ra đề xuất chặt hạ khoảng 6.700 cây. Kế hoạch này vấp phải làn sóng phản đối của người dân thủ đô. Phản đối vấn đề này, Người dân đã dán khẩu hiệu "đừng chặt tôi" lên thân cây và đã lập trang website "6.700 người vì 6.700 cây xanh" trong vài ngày thu hút được gần 35.000 "người like". Nhà báo, Tiến sĩ Trần Đăng Tuấn, GS. Ngô Bảo Châu cũng đã gửi thư ngỏ đến lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội và đã đặt ra nhiều câu hỏi với Nhà chức trách, trong đó thắc mắc "tại sao từ trước đến nay Công ty Công viên cây xanh vẫn duy tu, bảo trì mà không cần chiến dịch chặt cây?".
3. Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội trả lời thư của Nhà báo, TS. Trần Đăng Tuấn về việc chặt hạ cây xanh ở Hà Nội
Liên quan đến việc chặt hạ, thay thế cây xanh ở Hà Nội trong những ngày qua, ngày 19/3/2015, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Nguyễn Thế Thảo đã có thư trả lời Nhà báo, TS. Trần Đăng Tuấn, Phó Chủ tịch Hội truyền thông số Việt Nam, nguyên Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam.
Trước đó, ngày 17/3/2015, Nhà báo, TS. Trần Đăng Tuấn với tư cách là một công dân của Hà Nội đã gửi thư đến Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Nguyễn Thế Thảo về vấn đề chặt hạ, thay thế cây xanh ở một số tuyến phố Hà Nội.
Trong thư, Nhà báo, TS. Trần Đăng Tuấn kiến nghị UBND thành phố Hà Nội nên tạm dừng việc chặt hạ cây xanh để người dân tự kiểm tra 6.700 cây trên 190 tuyến phố đã được xác định thuộc diện cần loại bỏ, thay thế. Nếu đúng thì người dân sẽ không có lý do gì không ủng hộ chủ trương của Nhà nước.
Đồng thời, Nhà báo, TS. Trần Đăng Tuấn cũng cho rằng, UBND thành phố Hà Nội cần công khai minh bạch thông tin về việc chặt hạ, thay thế cây xanh để người dân, các nhà khoa học đưa ra ý kiến giữ lại cây gì, chặt những cây gì, phương thức thực hiện đồng loạt hay dần dần, nguồn kinh phí bán, thay thế như thế nào.
Trả lời thư của Nhà báo, TS. Trần Đăng Tuấn, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo viết: “Tôi đã đọc bức thư ngỏ của ông gửi Chủ tịch UBND thành phố đăng trên một số tờ báo và trang mạng cá nhân, nêu kiến nghị về việc hạ chặt, thay thế một số cây xanh trên tuyến phố Hà Nội.
Ngay sau khi nhận được thông tin trên báo chí phản ánh, tôi đã yêu cầu Giám đốc Sở Xây dựng rà soát việc cải tạo, thay thế một số cây xanh trên địa bàn thành phố Hà Nội đảm bảo theo đúng quy hoạch và yêu cầu quản lý, phát triển đô thị; khi thực hiện phải phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương, các cơ quan báo chí, thông tin công khai, đầy đủ, tạo đồng thuận của nhân dân. Đồng thời tôi cũng yêu cầu người phát ngôn của UBND thành phố Hà Nội thông tin trên các báo, đài về việc cải tạo, thay thế một số cây xanh trên địa bàn thành phố Hà Nội.
PCT UBND thành phố Hà Nội chủ trì buổi họp báo về vụ chặt cây xanh đô thị
Với trách nhiệm của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, tôi luôn lắng nghe và tiếp thu những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, nhân sĩ, trí thức và mọi người dân, từ đó chỉ đạo, điều hành vì mục tiêu chung xây dựng và phát triển thủ đô...”.
Cao Hồng Kỳ, PCT thường trực Liên hiệp hội Hà Giang (Biên tập từ trang thông tin điện tử VNExpress, PetroTimes và Tuổi trẻ Online ngày 20/3/2015).