Khó khăn vướng mắc trong hoạt động tư vấn phản biện

 

Khó khăn vướng mắc trong hoạt động tư vấn phản biện và giải pháp

nâng cao hiệu quả của hoạt động tư vấn phản biện và giám định xã hội

-----------------------------------


KHÓ KHĂN VƯỚNG MẮC TRONG HOẠT ĐỘNG TƯ VẤN PHẢN BIỆN

1. kết quả của hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội (TVPB&GĐXH) của hệ thống Liên hiệp hội trong những năm qua

Đảng và Nhà nước ta đã sớm quan tâm đến vai trò của tư vấn, phản biện và giám định xã hội. Tại Chỉ thị 35-CT/TW (1988), Ban Bí thư Trung ương Đảng đã giao cho Liên hiệp hội Việt Nam nhiệm vụ “Tư vấn về chính sách khoa học - kỹ thuật và kinh tế - xã hội cho Đảng và Nhà nước". Tiếp theo là Chỉ thị 45-CT/TW (1998) và Thông báo 145-TB/TW (2004), Đảng đã tin cậy và giao cho Liên hiệp hội Việt Nam “Tổ chức phối hợp tốt hơn nữa lực lượng trí thức khoa học và công nghệ để tư vấn, phản biện và giám định xã hội đối với những dự án lớn, có tính liên ngành, liên vùng”.

Các chủ trương của Đảng về tư vấn, phản biện và giám định xã hội đã được thể chế hóa thành chính sách cụ thể của Nhà nước như: Chỉ thị 14/2000/CT-TTg chỉ rõ: “Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu, soạn thảo và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành những quy định cụ thể nhằm tạo điều kiện cho Liên hiệp hội Việt Nam và các hội thành viên thực hiện chức năng TVPB&GĐXH các chủ trương chính sách, các chương trình, dự án khoa học - công nghệ, môi trường và phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước do các Bộ, ngành, địa phương xây dựng và thực hiện”. Tại Quyết định số 22/2002/QĐ-TTg ngày 30/01/2002 của Thủ tướng Chính phủ và Hướng dẫn số 733/LHH ngày 06/9/2012 của Liên hiệp hội Việt Nam về thực hiện nhiệm vụ TVPB&GĐXH của Liên hiệp hội chỉ rõ: Hoạt động TVPB& GĐXH của Liên hiệp hội có ý nghĩa quan trọng, nó giúp cung cấp cho các ngành, các cấp, các địa phương có thêm các cơ sở, luận cứ khoa học độc lập, khách quan trong việc đề xuất, xây dựng, thẩm định, phê duyệt hoặc thực hiện các đề án, các chính sách về phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng. Hoạt động TVPB nó bổ sung thêm các luận cứ khoa học, cơ sở thực tiễn một cách chân thực, khách quan, tạo ra sự đồng thuận xã hội lớn giữa các nhà quản lý và người thực hiện, từ đó đảm bảo tính khả thi cao, ứng dụng được công nghệ mới, kĩ thuật tiến bộ, tiết kiệm và hiệu quả. Theo PGS.TS. Phạm Sĩ Liêm, Tổng hội xây dựng: TVPB là làm cho dự án đã tốt rồi có thể tốt hơn, hoặc các dự án không phù hợp có thể thay đổi. Mục đích để cho công việc định làm có nên hay không hoặc như thế nào tốt nhất. Khi có phản biện, buộc người đưa ra vấn đề phải suy nghĩ kỹ hơn, tránh được các sai sót, thậm chí hủy bỏ một dự án kém cỏi, mang lại nhiều lợi ích cho đất nước.

