Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Hà Giang lần thứ II (2014-2015) được triển khai theo Công văn số 244 ngày 10/4/2014 của Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam. Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh do Liên hiệp các Hội KH&KT Hà Giang chủ trì phối hợp với các Sở: KH&CN, GD&ĐT, Thông tin và Truyền thông, Liên đoàn Lao động tỉnh, Tỉnh đoàn Hà Giang, Báo Hà Giang và Đài PT-TH Hà Giang tổ chức với qui mô trên địa bàn toàn tỉnh. Hội thi dành cho mọi đối tượng, mọi tổ chức, cá nhân đang làm việc và sinh sống trên địa bàn tỉnh Hà Giang không phân biệt lứa tuổi, thành phần, nghề nghiệp, dân tộc có các đề tài, giải pháp kỹ thuật là kết quả của hoạt động sáng tạo, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, ứng dụng đưa KHCN vào phục vụ sản xuất và đời sống, được tạo ra và áp dụng từ năm 2009 trở lại đây, đóng góp cho sự nghiệp phát triển KT-XH của tỉnh Hà Giang đều được tham gia dự thi.
Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Hà Giang được tổ chức 2 năm một lần, nhằm động viên, thúc đẩy phong trào lao động sáng tạo của đội ngũ trí thức KH&CN, các nhà khoa học, cán bộ quản lý, CCVC và người lao động trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật; thúc đẩy việc áp dụng có hiệu quả các giải pháp kỹ thuật, đưa KH&CN vào phục vụ sản xuất và đời sống nhằm mục tiêu phát triển KT-XH của tỉnh, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Hà Giang được phát động gồm 6 lĩnh vực: Công nghệ thông tin, điện tử viễn thông; Cơ khí tự động hóa, xây dựng, giao thông vận tải; Vật liệu, hóa chất, năng lượng; Nông lâm ngư nghiệp, tài nguyên và môi trường; Y dược; Giáo dục và đào tạo. Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh thứ II đã hoàn thành và đạt được một số kết quả nhất định như sau:
1. Về công tác tổ chức, triển khai Hội thi
Sau khi có văn bản chỉ đạo triển khai Hội thi của Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam. Ngày 09/5/2014 Liên hiệp hội Hà Giang đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn bản số 1328 về việc giao cho Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan của tỉnh tổ chức phát động và triển khai Hội thi. Cơ quan thường trực Ban tổ chức Hội thi đã tham cho UBND tỉnh ban hành Quyết định số 892/QĐ-UBND ngày 09/5/2014 về việc thành lập Ban tổ chức Hội thi cấp tỉnh. Ngày 19/5/2014, Ban tổ chức Hội thi đã ban hành Kế hoạch, Thể lệ Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn tỉnh thứ II (2014-2015).
Ngay từ khi bắt đầu triển khai Hội thi, công tác tuyên truyền được xác định đóng vai trò quan trọng đối với sự thành công của Hội thi. Ban tổ chức Hội thi đã phối hợp với các sở, ban ngành của tỉnh làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến về mục đích, ý nghĩa, kế hoạch, thể lệ của Hội thi trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh; tổ chức vận động, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia Hội thi bằng nhiều hình thức như: Tổ chức hội nghị triển khai, phát động Hội thi tại tỉnh; gửi công văn triển khai đến các cơ quan, ban ngành, các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh mời tham gia Hội thi; phối hợp với Báo Hà Giang, Đài PT-TH Hà Giang xây dựng các chuyên trang, chuyên mục đăng tải các nội dung về Kế hoạch, Thể lệ Hội thi trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh và trên các trang thông tin điện tử của các sở, ban ngành liên quan đến với đông đảo công chúng quan tâm đến Hội thi.
