Hà Giang: Góp ý dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi)

 Ngày 20/10/2023, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (Liên hiệp Hội) Hà Giang đã tổ chức Hội thảo tư vấn phản biện (TVPB), góp ý đối với dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi). Tham dự Hội thảo có đại diện các Sở, ban ngành của tỉnh, các Hội thành viên Liên hiệp Hội tỉnh và các chuyên gia TVPB ở Trung ương và ở tỉnh.

Hà Giang: Góp ý dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi)

Toàn cảnh Hội thảo TVPB, góp ý dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi)

Lưu trữ là một bộ phận quan trọng, không thể tách rời hoạt động của các cơ quan Đảng, Nhà nước từ Trung ương tới địa phương. Trải qua nhiều thế kỷ, nhờ có cơ quan lưu trữ và tài liệu lưu trữ phong phú và đa dạng mà chúng ta biết được lịch sử phát triển của đất nước, dân tộc, địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân từ quá khứ đến hiện tại và tương lai. Từ đó có cái nhìn biện chứng, khách quan, khoa học, toàn diện về lịch sử, sự phát triển, cả những góc khuất, những hạn chế trong mỗi giai đoạn và từng thời kỳ phát triển. Luật Lưu trữ được Quốc hội khoá XIII, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 11/11/2011 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2012 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng, thống nhất quản lý công tác lưu trữ trong phạm vi toàn quốc. Trải qua hơn 10 năm thực hiện, bên cạnh kết quả đạt được, cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội và tác động của Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, Luật Lưu trữ hiện hành đã bộc lộ những bất cập, hạn chế, một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn. Cùng với đó, thời gian qua Đảng, Nhà nước đã ban hành chủ trương, chính sách mới về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, toàn diện và hội nhập quốc tế, trong đó có lĩnh vực lưu trữ. Do đó, việc sửa đổi Luật Lưu trữ là cần thiết, nhằm để thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn công tác lưu trữ hiện nay, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa của nền hành chính quốc gia và hội nhập quốc tế.

Dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) bản tháng 10/2023 gồm 09 chương, 68 điều, tăng 02 chương, 26 điều so với Luật Lưu trữ hiện hành. Dự thảo Luật đã dành 1 chương về điều chỉnh nội dung về phát huy giá trị tài liệu lưu trữ (chương V) và 1 chương về quản lý lưu trữ tư (chương VI); đây là bước chuyển lớn về nhận thức đối với vai trò, vị trí đặc biệt của tài liệu lưu trữ, để tài liệu lưu trữ được “sống và phục vụ” xã hội bằng cả những giá trị lịch sử và thực tiễn. Tại Hội thảo, các đại biểu đã đồng tình với nội dung của dự thảo Luật. Tuy nhiên, để đảm bảo tính đầy đủ, khoa học, thực tiễn và có tính khả thi cao khi được ban hành, đề nghị Cơ quan soạn thảo xem xét, chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện một số nội dung của dự thảo Luật, cụ thể: (i) Bổ sung, làm rõ đối tượng áp dụng của Luật vào Điều 1 của dự thảo gồm: “Các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân (gọi chung là cơ quan, tổ chức) và cá nhân”; (ii) Bổ sung quy định về thẩm quyền quản lý tài liệu và cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ đối với UBND cấp quận/huyện vào Điều 9 của dự thảo Luật; (iii) Cần rút ngắn quy định thời hạn nộp lưu tài liệu vào Lưu trữ lịch sử tối đa là 7 năm, vì thực tế có nhiều cơ quan, tổ chức không có điều kiện lưu trữ, quản lý tài liệu lưu trữ, nếu để tài liệu lâu ở kho Lưu trữ cơ quan, tổ chức có thể dẫn đến bị hư hỏng, hoặc mất mát, thất lạc; (iv) Cần quy định rõ hơn về thẩm quyền quyết định giải mật tài liệu lưu trữ, số lượng, cơ cấu thành viên của Hội đồng giải mật tài liệu lưu trữ của cơ quan Đảng, Nhà nước (tại Điều 27 của Dự thảo Luật) để bảo đảm thống nhất và thuận lợi cho việc áp dụng; (v) Bổ sung và làm rõ quyền của tổ chức, cá nhân trong hoạt động lưu trữ tư (tại Điều 46 của dự thảo Luật); (vi) Quy định cụ thể cơ quan, cá nhân có thẩm quyền cấp Chứng chỉ hành nghề lưu trữ (tại khoản 1 Điều 57 dự thảo Luật), đồng thời chỉnh sửa, bổ sung một số đối tượng không được cấp Chứng chỉ hành nghề lưu trữ (tại khoản 5 Điều 57 dự thảo Luật) như: Người mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; người đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc”; (vii) Bổ sung thêm quy định cơ quan quản lý tài liệu Phông lưu trữ của Đảng và quy định về quản lý nhà nước đối với lưu trữ tài liệu của Đảng, đồng thời bổ sung quy định các hành vi vi phạm và thẩm quyền xử lý đối với các hành vi vi phạm hành chính thuộc hoạt động lưu trữ vào chương VIII của dự thảo Luật và sửa lại tên của Chương VIII là “Quản lý nhà nước về lưu trữ”; (viii) Chỉnh sửa quy định về chuyển tiếp (tại Điều 68 của dự thảo Luật) cho phù hợp với thực tiễn, cụ thể là: “Chứng chỉ hành nghề lưu trữ đang có hiệu lực được tiếp tục sử dụng cho đến khi hết hiệu lực; và được cấp lại sau khi tham gia bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ do đơn vị có thẩm quyền tổ chức theo quy định của Luật này”.

Các ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật được Liên hiệp Hội tỉnh tổng hợp báo cáo Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh để phản ánh với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và kiến nghị với Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV khai mạc vào ngày 23/10/2023./.

                                                            Cao Hồng Kỳ, Liên hiệp Hội Hà Giang

Submit Thread to Facebook Submit Thread to Twitter Submit Thread to Google
icon Các tin tức khác
icon Hà Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024 triển khai nhiệm vụ năm 2025
icon Sáng tạo khoa học - công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam
icon Hội thảo tham vấn đề xuất dự án
icon Thảo luận mô hình tổ chức Liên hiệp hội các tỉnh, thành phố và kiến nghị giải pháp thực hiện trong tình hình mới
icon Giao ban Liên hiệp hội các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương năm 2024
icon Tình cảm và những lời căn dặn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với trí thức Liên hiệp Hội Việt Nam
icon Hội nghị BCH Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật lần thứ 6
icon Liên hiệp hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Hà Giang tập huấn chăm sóc cây Lê tại huyện Đồng Văn
icon Bàn giao hệ thống cấp nước sạch và nước uống trực tiếp do Hội Spejdernes Genbrug, Đan Mạch tài trợ
icon Hội thảo đánh giá công tác quản lý, sử dụng mô hình NTSH và hệ thống CNS, NUHĐ sau bàn giao và đề xuất giải pháp nhân rộng
Liên hiệp Hội Việt Nam
Quỹ hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam
bộ khoa học và công nghệ
Sở Khoa học và Công nghệ
Thiết kế website