Với sự nhiệt tình hăng say, ý thức trách nhiệm, tinh thần khách quan khoa học, hoạt động TVPB&GĐXH của Liên hiệp hội Việt Nam phản ảnh trung thực, khách quan ý kiến của đội ngũ trí thức đóng góp vào việc xây dựng chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật và thực hiện có hiệu quả các dự án quan trọng về kinh tế - xã hội của đất nước. Hoạt động này là kênh quan trọng, đáng tin cậy giúp các cơ quan Đảng và Nhà nước có được những thông tin phản ánh trung thực ý kiến của quần chúng nhân dân, dư luận xã hội. Liên hiệp Hội Việt Nam và các hội thành viên từ trung ương đến địa phương là tổ chức tư vấn đáng tin cậy của lãnh đạo Đảng và chính quyền các cấp. Một số hoạt động nổi bật như: Tư vấn, phản biện Dự án thuỷ điện Sơn La; tư vấn phản biện dự án đường Hồ Chí Minh đoạn qua Vườn quốc gia Cúc Phương; đánh giá hiệu quả khu công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh; đánh giá chương trình đào tạo nghề 1 tỷ USD của Thủ tướng Chính phủ; góp ý dự án “Quy hoạch hai bờ sông Hồng đoạn qua Hà Nội”; phản biện chương trình xây dựng nhà máy điện hạt nhân; đánh giá hiệu quả chương trình khai thác bauxit tại Tây nguyên; phản biện Luật thủ đô; phản biện Dự án khu du lịch Tam Đảo 2 tại vùng lõi Vườn quốc gia Tam Đảo; tư vấn góp ý dự án “đường sắt cao tốc Bắc - Nam”; tư vấn góp ý  đề án “Quy hoạch thủ đô đến năm 2030 tầm nhìn 2050”; phản biện báo cáo của Công ty Poyry về thủy điện Xayabury - Lào; đánh giá sự cố thuỷ điện Sông Tranh 2; ngoài ra còn đóng góp ý kiến vào hàng loạt các dự thảo, văn kiện quan trọng của Đảng và Nhà nước như: Báo cáo chính trị trình các đại hội của Đảng; sửa đổi Hiến pháp; chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, y tế, bảo vệ môi trường; các chương trình phát triển kinh tế xã hội của địa phương và các quy hoạch phát triển ngành khác. Các kết quả của hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp Hội Việt Nam được Đảng, Nhà nước và nhân dân đánh giá cao, góp phần thiết thực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đồng thời nâng cao vị thế và vai trò của hệ thống tổ chức Liên hiệp Hội (nguồn: vusta.vn, ngày 25/4/2013).

Trong bối cảnh chung đáng phấn khởi như vậy thì thật đáng tiếc là hoạt động TVPB&GĐXH của một số Liên hiệp hội các địa phương nói chung đến nay chưa được coi trọng và chưa thực sự được đặt đúng tầm của nó.

Kết quả hoạt động TVPB&GĐXH của Liên hiệp hội Hà Giang: Liên hiệp hội Hà Giang được thành lập và bắt đầu đi vào hoạt động kể từ tháng 4/2012 đến nay mới được hơn một năm. Ngay từ khi mới được thành lập, Liên hiệp hội Hà Giang đã xác định hoạt động TVPB&GĐXH  một nhiệm vụ trọng tâm của Liên hiệp hội. Liên hiệp hội Hà Giang đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định số 11/2013/QĐ-UBND ngày 02/01/2013 về Quy định hoạt động TVPB&GĐXH của Liên hiệp hội Hà Giang.

Trong năm 2012-2013hoạt động TVPB&GĐXH của Liên hiệp hội Hà Giang chỉ dừng lại ở góc độ cử đại diện tham gia, đóng góp ý kiến cho các chương trình, đề án, báo cáo tại hội nghị nếu được mời là chủ yếu, hoặc được cấp trên chỉ đạo, giao giao nhiệm vụ bằng văn bản mà không có kinh phí đi theo, cụ thể như:

1. Tổ chức lấy ý kiến các hội thành viên thuộc Liên hiệp hội tham gia đóng góp cho dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992;

2. Phối hợp với các hội thành viên tham gia ý kiến vào dự thảo Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi) do Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh yêu cầu;

3. Tham gia ý kiến báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 20/2008/NQ-HĐND ngày 10/12/2008 của HĐND tỉnh và tham vấn trong việc xây dựng Nghị quyết của tỉnh về quy định một số chính sách thu hút, hỗ trợ đào tạo sau đại học đối với cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh;

4. Tham gia ý kiến vào dự thảo quyết định của UBND tỉnh ban hành Quy định về việc xét, công nhận sáng kiến trên địa bàn tỉnh do Ban thi đua khen thưởng tỉnh đề nghị;

5. Tham gia đóng góp ý kiến cho báo cáo sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ Hà Giang lần thứ XV, nhiệm kỳ 2010-2015;

6. Đóng góp ý kiến cho dự thảo báo cáo và dự thảo tờ trình đề án sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 27-NQ/TW của BCH TW khóa X "Về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước" do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức tại Hà Nội.

