Nhằm xem xét, đánh giá hiệu quả hoạt động tư vấn phản biện của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thời gian qua và đề ra những biện pháp tiếp tục nâng cao hiệu quả, vai trò tư vấn, phản biện và giám định xã hội trong thời gian tới, trong tháng 10 vừa qua Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh đã tham vấn lấy ý kiến phản hồi của các sở, ngành liên quan về kết quả tiếp nhận ý kiến tư vấn, phản biện đối với các đề án, dự án trọng tâm, trọng điểm của tỉnh do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (KH&KT) tỉnh tổ chức thực hiện. Bài viết này cung cấp cho độc giả về nội dung này.
Quang cảnh một phiên họp Hội đồng tư vấn, phản biện dự án- Ảnh minh họa
Với vai trò tập hợp động ngũ trí thức khoa học và công nghệ tham gia đóng góp ý kiến với Đảng và Nhà nước xem xét quyết định các vấn đề phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn tỉnh, từ năm 2014 đến nay, sau khi đi tổ chức Đại hội đại biểu và đi vào hoạt động ổn định, Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh đã tập hợp được đông đảo các nhà khoa học, chuyên gia tư vấn phản biện đầu ngành, gồm nhiều lĩnh vực chuyên môn từ các cơ quan, hội ngành ở trung ương và ở tỉnh, tham gia thực hiện phản biện độc lập đối với 11 đề tài, dự án trọng tâm trọng điểm của tỉnh do các Sở, ngành của tỉnh chủ trì soạn thảo.
Quá trình tổ chức tư vấn phản biện đã hiện theo đúng quy trình được quy định tại Quyết định số 11/QĐ-UBND ngày 02/01/2013 của UBND tỉnh Hà Giang về việc ban hành Quy định tư vấn phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh. Theo tính chất đặc thù của từng dự án, với sự hỗ trợ của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Liên hiệp các Hội KH&KT Hà Giang đã lựa chọn và mời các nhà khoa học chuyên sâu theo từng lĩnh vực ở trung ương và của tỉnh có nhiều kinh nghiệm tham gia thành viên Hội đồng phản biện. Quá trình thực hiện phản biện, các thành viên Hội đồng đã phát huy trách nhiệm, tâm huyết về khoa học tham gia nhiều ý kiến sắc đáng đảm bảo tính khoa học, độc lập, khách quan. Qua đó đã giúp cho cơ quan chủ trì tổng hợp các Báo cáo tư vấn, phản biện đảm bảo chất lượng. Giúp cho đơn vị chủ trì soạn thảo chỉnh sửa báo cáo, dự án, đề án được đầy đủ, khoa học, phù hợp với thực tiễn, đảm bảo chất lượng trước khi trình HĐND, UBND tỉnh quyết định phê duyệt.
Theo ghi nhận từ kết quả tổng hợp ý kiến phản hồi của của các sở, ngành liên quan cho thấy, mức độ tiếp thu ý kiến của các đơn vị đã phản ánh được tính hiệu quả của hoạt động tư vấn phản biện. Cụ thể:
- Với đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tỉnh Hà Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025”, do Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hà Giang chủ trì xây dựng. Đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt theo Quyết định số 1839/QĐ-UBND ngày 23/8/2015. Theo Báo cáo số 439/SNN-BC ngày 10/10/2016 của Sở Nông nghiệp và PTNT: Đơn vị chủ trì soạn thảo Đề án đã nghiêm túc tiếp thu đầy đủ 100% các ý kiến tư vấn, phản biện của Hội đồng tư vấn phản biện. Sau ý kiến phản biện của Hội đồng, đơn vị khởi thảo đã xây dựng lại Đề án, xác định rõ tiềm năng, lợi thế của từng cây, con có tiềm năng sản xuất theo hướng hàng hóa; cơ cấu lại bố cục theo hướng Đề án khung, đề ra các mục tiêu cụ thể để phấn đấu đến năm 2020, tầm nhìn 2025 mà Hội đồng phản biện đã tư vấn; sau đó mới trình lại UBND tỉnh để phê duyệt, tổ chức thực hiện.
- Dự án “Rà soát, điều chỉnh quy hoạch Thủy lợi tỉnh Hà Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. chủ trì soạn thảo. Hội đồng phản biện đã đưa ra 35 ý kiến kiến nghị Đơn vị chủ trì soạn thảo xem xét, chỉnh sửa và bổ sung. Kết quả phản hồi, có 28/35 ý kiến đã được đơn vị chủ trì soạn thảo tiếp thu và chỉnh sửa vào dự thảo Đề án, chiếm 80% so với đề nghị; 7/35 ý kiến đã được Đơn vị soạn thảo giải thích, làm rõ (theo báo cáo số 439/BC-SNN của sở NN&PTNT).
