Báo cáo Kết quả chuyến công tác tham gia đoàn đại biểu Liên hiệp Hội Việt Nam đi dự Hội nghị khoa học kỹ thuật thường niên tại Campuchia

 

BÁO CÁO

Kết quả chuyến công tác tham gia đoàn đại biểu Liên hiệp Hội Việt Nam

đi dự Hội nghị khoa học kỹ thuật thường niên tại Campuchia

***

Được sự quan tâm của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; được sự đồng ý của Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Giang, Tôi được cử tham gia đoàn đại biểu của Liên hiệp Hội Việt Nam đi dự Hội nghị khoa học kỹ thuật thường niên, do Liên đoàn các tổ chức Kỹ sư Đông Nam Á (CAFEO) tổ chức từ ngày 16 đến ngày 20/12/2012, tại Phnom Penh – Campuchia. Kinh phí do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đài thọ.

Nội dung, chủ đề của Hội nghị CAFEO 30 lần này là “Lợi thế trong việc Hội nhập về các Dịch vụ kỹ thuật cho các nước thành viên kém phát triển trong khối ASEAN.

Mục tiêu của CAFEO 30 là thúc đẩy thiện chí, hiểu biết lẫn nhau và tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của các kỹ sư trong các nước ASEAN; hướng tới hiệu quả khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA).

Thành phần của đoàn cán bộ Liên hiệp Hội Việt Nam gồm có 11 thành viên và Trưởng đoàn là GS.VS. Đặng Vũ Minh – Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam; trong đó có 04 thành viên là Lãnh đạo Liên hiệp Hội các địa phương, bao gồm: Hà Giang, Hải Phòng, Sơn La và Đắc Lắc.

Ngôn ngữ sử dụng tại Hội nghị là Tiếng Anh và Tiếng Khmer.

Kết quả thu nhận được của cá nhân tôi từ chuyến công tác của đoàn đại biểu Liên hiệp Hội Việt Nam tại Hội nghị CAFEO 30 Campuchia cụ thể như sau: 

1. Thời gian và chương trình làm việc của đoàn đại biểu Liên hiệp Hội Việt Nam tại Campuchia:

BÁO CÁO KẾT QỦA ĐI CAMPUCHIA

Đoàn Liên hiệp hội Việt Nam dự Hội nghị thường niên Liên hiệp hội ASEAN tại Vương quốc Campuchia.

- Ngày 16/12/2012, đoàn cán bộ Liên hiệp Hội Việt Nam tới thủ đô Phnom Penh, Campuchia bằng đường hàng không. Đoàn ăn, nghỉ tại Khách sạn Naga World – khách sạn tiêu chuẩn 5 sao tại Phnom Penh, Campuchia; buổi tối họp đoàn và thống nhất chương trình làm việc của đoàn.

- Ngày 17, 18 và 19/12/2012 đoàn đại biểu của Liên hiệp Hội Việt Nam tham dự Hội nghị khoa học kỹ thuật CAFEO 30 tại khách sạn Sofitel Phnom Penh Phokeethra, Phnom Penh Campuchia.

- Ban tổ chức Hội nghị CAFEO 30 là Hiệp hội Kỹ sư Campuchia. 

Tổng số đại biểu tham dự Hội nghị CAFEO 30 tại Pnom Penh, Campuchia khoảng trên 500 người, đến từ các Liên đoàn Kỹ sư ASEAN, Hiệp hội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật của 10 nước thuộc khu vực Đông Nam Á. Hội nghị vinh dự được chào đón một số quan chức cấp cao của Chính phủ Hoàng gia Campuchia đến tham dự buổi khai mạc và bế mạc Hội nghị, trong đó có Phó Thủ tướng H.E.Dr. Sok An.  

Tại hội nghị CAFEO 30, chúng tôi đã được nghe các báo cáo quan trọng của Liên đoàn Kỹ sư Asean về:

- Biến đổi khí hậu toàn cầu, ảnh hưởng và biện pháp ứng phó.

- Báo cáo của 10 nước thành viên ASEAN (AFEO), trong đó có báo cáo của đoàn Liên hiệp hội Việt Nam.