2. Nguyên nhân, khó khăn hạn chế hoạt động TVPB của Liên hiệp hội

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến khó khăn vướng mắc đối với hoạt động TVPB của Liên hiệp hội địa phương, nhưng chủ yếu do các nguyên nhân sau:

2.1. Do cơ chế "xin cho" cũng như do thói quen và nếp làm cũ của các cấp, các ngành. Các cấp, sở ngành quen lấy ý kiến TVPB theo cách thông thường đã làm nhiều năm nay là tổ chức hội nghị lấy ý kiến của một số chuyên gia hoặc người đại diện của các cơ quan. Theo ý kiến bình luận thực tế cho thấy nhiều nhà hoạch định chính sách, cán bộ quản lý các cấp thường thích nghe các ý kiến thuận chiều, không muốn nghe các ý kiến khác chiều, thích tư vấn nội bộ mà chưa quen sử dụng tư vấn độc lập. Cũng có trường hợp một số dự án đề nghị giao cho Liên hiệp hội phản biện, nhưng họ yêu cầu trong thời gian rất gấp phải có ý kiến. Với những trường hợp như vậy thì cơ quan Liên hiệp hội phải từ chối đưa ra ý kiến TVPB. Do vậy, hoạt động TVPB&GĐXH của Liên hiệp hội địa phương nói chung chưa phát huy được hiệu quả.

2.2. Do văn bản Nhà nước ban hành nhiều quy định chưa rõ ràng, cụ thể như Quyết định số 22/2002/QĐ-TTg và Hướng dẫn số 733/HD-LHH của Liên hiệp hội Việt Nam chưa quy định dự án có quy mô đến đâu thì bắt buộc phải có TVPB&GĐXH bằng văn bản của Liên hiệp hội, của các hội thành viên hoặc một tổ chức xã hội độc lập.

2.3. Xuất phát từ nhận thức của nhiều cấp, nhiều ngành, cơ quan Mặt trận Tổ quốc tỉnh chưa quan tâm đến công tác TVPB&GĐXH của Liên hiệp hội. Các cơ quan nhà nước cũng chưa thấy được tầm quan trọng, ưu điểm và lợi ích TVPB&GĐXH đối với các chương trình, đề án, dự án quy hoạch phát triển kinh tếxã hội, nên chưa giao việc cho Liên hiệp hội. Mặt khác do ý thức trách nhiệm của các Sở, ban ngành, UBND cấp huyện về việc phối hợp trong việc thực hiện công tác TVPB&GĐXH với Liên hiệp hội đối với các chương trình, chính sách, đề tài, dự án triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh. Mặc dù UBND cấp tỉnh đã ban hành Quyết định quy định những chương trình, dự án phải có TVPB của Liên hiệp hội, nhưng các sở, ngành, cấp huyện không tuân thủ, bỏ qua bước TVPB. Liên hiệp hội địa phương cũng không dám kiến nghị, báo cáo cấp trên, bởi vì cơ chế "xin - cho" và nhiều lý do tế nhị khác.

2.4. Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội là hoạt động khoa học đòi hỏi phải có chuyên môn sâu, có tổ chức, có quy trình quy phạm, không phải bất cứ ai, bất cứ tổ chức nào ở đâu cũng có thể làm được. Nó không đơn giản như việc lấy ý kiến của giới trí thức cho một đề án, dự án mà chúng ta vẫn thường làm, mà vấn đề ở đây là phải có một tổ chức tập hợp được đông đảo các chuyên gia có chuyên môn sâu để thực hiện thẩm định, giám định, phản biện xã hội cho mỗi dự án cụ thể.

Bên cạnh đó năng lực, kỹ năng thực tiễn của công tác TVPB độc lập của Liên hiệp hội địa phương nói chung và tỉnh Hà Giang nói riêng còn hạn chếthiếu tính chủ động, chưa tạo được niềm tin đối với các cơ quan nhà nước, chưa mạnh dạn đề xuất với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được giao nhiệm vụ thực hiện TVPB. Mặt khác, nhiều hội thành viên thuộc hệ thống Liên hiệp hội cũng khôngmạnh dạn tham mưuđề xuất những vấn đề, dự án, đề án mà tổ chức mình có thể tham gia TVPB&GĐXH để đặt vấn đề với cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ.

