Thực hiện Quyết định số 223/QĐ-UBND ngày 10 tháng 02 năm 2017 của UBND tỉnh Hà Giang về việc phê duyệt danh mục nhiệm vụ tư vấn, phản biện năm 2017 và giao nhiệm vụ cho Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (KH&KT) Hà Giang thực hiện. Ngày 21 tháng 3 năm 2017, Liên hiệp các Hội KH&KT Hà Giang đã tổ chức Hội nghị tư vấn phản biện độc lập đối với Dự án “Quy hoạch bảo vệ tài nguyên nước tỉnh Hà Giang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Dự Hội nghị tư vấn, phản biện có các chuyên gia tư vấn, phản biện ở các Hội ngành Trung ương: PGS. TS. Hà Lương Thuần, nguyên Viện trưởng Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường, Viện trưởng Viện Hợp tác và Phát triển Nguồn nước VUSTA, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Thủy lợi Việt Nam; PGS. TS. Lê Bắc Huỳnh, nguyên Phó Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Tổng thư ký Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam; các nhà khoa học, quản lý của tỉnh - thành viên Hội đồng phản biện của Liên hiệp các Hội KH&KT Hà Giang; Lãnh đạo các Sở, ban ngành của tỉnh có liên quan và đại diện cơ quan chủ trì lập quy hoạch là Sở TN&MT tỉnh Hà Giang và đơn vị tư vấn lập quy hoạch là Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước Miền Bắc, thuộc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước Quốc gia, Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Toàn cảnh hội nghị TVPB “Quy hoạch Bảo vệ Tài nguyên nước
tỉnh Hà Giang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”
Theo đánh giá của Hội đồng phản biện: Báo cáo Quy hoạch bảo vệ tài nguyên nước tỉnh Hà Giang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 do cơ quan chủ trì lập quy hoạch là Sở TN&MT Hà Giang và đơn vị tư vấn lập quy hoạch là Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước Miền Bắc đã Báo cáo quy hoạch bảo vệ tài nguyên nước tỉnh Hà Giang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã trình bầy được những nội dung cơ bản, gồm: đặc điểm tự nhiên kinh tế - xã hội; hiện trạng tài nguyên nước, khai thác sử dụng nước, các vấn đề tồn tại trong việc khai thác sử dụng nước và bảo vệ tài nguyên nước; dự báo xu thế biến động tài nguyên nước, nhu cầu khai thác sử dụng tài nguyên nước; quy hoạch bảo vệ tài nguyên nước tỉnh Hà Giang; báo cáo đã đưa ra được 7 nhiệm vụ chính trong lĩnh vực bảo vệ tài nguyên nước của tỉnh Hà Giang đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Những nội dung này về cơ bản phù hợp với nội dung thực hiện trong Đề cương nghiên cứu đã được UBND tỉnh Hà Giang phê duyệt tại Quyết định số 1905/QĐ-UBND ngày 01/10/2015.
Tuy nhiên, Báo cáo “Quy hoạch bảo vệ tài nguyên nước tỉnh Hà Giang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” chưa đảm bảo tính hợp lý, khoa học và chưa có tính khả thi. Bản báo cáo Quy hoạch bảo vệ tài nguyên nước tỉnh Hà Giang mang tính phiến diện; nội dung đơn độc chỉ gồm có 1 nội dung là “Quy hoạch bảo vệ tài nguyên nước” mà thiếu vắng 2 nội dung quan trọng, cần thiết khác của một bản Quy hoạch tài nguyên nước cấp tỉnh, đó là: (1) Quy hoạch phân bổ sử dụng tài nguyên nước; và (2) Quy hoạch phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra. Theo quy định của pháp luật tài nguyên nước: Quy hoạch tài nguyên nước bao gồm đầy đủ 3 nội dung: (1) Quy hoạch phân bổ, khai thác sử dụng tài nguyên nước; (2) Quy hoạch bảo vệ tài nguyên nước và (3) Quy hoạch phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra. Bản quy hoạch này đã bỏ qua việc kế thừa và kết gắn với tất cả các Quy hoạch phát triển ngành hiện của tỉnh có liên quan đến việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước như: Quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch thủy lợi, thủy điện, quy hoạch bảo vệ và phát tiển rừng, quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp, công nghiệp, quy hoạch cấp nước sinh hoạt, quy hoạch ngành xây dựng, giao thông, quy hoạch bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử, văn hóa vv.
Đại diện cơ quan chủ đầu tư tiếp thu, giải trình Báo cáo “Quy hoạch bảo vệ
tài nguyên nước tỉnh Hà Giang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”
Bản Báo cáo Quy hoạch bảo vệ tài nguyên nước tỉnh Hà Giang chưa đưa ra được các giải pháp tổng thể quản lý, khai thác sử dụng nguồn nước, bảo đảm an ninh nguồn nước phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hà Giang hiện tại và cho tương lai một cách bền vững, đặc biệt là ở những nơi có biểu hiện mất an ninh về nguồn nước. Các định hướng, giải pháp thực hiện Dự án Quy hoạch tài nguyên nước đưa ra còn chung chung, sơ sài và không sát với thực tiễn của tỉnh Hà Giang. Hội đồng phản biện đã đề nghị chủ đầu tư (Sở TN&MT Hà Giang) và đơn vị tư vấn (Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước Miền Bắc) nghiêm túc tiếp thu, rà soát, chỉnh sửa, bổ sung, nâng cấp và hoàn thiện bản quy hoạch tài nguyên nước cả về mặt cấu trúc, bố cục và nội dung.
Vì những lý do trên, Hội đồng phản biện cũng đã đề nghị HĐND, UBND tỉnh Hà Giang chưa thông qua bản Báo cáo Quy hoạch này; đồng thời kiến nghị với UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo cho Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Giang (cơ quan chủ đầu tư lập quy hoạch) xây dựng lại bản Đề cương và lập lại Dự toán kinh phí lập “Quy hoạch tổng thể phân bổ, khai thác sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước tỉnh Hà Giang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đảm bảo tính đầy đủ tính hợp lý, khoa học, kỹ thuật và hiệu quả kinh tế trình UBND tỉnh phê duyệt lại để làm cơ sở tổ chức, triển khai thực hiện./.
Cao Hồng Kỳ, Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT Hà Giang