- Đề án "Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Hà Giang đến năm 2020, định hướng đến 2030" do Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì soạn thảo. Hội đồng phản biện đã đưa ra 21 ý kiến đề nghị chỉnh sửa, 37 ý kiến đề nghị làm rõ. Theo báo cáo số 337/BC-STNMT ngày 07/10/2016 của Sở Tài nguyên và Môi trường, Đơn vị chủ trì soạn thảo đã tiếp thu chỉnh sửa đối với 14/21 ý kiến (chiếm 67%); các nội dung đã được chỉnh sửa chính gồm: bố cục báo cáo, cơ sở pháp lý, đánh giá tổng quan, sự tác động của quy hoạch; tính đa dạng loài; diễn biến tính đa dạng sinh học; phân tích, lựa chọn phương án quy hoạch; giải pháp tổ chức thực hiện đề án; 37/37 ý kiến đã được làm rõ trong dự thảo Báo cáo.
- Dề án “Điều tra đánh giá thực trạng suy thoái đất trên địa bàn tỉnh và xây dựng biện pháp phòng ngừa ứng phó với biến đổi khí hậu”. do Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì soạn thảo. Hội đồng phản biện đã yêu cầu Đơn vị soạn thảo xem xét, chỉnh sửa, bổ sung và làm rõ 18 ý kiến. Theo Báo cáo số 337/BC-STNMT ngày 07/10/2016 của Sở Tài nguyên và Môi trường, Đơn vị chủ trì soạn thảo đã tiếp thu và chỉnh sửa 13/18 ý kiến trong dự thảo Đề án (chiếm 72,2 %); có 5/18 ý kiến đã được Đơn vị giải thích và làm rõ.
- Dự thảo “Nghị quyết về chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa trên địa bàn tỉnh Hà Giang”. Hội đồng phản biện đã đưa ra 7 ý kiến chính đề nghị xem xét chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện. Theo Báo cáo số 58/BC-VP, ngày 03/10/2016 của Văn phòng Hội đồng nhân dân tỉnh: Đơn vị chủ trì soạn thảo đã tiếp nhận và chỉnh sửa 4/7 ý kiến của Hội đồng phản biện (chiếm 57%); các nội dung chỉnh sửa gồm: chỉnh sửa không hỗ trợ phát triển cây tam giác mạch; không quy định công suất của nhà máy mà giao cho UBND tỉnh hướng dẫn cụ thể để phù hợp với số tiền vay sát với thực tế; không ghi công suất đối với nhà máy chế biến thức ăn gia súc trong Nghị quyết...; 3/7 ý kiến còn lại đã được thuyết minh làm rõ.
- Dự thảo “Nghị quyết về chính sách khuyến khích phát triển kinh tế biên mậu trên địa bàn tỉnh”. Hội đồng phản biện của tỉnh đã đưa ra 6 ý kiến chính đề nghị xem xét chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện đối với dự thảo nghị quyết này. Theo Báo cáo số 58/BC-VP, ngày 03/10/2016 của Văn phòng Hội đồng nhân dân tỉnh, Đơn vị chủ trì soạn thảo đã tiếp nhận và chỉnh sửa 5/6 ý kiến của Hội đồng phản biện (chiếm 83,3%). Các nội dung tiếp nhận và chỉnh sửa gồm: Phần ưu đãi thuế; mức tiền hỗ trợ lãi suất vay vốn; hỗ trợ xuất khẩu hàng hóa...
- Dự án “Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” do Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì soạn thảo. Hội đồng tư vấn, phản biện của tỉnh đã đưa ra 14 ý kiến chính kiến nghị chỉnh sửa. Theo Báo cáo số 1601/BC-SKHĐT, ngày 18/10/2016 của Sở Kế hoạch và Đầu tư: Đơn vị chủ trì soạn thảo đã tiếp nhận và chỉnh sửa 12/14 ý kiến của Hội đồng phản biện (chiếm 85,57%). Các nội dung tiếp nhận và chỉnh sửa chính gồm: Căn cứ lập quy hoạch, đánh giá thực trạng kinh tế - xã hội giai đoạn 2005-2013 các lĩnh vực; dự báo các yếu tố tác động; định hướng phát triển kinh tế xã hội đến 2020; phương án và lựa chọn phương án tăng trưởng kinh tế; quan điểm phát triển; phương hướng phát triển ngành, lĩnh vực kinh tế; giải pháp thực hiện quy hoạch; danh mục các dự án ưu tiên; thiết lập các hệ thống bảng biểu... 2/14 ý kiến còn lại đã được đơn vị thuyết minh, làm rõ.