Nhìn chung hoạt động TVPB&GĐXH của Liên hiệp hội các tỉnh, thành địa phương trong cả nước hiện nay đang làm được và đem lại hiệu quả với số lượng mới chỉ đếm trên đầu ngón tay, và chúng ta dễ dàng nhận thấy đó là sản phẩm của cơ chế “xin-cho". Nếu vẫn cách làm này thì những năm tới nữa có bao nhiêu tỉnh, thành có hoạt động TVPB kiểu này có thể phát huy được và sẽ có bao nhiêu đề án, dự án mang lại hiệu quả thiết thực.

Hoạt động TVPB của Liên hiệp hội là hoạt động phi lợi nhuận. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải có kinh phí thì mới có thể thực hiện được. Vậy liệu chúng ta vẫn cứ phải tích cực thực hiện "vận động chính sách" theo kiểu "xin - cho", tức là chúng ta phải chạy qua hàng loạt cửa các cơ quan như Kế hoạch Đầu tư, Tài chính rồi lên Ủy ban cấp tỉnh để nhận được dự án, để có tiền, rồi mời các nhà khoa học để TVPB theo kiểu cách này được mãi hay không? Đó là câu hỏi đặt ra đối với hệ thống VUSTA.

3. Một số đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả công tác TVPB&GĐXH của Liên hiệp hội các địa phương 

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về công TVPB mà lâu nay hoạt động này đang bị xem nhẹ, và đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến kế hoạch phát triển KT-XH và nhiều chương trình, dự án khi triển khai ra thực tế lại đem lại hiệu quả không cao, thậm chí lãng phí và gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội. Trong bối cảnh hiện nay hoạt động TVPB&GĐXH cần được ưu tiên và đổi mới đồng bộ từ xây dựng ban hành văn bản chỉ đạo, cho đến làm rõ cơ chế, chính sách, kinh phí, nâng cao hiệu quả, phương tiện hoạt động, tập hợp đội ngũ trí thức, củng cố cơ quan chuyên trách Liên hiệp hội đủ mạnh về trình độ năng lực từ trung ương đến địa phương, xin trao đổi và đề xuất một số giải pháp cụ thể như sau:

Thứ nhất, cần phải vận động chính sách đổi mới sự nhận thức của cấp ủy chính quyền địa phương: Qua phân tích, chúng ta nhận thấy nút thắt cần tháo gỡ cho hoạt động TVPB&GĐXH của Liên hiệp hội địa phương là vấn đề nhận thức của cấp ủy, chính quyền về vị trí, vai trò hoạt động TVPB&GĐXH của Liên hiệp hội còn hết sức hạn chế. Nếu các sở, ngành, UBND cấp huyện nhận thức được rằng những đề án, dự án nào là loại đề án, dự án bắt buộc phải qua TVPB của cơ quan Liên hiệp hội để nhận được sự đóng góp ý kiến, để giúp cho đề án, dự án hoàn hảo hơn; có sự thực hiện nghiêm minh Quy chế TVPB mà UBND cấp tỉnh đã ban hành và có sự quan tâm chỉ đạo của UBND cấp tỉnh đối với các Sở, ngành KH&ĐT, Tài chính và các Sở ngành khác thì những vướng mắc trên sẽ được tháo gỡ, và hoạt động TVPB&GĐXH của Liên hiệp hội sẽ được thực hiện theo đúng quy trình, góp phần nâng cao chất lượng và tính khả thi của các đề án, phục vụ đắc lực hơn cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, vì mục tiêu chung là phát triển toàn diện, bền vững của xã hội.

Thứ hai, trong tình hình mới Liên hiệp hội địa phương cần phải chủ động vào cuộc: Nhanh chóng khắc phục nhược điểm, phát huy thế mạnh, trách nhiệm của đội ngũ trí thức để thực hiện tư vấn, phản biện và giám định xã hội, góp phần vào quá trình phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, sớm đưa khoa học công nghệ của tỉnh phát triển với tầm cao mới. Bản thân Liên hiệp hội địa phương cũng cần phải trang bị cho mình điều kiện, năng lực cần thiết cho công tác này. Để làm tốt chức năng TVPB&GĐXH, Liên hiệp hội cần có những bước chuẩn bị cần thiết như thống kê đội ngũ chuyên gia khoa học và kỹ thuật của tỉnh, khi cần có thể liên kết ngay được với các nhà khoa học ngoài tỉnh và của VUSTA để xây dựng tiềm lực cho hoạt động TVPB&GĐXH khi có yêu cầu.

