LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT VIỆT NAM QUA CÁC KỲ ĐẠI HỘI

 Hướng tới kỷ niệm 40 năm thành lập Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (26/3/1983-26/3/2023), Ban Biên tập vusta.vn xin trân trọng gửi đến độc giả chùm bài viết: Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam qua các kỳ Đại hội

Bài 1: Quá trình vận động thành lập và Đại hội lần thứ nhất của Liên hiệp Hội Việt Nam

Trải qua quá trình lịch sử lâu dài của dân tộc, trí thức Việt Nam luôn luôn nêu cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc và có vai trò quan trọng trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Trong thời đại Hồ Chí Minh, trí thức nước nhà không ngừng phấn đấu hy sinh, hăng hái tham gia xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần đưa sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Nửa đầu của thế kỉ XX, nhiều tổ chức của trí thức đã được thành lập và phát triển rộng khắp như Hội Truyền bá Quốc ngữ (1938), Hội Văn hóa cứu quốc (1943), Hội Văn nghệ Việt Nam (1948) góp phần tích cực mở mang dân trí, giải phóng dân tộc, chấn hưng đất nước. Ngay sau ngày hòa bình lập lại trên miền Bắc hoàn toàn giải phóng đã ra đời một số hội của các nhà khoa học Việt Nam: Hội Luật gia Việt Nam (1955); Tổng hội Y –Dược học Việt Nam (1955); Hội Đông y Việt Nam (1957); Hội Phổ biến khoa học và kĩ thuật Việt Nam (1959). Tiếp theo đó, một mặt các hội phát triển tổ chức đến các địa phương, mặt khác nhiều hội khoa học- công nghệ mới tiếp tục hình thành và hoạt động, nhất là sau khi miền Nam giải phóng. Ngay trong năm 1975, Hội trí thức yêu nước đã được thành lập tại thành phố Sài Gòn.

tm-img-alt

Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thức I của
Hội Phổ biến Khoa học, Kỹ thuật Việt Nam

Sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo từ giữa những năm 80 của thế kỉ trước không những đã có tác dụng giải phóng lực lượng sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, mà còn tạo ra không khí cởi mở và thổi một luồng sinh khí mới vào các hoạt động xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho sự hình thành các hội khoa học và công nghệ. Trong vòng hơn hai thập kỉ, gần 50 hội và tổng hội khoa học và công nghệ đã được thành lập, cùng với hơn mười hội ra đời trước đó, đưa tập hợp các hội khoa học-công nghệ lên con số 66.

Song song với sự ra đời của các hội hoạt động trong các ngành khoa học-công nghệ khác nhau là xu thế tập hợp các hội khoa học và công nghệ ngành thành một tổ chức chung thống nhất. Tháng 3 năm 1965, Ủy ban Liên lạc lâm thời các hội khoa học và kĩ thuật Việt Nam được thành lập. Các nhà khoa học của thủ đô Hà Nội đã đi tiên phong thực hiện chủ trương này với việc thành lập Hội Liên hiệp khoa học- kĩ thuật Hà Nội (1982), sau này đổi tên thành Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội, liên hiệp hội địa phương đầu tiên trong cả nước.

tm-img-alt

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các đại biểu tham dự Đại hội lần thứ nhất

Đầu thập kỉ 80 của thế kỉ XX đã hội đủ những điều kiện cần thiết cho sự ra đời một tổ chức thống nhất của các hội khoa học và công nghệ. Trên cơ sở kết quả hoạt động của Ủy ban Liên lạc lâm thời các hội khoa học và kĩ thuật Việt Nam, ngày 26 tháng 3 năm 1983, tại khách sạn Bờ Hồ, Thủ đô Hà Nội, đại biểu của 14 hội khoa học và kĩ thuật Việt Nam và Hội Liên hiệp khoa học- kĩ thuật Hà Nội đã tổ chức đại hội thành lập Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (sau đây gọi tắt là Liên hiệp Hội Việt Nam). Đại hội đã thông qua Điều lệ và bầu ra Ban Chấp hành Trung ương Liên hiệp Hội Việt Nam, đứng đầu là các vị:

• GS.VS. Trần Đại Nghĩa - Chủ tịch

• GS.TSKH Nguy ễn Văn Hiệu - Phó Chủ tịch

• GS. Đào Văn Tập - Phó Chủ tịch

• GS. Lê văn Thới - Phó Chủ tịch

• KS. Lê khắc - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư kí • GS. Đường Hồng Dật - Phó chủ tịch kiêm Trưởng Ban Tổ chức-Cán bộ

• GS.TS Hà Học Trạc - Trưởng Ban kiến thức và ứng dụng tiến bộ KHKT vào SX và đời sống

• GS.TSKH Nguyễn Văn Đạo - Trưởng Ban Tuyên huấn và XB

• CN. Hồ Đắc Song - Trưởng ban Kinh tế.

Ngày 29-7-1983, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ra Quyết định số 121-HĐBT cho phép Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam chính thức thành lập và hoạt động. Liên hiệp Hội Việt Nam ra đời là nơi tập hợp và đoàn kết đội ngũ trí thức khoa học-công nghệ cả nước, điều hòa và phối hợp hoạt động của các tổ chức thành viên. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ nhất củaLiên hiệp Hội Việt Nam đã gây được tiếng vang lớn ở trong và ngoài nước.

