HGĐT- Tối 31.3, tại Nhà hát lớn Hà Nội, Liên hiệp các Hội KH-KT Việt Nam phối hợp với Bộ KHCN, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức tổng kết và trao giải Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 12 (2012-2013).
Dự lễ trao giải có đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam; Nguyễn Thị Doan, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch Nước; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành T.Ư, Liên hiệp hội KH-KT địa phương và các tác giả, nhóm tác giả đạt giải.
Chị Nguyễn Thị Minh Nguyệt (đứng thứ 2 từ trái qua) vinh dự nhận giải Ba Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc.
Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 12, BTC nhận được 525 giải pháp từ cơ sở gửi về, lựa chọn được 88 giải pháp trao thưởng. Theo đó, BTC đã trao 5 giải Nhất, 11 giải Nhì, 24 giải Ba, 48 giải Khuyến khích thuộc 6 lĩnh vực: Cơ khí, tự động hóa, xây dựng, giao thông vận tải; vật liệu, hóa chất, năng lượng; nông - lâm ngư nghiệp và môi trường; thông tin, điện tử, viễn thông; y dược; giáo dục đào tạo và các lĩnh vực khác.
Lần đầu tham gia Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc, tỉnh ta giành giải Ba lĩnh vực giáo dục đào tạo với đề tài: Nghiên cứu biên soạn và thiết kế mô hình dạy môn lịch sử địa phương (LSĐP) cho học sinh các trường THCS của nhóm tác giả giáo viên Trường CĐSP Hà Giang do cô Nguyễn Thị Minh Nguyệt - Chủ nhiệm đề tài và các thành viên Dương Thị Thu Loan, Bế Thu Hoa, Đàm Thị Hòa, Triệu Thị Năm.
Đề tài nghiên cứu của các giáo viên Trường CĐSP Hà Giang giải quyết đượcnhững vấn đề cấp thiết hiện nay về dạy học LSĐP ở trường THCS nói riêng vàdạy học LSĐP trên địa bàn tỉnh;tạo nên sự thống nhất, đồng bộ về mục tiêu, nội dung, nguyên tắc biên soạn chương trình, phương pháp giảng dạy LSĐP trong nhà trường. Qua đó, tiết kiệm được thời gian, công sức, kinh phí trong dạy họcLSĐP nói riêng và bộ môn lịch sử nói chung; góp phần nâng cao chất lượng dạy học bộ môn lịch sử trong nhà trường phổ thông, đào tạo các thế hệ trẻ Hà Giang hiểu về lịch sử, những truyền thống tốt đẹp trong kháng chiến chống xâm lược và xây dựng quê hương, giáo dục nhân cách cho thế hệ trẻ biết sống đẹp, trân trọng quá khứ, yêu quê hương, học tập, rèn luyện xứng đáng với truyền thống cha ông...
Tài liệu phục vụ công tác giảng dạy và học tập môn LSĐP ngoài những tập sách giáo khoa, còn được thể hiện bằng bài giảng dạng số trực quan, sinh động, kết hợp mô hình, tranh ảnh, hình vẽ với hệ thống câu hỏi, bài tập vừa sức để học sinh dễ hiểu, dễ nhớ, phát huy được tính sáng tạo, năng lực tự học. Đề tài đã tạo ra sản phẩm hữu ích là bộ sách dạy LSĐP cho học sinh các trường THCS của tỉnh, được Bộ Giáo dục - Đào tạo cấp giấy phép xuất bản.
Ngọc Anh - LHH(Nguồn báo HG)