- Đề án: “Tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và phát triển bền vững tỉnh Hà Giang đến năm 2020, định hướng 2030” do Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì soạn thảo. Hội đồng phản biện của tỉnh đã đưa ra 6 ý kiến chính kiến nghị chỉnh sửa. Theo Báo cáo số 1601/BC-SKHĐT, ngày 18.10.2016 của Sở Kế hoạch và Đầu tư: Đơn vị chủ trì soạn thảo đã tiếp nhận và chỉnh sửa 4/6 ý kiến của Hội đồng phản biện (chiếm 66,7%). Các nội dung tiếp thu và chỉnh sửa chính gồm: chỉnh sửa lại kết cấu của Đề án (hoàn thiện trình UBND tỉnh phê duyệt lại Đề cương Đề án theo Quyết định số 503/QĐ-UBND); xác định và làm rõ mô hình tăng trưởng của tỉnh Hà Giang; đề xuất các định hướng phát triển dựa trên tiềm năng, lợi thế; phân tích các yếu tố tác động; chỉnh sửa, làm rõ giải pháp thực hiện Đề án...;
Một số nhận xét đánh giá:
Hoạt động tư vấn phản biện đã được Liên hiệp các Hội KH&KT đã được triển khai có hiệu quả. Qua 3 năm đưa hoạt động tư vấn phản biện vào triển khai, đã có 11 đề án, dự án trọng tâm, trọng điểm được HĐND và UBND được tổ chức phản biện thành công. Trên cơ sở xem xét tính khoa học và thực tiễn, Hội đồng phản biện đã phát hiện và chỉ ra được những hạn chế, thiếu sót, những điểm chưa phù hợp để kiến nghị Cơ quan chủ trì, đơn vị tư vấn xem xét chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện Báo cáo, Dự án, Đề án đảm bảo tính khoa học, phù hợp với thực tiễn của tỉnh và đảm bảo tính khả thi. Đồng thời cung cấp được những thông tin, luận cứ khoa học độc lập, khách quan giúp cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh có góc nhìn tổng quan xem xét trước khi quyết định phê duyệt Đề án, Dự án.
Đa số các Đề án, Dự án được thực hiện tư vấn, phản biện thì đều được các Đơn vị chủ trì soạn thảo tiếp thu và chỉnh sửa tối thiểu từ 57% trở lên; có những Đề án đã tiếp nhận và chỉnh sửa từ 80-100% ý kiến, kiến nghị của Hội đồng phản biện; có 2 Đề án, Dự án phải phê duyệt lại Đề cương; các ý kiến khác đều được các cơ quan, đơn vị tiếp nhận và làm rõ. Qua đó cho thấy các sở, ngành liên quan của tỉnh đã đồng tình và đánh giá cao vai trò tư vấn, phản biện của Liên hiệp hội và đều có quan điểm cho rằng cần thiết phải có ý kiến tư vấn, phản biện của Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh đối với các Đề án, Dự án trọng tâm, trọng điểm của tỉnh trước khi trình UBND, HĐND tỉnh xem xét, quyết định.
Từ ghi nhận kết quả phản hồi nêu trên. Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh đã đề ra những định hướng thúc đẩy hoạt động tư vấn phản biện trong thời gian tới trọng tâm 4 vấn đề chính, đó là: (1) Tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, làm rõ mục đích, ý nghĩa và hiệu quả mang lại của hoạt động tư vấn, phản biện để các Sở, ngành đồng thuận và phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong việc tổ chức triển khai các nhiệm vụ tư vấn, phản biện của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh; (2) Nghiên cứu đề xuất với tỉnh ban hành cơ chế đãi ngộ hợp lý hơn nhằm thu hút đội ngũ trí thức mà trước hết là các chuyên gia có chuyên môn sâu, có nhiều kinh nghiệm quản lý trên các lĩnh vực để tham gia đóng góp ý kiến tư vấn, phản biện, nhằm nâng cao chất lượng các Chương trình, Đề án, Dự án trọng tâm trọng điểm của tỉnh trước khi trình Tỉnh xem xét, quyết định; (3) Tiếp tục nâng cao chất lượng các Hội đồng tư vấn, phản biện, trong đó trọng tâm lưu ý lựa chọn chuyên gia phù hợp theo đặc thù của từng nhiệm vụ. Bên cạnh đó, hàng năm, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Sở, ban ngành liên quan của tỉnh tham mưu đề xuất danh mục nhiệm vụ tư vấn, phản biện đảm bảo trọng tâm, trọng điểm để thực hiện tư vấn, phản biện đạt kết quả; (4) Nghiên cứu đề xuất với tỉnh thực hiện một hoạt động giám định xã hội thí điểm để làm cơ sở đề xuất triển khai hiệu quả trong thời gian tới./.
Tô Hiện