Thứ ba, cấp ủy, chính quyền địa phương cần phải xóa bỏ nếp cũ, đổi mới cách làm mới, xóa bỏ cơ chế xin cho: Bằng cách UBND các tỉnh cần ban hành Chỉ thị giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư của tỉnh chủ động phối hợp với Liên hiệp hội đề xuất tư vấn, phản biện và giám định xã hội đối với các chương trình, dự án, đề án có tính chất phức tạp, ưu tiên, trọng điểm hoặc đa ngành.

Để giải quyết kinh phí cho công tác này, hàng năm căn cứ vào hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội các đề án được UBND tỉnh yêu cầu (ngoài những đề án, dự án do các Hội thành viên tự đề xuất và được UBND tỉnh chấp nhận thì kinh phí tư vấn phản biện được sử dụng trong kinh phí của đề án), Sở Tài chính trình UBND tỉnh phân bổ dự toán kinh phí cho Liên hiệp hội thực hiện. Sở Khoa học và Công nghệ khi tiến hành tuyển chọn tổ chức cá nhân chủ trì đề tài, dự án, xét duyệt đề cương và nghiệm thu các đề án nghiên cứu khoa học cần phối hợp với Liên hiệp hội có ý kiến tư vấn, phản biện để nâng cao tính khả thi của đề tài, dự án vào cuộc sống. Các sở ban ngành, UBND các huyện, thị của tỉnh khi xây dựng các đề án, dự án có tính chất phức tạp, ưu tiên, trọng điểm hoặc đa ngành (theo quy định của UBND tỉnh) bằng nguồn ngân sách nhà nước hay do các tổ chức khác tài trợ cần có ý kiến tư vấn, phản biện của Liên hiệp Hội làm cơ sở khoa học để cấp có thẩm quyền phê duyệt.

4. Kiến nghị

Đề nghị với Liên hiệp hội Việt Nam xem xét, nghiên cứu sửa đổi Quyết định 22/2002/QĐ-TTg và Hướng dẫn số 733/HD-LHH của Liên hiệp hội Việt Nam quy định rõ phản biện xã hội là điều bắt buộc phải thực hiện một cách nghiêm túc, công khai đối với các dự án pháp luật, các chương trình, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế, xã hội, văn hoá, an ninh quốc phòng của Đảng và Nhà nước. Các dự án không qua phản biện xã hội, không đúng theo trình tự thủ tục quy định thì không đuợc trình ra cơ quan có thẩm quyền xét duyệt.

Đề nghị Liên hiệp hội Việt Nam hàng năm cần tập huấn hướng dẫn cho cán bộ Liên hiệp hội các địa phương về chuyên môn, nghiệp vụ và giới thiệu các chuyên gia chuyên sâu về các lĩnh vực liên quan để thuận lợi cho công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội khi cần thiết, và cũng mong muốn được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp quan tâm tạo điều kiện, giao nhiệm vụ thực hiện hoạt động giám sát và phản biện xã hội nhằm thực hiện tốt vai trò giám sát xã hội của các tổ chức thành viên thuộcMặt trận Tổ quốc Việt Nam.

                   Cao Hồng Kỳ - PCT thường trực Liên hiệp hội Hà Giang.

Submit Thread to Facebook Submit Thread to Twitter Submit Thread to Google
icon Các tin tức khác
icon Hà Giang: Góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung của 4 luật
icon Hà Giang: Đưa ra 5 giải pháp phát triển nông nghiệp
icon Hà Giang: Góp ý dự thảo Luật Hoá chất (sửa đổi)
icon Hội thảo tư vấn, phản biện, tham gia ý kiến đối với Dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn
icon Góp ý dự án Luật Công chứng (sửa đổi) và Luật Địa chất khoáng sản
icon Liên hiệp Hội Hà Giang góp ý dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn
icon Hà Giang: Góp ý dự thảo Luật Địa chất khoáng sản và Luật Công chứng (sửa đổi)
icon Hà Giang: Góp ý dự thảo Luật Đất đai và Luật Viễn thông (sửa đổi)
icon Kế hoạch tổ chức Hội thảo chia sẻ, cung cấp thông thông tin về phí BVMT trong lĩnh vực khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Hà Giang
icon Thực trạng công tác tư vấn phản biện (TVPB) của Liên hiệp Hội Hà Giang và một số giải pháp nâng cao chất lượng TVPB trong thời gian tới
Liên hiệp Hội Việt Nam
Quỹ hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam
bộ khoa học và công nghệ
Sở Khoa học và Công nghệ
Thiết kế website