- Chia nhóm làm việc và tham dự các phiên họp, hội thảo kỹ thuật chuyên ngành, gồm có nhiều chuyên đề có ý nghĩa khác nhau như:

1. Phát triển nguồn nhân lực;

2. Quản lý và khai thác tài nguyên khoáng sản;

3. Quản lý nguồn nước lưu vực;

4. Phát triển kết cấu cơ sở hạ tầng;

5. Vấn đề năng lượng và tác động/ảnh hưởng đối với môi trường;

6. Chiến lược phát triển bền vững và xóa đói giảm nghèo;

7. Công nghệ thông tin và truyền thông;

8. Những vấn đề về phát triển nông nghiệp, nông thôn.   

- Trong thời gian hội nghị, đoàn được tham quan thực tế những gian hàng triển lãm về những thành tựu khoa học kỹ thuật nổi bật của một số nước thành viên thuộc khu vực Đông Nam Á và một số gian hàng triển lãm về thành tựu khoa học công nghệ của một số trường Đại học kỹ thuật Campuchia.

- Trong thời gian dự hội nghị tại Campuchia, đoàn được Ban tổ chức Hội nghị đưa đi tham quan một số địa danh thắng cảnh nổi tiếng của đất nước Campuchia ở Phnom Penh như: Bảo tàng Quốc gia Campuchia, được xây dựng từ năm 1920; Chùa Wat Phnom được xây dựng năm 1373 là một ngôi chùa lịch sử và là một trong những chùa quan trọng nhất ở Phnom Penh…

2. Kết quả thu nhận được từ chuyến công tác tại Campuchia.


1. Những hiểu biết về đất nước, con người Campuchia:

Đất nước Campuchia nằm ở Tây Nam bán đảo Đông Dương, phía Tây và Tây Bắc giáp với Thái LanPhía Đông giáp với Việt Nam; Phía Đông Bắc giáp với Lào và Phía Nam giáp Vịnh Thái Lan.

Campuchia là Quốc gia theo chế độ quân chủ lập hiến, có diện tích 181.035 km2, thủ đô là Phnôm Pênh, với dân số khoảng 1,3 triệu ngườiĐơn vị hành chính Campuchia cũng gần giống với Việt Nam, cả nước gồm 24 tỉnh, thành phốCác tỉnh được chia thành các huyện, quận. Dưới huyện là các xã, phường. Phường và xã là cấp hành chính địa phương cuối cùng ở Campuchia.

Dân số Campuchia hiện nay khoảng 14 triệu người, Dân tộc: Người Khmer chiếm 90 %; dân tộc thiểu số khác chiếm 10 % bao gồm người Chàm, người Hoa, người Thượng, người Việt, người Ấn, người Thái … Tôn giáo: Đạo phật chiếm 90% được coi là quốc đạo. Đạo Hồi và đạo Thiên chúa giáo chiếm 10%.

Ngôn ngữ chính là Tiếng Khmer, ngoài ra tiếng Anh, tiếng Pháp được sử dụng như là ngôn ngữ thứ hai và thông thường là ngôn ngữ phải học trong các trường phổ thông và đại học. Nó cũng được sử dụng thường xuyên trong chính quyền. Tiếng Hoa và tiếng Việt cũng được sử dụng trong một số giao tiếp.

Đơn vị tiền tệ là đồng Riel (Ria). Đồng Đôla Mỹ được sử dụng thông dụng trong các giao dịch kinh doanh, du lịch và thương mại, ngoài ra đồng tiền Việt Nam và tiền Bath của Thái Lan cũng được sử dụng ở khu vực biên giới giữa hai nước.

Về tài nguyên thiên nhiên của Campuchia: Rừng chiếm khoảng 70% diện tích ; Khoáng sản có đá quý (đá Saphia, Rubi ), quặng sắt, quặng Boxit, dầu mỏ, Măng gan, đá granit, than, đá vôi, cát… Campuchia cũng có nhiều tiềm năng về năng lượng và khí đốt. Campuchia có dòng sông Mê Kông, hồ Tonle Sap (Biển hồ) là nơi chứa và cung cấp lượng nước khổng lồ, đảm bảo điều tiết cung cấp nguồn nước cho phát triển nông nghiệp, thủy sản và thủy điện.

Campuchia cũng là quốc gia có nhiều loài động vật quí hiếm trên thế giới sinh sống, nổi bật nhất là hổ, voi và bò tót khổng lồ.