Thường trực Ban tổ chức Hội thi đã phân công các đồng chí thành viên trong Ban tổ chức Hội thi phụ trách các lĩnh vực chuyên môn cụ thể; trong quá trình tổ chức triển khai, Liên hiệp hội thường xuyên phối hợp với các Sở, ban ngành của tỉnh ban hành các văn bản hướng dẫn, triển khai Hội thi tới các cấp cơ sở theo hệ thống ngành dọc; đồng thời hướng dẫn các tổ chức, cá nhân hoàn thiện hồ sơ nộp về Ban tổ chức Hội thi theo đúng kế hoạch.
Để đánh giá các đề tài, giải pháp dự thi được khách quan, khoa học, Liên hiệp hội đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1446/QĐ-UBND ngày 10/8/2015 về việc thành lập Hội đồng giám khảo Hội thi gồm các nhà chuyên môn, kỹ thuật, nhà quản lý đại diện cho các Sở, ban ngành của tỉnh liên quan đến lĩnh vực dự thi. Các thành viên trong Hội đồng giám khảo làm việc với tinh thần tích cực, trách nhiệm đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của Ban tổ chức Hội thi giao cho.
2. Về kết quả Hội thi
Tính đến ngày 15/8/2015, Ban tổ chức Hội thi nhận được 07 đề tài, giải pháp tham dự Hội thi của các tác giả, nhóm tác giả thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo (01 đề tài, giải pháp); Sở Y tế (04 đề tài, giải pháp); Liên hiệp hội (01 đề tài, giải pháp) và Hội Đông y tỉnh (01 đề tài, giải pháp). Các đề tài, giải pháp dự thi thuộc 04 lĩnh vực: Công nghệ thông tin: 01 giải pháp; Y học: giải pháp; GD&ĐT: 01 đề tài; lĩnh vực khác: 01 đề tài.
Căn cứ các tiêu chuẩn đánh giá về đề tài, giải pháp dự thi, bao gồm: tính mới, tính sáng tạo, khả năng áp dụng vào thực tế sản xuất và đời sống, và hiệu quả kinh tế, kỹ thuật, xã hội mang lại. Ban tổ chức Hội thi đã lựa chọn được 2/7 đề tài, giải pháp để đưa vào vòng chấm chung khảo. Trong 2 ngày 31/8 và 01/9/2015, Hội đồng Giám khảo đã tổ chức đánh giá các đề tài, giải pháp tham dự Hội thi theo hình thức bỏ phiếu kín. Kết quả: 01 đề tài giải nhì và 01 đề tài giải ba cấp tỉnh.
Giải Nhì: thuộc về đề tài “Nâng cao nhận thức về giá trị di sản Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn cho học sinh các trường Trung học Cơ sở tỉnh Hà Giang” của nhóm tác giả: Nguyễn Minh Nguyệt, Đỗ Văn Oai, Hoàng Thị Giang, Dương Thị Thu Loan, Vũ Văn Sử, Nguyễn Thanh Giang (Trường Cao Đẳng Sư phạm Hà Giang). Sản phẩm của đề tài là bộ tài liệu về giáo dục giá trị di sản Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn gồm 12 Modul được tích hợp giữa với môn học lịch sử địa phương phục vụ Chương trình giảng dạy môn học lịch sử địa phương cho học sinh trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh. Qua đó, đã giúp cho học sinh nhận thức và ý thức được tốt hơn về việc bảo vệ và phát huy giá trị của di sản hiện tại và tương lai. Giải pháp đã có đóng góp nhất định vào công tác nghiên cứu lý luận thực tiễn giáo dục, nâng cao nhận thức về giá trị di sản Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn cho học sinh trong các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh; đồng thời góp phần thực hiện mục tiêu chiến lược nâng cao giáo dục cộng đồng về giá trị di sản Công viên địa chất toàn cầu và là tài liệu quan trọng phục vụ trong công tác tái đánh giá công nhận Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn tháng 9 năm 2014.
