Trong 3 thập kỷ qua, tăng trưởng kinh tế của nước ta chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên; trong đó Hà Giang là một trong số những tỉnh được thiên nhiên ban tặng cho nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng và phong phú, với 215 điểm mỏ, 28 loại khoáng sản khác nhau; trong đó có 4 loại khoáng sản quan trọng và có trữ lượng lớn là quặng sắt, chì kẽm, mangan và antimon. Những năm qua, ngành công nghiệp khai khoáng đã phát triển nhanh chóng và mang lại nguồn thu ngân sách đáng kể cho địa phương. Đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hà Giang có 54 mỏ và điểm mỏ đã được UBND tỉnh và Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép khai thác cho 44 doanh nghiệp hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản.
Những năm trước đây, hoạt động khai thác khoáng sản đã mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp rất lớn, do tình trạng khai thác thủ công, khai thác quy mô nhỏ và vừa, chỉ dừng lại ở mức quặng và tinh quặng, tổng doanh thu ngành khai khoáng của tỉnh Hà Giang trong những năm 2006-2010 đã đạt hàng trăm tỷ đồng và nộp ngân sách nhà nước mỗi năm hàng chục tỷ đồng, tạo cơ sở để người lao động có thu nhập, góp phần tạo công ăn việc làm cho một bộ phận lao động tại địa phương. Bên cạnh những mặt tích cực đã đạt được, hoạt động khai thác khoáng sản đã gây ra nhiều tác động tiêu cực tới môi trường và xã hội bởi bãi thải, khí thải độc hại, bụi và nước thải; quá trình khai thác và chế biến khoáng sản gây ô nhiễm không khí, ô nhiễm đất canh tác, phá vỡ cảnh quan và cân bằng sinh thái khu vực, làm suy thoái tài nguyên rừng, suy giảm và ô nhiễm nguồn nước. Ngoài ra, hoạt động khai thác khoáng sản còn tiềm ẩn những rủi ro không thể lường trước đối với cộng đồng dân cư tại cơ sở, là nguyên nhân gây ra trượt lở đất, lũ bùn đất, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân địa phương.
Việt Nam chúng ta đã bắt đầu xây dựng chính sách bảo vệ môi trường (BVMT) từ năm 1990. Tuy nhiên, việc thực thi chính sách BVMT trong lĩnh vực khai thác khoáng sản thực tế còn rất hạn chế. Lý do chính là thiếu cơ chế tham gia, giám sát của cộng đồng cơ sở. Luật BVMT năm 2005 và đặc biệt Luật BVMT và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật BVMT năm 2014 đã có những quy định cụ thể về quyền giám sát của cộng đồng dân cư về BVMT trong khai thác khoáng sản, bao gồm: Quyền được tham vấn trong quá trình thực hiện lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường; Quyền được cung cấp các thông tin về hiện trạng môi trường; quyền được tìm hiểu thực tế công tác BVMT của cơ sở sản xuất, doanh nghiệp khai thác khoáng sản; Quyền được yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan cung cấp kết quả thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về BVMT; và Quyền được công khai nguồn thu, phân bổ và sử dụng nguồn thu phí BVMT đối với khai thác khoáng sản.
Với vai trò là một kênh thông tin quan trọng của cơ chế dân chủ, các tổ chức chính trị - xã hội không chỉ phản ánh đơn thuần các vi phạm pháp luật về BVMT mà còn đóng góp những kiến nghị, đề xuất cho việc xử lý và cách giải quyết vấn đề đó với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trên cơ sở đó, được sự hỗ trợ của Liên minh Khoáng sản và Quỹ Oxfam tại Việt Nam, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (KH&KT) Hà Giang phối hợp với Trung tâm Phát triển và Hội Nhập đã hoàn thành Báo cáo tham vấn “Thúc đẩy cộng đồng tham gia giám sát thực thi chính sách bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản tại Hà Giang”. Nghiên cứu được thực hiện tại mỏ Sắt Ngài Thầu Sản, xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ (nơi doanh nghiệp đã ngừng khai thác) và tại mỏ Antimon, xã Mậu Duệ, huyện Yên Minh (nơi doanh nghiệp đang khai thác khoáng sản”.
Ngày 22/11/2016, Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Hà Giang đã phối hợp với UBND xã Mậu Duệ, huyện Yên Minh tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy cộng đồng tham gia giám sát thực thi chính sách bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản tại mỏ Antimon, Mậu Duệ, huyện Yên Minh”.
Tham dự Hội thảo có đại diện Liên minh Khoáng sản, Lãnh đạo UBND huyện Yên Minh và một số phòng, ban chuyên môn, tổ chức đoàn thể của huyện Yên Minh, của xã Mậu Duệ và đại diện 17/17 thôn, bản của xã Mậu Duệ; đại diện Công ty Cổ phần Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang; phóng viên Báo Hà Giang, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Giang.
