Một tập thể và 20 cá nhân các nhà khoa học, cán bộ quản lý trung ương và địa phương, đó là số lượng được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan lựa chọn đề xuất trình UBND tỉnh xem xét tôn vinh vào trung tuần tháng 4 năm 2016 này.
Thực hiện Kế hoạch số 82/KH-UBND, ngày 01 tháng 4 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang về việc tổ chức gặp mặt, tôn vinh năm 2016 đối với cán bộ quản lý, nhà khoa học có nhiều đóng góp cho sự phát triển tỉnh Hà Giang giai đoạn 2010-2015. Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật đã chủ trì, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ cùng các sở, ngành liên quan lựa chọn đề xuất 01 tập thể và 20 cá nhân nhà khoa học, cán bộ quản lý có những đóng góp tiêu biểu cho sự phát triển tỉnh Hà Giang giai đoạn 2010-2015 trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét tôn vinh vào nửa cuối tháng 4 năm 2016.
Lãnh đạo tỉnh Hà Giang gặp mặt đại diện đội ngũ trí thức KHCN. Ảnh minh họa
Những đóng góp lớn của các nhà khoa học, cán bộ quản lý được lựa chọn tôn vinh đợt này chủ yếu trên các lĩnh vực chính như: vận động chính sách, thu hút đầu tư; nghiên cứu đề xuất các các giải pháp phát triển kinh tế xã hội, khai thác tiềm năng du lịch, bảo vệ môi trường và chăm sóc sức khỏe người dân. Theo đó, xuất phát thực tế Hà Giang là một trong những tỉnh khó khăn nhất cả nước với 6 huyện, 141 xã, thị trấn thuộc diện được nhà nước hỗ trợ theo chương trình 30A của Thủ tướng chính phủ. Giai đoạn 2010-2015, ngoài sự quan tâm của Trung ương Đảng, Chính phủ, sự giúp đỡ của các bộ, ngành trung ương, sự nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn của cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong toàn tỉnh, Hà Giang còn nhận được nhiều đóng góp của đội ngũ trí thức, các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài tỉnh. Theo ghi nhận về thành tích của các nhà khoa học được các ngành đề xuất thì:
Về phát triển tiềm năng dược liệu. Tiến sĩ Trần Văn Ơn và các cộng sự thuộc Đại học Dược Hà Nội đã đề xuất và triển khai công trình “Nghiên cứu đánh giá tiềm năng cây dược liệu và xây dựng phương án Quy hoạch phát triển dược liệu tỉnh Hà Giang”; đề xuất “phương án hình thành các Hợp tác xã sản xuất dược liệu kiểu mới tại huyện Quản Bạ và Hoàng Su Phì tỉnh Hà Giang”; Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam với một số công trình nghiên cứu, phân tích, đánh giá thành phần, giá trị các loài cây dược liệu làm cơ sở lựa chọn đưa vào phương án quy hoach và phát triển dược liệu của tỉnh Hà Giang… Đã tạo cơ sở quan trọng giúp cho tỉnh tham khảo để đưa ra những quyết định về phương án “quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu tỉnh Hà Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2025”; “Quy hoạch phát triển dược liệu gắn với xóa đối giảm nghèo trên địa bàn 6 huyện 30a”, với các biện pháp đồng bộ thúc đẩy phát triển tiềm năng dược liệu, phục vụ xóa đói giảm nghèo cho người dân vùng cao. Đến nay toàn tỉnh đã trồng được 3.648,4 ha, trong đó: Thảo quả 2.396,6 ha; gừng, nghệ 741 ha, hương thảo 121 ha, các cây dược liệu khác như quyết, xả, hồi… 487 ha.