Giải Ba: thuộc về đề tài “Kế thừa, nghiên cứu ứng dụng và phát triển bài thuốc gia truyền viêm đại tràng” của nhóm tác giả: Nguyễn Thị Đức, Phùng Thị Oanh, Nguyễn Thị Xuân, Tô Thị Ươm (Hội Đông y tỉnh). Sản phẩm của đề tài là kế thừa và phát triển bài thuốc đông y gia truyền nhiều đời gồm 6 vị thuốc phục vụ chữa bệnh “Viêm đại tràng”. Trước đây, bài thuốc gia truyền do các Lang y thu hái trên rừng, quá trình chế biến thủ công phục vụ chữa bệnh cho người dân trong vùng. Tuy nhiên, những phương thuốc này đang bị chìm vào quên lãng và dần dần mất đi do phương pháp thủ công, hay bí kíp gia truyền để lại. Nhóm tác giả đã đề xuất thực hiện nghiên cứu kế thừa bài thuốc này. Kết quả đề tài đã xác định hiệu quả của bài thuốc đông y gia truyền và được người bệnh tin dùng. Bài thuốc dễ tìm kiếm trong rừng, sơ chế đơn giản và rẻ tiền hơn so với dùng thuốc tây y và an toàn trong sử dụng, không có tác dụng phụ, hiệu quả điều trị cao. Sau khi tiến hành thử nghiệm lâm sàng tại Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Giang cho thấy bài thuốc phù hợp, tỷ lệ người bệnh được điều trị khỏi bệnh trên 70%, tiết kiệm tới 50% chi phí; thành công của đề tài góp phần thực hiện Chỉ thị 24 ngày 04/7/2008 của Ban Bí thư về phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới.
Ban tổ chức Hội thi đã lựa chọn 02 đề tài tham dự Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 13 (2014-2015). Xong, cả 02 đề tài này đều chưa đủ tiêu chí để đoạt giải Hội thi cấp toàn quốc.
3. Đánh giá chung về Hội thi
Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Hà Giang lần thứ II (2014-2015) đã đạt được kết quả nhất định. Hội thi phần nào đã khích lệ, động viên, thúc đẩy phong trào lao động sáng tạo của cán bộ, CCVC và người lao động trong lĩnh vực KH&CN, thúc đẩy việc áp dụng các giải pháp KH&CN vào sản xuất và đời sống, góp phần phát triển KT-XH, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ II (2014-2015) còn nhiều tồn tại, hạn chế, đó là:
Thứ nhất, số lượng các đề tài tham gia Hội thi còn rất hạn chế. Hội thi chưa trở thành phong trào là ngày Hội KHCN của các tổ chức, doanh nghiệp, của cán bộ, CCVC, người lao động trên địa bàn tỉnh.
Thứ hai, có nhiều Sở, ngành lớn của tỉnh không tham gia Hội thi như: Sở KH&CN, NN&PTNT, TN&MT, Công thương, Xây dựng, GTVT không có công trình, đề tài, giải pháp kỹ thuật nào tham gia dự thi; cũng như các đơn vị sự nghiệp khoa học công lập của tỉnh như: Trung tâm Giống cây trồng Đạo đức, Trung tâm Giống cây trồng và gia súc Phó Bảng, Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ mới và các doanh nghiệp, HTX sản xuất kinh doanh các sản phẩm đặc sản trên địa bàn tỉnh cũng không quan tâm đến Hội thi. Do vậy, Hội thi chưa trở thành động lực để thúc đẩy phong trào lao động sáng tạo, đưa khoa học kỹ thuật vào phục vụ sản xuất và đời sống, góp phần phát triển KT-XH, xóa đói giảm nghèo trên bàn tỉnh.
Thứ ba, các đề tài, giải pháp kỹ thuật tham dự Hội thi của tỉnh chủ yếu mang tính chất ứng dụng mà chưa có hàm lượng về KH&CN; các đề tài, giải pháp chưa có khả năng phát triển, nhân rộng để phục vụ đời sống xã hội.
Thứ tư, một số đề tài, giải pháp tham gia dự thi chỉ là kinh nghiệm, sáng kiến thông thường; một số đề tài giải pháp là kết quả nghiên cứu tốt nghiệp chuyên khoa, chuyên ngành mà chưa phải là giải pháp kỹ thuật có khả năng áp dụng vào thực tế để mang lại hiệu quả cho xã hội.
