Ngày 15/10/2021, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (Liên hiệp Hội) Hà Giang đã phối hợp với Đoàn ĐBQH khóa XV, đơn vị tỉnh Hà Giang tổ chức Hội thảo tư vấn phản biện, góp ý đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Tham dự Hội thảo có lãnh đạo Đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XV, đơn vị tỉnh Hà Giang, Lãnh đạo đại diện các Sở, ban ngành của tỉnh, các Hội thành viên của Liên hiệp Hội Hà Giang và các chuyên gia tư vấn, phản biện ở tỉnh.
Toàn cảnh Hội thảo
Tại Hội thảo, các đại biểu đã đánh giá cao về chất lượng của dự thảo Luật lần này. Sau nhiều lần lấy ý kiến, tiếp thu và chỉnh sửa, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ đã được Ban soạn thảo Trung ương chuẩn bị công phu. Nội dung của dự thảo Luật phù hợp với quy định của Hiến pháp 2013 về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân về quyền sở hữu, quyền nghiên cứu khoa học và công nghệ, sáng tạo văn học, nghệ thuật và thụ hưởng lợi ích từ các hoạt động đó; quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, về chính sách phát triển khoa học và công nghệ, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; nội dung dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật Việt Nam hiện hành.
Tuy nhiên, để Luật được đầy đủ, hoàn thiện hơn và đáp ứng với yêu cầu thực tiễn, các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo Trung ương tiếp tục nghiên cứu, chỉnh sửa, bổ sung làm rõ nội hàm của các cụm từ chỉ khái niệm trong giải thích từ ngữ để làm rõ mức độ, thuận tiện và thống nhất trong quá trình áp dụng như: “một số lượng bản sao hợp lý”, “bộ phận công chúng có liên quan”, “gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả”, “sao chụp hợp lý một phần tác phẩm”, “sử dụng hợp lý tác phẩm”, “trích dẫn hợp lý tác phẩm”. Đồng thời đề nghị chỉnh sửa, bổ sung một số nội dung trong dự thảo Luật để đảm bảo tính chính xác, cụ thể, rõ nghĩa hơn để thuận lợi cho việc áp dụng trong thực tiễn như: Quy định về quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng; bảo hộ nhãn hiệu âm thanh, bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng; Về định nghĩa và phạm vi của dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp quy định tại khoản 1 Điều 151 của dự thảo Luật: đề nghị giữ nguyên theo quy định tại khoản 1 Điều 151 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành, vì định nghĩa về loại hình dịch vụ sở hữu công nghiệp vừa đúng bản chất lại vừa có phạm vi rộng, bao quát và xuyên suốt mọi giai đoạn của hoạt động dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp vốn là thông lệ chung của pháp luật sở hữu trí tuệ quốc tế; Về điều kiện hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp quy định tại khoản 2a Điều 155 của dự thảo Luật: đề nghị, chỉnh sửa và bổ sung thêm cụm từ: “nếu đạt yêu cầu tại kỳ kiểm tra nghiệp vụ đại diện sở hữu công nghiệp đối với các lĩnh vực đại diện tương ứng” vào sau câu “cá nhân là luật sư được phép hành nghề theo Luật Luật sư thì được cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp trong lĩnh vực nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại, chống cạnh tranh không lành mạnh, bí mật kinh doanh”; Quy định về biện pháp xử phạt hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, đề nghị chọn phương án 2 quy định tại Điều 211 của dự thảo Luật.
Tất cả ý kiến đóng góp của đại biểu được Liên hiệp Hội Hà Giang tổng hợp kiến nghị với Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh để phản ánh về Ủy ban Thường vụ Quốc hội và kiến nghị với Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV./.
Cao Hồng Kỳ, Chủ tịch Liên hiệp Hội Hà Giang