Về vận động chính sách, thúc đẩy mạng lưới công viên địa chất toàn cầu, điển hình như: Tiến sĩ Phạm Sanh Châu, Vụ trưởng Vụ Văn hóa đối ngoại UNESCO thuộc Bộ Ngoại giao; TS Vũ Văn Tích, Phó Trưởng Ban KH&CN, Đại học Quốc gia Hà Nội đã nỗ lực trong vận động chính sách, thuyết phục và làm rõ về những giá trị di sản to lớn của Cao nguyên đá Đồng văn với Ủy ban UNESCO để họ tái công nhận Cao nguyên đá Đồng Văn thuộc mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu; PGS.TSKH Vũ Cao Minh, chuyên gia Viện Địa chất thuộc Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, là một trong những chuyên gia khởi đầu đề xuất ý tưởng lập hồ sơ đề nghị công nhận Cao nguyên đá Đồng Văn là Công viên địa chất toàn cầu. Giai đoạn 2010-2015 tiếp tục có nhiều nghiên cứu đề xuất giải pháp bảo tồn, phát triển Công viên địa chất; đã kiến nghị với Ban quản lý Công viên gìn giữ kịp thời một khu vườn đá đẹp khỏi bị mất đi vĩnh viễn. Đồng thời tiến hành các nghiên cứu điều tra xác định được nhiều vị trí di sản đia chất mới có giá trị khoa học và du lịch cao. Cũng liên quan đến nội dung này, các nhà khoa học như: TS. Nguyễn Đình Toàn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, PGS.TS. Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Địa chất khoáng sản thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tiến sĩ Tạ Hòa Phương, Thạc sĩ Nguyễn Văn Thức – Đại học Quốc gia Hà Nội; Thạc sĩ Đỗ Thị Yến Ngọc- Viện Địa chất khoáng sản cùng các cộng sự… cũng đã có rất nhiều tâm huyết triển khai nhiều công trình nghiên cứu khoa học như: Lập đồ án quy hoạch; khoanh vùng ranh giới di sản; nghiên cứu các giá trị di sản địa chất, cổ sinh địa tầng; thiết lập cơ sở dữ liệu thông tin phục vụ quảng bá hình ảnh Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn vv..vv.. Kết quả, một mặt tạo luận cứ khoa học để lập hồ sơ trình UNESCO tái công nhận Công viên địa chất toàn cầu , mặt khác, giúp cho tỉnh Hà Giang có căn cứ để triển khai các bước bảo tồn, phát huy giá trị Cao nguyên đá Đồng Văn trở thành điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách thập phương và quốc tế. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, năm 2015, lượng du khách du lịch 973.000 lượt người, tăng 49,6% so với năm 2014 (năm 2014 là 650.000 người), tăng 70 % so với năm 2010...
Trước thực tế Hà Giang gặp khó khăn về phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là thiếu những chuyên gia đầu ngành trên các lĩnh vực, ngoài sự nỗ lực của lãnh đạo tỉnh, các cơ quan ban ngành…, Giáo sư, Viện sĩ Đặng Vũ Minh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, một trong những nhà khoa học điển hình đã dành nhiều tâm huyết huy động, tập hợp, khích lệ đội ngũ trí thức, các chuyên gia, nhà khoa học ở Trung ương giúp đỡ tỉnh tư vấn, triển khai các nhiệm vụ phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo trên địa bàn tỉnh như: vấn đề giải quyết về nước sinh hoạt vùng cao, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội vùng Cao nguyên đá; đẩy mạnh các hoạt động tổ chức các Hội thi, Cuộc thi, Giải thưởng KH&CN Việt Nam, ứng dụng các giải pháp Cuộc thi, Hội thi vào phục vụ sản xuất và đời sống, tiến cử các nhà khoa học đầu ngành của Trung ương giúp thực hiện tư vấn, phản biện các đề án, dự án KH&CN trọng tâm trọng điểm triển khai trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, Giáo sư đã đặt nền móng cho sự hình thành và phát triển hệ thống Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Hà Giang, một tổ chức chính trị xã hội của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ tỉnh nhà.