Khí hậu ở Campuchia mang tính nhiệt đới, gần giống với khí hậu của Miền Nam nước ta. Khí hậu chia làm hai mùa rõ rệt (mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11; mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau). Nhiệt độ trung bình 27-280C.

Nền kinh tế Campuchia bắt đầu phát triển từ những năm 1990 khi Chính phủ thực hiện nền kinh tế thị trường tự do. Đặc biệt trong những năm gần đây tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP của Campuchia liên tục đạt mức tăng trưởng gần 2 con số. Mức tăng trưởng này có được là nhờ sự tăng mạnh của ngành du lịch, xuất khẩu may mặc và nông nghiệp, trong đó tỷ lệ lạm phát cũng khá cao. GDP ước tính đạt 32,489 tỷ USD; thu nhập bình quân đầu người/năm khoảng 2.000 USD. Cơ cấu kinh tế Campuchia theo các lĩnh vực: Nông nghiệp 29%, công nghiệp 30%, dịch vụ 41%. Nền kinh tế Campuchia có thu nhập đầu người dù đang tăng nhanh, nhưng vẫn thấp so với phần lớn các quốc gia láng giềng. Điều đặc biệt là chính sách thuế nhập khẩu đánh vào ôtô ở Campuchia rất thấp, nên cán bộ, người dân từ mức sống trung bình trở lên họ có thể sắm ôtô riêng.

Công nghiệp chủ yếu là công nghiệp may mặc, dệt, xay sát gạo, gỗ và các sản phẩm từ gỗ, cao su, xi măng, khai thác đá quý; ngành chế tạo đa dạng nhưng không có quy mô lớn và phần lớn được tiến hành trên quy mô nhỏ và không chính thức; ngành công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng còn yếu kém, chủ yếu là nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu trong nước.

Ngành nông nghiệp: Campuchia là nước nông nghiệp với hơn 75% dân số sống bằng nghề nông. Sản phẩm chủ yếu là lúa, ngô, đậu các loại, điều, cao su, lá thuốc lá, tẩu thuốc lá, đánh bắt hải sản.

Lĩnh vực dịch vụ tập trung vào các hoạt động thương mại và các dịch vụ liên quan đến cung ứng. Sự tăng trưởng của ngành này hàng năm khá mạnh, chủ yếu là do tăng lượng khách du lịch đến Campuchia, tăng cường các hoạt động kinh tế, thương mại, vận chuyển, viễn thông và dịch vụ tài chính ngân hàng.

Vương quốc Campuchia là một trong những địa điểm du lịch hẫp dẫn trên thế giới. Campuchia mở cửa đón khách du lịch vào những năm đầu của thập niên 90 thế kỷ 20 và lượng khách du lịch tăng mạnh qua từng năm.

Campuchia cũng là nước sớm gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) từ  năm2004. Những mặt hàng xuất khẩu chính của Campuchia sang các nước Mỹ, Hồng Kông, Anh, Đức là quần áo, gỗ xẻ, cao su, gạo, cá, thuốc lá, giày dép. Nhập khẩu chính là sản phẩm từ dầu lửa, thuốc lá, vàng, vật liệu xây dựng, máy móc thiết bị, động cơ, xe cộ, dược phẩm từ các nước Hồng Kông, Trung Quốc, Thái Lan, Đài Loan, Việt Nam, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Người Campuchia sống kín đáo, giản dị và nhã nhặn, họ thường chào nhau theo kiểu truyền thống chắp hai tay vào nhau như cầu nguyện, đầu hơi cúi. Họ coi trọng gia đình là hạt nhân, trong đó người phụ nữ đóng vai trò chính. Ẩm thực món ăn Khmer có ảnh hưởng ít nhiều bởi món ăn của Ấn Độ và Trung Hoa để tạo thành một thực đơn đặc trưng Campuchia.

Những cơ hội đầu tư về khoa học công nghệ tại Campuchia: Campuchia có chính sách mở cửa trong tất cả các lĩnh vực, kể cả lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông với 100% vốn đầu tư nước ngoài, đồng thời quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư để trở thành nước có môi trường kinh doanh tốt nhất trong khu vực. Việt Nam chúng ta cũng có nhiều chương trình hợp tác với Campuchia trong các lĩnh vực thăm dò, khai thác Bauxite, chế biến lương thực, sản xuất phân bón, phát triển trồng cây cao su, y tế vv.