Lê Công Lương – Lê Hồng

 

 

Bài 2: Đại hội lần thứ hai của Liên hiệp Hội Việt Nam

Với đường lối đổi mới toàn diện đất nước, trước hết là đổi mới tư duy trong lĩnh vực kinh tế, ĐH đại biểu toàn quốc lần thứ VI Đảng Cộng sản Việt Nam đã mở ra một thời kỳ phát triển mới của đất nước. Từ đây, không những sản xuất được mở mang, mà một luồng gió mới cũng được thổi vào đời sống xã hội, tạo những điều kiện thuận lợi mới cho sự phát triển các tổ chức nhân dân, trong đó có các hội KHCN..

tm-img-alt

Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các đại biểu tham dự Đại hội

Ngày 12 - 5 - 1988 tại Nhà hát Lớn (Hà Nội). Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II Liên hiệp hội Việt Nam đã khai mạc với sự tham gia của đại biểu 18 hội ngành toàn quốc và 5 liên hiệp hội địa phương.

Tham gia Đoàn Chủ toạ Đại hội có các đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp; Giáo sư Chủ tịch Trần Đại Nghĩa; Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Hữu; Giáo sư Phạm Như Cương; Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Văn Hiệu; Giáo sư Tiến sĩ Hà Học Trạc; Giáo sư,Tiến sĩ khoa học Nguyễn Trọng Hiệp và 3 vị khách quốc tế là các trưởng đoàn đại biểu Hội Kiến thức Liên Xô, Hội Phổ biến kiến thức Bungari và Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Liên Xô.

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và Đại tướng Võ Nguyên Giáo đã phát biểu tại Đại hội, toàn văn bài phát biểu đã đăng trên nhiều báo, tạp chí. Trong bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh có đoạn: “Đảng và nhân dân ta tự hào có một đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật đông đảo hàng chục vạn người, lòng đầy nhiệt huyết, muốn cống hiến nhiều cho xã hội, đưa đất nước mau chóng thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, tiến lên con đường văn minh, hạnh phúc. Trong đội ngũ đông đảo đó, có nhiều nhà khoa học và kỹ thuật tài năng, có những đóng góp to lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh cũng như cho bản thân sự nghiệp khoa học kỹ thuật của nước nhà. Hội cần phối hợp với ngành giáo dục và các bộ máy thông tin, báo chí truyền thông đại chúng tạo ra môi trường xã hội rộng lớn có đông đảo quần chúng nhân dân lao động trực tiếp tham gia và được đào tạo.

Trọng tâm công tác của Hội là tạo ra được phong trào quần chúng hoạt động khoa học kỹ thuật, góp phần đưa nhanh tiến bộ khoa học kỹ thuật phục vụ sản xuất và đời sống. Với sức mạnh tập hợp liên ngành và cách làm việc hợp tác năng động, Hội cũng có thể đảm đương được tốt chức năng phản biện và giám định xã hội”.

Với sự nhất trí cao, Đại hội đã thông qua báo cáo của Ban Chấp hành, Điều lệ (sửa đổi và bổ sung), Quy chế tổ chức và hoạt động của Liên hiệp hội Việt Nam. Kể từ sau Đại hội II, Liên hiệp hội Việt Nam có Hội đồng Trung ương và Hội đồng Trung ương có Đoàn Chủ tịch.

Thể theo nguyện vọng của đông đảo các nhà khoa học và các hội thành viên, Đại hội đã suy tôn Giáo sư Viện sĩ Trần Đại Nghĩa làm Chủ tịch danh dự Liên hiệp hội Việt Nam. Hội đồng Trung ương Liên hiệp hội Việt Nam gồm 49 uỷ viên, đại diện cho tất cả các hội thành viên, cơ quan trung ương Liên hiệp hội Việt Nam và một số cơ quan hữu quan. Hội đồng Trung ương đã bầu ra Đoàn Chủ tịch và Ủy ban Kiểm tra gồm 3 ủy viên.

Đoàn Chủ tịch Hội đồng Trung ương Liên hiệp hội Việt Nam, nhiệm kỳ II (1988-1993):

- GS.TS. Hà Học Trạc - Chủ tịch

- TS.Trịnh Văn Tự - Phó Chủ tịch kiểm Tổng thư ký

- TS. Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch

- GS.TSKH Vũ Tuyên Hoàng - Ủy viên

- GS.TSKH Nguyễn Trọng Hiệp - Ủy viên

- GS.TS. Chu Phạm Ngọc Sơn - Ủy viên

- TS. Mai Kỷ - Ủy viên

- PGS.TS. Nguyễn An Lương - Ủy viên

- GS. Phạm Xuân Nam - Ủy viên

(Từ năm 1990, Cử nhân Trần Cư thay TS.Trịnh Văn Tự nhận nhiệm vụ mới)

Lê Công Lương – Lê Hồng

Submit Thread to Facebook Submit Thread to Twitter Submit Thread to Google
icon Các tin tức khác
icon Cần chủ động ứng phó với đợt nắng nóng Elnino đỉnh điểm
icon Người đặt nền móng xây dựng Liên hiệp Hội Việt Nam
icon Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phát huy vai trò thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
icon Góp ý kiến cho Dự thảo Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi)
Liên hiệp Hội Việt Nam
Quỹ hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam
bộ khoa học và công nghệ
Sở Khoa học và Công nghệ
Thiết kế website