Trong lĩnh vực này, với cách tiếp cận khác, Tiến sĩ Nguyễn Chiến Thắng, Giám đốc Văn phòng PLAN Hà Giang, với vị trí vai trò của mình, giai đoạn 2010-2015 tác giả đã làm đầu mối vận động chính sách, kêu gọi, gắn kết các tổ chức NGOs triển khai dự án phục vụ phát triển tỉnh Hà Giang. Mỗi năm ước thu hút 20 tỷ đồng triển khai các dự án lĩnh vực giáo dục, y tế, nước sạch và vệ sinh môi trường, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Qua đó, trang thiết bị y tế 16 trạm được đầu tư; 180 hộ nghèo được hỗ trợ, trên 60 điểm trường được nâng cấp và xây dựng mới; trên 1.000 giáo viên thuộc 16 xã được nâng cao năng lực, trên 15 nghìn học sinh của Tiểu học và Trung học Cơ sở được hưởng lợi…
Bên cạnh đó nhiều nội dung liên quan đến xóa đói giảm nghèo, chăm sóc sức khỏe người dân cũng đã được các nhà khoa học quan tâm giải quyết, điển hình như: TS. Trần Văn Tùng, Thứ Trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã dành nhiều tâm huyết, nỗ lực giúp tỉnh triển khai “ứng dụng đổi mới công nghệ phát triển con bò vàng khu vực Cao nguyên đá Đồng Văn trở thành hàng hóa theo chuỗi giá trị”; tạo tiền đề cho các cơ quan Bộ/ngành Trung ương và địa phương đề xuất các giải pháp đẩy mạnh phát triển đàn bò vùng cao theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần xóa đói giảm nghèo cho nhân dân các dân tộc vùng cao núi đá phía Bắc của tỉnh. Với công trình: “Nghiên cứu độc tố nấm mốc ở bánh ngô gây ngộ độc ở Hà Giang và một số giải pháp can thiệp”, tập thể tác giả Bộ môn độc học thuộc Trung tâm chống độc, Học viện Quân y đã tiến hành nghiên cứu tình hình ngộ độc bánh, bột ngô mà người dân đang sử dụng và bị ngộ độc, tiến hành hồi cứu; phân tích xác định nguyên nhân. Kết quả đã nghiên cứu tìm ra được tác nhân gây ngộ độc ở bánh ngô đang là vấn đề quan tâm của tỉnh; tìm ra được giải pháp can thiệp, giúp giải quyết được tận gốc vấn đề về ngộ độc bánh trôi ngô ở Hà Giang, tạo cơ sở cho địa phương khuyến cáo người dân phòng trách, giúp cho tuyến y tế tỉnh Hà Giang nâng cao khả năng cấp cứu, điều trị khi người dân bị ngộ độc... Liên quan đến vấn đề chăm sóc sức khỏe cộng đồng, Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Mạnh Khánh, Phó viện trưởng viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Việt Đức và các cộng sự đã có nhiều đóng góp trong việc hỗ trợ tỉnh Hà Giang xây dựng Bệnh viện vệ tinh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang; hỗ trợ đào tạo chuyển giao các gói kỹ thuật “Phẫu thuật thay khớp háng, phẫu thuật nội soi khớp gối”; giúp tỉnh xây dựng và phát triển ngành phẫu thuật chỉnh hình lần đầu tiên được trển khai tại tỉnh Hà Giang làm cơ sở để chuyển giao các gói kỹ thuật cao đó cho các bệnh viện tuyến huyện; Đề xuất nhiều giải pháp triển khai góp phần giảm việc chuyển bệnh nhân của tỉnh lên tuyến trung ương; tiết kiệm được rất nhiều chi phí đối với người bệnh; Tiến sĩ Bùi Tuyết Trinh, Phó trưởng khoa vi sinh, Bệnh viên Lâm sàng nhiệt đới Quốc gia đã đặt nền móng xây dựng và phát triển khoa Vi sinh của Bệnh viện Đa khoa tỉnh; hỗ trợ đào tạo chuyển giao kỹ thuật xét nghiệm “Phương pháp nuôi cấy định dạng vi khuẩn; Kháng sinh đồ; Kỹ thuật đổ môi trường; Nhuộm soi trực tiếp...”; BS. CKII. Phạm Kim Bình, nguyên Trưởng khoa Giải phẫu bệnh, Bệnh Viện Việt Đức đã đặt nền móng cho sự phát triển chuyên ngành giải phẫu bệnh trong điều kiện tỉnh Hà Giang ngành giải phẫu thuật chưa phát triển ... ngoài ra đã giúp đào tạoc cán bộ chuyên môn kỹ thuật cao về giải phẫu bệnh; hướng dẫn đọc một số bệnh về đường tiêu hóa; cách chụp ảnh và gửi ảnh chẩn đoán qua Internet; trực tiếp đọc kết quả xét nghiệm giải phẫu bệnh đối với các trường hợp khó, vượt quá khả năng của Bệnh viện tuyến tỉnh...
