Ngày 20 tháng 6 năm 2018, tại Hà Nội, OXFAM tại Việt Nam đã tổ chức Hội thảo công bằng tài chính cho khu vực châu Á và Việt Nam. Tham dự Hội thảo có đại diện Văn phòng OXFAM tại Việt Nam, các đại biểu đến từ Mạng lưới sông ngòi Việt Nam, Liên minh Khoáng sản, Liên minh Năng lượng...
Mục tiêu của Hội thảo nhằm giúp cho các tổ chức xã hội dân sự và Liên minh cập nhật về Chương trình công bằng tài chính châu Á và cơ hội cho Việt Nam tham gia; giúp cho các tổ chức xã hội dân sự và các Liên minh có sự hiểu biết chung về các vấn đề liên quan đến quản trị nước, khai thác mỏ và quản trị năng lượng, nhà máy điện than; khả năng áp dụng cách tiếp cận công bằng tài chính để tác động tích cực đến các dự án đầu tư của các ngành này; xác định các kết quả dài hạn, kết quả và đầu ra ngắn hạn, các hoạt động chính và thời hạn của dự án; thảo luận về sự tham gia của các đối tác, vai trò cụ thể của từng đối tác và vai trò của OXFAM.
Toàn cảnh Hội thảo công bằng tài chính cho khu vực châu Á, Việt Nam
Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe tóm tắt kết quả tập huấn về công bằng tài chính châu Á và kết quả cuộc thảo luận về công bằng tài chính tại Việt Nam hồi tháng 1 năm 2018; được chia sẻ thông tin từ cuộc họp công bằng tài chính châu Á tổ chức tại Siêm Riệp, Campuchia tháng 4 năm 2018 với mục tiêu nhằm nâng cao nhận thức giữa Chính phủ và Hiệp hội Ngân hàng cần phải thay đổi chính sách của Nhà nước đối với hoạt động của các Ngân hàng khu vực và trong nước về việc cho các Nhà đầu tư, Công ty vay vốn để đầu tư thực hiện các dự án về xây dựng nhà máy thủy điện, nhà máy điện than có ảnh hưởng lớn đến môi trường và xã hội.
Tại Hội thảo, đại diện Mạng lưới sông ngòi Việt Nam đã cung cấp cho các đại biểu những thông tin quan trọng về: Các vấn đề về quản trị nước ở Việt Nam và khu vực sông Mekong, quản lý năng lượng, nhà máy điện than ở Việt Nam, khai thác khoáng sản tại Việt Nam; sử dụng cách tiếp cận công bằng tài chính trong quản trị nước, quản lý năng lượng, nhà máy điện than; khai thác khoáng sản tại Việt Nam: những gì (what) và đối tượng (who) chúng ta có thể đánh giá được sự ảnh hưởng của dự án đến môi trường, cuộc sống người dân như thế nào và có thể sử dụng phương pháp SWOT: điểm mạnh (Strength), điểm yếu (weakness), cơ hội (opportunity) và mối đe dọa/ thách thức (Threat) để đánh giá. Tại Hội thảo, một số đại biểu nêu hướng tiếp cận công bằng tài chính trong quản trị tài nguyên nước là nên tăng cường hợp tác, tham gia của các bộ, ngành Trung ương trong quản trị nước tại các lưu vực sông (thượng nguồn và hạ nguồn) và các Ủy ban lưu vực sông hoạt động chưa hiệu quả; chia sẻ kế hoạch sử dụng tài nguyên nước giữa các tỉnh, các nước trong khu vực; nâng cao đánh giá tác động môi trường, xã hội của các đập thủy điện...
Thường trực Liên hiệp các Hội KH&KT Hà Giang tham dự Hội thảo
Sau phần trình bày của các Liên minh, cố vấn chương trình Oxfam đã khái quát: để thúc đẩy công bằng tài chính trong lĩnh vực ngân hàng thì cần tiếp cận những cách cụ thể như: chấm điểm, xếp hạng ngân hàng theo mức độ công khai thông tin và sự đầy đủ của các chính sách an toàn về môi trường, xã hội; thực hiện các nghiên cứu sâu về mối liên hệ giữa ngân hàng, tài chính và rủi ro môi trường, xã hội (trong lĩnh vực khoáng sản, năng lượng, đất đai); tổng hợp nhiều cách tiếp cận như tăng cường nhận thức công chúng, đánh giá ngân sách, nghiên cứu chuyên sâu... Tại Hội thảo, dưới sự hướng dẫn của chuyên gia, các nhóm đã thảo luận về tiêu chí lựa chọn lĩnh vực ưu tiên và phương pháp ưu tiên đối với các dự án như: nhiều dự án được đặt ra trong quy hoạch, kế hoạch tương lai; dự án tác động lớn đến xã hội, môi trường; nhiều người quan tâm; quyền lợi của người dân; cơ hội cũng như ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của doanh nghiệp, nhà nước, chính sách ngân hàng; việc tiếp cận thông tin; khả năng kết nối khu vực, trong nước và quốc tế; năng lực, kinh nghiệm của các Liên minh tham gia dự án.
Tại Hội thảo, nhóm thảo luận về đánh giá đầu tư thủy điện tại khu vực sông Mekong cho ý kiến theo 6 nội dung cơ bản: Rà soát các ngân hàng bên Việt Nam đầu tư tại Mekong; đánh giá tác động môi trường, xã hội của dự án gây ảnh hưởng đến môi trường, xã hội; soạn thảo hướng dẫn đối với Ngân hàng về quản trị môi trường và xã hội đối với các dự án; hướng dẫn về quy trình đầu tư thủy điện trong khu vực; công bố kết quả hướng dẫn; hoạt động truyền thông trong nước và khu vực thông qua các Hội thảo truyền thông và nâng cao nhận thức cho các baanngaan hàng đầu tư, các bộ ngành trung ương, cơ quan nhà nước, người dân để chia sẻ thông tin; đánh giá tác động, hướng dẫn của ngân hàng đến các nhóm dự án này...
Ngoài ra, các đại biểu cũng thảo luận, đề xuất việc tăng cường năng lực cho các tổ chức xã hội, nâng cao nhận thức công chúng, truyền thông xã hội; hỗ trợ kỹ thuật cho các tổ chức cộng đồng để thực thi các tiêu chuẩn quốc tế liên quan đến môi trường; đồng thời đề xuất hợp tác với các tổ chức xã hội trong nước và khu vực tham gia đánh giá các tổ chức tài chính, ngân hàng, nhà đầu tư về minh bạch và giải trình thông qua các nghiên cứu và chia sẻ thông tin; hợp tác và trao đổi kinh nghiệm với các nước trong khu vực châu Á, Việt Nam về công bằng tài chính nhằm thúc đẩy hướng tiếp cận công bằng tài chính trong các lĩnh vực đầu tư liên quan đến ngành năng lượng và ngành quản trị nước.
Cao Hồng Kỳ, Chủ tịch Liên hiệp Hội Hà Giang