Toàn cảnh Hội thảo tại xã Mậu Duệ, huyện Yên Minh
Báo cáo tham vấn nêu rõ: Mậu Duệ thuộc xã vùng III của huyện Yên Minh, ngoài thế mạnh phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp và dịch vụ, Mậu Duệ được thiên nhiên ban tặng tài nguyên khoáng sản Antimon có hàm lượng cao, trữ lượng vào loại lớn nhất Việt Nam (khoảng 330.286 tấn), hàm lượng Antimon trong quặng đạt trên 10%. Mỏ Antimon, Mậu Duệ phân bố tập trung và lộ thiên, có triển vọng phát triển thành ngành công nghiệp kinh tế mũi nhọn về khai thác và chế biến khoáng sản của tỉnh Hà Giang. Năm 1996, Bộ Công nghiệp đã cấp giấy phép khai thác mỏ Antimon, Mậu Duệ cho Công ty Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang (nay đổi tên là Công ty Cổ phần Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang) với thời hạn khai thác 30 năm.
Kết quả nghiên cứu cho thấy: Bên cạnh những kết quả tích cực của khai thác khoáng sản tại điểm mỏ Antimon, xã Mậu Duệ, huyện Yên Minh như tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước (năm 2015, doanh nghiệp nộp ngân sách huyện 18,29 tỷ đồng, trong đó thuế tài nguyên 7,0 tỷ đồng và phí BVMT 243,2 triệu đồng); tạo việc làm cho lao động địa phương hiện tại 55 lao động. Tuy nhiên, hoạt động khai thác khoáng sản đã phần nào ảnh hưởng đến môi trường và xã hội của cộng đồng dân cư tại địa bàn xã như: làm suy giảm chất lượng và cạn kiệt nguồn nước phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của cộng đồng dân cư thôn Pắc Luy; môi trường không khí bị ô nhiễm do khí, bụi trong quá trình nghiền, tuyển, chế biến quặng; đồng ruộng bị đất đá, xỉ quặng vùi lấp vào mùa mưa do nước mưa chảy tràn bề mặt và cuốn trôi đất đá cùng với xỉ quặng. Các cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên môi trường như Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Giang và Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Yên Minh chưa thực hiện trách nhiệm cung cấp các thông tin về hiện trạng môi trường; doanh nghiệp khai thác khoáng sản chưa thực hiện công khai các biện pháp thực hiện BVMT cho cộng đồng dân cư nơi diễn ra hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản. Cộng đồng dân cư địa phương chưa thực hiện được quyền được cung cấp thông tin về hiện trạng môi trường, thông tin về nguồn thu thuế và phí BVMT; quyền giám sát thực hiện các biện pháp BVMT của doanh nghiệp khai thác khoáng sản; quyền giám sát nguồn thu, phân bổ và sử dụng nguồn thu từ thuế và phí BVMT đối với khai thác khoáng sản tại địa phương nơi diễn ra hoạt động khai thác khoáng sản.
Đồng chí Phan Thị Minh, Chủ tịch UBND huyện Yên Minh phát biểu ý kiến tại Hội thảo
Và ngày 23/11/2016, Liên hiệp các Hội KH&KT Hà Giang đã phối hợp với UBND xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy cộng đồng tham gia giám sát thực thi chính sách bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản tại mỏ Sắt Ngài Thầu Sản, xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang”.
Toàn cảnh Hội thảo tại xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang
Kết luận tại Hội thảo, đồng chí Cao Hồng Kỳ, Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Hà Giang đã nhấn mạnh: Hội thảo “Thúc đẩy cộng đồng tham gia giám sát thực thi chính sách bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản tại tỉnh Hà Giang” là dịp để các Cơ quan quản lý nhà nước, Chính quyền địa phương, các Doanh nghiệp khai thác khoáng sản và người dân trên địa bàn thấy được thực trạng thực thi chính sách pháp luật về BVMT; việc thực thi nghĩa vụ, trách nhiệm của Doanh nghiệp khai thác khoáng sản với nhà nước và với xã hội; từ đó đề nghị Doanh nghiệp khai thác khoáng sản cần phải tuân thủ và thực hiện nghiêm túc pháp luật về BVMT; Các cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường cấp tỉnh, huyện (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Giang và Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện) cần phải tăng cường hơn nữa công tác quản lý, giám sát các hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản trên địa bàn; các Cơ quan quản lý nhà nước về Thuế, Tài chính cấp tỉnh, cấp huyện cần thực hiện công khai, minh bạch trong công tác thu, phân bổ và sử dụng nguồn thu từ thuế và phí BVMT đối với khai thác khoáng sản để đảm bảo người dân tại địa bàn nơi bị ảnh hưởng của khai thác và chế biến khoáng sản phải được hưởng lợi từ nguồn thuế và phí BVMT phục vụ cho việc đầu tư các dự án cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống cho cộng đồng dân cư. Hội thảo cũng là dịp để tăng cường năng lực và nâng cao nhận thức cho cộng đồng địa phương về quyền giám sát đối với việc thực thi chính sách BVMT trong lĩnh vực khai thác khoáng sản tại cơ sở; góp phần đề xuất các giải pháp phát triển bền vững đối với ngành công nghiệp khai khoáng trên địa bàn tỉnh Hà Giang nói riêng và trên địa bàn cả nước Việt Nam nói chung.
Cao Hồng Kỳ, Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT Hà Giang