Những vấn đề đặt ra trong công tác vận động trí thức của Liên hiệp Hội Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết 27-NQ/TW trong thời kỳ mới

 Ngày 19 tháng 6 năm 2018, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) đã tổ chức diễn đàn khoa học: Những vấn đề đặt ra trong công tác vận động trí thức của Liên hiệp Hội Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết 27-NQ/TW, ngày 06/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X “về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Dự và chủ trì diễn đàn có GS.TSKH. Đặng Vũ Minh, Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam; TS. Phạm Văn Tân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp Hội Việt Nam. Tham dự diễn đàn khoa học có có TS. Bùi Thế Đức, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đại diện Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Dân Vận Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ; đại diện các Ban chuyên môn và Văn phòng Liên hiệp Hội Việt Nam; đại diện một số Hội ngành toàn quốc và một số Liên hiệp các Hội KH&KT các tỉnh, thành phố.

Những vấn đề đặt ra trong công tác vận động trí thức của Liên hiệp Hội  Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết 27-NQ/TW trong thời kỳ mới

       Toàn cảnh diễn đàn khoa học những vấn đề đặt ra trong công tác vận động

     trí thức của Liên hiệp Hội Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết 27-NQ/TW

Phát biểu khai mạc với diễn đàn, GS.TSKH. Đặng Vũ Minh đã đánh giá cao quá trình xây dựng và ban hành Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 06/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X “về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Việc ban hành Nghị quyết riêng về công tác vận động trí thức cho thấy tầm quan trọng cũng như sự quan tâm của Ban Bí thư trong việc lấy ý kiến của đông đảo cán bộ, trí thức đối với sự phát triển chung của đội ngũ trí thức Việt Nam. Việc ban hành Nghị quyết 27-NQ/TW đã tạo tiền đề để Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 42-CT/TW ngày 16/4/2010 của Bộ Chính trị “về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”. Từ sau khi có Nghị quyết 27-NQ/TW và Chỉ thị 42-CT/TW, Liên hiệp Hội Việt Nam đã từng bước được kiện toàn và củng cố về mặt tổ chức để thực hiện tốt hơn vai trò tập hợp và đoàn kết trí thức KH&CN. Đây là lần đầu tiên Đảng ta ban hành một Nghị quyết riêng về vận động đội ngũ trí thức và đánh giá cao vai trò, vị trí của đội ngũ trí thức đối với sự phát triển của đất nước. Bên cạnh đó, việc đánh giá thực trạng của đội ngũ trí thức và công tác xây dựng đội ngũ trí thức, nội dung của Nghị quyết đã chỉ rõ nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém trong sự phát triển và đóng góp của đội ngũ trí thức. Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới các hạn chế yếu kém chủ yếu là do nhận thức của một số cấp uỷ đảng, chính quyền trong lãnh, chỉ đạo việc thực hiện công tác trí thức; sự thiếu đồng bộ của hành lang pháp lý đảm bảo môi trường dân chủ cho các hoạt động sáng tạo; những định kiến và chủ nghĩa kinh nghiệm trong một bộ phận cán bộ đã dẫn đến thái độ thiếu tin tưởng, thiếu dân chủ trong quan hệ với trí thức, thậm chí xem thường trí thức.

Những vấn đề đặt ra trong công tác vận động trí thức của Liên hiệp Hội  Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết 27-NQ/TW trong thời kỳ mới

      Thường trực Liên hiệp Hội Hà Giang tham dự diễn đàn khoa học

Tại diễn đàn khoa học đã có hơn 20 ý kiến tham luận đánh giá với nhiều góc độ khác nhau của quá trình thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TW. Các ý kiến của nhà khoa học cho rằng sau khi có Nghị quyết 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, đội ngũ trí thức Việt Nam đã phát triển nhanh về số lượng và chất lượng. Theo các con số thống kê cho thấy, đến năm 2017, ước tính cả nước có khoảng 6,5 triệu người có trình độ từ cao đẳng, đại học trở lên, tăng khoảng 2,8 triệu người so với năm 2009 là năm đầu tiên triển khai Nghị quyết 27-NQ/TW; trình độ của đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học đã được cải thiện. Năm 2015, cả nước có khoảng 131.000 cán bộ nghiên cứu so với 105.000 năm 2011. Tỷ lệ cán bộ nghiên cứu có trình độ trên đại học (Tiến sỹ, Thạc sỹ) trong tổng số cán bộ nghiên cứu đã tăng lên đáng kể từ 43,8% (năm 2011) lên 51,5% (2015). Chính sách trọng dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức KH&CN được chú trọng, môi  trường và điều kiện cho hoạt động của trí thức được cải thiện, tạo sự chuyển biến tích cực vào quá trình đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những chuyển biến tích cực đó cũng tồn tại nhiều hạn chế trong việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết, trong đó có việc thực hiện các văn bản pháp luật đã ban hành; chất lượng của đội ngũ trí thức KH&CN so với khu vực và quốc tế ở mức trung bình (công bố khoa học trên các tạp chí KH&CN trong và ngoài nước tuy có tăng song không nhiều và không đồng đều; đăng ký sáng chế và giải pháp hữu ích tăng chậm, duy trì trong khoảng 10% tổng số đơn đăng ký bảo hộ sáng chế ở Việt Nam).