Đối với các cán bộ khoa học, cán bộ quản lý trong tỉnh. Giai đoạn 2010-2015, mặc dù làm việc trong điều kiện khó khăn chung của tỉnh, song đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ khoa học của tỉnh đã thực sự đoàn đoàn kết, phát huy nội lực, say mê nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao... Điển hình như: (1) Thạc sĩ Nguyễn Thị Dương, Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Giang. Ngoài chức năng nhiệm vụ được giao, đã luôn tâm huyết, chăn chở, nghiên cứu tìm giải pháp đổi mới phương pháp, cách thức tuyên truyền lĩnh vực khoa giáo cả về nội dung và hình thức. Đã thể hiện được vai trò, vị trí tiên phong giúp Tỉnh ủy cung cấp và định hướng thông tin trước những vấn đề được dư luận xã hội quan tâm. Là tác giả chủ biên nhiều cuốn sách tuyên truyền những tấm gương điển hình trên địa bàn tỉnh về học tập và làm theo tấm gương đạo đức cách mạng Hồ Chí Minh... để tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn tỉnh; tạo sự thống nhất cao trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội, quyết định đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ngoài ra, còn có nhiều công trình nghiên cứu khoa học thúc đẩy hệ thống giáo dục lý luận chính trị cho các lớp bồi dưỡng trên địa bàn tỉnh; (2) Thạc sĩ Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Trưởng bộ môn Lịch sử Việt Nam, Trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh Hà Giang. Với công trình “Nghiên cứu lịch sử địa phương ứng dụng trong công tác giảng dạy trong các trường trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh Hà Giang; nghiên cứu giáo cụ giáo dục di sản Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn và một số nghiên cứu khác...” làm cơ sở cho ngành giáo dục đưa vào kế hoạch giảng dạy trong các trường trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh. Với công trình này, tác giả đã đạt Giải ba Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật toàn quốc lần thứ 11 năm 2013-2014 do các cơ quan trung ương phát động. (3) Tiến sĩ Vũ Mạnh Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế, là cán bộ khoa học trẻ có nhiều đóng góp lĩnh vực chăm sóc sức khỏe người dân; có sáng kiến trong đề xuất thành lập Ban Phòng chống mù lòa của tỉnh, Câu lạc bộ thầy thuốc trẻ tỉnh; tác giả có nhiều ứng dụng kỹ thuật công nghệ tiên tiến lĩnh vực y tế trên địa bàn tỉnh như: “Nghiên cứu phẫu thuật đục thủy tinh thể bằng hai phương pháp phaco và đường rạch nhỏ tại tỉnh Hà Giang”; đoạt một trong 10 Giải thưởng dành cho các Nhà nghiên cứu khoa học trẻ tuổi (dưới 40 tuổi) tại Hội nghị Nhãn khoa Châu Á Thái Bình Dương tổ chức tại Bắc Kinh (Trung Quốc); được Trung ương Đoàn chọn là thanh niên tiêu biểu dự Festival Thanh niên thế giới tại Cộng hòa Nam Phi; đạt Chiến sĩ thi đua cấp toàn quốc năm 2015. (4) Kỹ sư Nguyễn Thị Lâm, nguyên Trạm trưởng Trạm Khuyến Nông huyện Bắc Quang, là người trực tiếp đề xuất nhiều sáng kiến, cách làm hay, đóng góp nhiều công sức cho công tác nghiên cứu khoa học lĩnh vực nông lâm, ngư nghiệp trên địa bàn huyện Bắc Quang; chủ trì, triển khai nhiều đề tài, dự án cấp huyện được đánh giá mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH trên địa bàn huyện như: Mô hình chuyển đổi đất ruộng để trồng ngô vụ đông góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng mùa vụ, tăng thu nhập cho người dân nông nhàn; Mô hình ứng dụng nuôi cá lồng tại thị trấn Vĩnh Tuy; Mô hình tưới nước tiết kiệm cho cây cam; Mô hình cải tạo vườn chè năng suất thấp để cho thu nhập cao hiện nay đang được áp dụng trên địa bàn huyện và mang lại hiệu quả thiết thực...
Thành tích đóng góp được lựa chọn và tôn vinh đợt này chỉ là những kết quả tiêu biểu nhất trong số hàng trăm công trình, đề án, dự án... liên quan đến các lĩnh vực kinh tế xã hội đã được các cán bộ quản lý, nhà khoa học trong và ngoài tỉnh nghiên cứu, triển khai trong giai đoạn 2010-2015 mang lại hiệu quả góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tỉnh Hà Giang. Đằng sau những công trình ấy là biết bao tâm sức và trí tuệ và có cả mồ hôi của đội ngũ trí thức, những chuyên gia và cán bộ làm công tác khoa học. Tất cả đều “Vì Hà Giang phát triển”./.
Đức Hiện