Về môi trường: Campuchia coi trọng môi trường hơn lợi nhuận. Chính phủ Campuchia không cấp giấy phép khai thác tài nguyên cho bất kỳ doanh nghiệp nào vì lý do bảo vệ môi trường, đa dạng sinh thái và cuộc sống của người dân địa phương. Tại các khu vực công cộng như công viên, vỉa hè, lòng đường, không thấy người dân buôn bán, kinh doanh.

2. Những nội dung thu nhận được từ hội thảo khoa học:

Trong thời gian ngắn, tôi đã tranh thủ dự hội thảo khoa học chuyên đề, trao đổi kinh nghiệm và đặc biệt là quan tâm về các lĩnh vực chuyên ngành:

- Đào tạo, xây dựng năng lực; 

          - Phương pháp quản lý và bảo tồn các nguồn tài nguyên nước sạch;

          - Thoát nước và giảm thiểu lũ lụt vùng hạ lưu.

          - Điều tra phát hiện nguồn nước dưới lòng đất, đá bằng phương pháp địa vật lý, ra đa xuyên đất và giải đoán ảnh viễn thám của Hiệp hội Kỹ sư Malaysia.

          3. Một số kiến nghị đề xuất qua chuyến đi công tác tại Campuchia:     

 Qua chuyến đi công tác tại Campuchia, mặc dù thời gian quá ngắn không đủ để hiểu hết m ọi vấn đề, xong tôi mạnh dạn đề xuất một số ý kiến có thể vận dụng tại tỉnh nhà như sau:

- Hà Giang là tỉnh có nhiều danh thắng, hồ nước đẹp, cần có giải pháp quy hoạch, đầu tư để đưa vào khai thác có hiệu quả cho ngành du lịch, gắn với phát triển các sản phẩm văn hóa, ẩm thực, đồ lưu niệm và đặc sản riêng của vùng cao.

- Cần có quy hoạch, bảo vệ và giữ gìn môi trường, cảnh quan nơi công cộng: công viên, hè phố thoáng, sạch đẹp để mọi người dân và du khách được thưởng thức.

- Có thể áp dụng các khoa học công nghệ tiên tiến của khu vực như “Tìm kiếm nguồn nước ngầm bằng phương pháp địa vật lý, ra đa xuyên đất trên vùng núi đá vôi phía Bắc của Hà Giang để tìm kiếm và khai thác nguồn nước phục vụ cho đồng bào vùng cao trong mùa khô”.

Cuối cùng tôi xin trân thành cảm ơn Lãnh đạo Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực UBND tỉnh đã tạo điều kiện cho tôi được tham gia và hoàn thành tốt đẹp chuyến công tác tại nước bạn Campuchia.

  Cao Hồng Kỳ

            (PCT LIÊN HIỆP HỘI HÀ GIANG)

Submit Thread to Facebook Submit Thread to Twitter Submit Thread to Google
icon Các tin tức khác
icon Hà Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024 triển khai nhiệm vụ năm 2025
icon Sáng tạo khoa học - công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam
icon Hội thảo tham vấn đề xuất dự án
icon Thảo luận mô hình tổ chức Liên hiệp hội các tỉnh, thành phố và kiến nghị giải pháp thực hiện trong tình hình mới
icon Giao ban Liên hiệp hội các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương năm 2024
icon Tình cảm và những lời căn dặn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với trí thức Liên hiệp Hội Việt Nam
icon Hội nghị BCH Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật lần thứ 6
icon Liên hiệp hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Hà Giang tập huấn chăm sóc cây Lê tại huyện Đồng Văn
icon Bàn giao hệ thống cấp nước sạch và nước uống trực tiếp do Hội Spejdernes Genbrug, Đan Mạch tài trợ
icon Hội thảo đánh giá công tác quản lý, sử dụng mô hình NTSH và hệ thống CNS, NUHĐ sau bàn giao và đề xuất giải pháp nhân rộng
Liên hiệp Hội Việt Nam
Quỹ hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam
bộ khoa học và công nghệ
Sở Khoa học và Công nghệ
Thiết kế website