Đối với đội ngũ trí thức trong hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam từ khi có Nghị quyết 27-NQ/TW về cơ bản hệ thống tổ chức của Liên hiệp Hội Việt Nam đã phủ khắp 63 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương với 2 cấp. Cho đến nay, Liên hiệp Hội Việt Nam đã tập hợp được 86 Hội Khoa học Kỹ thuật chuyên ngành toàn quốc, hơn 450 tổ chức KH&CN trực thuộc với trên 1,5 triệu trí thức KH&CN tham gia. Cùng với đó, các hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội; phổ biến kiến thức KH&CN; tôn vinh trí thức KH&CN đã trở thành các công việc thường xuyên được xã hội quan tâm và đánh giá cao. Tuy nhiên, hoạt động của Liên hiệp Hội Việt Nam và các hội thành viên cũng còn tồn tại những bất cập, khó khăn cần tháo gỡ trong thời gian tới. Để công tác vận động trí thức có hiệu quả hơn, cần có những đề tài nghiên cứu sâu về hoạt động của các Hội trí thức trong đó cần thể hiện tính chính trị của tổ chức, đưa ra các giải pháp để lôi cuốn trí thức tự nguyện tham gia hoạt động của Liên hiệp Hội Việt Nam.

Dưới góc độ công tác tổ chức tại các Liên hiệp Hội địa phương trong những năm gần đây cho thấy, hệ thống bộ máy tổ chức và cán bộ của các tổ chức  này ở các địa phương vẫn chưa có sự thống nhất, đồng bộ. Mỗi địa phương có một mô hình tổ chức khác nhau, ở đâu lãnh đạo địa phương quan tâm thì ở đó Liên hiệp Hội địa phương được bố trí bộ máy tổ chức, số cán bộ hợp lý và ngược lại; có nhiều cơ quan Liên hiệp Hội địa phương chỉ có 3 hoặc 4 cán bộ, không có các ban chuyên môn, không có trụ sở làm việc, trang thiết bị thiếu thốn, cơ chế chính sách không rõ ràng, nhiều chế độ chính sách của Đảng và Nhà nước dành cho các tổ chức chính trị - xã hội thì Liên hiệp Hội không được hưởng chế độ như các tổ chức chính trị - xã hội khác. Việc triển khai Nghị quyết 27-NQ/TW ở mỗi địa phương có những mức độ và nội dung khác nhau; nhiều nội dung của Nghị quyết chưa được thể chế hoá bằng các giải pháp cụ thể, chưa khai thác hết tiềm năng của đội ngũ trí thức; nhận thức của một số cấp uỷ, chính quyền về vai trò, vị trí của trí thức nhìn chung chưa đầy đủ và thiếu nhất quán.

Tại diễn đàn khoa học, các đại biểu đã nêu lên nhiều khía cạnh khác nhau về thực trạng công tác vận động trí thức trong tình hình mới như vấn đề về thể chế hoá Nghị quyết 27-NQ/TW, nâng cao nhận thức của các cấp uỷ đảng về công tác cán bộ, về cơ chế tài chính cho công tác vận động trí thức và đề xuất những kiến nghị, giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 27-NQ-TW. Để làm tốt công tác tập hợp, vận động trí thức tích cực tham gia vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, trong thời gian tới đề nghị Chính phủ cần sớm xây dựng và ban hành Luật về Hội làm cơ sở pháp lý cho việc triển khai các hoạt động liên quan tới công tác vận động trí thức.

Những vấn đề đặt ra trong công tác vận động trí thức của Liên hiệp Hội  Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết 27-NQ/TW trong thời kỳ mới

           TS. Bùi thế Đức, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu ý kiến

Đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan trong đó có Liên hiệp Hội Việt Nam tiến hành tổng kết 10 năm góp phần đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TW, ngày 06/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X “về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” nhằm tiếp tục đẩy mạnh công tác vận động trí thức, phát huy tiềm năng trí tuệ của đội ngũ trí thức đóng góp có hiệu quả vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Cao Hồng Kỳ, Chủ tịch Liên hiệp Hội Hà Giang

Submit Thread to Facebook Submit Thread to Twitter Submit Thread to Google
icon Các tin tức khác
icon Hà Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024 triển khai nhiệm vụ năm 2025
icon Sáng tạo khoa học - công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam
icon Hội thảo tham vấn đề xuất dự án
icon Thảo luận mô hình tổ chức Liên hiệp hội các tỉnh, thành phố và kiến nghị giải pháp thực hiện trong tình hình mới
icon Giao ban Liên hiệp hội các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương năm 2024
icon Tình cảm và những lời căn dặn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với trí thức Liên hiệp Hội Việt Nam
icon Hội nghị BCH Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật lần thứ 6
icon Liên hiệp hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Hà Giang tập huấn chăm sóc cây Lê tại huyện Đồng Văn
icon Bàn giao hệ thống cấp nước sạch và nước uống trực tiếp do Hội Spejdernes Genbrug, Đan Mạch tài trợ
icon Hội thảo đánh giá công tác quản lý, sử dụng mô hình NTSH và hệ thống CNS, NUHĐ sau bàn giao và đề xuất giải pháp nhân rộng
Liên hiệp Hội Việt Nam
Quỹ hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam
bộ khoa học và công nghệ
Sở Khoa học và Công nghệ
Thiết kế website