4. Về nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế: Do nhận thức của các ngành, các cấp, các doanh nghiệp về mục đích, ý nghĩa của Hội thi còn hạn chế; có nhiều Sở, ngành, cơ quan, đơn vị sự nghiệp KH&CN công lập, doanh nghiệp, HTX sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh không quan tâm và không tham gia Hội thi. Trong khi đó, hàng năm một số ngành lớn của tỉnh như ngành KH&CN, NN&PTNT, TN&MT có rất nhiều đề tài, dự án được triển khai, nghiệm thu với kinh phí hàng chục tỷ đồng, nhưng không có bất kỳ một tác giả, đề tài nào tham gia Hội thi.
5. Một số nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng Hội thi
Để Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Hà Giang lần thứ III (2016-2017) tổ chức, triển khai đạt được kết quả tốt. Ban tổ chức Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh đề nghị tiếp tục thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Thứ nhất: Đề nghị các Sở, ban ngành của tỉnh; đặc biệt là các tổ chức sự nghiệp KHCN công lập, các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh trên địa tỉnh cần quan tâm đến Hội thi và cần coi Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh và Giải thưởng KH&CN là ngày Hội KH&CN; tích cực động viên, khích lệ cán bộ, CCVC và người lao động trong cơ quan, đơn vị của mình tham gia nghiên cứu, ứng dụng đưa KHCN vào phục vụ sản xuất và đời sống. Coi đó là một nhiệm vụ đưa KH&CN là động lực phát triển nhanh và bền vững đất nước, là con đường để thực hiện thành công khâu đột phá về ứng dụng KH&CN vào sản xuất, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra.
Thứ hai: Liên hiệp hội tiếp tục phối hợp tốt với các Sở, ban ngành của tỉnh, đặc biệt là Liên đoàn Lao động tỉnh, Tỉnh đoàn Hà Giang và Hội doanh nghiệp tỉnh trong công tác tuyên truyền, tổ chức, triển khai phong trào thi đua lao động sáng tạo; động viên, khuyến khích cán bộ, CCVC, nhà khoa học, quản lý, doanh nghiệp, người lao động trong cơ quan, đơn vị phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, đưa tiến bộ KH&CN vào phục vụ sản xuất và đời sống. Các sở, ngành, đơn vị, doanh nghiệp coi trọng Hội thi, đó là môi trường và cơ hội để nghiên cứu, ứng dụng, triển khai vận dụng sáng kiến cải tiến kỹ thuật vào phục vụ công tác quản lý, sản xuất tại cơ quan đơn vị mình, góp phần nâng cao năng suất lao động, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho xã hội.
Thứ ba, đề nghị UBND tỉnh giao cho Sở KH&CN phối hợp với Liên hiệp hội hàng năm nhân ngày KH&CN Việt Nam 18/5 tổ chức các cuộc Hội thảo khoa học của tỉnh với chủ đề: Sáng tạo KH&CN phục vụ sản xuất và đời sống; làm tốt công tác tôn vinh, khen thưởng các tập thể và cá nhân đã có những đề tài, dự án KH&CN được triển khai, áp dụng vào thực tế và mang lại hiệu quả, đóng góp cho sự nghiệp phát triển KT-XH của tỉnh. Từ đó, nâng cao nhận thức cho các ngành, các cấp, các doanh nghiệp về ý nghĩa Giải thưởng, Hội thi; khích lệ, động viên phong trào thi đua lao động sáng tạo, đưa KH&CN vào phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Thứ tư, đề nghị UBND tỉnh giao cho Sở KH&CN, cơ quan thường trực Hội đồng khoa học tỉnh nghiên cứu, đề xuất cho UBND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư, khai thác nhân rộng các đề tài, giải pháp KHKT đã đoạt giải tại các Hội thi ứng dụng vào thực tế, để mang lại hiệu quả cho xã hội.
Cao Hồng Kỳ, Chủ tịch Liên hiệp hội Hà Giang.